25 juillet 2016

Chả lẽ lại là pháp … “lệ” thượng tôn?


* KỲ DUYÊN

Có câu nói cũ của ai đó xin được nhắc lại, ở Việt Nam, con đường dài nhất không phải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, mà là con đường từ lời nói đến hành động.

Quốc gia nào cũng vậy, luôn phải đề cao pháp luật thượng tôn, để điều chỉnh, răn đe và xử lý sai phạm của con người. Việt Nam là quốc gia đang trên đường phát triển và hội nhập, càng không thể đứng ngoài vòng … cương tỏa đó.
 



Phép vua thua đồng tiền?

Điều đó không chỉ đòi hỏi người dân, mà còn đòi hỏi cả các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài khi đã đầu tư vào Việt Nam, đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhập gia tùy tục là vậy!

Nhưng chưa thấy tùy tục, đã thấy phá… tục!

Cả nước chưa nguôi nổi vụ cá chết ở Vũng Áng, nơi có công ty Formosa tọa lạc, mà sự phá hủy môi trường biển, môi trường sống của con người chưa biết bao giờ mới khắc phục nổi. Trước đó 08 năm, cả nước bừng bừng phẫn nộ vụ Công ty Vedan lén lút xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải (Đồng Nai).

Nhưng hóa ra, không chỉ có Vedan, không chỉ có Formosa, mà có rất nhiều những doanh nghiệp khác vẫn "thích" đi theo vết xe đổ kiểu này.

Nạn nhân của những doanh nghiệp "thích" đi theo vết xe đổ là con sông Hậu, và cư dân sống hai bên bờ sông của miệt đồng bằng Nam bộ.  Vì con sông bỗng là nơi ngày ngày chứa lượng nước xả thải chưa xử lý của Nhà máy Giấy Lee &Man, của các Công ty Huy Việt, TNHH Ấn Độ Dương, TNHH MTV Ecotech Cần Thơ, Công ty THHH MTV Hồng Lĩnh… Theo báo Đất Việt, ngày 16/7, các công ty này đều đã từng chịu phạt vì xả thải chưa xử lý ra sông.

Gọi là "thích" bởi số tiền phạt với các công ty, vô tình chỉ như một chất kích thích để họ tiếp tục vi phạm. Càng bị phạt, càng… nghiền.

Tỷ như, Công ty Huy Việt, năm 2011, bị phạt 370 triệu đồng; năm 2016, bị phạt 800 triệu đồng. Công ty TNHH Ấn Độ Dương, năm 2008 bị phạt 48 triệu đồng, năm 2015, bị phạt 312 triệu đồng. Hay Công ty TNHH MTV Ecotech Cần Thơ bị  phạt 904 triệu đồng. Công ty TNHH MTV Hồng Lĩnh bị xử phạt 1,3 tỷ đồng.

Thế nên, con sông có cái tên Hậu rất đẹp, mà xem chừng số phận không có… hậu. 
 
 

Vì sao?

Một vấn đề rất cốt tử của mọi dự án khi đầu tư và hoạt động là phải “báo cáo đánh giá được những tác động đến môi trường”- (ĐTM). Không chỉ có Formosa, trước đó, ĐTM của một số dự án như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (đã bị bác), Nhà máy giấy Lee &Man…, đều rất sơ sài. Bản chất của những sai phạm của các ĐTM đó nằm ở sự khác biệt mà các chuyên gia đã chỉ ra: Thế giới họ coi báo cáo ĐTM là cơ sở để cấp phép đầu tư, còn Việt Nam lại coi đó là cơ sở để quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Thế nên ĐTM đã sơ sài, mà thẩm định xong là quản lý của ngành chức năng… OK, có thể buông tay, mặc cho họ muốn dọc ngang trời đất gì thì dọc ngang.

Không rõ các ĐTM của các doanh nghiệp dọc sông Hậu ra sao, nhưng có một thực tế rất giống nhau giữa các doanh nghiệp, mà Ts Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu đã chỉ ra: Do sợ tốn kém, các doanh nghiệp không chịu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, mà sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để tồn tại.

Trong khi đó, phía chính quyền cơ sở, do tâm lý phát triển bằng mọi cách, chỉ nhìn thấy đồng tiền thuế của họ đóng góp cho ngân sách địa phương, nên dễ dãi chấp nhận sự vi phạm, đồng ýphạt để tồn tại.

Phạt để tồn tại tự lúc nào, đã không còn mang tính luật định (phạt hành chính) mà thực chất nó đã bị lợi dụng không thương tiếc, tận dụng triệt để như một cái “lệ” không văn bản, ông rút chân giò bà thò chai rượu; úm ba la, đôi ta cùng lợi.

