Xuân Dương
(Xuân Dương) - Biến đất nước thành “sân sau” cho bản thân và phe nhóm là tội rất
nặng, biến thành “sân sau” để nước ngoài bòn rút của cải và phá hoại là tội đặc
biệt nặng. Lò mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nhóm lên đã nóng, “củi tươi, củi khô, củi
vừa vừa” đều đang cháy, nhưng tốc độ cháy liệu có nhanh hơn tốc độ mọc của
những “hạt giống” đã được ủ trong lòng đất?
“Non sông yêu dấu có những người dân cần
lao yêu thương;
Đã bao máu xương đổ xuống quê hương cho
đồng lúa tốt…”
Không thể thống kê bao nhiêu máu xương đã đổ xuống quê hương cho người Việt
có cuộc sống hôm nay, điều có thể chắc chắn là non sông yêu dấu dẫu có những “người dân cần lao yêu thuơng” thì cũng có không ít
kẻ coi chính quyền chỉ là bình phong, tổ quốc chỉ là “sân sau” để đục khoét,
chia chác.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang chỉ
đạo Công ty Tân Thuận (thuộc quản lý của Thành ủy) bán cho Công ty Cổ phần Quốc
Cường Gia Lai hơn 30 ha đất tại Phước Kiển với giá 1,29 triệu đồng/m2 trong khi
thông tin cho hay giá đất tại đây thực tế gấp rất nhiều lần.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh (giai đoạn
2006-2011) chỉ đạo bán sân vận động Chi Lăng cho doanh nghiệp tư nhân Thiên
Thanh với giá 1.400 tỷ đồng, doanh nghiệp này chia sân thành nhiều mảnh để thế
chấp vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng. [1]
Cũng nên biết có trường hợp người dân thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng,
căn nhà giá thị trường cỡ 1,2 tỷ đồng được định giá 800 triệu đồng và ngân hàng
chỉ cho vay số tiền không quá 500 triệu đồng.
Vậy Ngân hàng định giá sân Chi Lăng bao nhiêu để cho Thiên Thanh vay tới
4.000 tỷ đồng?
Cảng Quy Nhơn theo Điều 2 Quyết định số 2190 ngày 24/12/2009 của Thủ tướng
Chính phủ là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực.
Ngày 13/7/2015, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện ký văn bản 1062
đề nghị Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng “Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cổ phần
hóa cảng Quy Nhơn bằng cách bán toàn bộ cổ phần của nhà nước do Tổng công ty
Hàng hải Việt Nam đang nắm giữ (49%) cho các nhà đầu tư chiến lược trong
nước”.
Kết quả là cảng Quy Nhơn bị bán với giá 404 tỷ đồng. [2]
Bán đất, bán cảng, bán tài sản quốc gia như bán mớ rau, bó cỏ, vậy trong
con mắt những Bí thư, Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng như Trần Văn Minh, Nguyễn Văn
Thiện, Đinh La Thăng,… tổ quốc phải chăng chỉ là mảnh đất sân sau, bán hay
không do họ tự quyết định?
Mới đây, phát biểu kết luận hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động
của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có ông
(người hay doanh nghiệp?) “Không những 1 sân
trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”.
Câu chuyện “sân sau” chắc chắn không chỉ người đứng đầu Chính phủ biết, và
chắc cũng không phải bây giờ dư luận mới biết.
Bốn năm trước trong bài “Binh pháp quan trường - kế thứ
chín: Lót ổ sân sau” tác giả cũng đã đề cập vấn đề này. [3]
Nói đến “sân sau” đương nhiên không thể không đề cập đến “sân trước”.
Tại Sài Gòn mấy năm trước, Giám đốc Công ty thoát nước đô thị nhận lương
2,6 tỷ đồng/năm tức là hơn 200 triệu đồng một tháng trong khi lương người lao
động trong các công ty công ích thành phố này chỉ từ 6-7 triệu đồng một
tháng.
Có thời gian công nhân vệ sinh còn bị nợ lương, phải nhịn ăn sáng để đi làm
vì chỉ được tạm ứng mỗi tháng 1-2 triệu đồng. [4]
Báo Infonet.vn đưa tin: “Có nhiều trường hợp
(doanh nghiệp nhà nước - NV) làm ăn thua lỗ, hiệu quả thấp nhưng vẫn hưởng
lương 50 đến 70 triệu đồng/tháng, thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng.
Trong khi đó, tiền lương của người lao
động không tăng, thậm chí còn giảm, tạo ra chênh lệch lớn về tiền lương, thu
nhập với người lao động”. [5]
Ngay tại “sân trước” nơi người lao động được xưng tụng là “ông chủ” còn bị
đối xử như thế thì tại “sân sau” họ có vai trò gì?
Nói doanh nghiệp nhà nước có “sân sau” có thể chỉ là một cách diễn giải
nhằm “giảm nhẹ nhân tai” bởi thực chất cái gọi là “sân sau” đó chỉ là của một
số người có vai, có vế, lợi nhuận thu về là của riêng họ chứ không phải của
những người làm công ăn lương.
Với không ít người, Tổ quốc không chỉ là “sân sau” mà còn là “phòng vip”
trước khi cất cánh định cư ở nước ngoài.
