Có lẽ trong đời làm thầy thuốc, chưa bao giờ bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung nghĩ tới giờ phút mình phải làm "cái bang"- đứng giữa chợ huyện Vị Xuyên. Ảnh minh họa: suckhoedoisong |
Chỉ có điều, vì thế xã
hội rất khó phát triển, và khát vọng hóa rồng của nước Việt thật…. xa
khơi.
Xin được mượn cái tít
bài của nhà báo Hoàng Linh cho bài viết này. Bởi câu chuyện mới xảy ra gần đây
tại phiên chợ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) quả là ấn tượng, lay động sâu sắc tận
tâm can mọi người. Ở đây là tấm lòng của các bác sĩ Bệnh viện huyện Vị Xuyên nói
chung, của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc bệnh viện nói riêng. Giữa
thời buổi lòng người đầy hoài nghi nhau bởi hai chữ kim tiền.
"Có anh đời
còn... dễ thương"
Chuyện bắt đầu từ công
việc nghề nghiệp của họ: Sản phụ trẻ Phàn Thị Thẩy, 20 tuổi, người dân tộc Dao
sinh con lần thứ hai. Vào giờ phút thai nhi ra đời, các thầy thuốc ngỡ ngàng
trước một tình huống bất ngờ- thai song sinh. Oái oăm thay, hai bé dính nhau ở
phần bụng. Tư thế dính khiến cho các bé không thể bú mẹ như bình thường, và
cũng không thể phát triển lành mạnh như mọi đứa trẻ.
Ai cũng biết, xưa nay
bệnh viện huyện, lại là ở tỉnh miền núi cao và nghèo như Hà Giang, đến máy siêu
âm vẫn là máy đen trắng, nhiều thiết bị kỹ thuật vẫn còn rất thô sơ, thì việc
phẫu thuật cho hai bé song sinh dính nhau- không chỉ đòi hỏi tay nghề chuyên
môn cao, mà còn đòi hỏi các phương tiện thiết bị kỹ thuật, điều kiện chăm sóc
đặc biệt.
Mà muốn cứu được hai
bé, chỉ có cách chuyển các bé về Hà Nội, nơi có các bệnh viện phương tiện kỹ
thuật cao cấp và bảo đảm.
Nhưng gia đình sản phụ
Phàn Thị Thẩy quá nghèo. Gặng hỏi mãi, mới biết trong túi người chồng, chỉ
có... 200.000 đồng. Mà nếu có vay mượn bà con làng bản, may ra chỉ được 02
triệu. Vì họ cũng nghèo như nhau. Đường về Hà Nội thì quá xa xôi. Và còn không biết
bao nhiêu khâu, dịch vụ đều cần đến đồng tiền.
Trong khi sự sống của
hai bé song sinh không thể chờ đợi
Có lẽ trong đời làm
thầy thuốc, chưa bao giờ bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung nghĩ tới giờ phút mình phải
làm "cái bang"- đứng giữa chợ huyện Vị Xuyên, mặc bộ áo Blouse trắng,
trưng tấm biển dán hình hai bé song sinh, để xin tiền khách đi chợ lại qua,
mong chờ vào sự cứu giúp của những tấm lòng đồng loại.
Chiếc áo Blouse trắng
đó là vật "làm tin".
Quả thật, việc làm bột
phát và khẩn cấp của người thầy thuốc không quản ngại sự sĩ diện hay thị phi,
và cũng không còn cách nào, như anh nói- lúc đó chẳng nghĩ được gì khác- đã
giúp cho hai bé song sinh nhanh chóng được chuyển về Hà Nội. Dư âm của việc làm
tử tế đó lay động các trang mạng xã hội đến hôm nay. Còn người viết bài thực sự
đã khóc khi nhìn bức ảnh và đọc câu chuyện.
Thương số phận những
người nghèo. Và thương quá việc làm của người bác sĩ trong cơn hoạn nạn của
bệnh nhân.
Sống trong đời sống
cần có một tấm lòng. Ca từ của nhạc sĩ họ Trịnh, may mắn thay, dường như vẫn hiển hiện trong
đời sống này, chẳng phải để gió cuốn đi, mà là để cuốn mọi
tấm lòng vào những tấm lòng trắc ẩn trước số phận bất hạnh của con
người, nhất là các bé em không may.
Và rồi, đứng ở phiên
chợ vùng cao, làm "cái bang" bất đắc dĩ với chiếc áo Bouse trắng
tinh, trong 02 giờ, người bác sĩ đã nhận được của cộng đồng gần 7,5 triệu đồng,
số tiền đủ cho gia đình người sản phụ trẻ đưa con về kịp Hà Nội trong ngày.
Theo Tuổi trẻ, ngày 16/7, cho tới hôm nay, nhờ các trang mạng xã hội, nhờ những
tấm lòng kết nối, chia sẻ, số tiền giúp đỡ mẹ con sản phụ Phàn Thị Thẩy đã là
40 triệu đồng. Các y bác sĩ của bệnh viện đã giúp sản phụ Phàn Thị Thẩy có
riêng một tài khoản ngân hàng đầu tiên trong đời, để chị có thể tiếp tục nhận
được những tấm lòng của các nhà hảo tâm.
