TTO - Không chỉ hộ chiếu, Trung Quốc còn cho xuất bản các bản đồ, sách giáo
khoa và những đồ dùng khác có hình “đường lưỡi bò” phi pháp.
Mục đích của Trung Quốc là để tuyên truyền chủ quyền biển đảo cho
người dân, nhằm bẻ cong luật pháp quốc tế và “phát loa” những luận điệu nhàm
tai hòng đánh lừa dư luận.
Tất nhiên, nguy hiểm nhất vẫn là thủ đoạn để hàng triệu công dân của mình
sử dụng mẫu hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” phi pháp đi du lịch khắp nơi
trên thế giới. Và Việt Nam, Philippines đã kiên quyết không đóng dấu thị thực
cho những công dân Trung Quốc mang hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò” này, vì nếu
không thì chẳng khác nào thừa nhận tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.
Giáo sư Jonathan London (nhà nghiên cứu về các vấn đề châu Á, hiện đang
giảng dạy ở Đại học Thành thị Hong Kong) bình luận rằng tấm hộ chiếu này là một
trong những hệ quả xấu đến từ quyết định quảng bá lập trường sai trái của Bắc
Kinh về các tranh chấp biển.
Ông Jonathan London cho rằng các bản đồ, hộ chiếu, sách giáo khoa và những
đồ dùng khác có hình “đường lưỡi bò” phi pháp trông hết sức phản cảm đối với
người dân các quốc gia khác tin tưởng vào một trật tự quốc tế dựa trên các
nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh việc dùng các hình thức trên để tuyên truyền “đường lưỡi bò” phi
pháp, Trung Quốc cũng thường xuyên có những hành vi không đúng mực khác.
Còn nhớ chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng
Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã lập tức phát ngay tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng
Anh và tiếng Hoa, cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật về Biển Đông cho các đại
biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Giáo sư Ken Jimbo từ Đại học Keio (Nhật), một trong những đại biểu quốc tế
dự hội nghị này, cũng cho rằng Trung Quốc không nên có hành động tuyên truyền
lén lút như thế tại một diễn đàn đối thoại mở như Shangri-La.
Căn cứ lịch sử và pháp lý của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương đưa
ra để thể hiện chủ nghĩa bành trướng của nước này cuối cùng cũng bị Tòa trọng
tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển
1982 (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết được công bố chiều 12-7.
Ngay sau đó, nhiều quốc gia đã ra thông cáo yêu cầu Trung Quốc tuân thủ
phán quyết và tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc tìm kiếm các giải pháp
giải quyết tranh chấp trên biển.
Cách đây ba năm, trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon,
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình dõng dạc nói: “Để trở thành một thành
viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không chỉ đòi hỏi sức mạnh,
mà còn phải có trách nhiệm và Trung Quốc sẵn sàng gánh vác trách nhiệm này”.
Nhưng cũng chính ông Tập tuyên bố không chấp nhận những quan điểm hoặc hành
động dựa trên phán quyết về “đường lưỡi bò” của Tòa trọng tài được thành lập
theo Công ước của Liên Hiệp Quốc? Rõ ràng Trung Quốc vẫn nói một đằng và làm
một nẻo.
Và việc bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài, những hành xử không giống ai
nhằm tuyên truyền “đường lưỡi bò” phi pháp và các hành vi ứng xử thiếu chuẩn
mực khác cho thấy Trung Quốc không xứng đáng với tầm vóc của một cường quốc có
trách nhiệm trong khu vực, như nhiều quan chức và học giả của nước này vẫn
thường đi rêu rao khắp thế giới.
QUỲNH TRUNG
Nguồn: Theo Tuổi Trẻ