04 octobre 2017

Tiếp tay cho những kẻ móc túi dân, đích thị là tội ác



Xuân Dương

 

 (GDVN) - Ai, cơ quan nào đã và đang tiếp tay cho kẻ xấu, cho doanh nghiệp làm ăn bất chính? Liệu có nên gọi hành động đó là hại dân, hại nước? 






Câu chuyện thứ nhất: BOT


Đây là câu chuyện từ người dân đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều biết, đều bức xúc. Tuy vậy, dù rất thận trọng thì báo điện tử Vov.vn cũng phải đặt nghi vấn: “Trạm BOT Cai Lậy: Lợi ích nhóm đang đặt trên lợi ích của dân?”.[1]

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2011 – 2015, toàn quốc có 71 dự án BOT giao thông thì 100% đều chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia.

Ai cũng có thể rút ra kết luận, rằng cơ quan chỉ định thầu là Bộ Giao thông Vận tải và pháp nhân trúng thầu đều là các doanh nghiệp tư nhân.


Cựu dân biểu, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong buổi tọa đàm “Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp” đã nói: “Không thể trấn lột người dân, bởi người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu.

Thế nhưng có vị đại biểu đương nhiệm, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng: “Phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo”.

Đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích của dân - như ý kiến trên Vov.vn, nói một cách dễ hiểu là tiếp tay cho nhóm lợi ích móc túi người dân, vậy chẳng lẽ chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi mà người ký quyết định tay trắng.

Ai đang tiếp tay cho ai móc túi dân? (Ảnh biếm hoạ trên laodong.com.vn)



Vấn đề là ai đang tiếp tay cho ai móc túi dân? Tìm câu trả lời cho câu hỏi này cần đến sự minh bạch của cơ quan công quyền, tiếc rằng cho đến nay, hình như sự minh bạch mới đạt được … một nửa.

Cái nửa đang được minh bạch ấy thì người Việt phần đông đều biết, đó là bước chân trên đường do các doanh nghiệp BOT quản lý, kể cả đường do thuế của mình góp làm nên nhưng bị “tráng chút men” BOT là phải dốc hầu bao.

Có chỗ người dân chỉ đi “ké” vài trăm mét vì đường bị rào chắn không có chỗ quay đầu cũng phải xì ra dăm chục, không lẽ vác xe nhảy qua hàng rào?

Nửa còn lại mà dân hầu như “tù mù” là chuyện các doanh nghiệp BOT giao thông đang tận thu, đang “trấn lột dân” nhưng vì sao họ lại được trao cho quyền “trấn lột” và ai trao cho họ?

Ngay người đại diện cho dân tại Quốc hội còn công khai tuyên bố là BOT không ảnh hưởng đến người nghèo, với những chiếc cọc chống như thế, việc các BOT yên tâm “trấn lột” chắc chưa có hồi kết!

Ông dân biểu bênh BOT giải thích thế nào khi dân chúng sống quanh các trạm thu phí BOT và chủ phương tiện vận tải đường bộ phản đối kịch liệt khiến cho nhiều chủ đầu tư phải hạ nhiệt dư luận bằng cách giảm phí hoặc miễn phí như tại Bến Thủy, Đại Yên, Pháp Vân - Cầu Giẽ,…

Với kết luận “Bộ Giao thông Vận tải đã “phù phép” các dự án BOT như thế nào?” [2] liệu đã đủ cơ sở chỉ đích danh cơ quan nào, người nào đang đã tiếp tay cho doanh nghiệp móc túi người dân?


Câu chuyện thứ hai: Sách giáo khoa


Biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa cả bốn cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho đến nay vẫn là độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sách giáo khoa phổ thông chỉ dùng được một năm, năm sau bỏ vì sách tái bản có thay đổi so với năm trước.


Hãy đọc thông báo bán sách VNEN được một tác giả sưu tầm: “Theo thông báo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách VNEN lớp 6 và lớp 7 năm học 2017-2018 có chỉnh lý so với năm học 2016-2017 vì thế cần đề phòng các nơi chào bán sách cũ không sử dụng được". [3]

Có chuyện hài hước thế này, mấy vị phụ huynh nộp tiền mua sách VNEN cho con hỏi nhau “Bác có biết VNEN nghĩa là gì không?”.