Cũng theo báo này,
được thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã tặng bằng khen
cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, và yêu cầu Bệnh viện Việt- Đức tạo mọi điều kiện
tốt nhất để chăm sóc cho hai bé.
Hẳn bác sĩ Nguyễn Ngọc
Chung lại thêm một bất ngờ. Còn người viết bài này chỉ nghĩ tới ca từ bất hủ
của nhạc sĩ Phạm Duy may mà có anh (em) đời còn dễ thương.
Nhưng khi câu chuyện
cảm động làm "cái bang" để cứu người của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung và
các y bác sĩ Bệnh viện huyện Vị Xuyên khép lại, cũng là lúc mở ra cho ngành y
nói chung, các bệnh viện nói riêng một vấn đề cần cả xã hội chung tay chia sẻ,
giải đáp. Đó là tình huống có những bệnh nhân nghèo phải cấp cứu mà không có
tiền, cũng không biết nương tựa vào đâu, số phận họ sẽ ra sao? Mà người viết
tin rằng những phận nghèo không may này cũng không ít!
Vì đâu phải lúc nào họ
cũng có thể gặp được tấm lòng "cái bang" như của bác sĩ Nguyễn Ngọc
Chung?
Lòng tham tàn tệ
Đối lập với việc làm
đầy tính thiện đó của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, là những thông tin dù là chuyện biết
rồi khổ lắm, nhưng vẫn phải nói.
Đó là quốc nạn tham
nhũng, đã tàn phá không thương tiếc nền tảng kinh tế- văn hóa- đạo lý xã hội
này, dẫn đến di họa lớn nhất, là tàn phá niềm tin của người dân. Những thông
tin mà đọc lên ai cũng phải bất bình.
Sao không bất bình
được. Bởi những con số tham nhũng và chống tham nhũng hệt những cặp đôi... cọc
cạch, so le.
Tại Hội nghị toàn quốc
tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, theo ông Thổng Thanh tra
CP, dù có nhiều cố gắng, nhưng tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp,
xảy ra ở nhiều cấp nhiều ngành nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi (Tiền
phong, ngày 12/7).
10 năm qua, thiệt hại
do các vụ việc tham nhũng đã gây ra, được phát hiện là 59.750 tỷ đồng, trên 400
hecta đất. Nhưng số tiền thu hồi cho Nhà nước rất khiêm tốn- chỉ mới 4.676, 6 tỷ
đồng và trên 219 hecta đất.
Cũng theo ông Tổng
TTCP, việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang nặng tính hình thức, quy định về
nộp lại quà tặng cũng... rứa, hiệu quả thấp và trên thực tế rất khó kiểm soát.
10 năm qua, mới xử lý kỷ luật được 17 người kê khai tài sản không trung thực,
10 cán bộ nhận quà biếu bị xử lý.
Người viết bài không
nêu các giải pháp, vì nó hiện diện quá nhiều trên mặt các bài báo đã viết.
Chỉ hoài nghi, thắc
mắc một điều:
Vì sao đôi chân tham
nhũng thì khỏe, chạy nhanh, chạy mạnh, xoay quay các lợi ích nhóm, còn đôi chân
công khai, minh bạch, nắm tận gốc các thu nhập quan chức trong đối tượng công
khai tài sản, lại như bị... liệt?
Vì sao, đôi chân cải
cách thể chế kinh tế, (nhằm hạn chế cơ chế xin cho của khu vực kinh tế nhà
nước, mảnh đất dưỡng sinh tham nhũng, lợi ích nhóm) lại yếu và bước đi chậm
chạp đến vậy?
Vì sao, đôi chân cải
cách hành chính, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hạn chế tệ nạn
tham nhũng nơi công quyền lại yếu và chậm chạp không kém? Thậm chí nhiều nơi bộ
máy công quyền có xu hướng mắc bệnh "béo phì".
Lỗi tại ai? Hay tại
dân? Những người dân gánh hàng nghìn loại phí, lệ phí/ năm tưởng không thể ...
thở nổi?
Nơi này, một bác sĩ
phải làm "cái bang" để xin tiền người dân cấp cứu đồng loại. Nơi kia,
các quan chức tham nhũng, đục khoét quốc gia, tàn phá xã hội, khiến quốc gia
phải tủi hổ đứng trong xếp hạng thấp của văn minh nhân loại.
Nhưng xét cho cùng, dù
giầu có và nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, họ mới chính là những "cái
bang"- theo đúng nghĩa của từ này- về nhân cách công dân. Sự giàu nghèo
trong xã hội, đôi khi không thể tính bằng nhà lầu, xe hơi.
Chỉ có điều, vì thế xã
hội rất khó phát triển, và khát vọng hóa rồng của nước Việt thật…xa khơi
Kỳ Duyên/(Tuần Việt Nam)