29 juillet 2016

Vụ Formosa: Tồn tại hay không tồn tại?



 

 
 Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 21.7.2016, đại biểu Trần Hoàng Ngân thuộc đoàn đại biểu TP.HCM nêu rõ quan điểm: “Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Môi trường… phải tăng cường giám sát để trả lời thoả đáng cho cử tri dự án này có xứng đáng tồn tại hay không, theo tôi là không”. Quả thật, với những sự kiện đã qua và gần đây, vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của Formosa cần phải được xem xét…
 
 


Thực ra, vấn đề nêu trên đã được Chính phủ xem xét một lần ngay khi công bố kết quả điều tra vụ xả thải làm ảnh hưởng môi trường của Formosa vào ngày 30.6.2016. Lúc đó, sau ba tháng điều tra khó nhọc với hàng trăm nhà khoa học, các cơ quan hữu trách mới đưa ra được các chứng cứ thuyết phục khiến cho những người lãnh đạo dự án Formosa phải cúi đầu xin lỗi và đưa ra mức bồi thường. Và trong cuộc họp báo công bố kết quả điều tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có kết luận bằng cách dẫn câu châm ngôn: “Đánh người chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”.

Thế nhưng, ngay từ thời điểm đó, nhiều người đã đặt vấn đề về tư cách của “người chạy lại” Formosa. Những hành xử của ban lãnh đạo Formosa không cho thấy họ là những người vô ý phạm lỗi và thực sự hối lỗi phục thiện. Ngay sau phát ngôn trịch thượng “chọn cá hay chọn thép” của lãnh đạo Chu Xuân Phàm, họ đã xin lỗi, nhưng vì câu nói đó chứ hoàn toàn không phải là nhận lỗi đã xả thải và tiếp tục gây bức xúc trong dư luận quần chúng. Mãi đến khi bị “bắt tận tay, day tận mặt” bằng những bằng chứng thuyết phục, họ mới một lần nữa nhận lỗi và đưa ra mức bồi thường.

Chưa hết, không những xả thải dưới lòng biển, “người chạy lại” Formosa lại tiếp tục mờ ám xả thải trên bờ! Mới đây, các cơ quan môi trường của tỉnh Hà Tĩnh lại phát hiện Formosa “liên kết” với một giám đốc công ty môi trường huyện để chôn cả trăm tấn chất thải. Nghiêm trọng hơn là họ còn chôn cả chất thải công nghiệp vào một công viên.

Với “thành tích lẫy lừng” về xâm hại môi trường, không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước khác, điều mà đại biểu Trần Hoàng Ngân gọi là “có lý lịch về môi trường là không tốt”, liệu có nên để cho Formosa tiếp tục tồn tại? Câu hỏi này có thể được trả lời khi vấn đề được xét bởi hai câu hỏi khác: Chúng ta sẽ được gì và mất gì nếu Formosa tiếp tục tồn tại?

Trước hết, những thiệt hại về kinh tế thì ai cũng đã rõ. Hàng trăm ngàn người nghèo bị ảnh hưởng gián tiếp hay trực tiếp. Thiệt hại về xuất khẩu hải sản, về du lịch, về môi trường thì không kể xiết. Có nhà khoa học còn nhận định, thiệt hại về môi trường có thể kéo dài đến tận sáu mươi năm sau. Đã có trường hợp những ngư dân Hà Tĩnh khi bị mất ngư trường của mình, đã mò đến tận vùng biển của nước Úc để đánh cá trái phép và bị bắt giữ.

Nếu để Formosa tiếp tục tồn tại, chúng ta buộc phải có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên. Cũng trong kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa có đề xuất lập một Ủy ban lâm thời xem xét điều tra các vấn đề môi trường nổi cộm mà trước mắt là tập trung vào dự án Formosa. Điều này có vẻ không mấy khả thi vì khi đã để cho dự án này thò các cái “vòi bạch tuột” là các ống xả thả xuống lòng biển thì rất khó để kiểm tra, giám sát mãi chuyện xả thải. Nếu như dự án này có công nghệ xả thải tốt ở trên bờ, họ đã không sử dụng đến các biện pháp “hắc ám” này.

Vậy ai sẽ là người canh chừng ngày đêm cho một dự án khổng lồ không có thiện chí với môi trường như Formosa? Ai sẽ là người canh chừng mãi cho các sự cố như “cúp điện” hay “chạy thử nghiệm của nhà thầu phụ” như đã được Formosa bào chữa, bao biện?

Có vẻ như quyết định cho dừng dự án Formosa, nếu có, sẽ dấy lên lo ngại ảnh hưởng về môi trường đầu tư. Thế nhưng việc dừng những dự án có biểu hiện vi phạm pháp luật về môi trường như Formosa sẽ làm ảnh hưởng gì đến môi trường đầu tư? Có ảnh hưởng gì chăng đến các doanh nghiệp, các công ty, các tập đoàn làm ăn đàng hoàng, tôn trọng pháp luật và thân thiện với môi trường? Việc dừng các dự án có “thành tích bất hảo” về môi trường có “ảnh hưởng” chăng là đến việc ngăn chặn những doanh nghiệp có xu hướng sản xuất kinh doanh không tốt chứ chẳng ảnh hưởng gì đến môi trường đầu tư lành mạnh cả. 

Trên thế giới, các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn hiện nay đang rất sợ mang tiếng về việc phá hoại môi trường. Họ sợ những người tiêu dùng sẽ phản đối, tẩy chay hàng hoá của họ. Chỉ ở các nước đang phát triển, những nước luôn “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư như nước ta, các tập đoàn như Formosa mới dám “ngạo mạn” và trịch thượng đến thế như họ đã từng.

Do đó, vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của Formosa không chỉ là vấn đề của tồn tại một doanh nghiệp, một tập đoàn, mà là vấn đề của “triết lý”, của chiến lược thu hút đầu tư “không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế” của nước ta…

Đoàn Đạt