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam viết:
“Con người luôn phấn đấu vươn tới một
cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Đất lành, chim đậu”, chỉ có cách tăng
cường ưu thế quốc gia, biến tổ quốc trở thành đất lành, đất hứa thì dòng người
di cư chắc chắn sẽ ít hơn dòng người muốn đến, muốn trở về”. [6]
Nếu câu chuyện ở “sân trước” được một đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội miêu tả
“Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim” [7] thì phải chăng
đang tồn tại không ít trường hợp người ta dành “sân sau” làm “đất lành” cho
chim đậu?
Bao nhiêu dự án được xem là “đất lành” cho “chim ngoại” tha hồ nâng vốn,
đội vốn, kéo dài thời gian thi công mà điển hình có thể kể đến đường sắt trên
cao Cát Linh - Hà Đông hay cung đường 34.000 tỷ đồng Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa
dùng đã hỏng?
Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nêu ý kiến: “Không phải họ không có công nghệ cao (họ sản xuất robot đứng đầu thế giới
đấy) nhưng khi họ chuyển sang công nghệ cao thì sự thay đổi công nghệ, thay đổi
tư liệu sản xuất không dễ dàng và cách duy nhất là họ tìm cách tống sang Việt
Nam”. [8]
Biến tổ quốc thành “đất lành” cho những kẻ “tìm cách tống sang Việt Nam” những thứ lạc hậu, độc hại là lỗi của
ai?
Câu trả lời là của cả dân và quan nhưng lỗi chủ yếu là của quan chức, người
viết tin là thế.
Theo cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thì: “Vì lãnh đạo ta có tư duy nhiệm kì và chủ nghĩa thành tích rất nặng nề.
Các ông làm thế nào trong nhiệm kỳ của
tôi đạt được tăng trưởng kinh tế, còn hậu quả để lại thì ông sau chịu trách
nhiệm.
Đấy là tư duy nặng nề, chúng ta nói mãi
mà không thể thay đổi. Rất nguy hiểm”. [8]
Ông Tuyển nói không sai nhưng chưa đủ. Bên cạnh “tư duy nhiệm kì và chủ nghĩa thành tích” không thể không đặt
câu hỏi về những gì kèm theo các dự án, các hợp đồng nhập khẩu mà “các ông” đặt
bút ký đã trù tính.
Vụ án Dương Chí Dũng là
một ví dụ, mua chiếc ụ nổi giá trị thực chưa đến 5 triệu USD, đưa về đến Việt
Nam giá thành lên đến gần 20 triệu USD.
Vov.vn viết: “Ngay sau thương vụ giao dịch, đúng như hẹn ước, số tiền tham
ô 1,666 triệu USD được chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Hà, do Trần Thị Hải
Hà - em gái của Sơn làm giám đốc.
Số tiền này, Sơn đưa cho Dũng 10 tỷ đồng, đưa cho Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng
và đưa cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng.
Sơn cho Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 5 tỷ đồng, Sơn dùng
để chi tiêu cá nhân”. [9]
Biến đất nước thành “sân sau” cho bản thân và phe nhóm là tội rất nặng,
biến thành “sân sau” để nước ngoài bòn rút của cải và “tìm cách tống sang Việt Nam” những thứ lạc hậu, độc hại nhằm phá
hoại kinh tế, đầu độc sức khỏe người dân là tội đặc biệt nặng.
Chờ đợi để những kẻ có 14-15 sân sau hối cải, tự nguyện rửa tay đã nhúng
chàm liệu có phải sẽ là sự chờ đợi dài cả đời người, cũng tương tự câu nói “Con
đường từ lời nói đến việc làm là con đường dài nhất Việt Nam?”.
Lò mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nhóm lên đã nóng, “củi tươi, củi khô, củi
vừa vừa” đều đang cháy, nhưng tốc độ cháy liệu có nhanh hơn tốc độ mọc của
những “hạt giống” đã được ủ trong lòng đất?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.tienphong.vn/dia-oc/bi-ban-1400-ty-dong-san-van-dong-chi-lang-gio-ra-sao-1264362.tpo
[2]https://laodong.vn/kinh-te/vu-ban-cang-quy-nhon-nguyen-chu-tich-tinh-binh-dinh-noi-gi-629129.ldo
[3]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Binh-phap-quan-truong---ke-thu-chin-Lot-o-san-sau-post150245.gd
[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/cong-nhan-ve-sinh-bi-treo-luong-854864.html
[5]https://infonet.vn/lam-an-thua-lo-lanh-dao-dnnn-van-huong-luong-hang-tram-trieu-dong-post217499.info
[6]https://vov.vn/vov-binh-luan/vi-sao-nhieu-nguoi-viet-kha-giau-tim-cach-di-cu-ra-nuoc-ngoai-651747.vov
[7]https://laodong.vn/thoi-su/dat-lanh-chim-dau-nhung-chim-chua-dau-da-nhau-het-ca-chim-532692.bld
[8]https://vietnamfinance.vn/vi-sao-von-trung-quoc-o-at-vao-viet-nam-20170410225257136.htm
[9]https://vov.vn/phap-luat/vi-sao-duong-chi-dung-mua-u-noi-83m-qua-cong-ty-ap-296486.vov
Xuân Dương