Chợ đêm Luang Prabang. Khách du lịch mua đồ sẽ không lo bị lườm, nguýt và đốt vía |
Quá dựa vào tài nguyên
PV: - Thưa ông, trong một bài viết của
mình ông đã đưa ra nhận định du lịch Việt Nam đang bị tụt hậu. Dù mở cửa phát
triển trước nhưng Việt Nam đang để Lào và Campuchia vượt mặt. Xin ông có thể
cho biết dựa trên cơ sở nào để ông đưa ra nhận định này?
Ông Nguyễn Văn Mỹ: - Tôi là người làm
trong ngành du lịch nhiều năm, đã đi rất nhiều nơi và chắc chắn có đủ căn cứ để
đưa ra nhận định này.
Tôi không đồng ý tô hồng nhưng cũng không
được bôi đen về bất cứ điều gì, nhất là trong việc liên quan đến hình ảnh quốc
gia trong con mắt những người ưa khám phá những vùng đất mới. Tuy nhiên có
những sự thật buộc chúng ta phải nhìn thẳng để cùng tìm giải pháp thoát ra.
Trước hết, nói du lịch Lào, Campuchia đang
qua mặt Việt Nam chúng ta phải nhìn từ con số.
Nếu như năm 2000, Campuchia mới đón hơn
400 nghìn lượt khách, thì sau 14 năm con số này đã tăng gấp 10 lần (hơn 4,5
triệu). Con số tương tự tại Lào cũng tăng từ trên 700.000 lượt khách lên hơn 4
triệu.
Trong khi đó Việt Nam đã mở cửa từ lâu
nhưng năm 2014 cũng chỉ có gần 8 triệu lượt khách.
Lượng khách xét theo tỉ lệ dân số du lịch
Việt Nam hiện nay về mặt hiệu quả chỉ hơn được 2 nước là Indonesia mà Myanmar.
Nếu không thay đổi, coi chừng mấy năm nữa,
du lịch Việt Nam chỉ còn hơn Brunei và Đông Timor.
PV: - Theo ông vì đâu lại có tình trạng
trên?. Ông có những ví dụ cụ thể nào để minh chứng cho điều này?
Ông Nguyễn Văn Mỹ: - Có điều này
trước hết có lẽ do Việt Nam quá dựa vào tài nguyên nên không chịu khó nghĩ ra
cách làm mới, sáng tạo để vượt lên, thậm chí còn lãng phí.
Ngược lại Lào và Campuchia giống như con
nhà nghèo chịu khó làm lụng và tiết kiệm. Từ cái nhỏ đến cái lớn và họ thành
công.
Hơn nữa khác biệt của Việt Nam và Lào,
Campuchia thể hiện rõ nhất đó là tính tự chủ. Vì vậy mọi sự sáng tạo, cố gắng
và ý thức được thể hiện trong công việc của họ làm thế nào đó để được tốt nhất
và bền vững.
Hai nữa là nhà nước chỉ quản lý, không ôm
đồm kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Cũng không thấy những trụ sở hoành
tráng, đang đua nhau khoe của...
Tôi từng đi một xuyên Lào rồi sang
Campuchia nhưng suốt 1500km không có một trạm thu phí. Ngược lại ở Việt Nam
trạm thu phí dày đặc.
Xe của họ đi không cần bóp còi, công an
chỉ dừng xe khi có dấu hiệu sai phạm rõ rệt. Xe đậu đầy đường mà không
lo trộm cướp bẻ gương. Còn Việt Nam nếu để như vậy chắc chắn bị bẻ
gương, trộm đồ.
Đặt câu hỏi vì sao họ không ai
dám trộm vặt như vậy? Vì luật pháp của họ rất nghiêm. Cái gốc do con
người (cơ chế, luật pháp và văn hóa đều do con người).
Ở Viên Chăn xe hơi nhiều, chạy như châu Âu
có đường không cho phép đối đầu trực diện. Có lối riêng cho người đi bộ.
Còn nhà vệ sinh cách đây 6 năm trong một
lần tôi đưa các lãnh đạo cũng có tên tuổi đi vào Luang FraBang, tới một làng
nhà cửa rất lụp xụp. Khi đó lo nhà vệ sinh không đảm bảo tôi đã khuyên khách
không nên đi vào. Thế nhưng người hướng dẫn ở đây cho biết mọi
thứ rất sạch.
Đúng là khi đi vào đó mới thấy nhà vệ sinh
của họ chỉ làm bằng xi măng nhưng sạch tinh.
Rồi có những khu du lịch như Đảo
Rong Samloem ở Campuchia (cách Sihanoukville 25 km) đẹp hoang dã, biển sát rừng
nguyên sinh. Hàng chục doanh nghiệp đầu tư, kiểu du lịch sinh thái đúng nghĩa,
toàn nhà tranh vách ván. Không internet, không máy lạnh, tủ lạnh; điện máy phát
thường có từ 18 - 24 giờ hàng ngày.
Vậy mà khách Tây cứ đầy ắp, ở cả tuần, giá
đắt gấp 3 - 4 lần trên đất liền. Nhà hàng Manichan ở Vang Vieng (Lào) thiết kế
trang nhã nhưng không có máy lạnh, để giữ nguyên hương vị các món ăn. Nhà vệ
sinh bên cạnh lại gắn máy lạnh tinh tươm, có cả nến trầm và hoa thơm dịu nhẹ.
Nguồn: Theo Báo Đất Việt