Một bà tỏ vẻ thông thạo: “Nghe nói các vị “VNEN trên” dặn “VNEN dưới” thế này: “VNEN là “Vơ nhiều em nhé” ”!

Mỗi năm cha mẹ học sinh phải bỏ ra có lẽ không dưới ngàn tỷ để mua sách giáo khoa cho con em, số sách giáo khoa ấy năm sau bán giấy vụn được 2.000 đồng một kilogam.

“Tệ (tiền) khúc” ấy lặp đi lặp lại trong hàng chục năm, nghĩa là hàng chục ngàn tỷ biến thành giấy vụn.

Dân có xót ruột thì xót, người khác thấy đó là bình thường, đã là cơ chế thị trường thì phải chấp nhận “luật chơi”, phải chấp nhận bị “trấn lột” như BOT giao thông chứ chẳng lẽ giáo dục là một ốc đảo không bị lây nhiễm “phong cách thị trường”.

Lợi nhuận khủng trong việc kinh doanh sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đương nhiên không thể “vượt tầm kiểm soát” của cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tệ lạm thu đầu năm học tại các trường mầm non, tiểu học và phổ thông đã được đặt lên bàn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quốc hội và chính quyền cấp huyện, tỉnh.

Đã có người bị kỷ luật, người xin ra khỏi ngành, đã có các cuộc phản đối đông người diễn ra trước cổng trường vì sao sau nhiều năm vẫn chưa chấm dứt?

Ngoại trừ mảng chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, toàn bộ công tác nhân sự, đoàn thể, tài chính do chính quyền địa phương quản lý.

Vậy đã đủ cơ sở chỉ đích danh cơ quan nào, cấp nào đang tiếp tay cho doanh nghiệp và không ít lãnh đạo trường học móc túi người dân?


Câu chuyện thứ ba: Đóng tàu cá vỏ sắt cho ngư dân


Sau ba năm triển khai, 40 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đã bị hỏng là thống kê trên báo Vnexpress.net. Giá tiền các tàu này dao động từ 15 đến 20 tỷ đồng một chiếc.

“Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ: Họ đã phản bội ngư dân”; “Dư luận bức xúc, phẫn nộ trước những chiếc tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 Chính phủ của ngư dân Bình Định chưa ra khơi đã nằm bờ bởi sự làm ăn dối trá, bất nhân”;

“Lợi ích nhóm làm mờ mắt đăng kiểm”; “19 tàu vỏ thép “trọng bệnh” khắp hết mình mẩy và nằm bẹp tại cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định”; … chỉ là phần nhỏ trong vô số ý kiến mà các phương tiện truyền thông đăng tải.

Tham gia đóng tàu cá vỏ sắt cho ngư dân có một số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp công ích thuộc một bộ (doanh nghiệp đóng tàu Nam Triệu).


Trong chuyện này, không chỉ ngư dân bị móc túi vì mua phải đồ rởm mà an ninh quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi lẽ 40 tàu vỏ sắt là một hải đội mạnh, là những cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển.

Các ngư dân không chỉ mang về nguồn lợi hải sản mà còn là chiến sĩ đúng nghĩa trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Móc túi ngư dân tuy là chuyện lớn song vẫn chưa lớn nếu so sánh với việc làm suy yếu chủ quyền quốc gia, làm sai lệch một chủ trương quan trọng của Chính phủ.

Một trong những cơ quan đóng góp “quyết định” vào hành động lừa dân, hại nước này là Cục đăng kiểm phương tiện thủy thuộc Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Với lý do tàu dài trên 20m thì quyền đăng kiểm thuộc cấp cục trong khi cục này chỉ có một nhóm nhỏ cán bộ nhưng lại “bao sân” cả nước.

Những lĩnh vực nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến tương lai đất nước, đến chủ quyền quốc gia.

Vậy qua mấy câu chuyện đã nêu, liệu đã đủ cơ sở chỉ đích danh ai, cơ quan nào đã và đang tiếp tay cho kẻ xấu, cho doanh nghiệp làm ăn bất chính, liệu có nên gọi hành động đó là hại dân, hại nước?


Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương

Nguồn: Theo GDVN