23 juillet 2016

Trung quốc ngược đãi các «tiểu quốc» lân bang

Vương Thuyên dịch

Lời giới thiệu của người dịch

Như mọi người đều biết Trung quốc đã bác bỏ phán quyết nhất trí của Toà trọng tài thường trực La Haye ra ngày 12-7-2016 về tranh chấp lãnh thổ với Phi Luật Tân. Trung quốc không những tuyên bố phán quyết «vô giá trị» mà còn đưa ra những lập luận hàm hồ như khẳng định rằng Toà trọng tài La Haye không có liên quan gì với Liên Hiệp Quốc và 4 trên 5 quan toà phán xử là người gốc Châu Âu [1]. Mọi người hiểu rằng ẩn ý của Trung quốc muốn nói Toà án thiên vị nhưng lại «quên» nói chủ tịch của Toà trọng tài là ông Thomas A.Mensah, người xứ Ghana của Phi Châu.

Chúng tôi dịch bài xã luận của nhật báo Le Monde (Pháp) ra ngày 17-18 tháng 7-2016 với đề tựa «La Chine maltraite ses «petits» voisins». Bài xã luận của báo này cho rằng Trung quốc đã phạm hai sai lầm:  làm suy mòn vị thế một cường quốc trong cộng đồng thế giới và đồng thời góp phần tăng gia sự căng thẳng về quân sự ở Biển Đông. Cuối cùng, bài xã luận khuyên các nước có tranh chấp trong vùng đừng «dại dột » đàm phán song phương với Trung quốc.



***

Trung quốc lẽ ra phải khôn ngoan rút tỉa bài học về việc Toà trọng tài quốc tế lên án mình trong tuần này liên quan đến sự tranh chấp nghiêm trọng về  lãnh thổ mà Trung quốc có quan hệ với một số nước lân bang ở Nam hải.

Thay vào đó, Trung quốc cảnh giác Hoa Kỳ về sự hăm doạ chiến tranh trong vùng. Trung quốc phạm sai lầm. Hiện tại, ít có nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp hơn là một tình trạng huỷ hoại liên tục của hình ảnh Trung quốc ở Á châu và ở toàn diện của phương nam đang trỗi dậy mà Trung quốc muốn làm «thủ lãnh».

Dù sao, Toà trọng tài thường trực La Haye, một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, đã ra, ngày 12-7, một phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung quốc trong việc tranh chấp với Phi Luật Tân. Trung quốc nói mình gắn bó với Liên Hiệp Quốc, nguồn duy nhất của tính hợp pháp quốc tế. Trung quốc muốn là một đại diện của các «tiểu quốc» ở Liên Hiệp Quốc. Trung quốc bảo đảm không muốn xử sự như các cường quốc khác mà Trung quốc đã tố cáo họ đã lạm quyền trên phương diện lịch sử.

Nhưng phán quyết nhất trí của các quan toà La Haye trong sáng như pha lê Baccarat: Trung quốc lạm dụng sức mạnh của mình ở Nam hải, không tuân thủ Luật Biển, vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân. Thực tế, Hoa Kỳ cũng không thoải mái vì không phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Manila đưa ra toà đòi xét xử năm 2013. Phi Luật Tân tranh luận bản đồ đường 9 đoạn của Trung quốc ở Nam hải theo đó nước này tự cho phép chiếm 90% của vùng nước bao la này. Đây không phải là một chuyện nhỏ vì một phần lớn thương mại thế giới đi qua vùng giàu cá biển này và cũng có thể giàu nguồn dầu hoả.

Từ nhiều thế kỷ qua, ngư dân Phi, Việt, Mã Lai, Brunei, Nam Dương dùng tàu bè đánh cá chung quanh. Bờ biển của họ gần hơn bờ biển Trung quốc. Từ nhiều năm qua, các nước này đòi một phần chủ quyền của nơi này và đặc biệt hai quần đảo của các đảo, các đảo nhỏ và các mỏm đá. Đó là hai quần đảo Spratleys và quần đảo Paracels (Trường Sa và Hoàng Sa, chú thích của người dịch).

Trung quốc tự cho mình có «quyền lịch sử» từ thế kỷ XIII mà chính phủ quốc gia Trung Hoa đã ghi lại trong một bàn đồ hồi năm 1947 (chính phủ Tưởng Giới Thạch, chú thích của người dịch)

Trung quốc muốn thảo luận với các nước trong vùng nhưng không ở Liên Hiệp Quốc mà thảo luận song phương. Điều này đặt các nước này ở vị thế thấp kém trước người khổng lồ Trung quốc.

Trung quốc khá tự tin để làm mọi người kính phục bằng vũ lực. Trung quốc «bồi đắp» và quân sự hoá các đảo nhỏ để biến thành căn cứ quân sự, hải quân và không quân. Trung quố́c biết rằng hải quân của các nước trong vùng không có đủ khả năng để chống trả. Trung quốc cũng thừa biết tương lai kinh tế của họ tuỳ thuộc vào Trung quốc. Trung quốc bác bỏ trước thẩm quyền của Toà trọng tài La Haye. Trung quốc áp đặt luật của mình ở cương vị một cường quốc trong vùng.

Làm như vậy, Trung quốc phạm hai sai lầm. Trung quốc làm suy mòn tham vọng của mình thành một cường quốc đang vùng lên một cách «êm dịu» bằng cách tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Trung quốc góp phần tăng gia sự căng thẳng về quân sự trong một vùng mà một số nước tranh chấp với Trung quốc là những đồng minh của Hoa Kỳ. Trung quốc là nguyên nhân của cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra trong một vùng mà Trung quốc làm mất ổn định trên thực tế. Điều trái ngược mà Trung quốc nói muốn tìm kiếm.

 

 Thành viên tòa PCA trong phiên xử tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc


Chú thích của người dịch

[1] Bốn người gốc Châu Âu là: Jean-Pierre Cot (Pháp), Stanislaw Paulak (Phần Lan), Alfred H.A. Soons (Hoà Lan), Rüdiger Wolfrum (Đức).