Nói các công ty nhập gia phá… tục, nhưng ở góc độ khác, họ cũng lại nhập gia “tùy tục” một cách tinh vi, khi muốn thả con săn sắt bắt con cá rô.

Cũng có một vụ việc liên quan đến nước, có điều đây là câu chuyện về nước sạch trong đường ống. Hệ quả vỡ đường ống dẫn nước sạch tới 18 lần, làm hàng trăm nghìn hộ dân Hà Nội mất nước sinh hoạt, thiệt hại lớn đến tài sản doanh nghiệp, phải chi phí sửa chữa tới 13,458 tỉ đồng, đã đưa một loạt các vị cựu quan chức Vinaconex liên quan đến vụ việc nổi tiếng và tai tiếng này, tới… Luật Hình sự.

Đường ống nước sạch Sông Đà vỡ lần 13. Ảnh: Hoàn Nguyễn (Newzing)
 

Theo Tuổi trẻ, ngày 19/7, hành vi sai phạm này đã được cơ quan điều tra xác định- “không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực để cung cấp sản phẩm composite không đảm bảo chất lượng, khiến công trình liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật! Điều 07 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã trở thành câu “kinh điển”, mang ý nghĩa “nguyên lý pháp luật”của nhiều quốc gia trên con đường hướng tới Văn minh, trong đó có nước Việt.

Ấy vậy mà - nói vậy, hành động có vẻ… không phải vậy!

Bởi mới đây dư luận xã hội sững sờ trước thông tin, kết luận điều tra bổ sung vụ án của cơ quan chức năng đã không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo Vinaconex. Với đủ thứ lý do“khai báo thành khẩn, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng. Người chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trái pháp luật đã mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu”v.v. và vv...

Khỏi phải nói, dư luận xã hội bất bình ra sao. Thẳng thắn và có nhiều ý kiến xác đáng nhất lại là những cựu đại biểu và ĐBQH như Lê Văn Cuông, Bùi Thị An, Trương Trọng Nghĩa; những luật sư có tên tuổi như Trần Quốc Thuận, Trần Đình Triển…. Họ từng hoặc là những ĐBQH đại diện cho tiếng nói của dân, những luật sư dày dạn trong ngành tư pháp hiểu rõ đúng sai, hay dở trước những vụ án liên quan đến lợi ích cộng đồng.

Xin hãy nghe quan điểm của họ: Không thể miễn truy tố với một số đối tượng, tạo tiền lệ xấu, không đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín của luật pháp Việt Nam. Những việc làm tùy tiện ngay ở chính các cơ quan pháp luật khiến dư luận xã hội bức xúc. Còn vấn đề về nhân thân hay khai báo thành khẩn, chỉ là những tình tiết để giảm nhẹ tội chứ không phải để miễn tội.

Hoặc: Tại sao một người dân vi phạm thì xử lý nghiêm, còn cán bộ thì lại xử theo cách rất “khác”? Chúng ta thường nói không có “vùng cấm” trong việc xử lý cán bộ, tại sao, trong vụ việc này, cơ quan thực thi pháp luật lại khiến người dân nghi ngờ về tính minh bạch khi thực thi nhiệm vụ? Đó không phải “vùng cấm” thì là cái gì?” (GDVN, ngày 20/7).

Những câu hỏi liên tiếp đặt ra. Đòi hỏi sự công bằng chính đáng.

Dư luận xã hội còn chưa quên vụ án 03 nông dân bị 13 năm tù vì ăn trộm 02 con vịt, chưa quên vụ chủ quan café Xin Chào dựng chòi vịt trên đất nông nghiệp mà có nguy cơ bị khởi tố.

Chả lẽ cùng một nền tư pháp, nhưng xử lý lại nhất bên trọng nhất bên khinh? Chỉ vì một bên là quan chức, một bên là dân đen?

Đó là pháp luật hay chỉ còn là pháp “lệ”?

Có câu nói của ai đó xin được nhắc lại, ở Việt Nam, con đường dài nhất không phải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, mà là con đường từ lời nói đến hành động.

Con đường đó, nếu cứ tồn tại mãi trong đời sống, thì Văn minh sẽ ngửa mặt mà cười: Trời đã sinh ra ta, lại còn sinh ra…. người Việt?

Chả lẽ lại là pháp “lệ” thượng tôn?

Kỳ Duyên/(Tuần Việt Nam)