Nguyễn Ngọc Chu
Thứ tư ngày 7 tháng 7 năm 2021
Về tượng đài, đã nhiều người lên tiếng, nhưng không thuyên giảm mà còn gia tăng. Gần đây nổi cộm là tượng đài lưu niệm hành trình cứu nước của ông Hun Sen trị giá 300 tỷ ở Bình Phước đã khánh thành, tượng đài Cụ Hồ ở Phú Quốc 353 tỷ đồng dự kiến khởi công ngày 02-9-2021, và tượng đài tập kết ở Thanh Hoá trị giá 255 tỷ đồng vừa được lựa chọn mẫu xây dựng.
1. TƯỢNG ĐÀI THÚC ĐẨY THAM NHŨNG VÀ LÃNG PHÍ
Các dự án tiền tỷ của nhà nước không có dự án nào đúng giá. Ít thì nâng giá 5% - 10%.
Thông thường thì nâng giá từ 20% – 100%. Nhiều thì nâng giá từ 5
lần đến hàng chục hàng trăm lần giá trị thực. Cụ thể như giá thiết bị y tế chống
Covid -19 được năng 5-7 lần. Giá dự án AVG năng khoảng 18 lần. Giá đường sắt
Cát Linh – Hà Đông tăng khoảng 3-5 lần so với giá các nước. Động cơ của việc
nâng giá là để tham nhũng.
Cho nên, các dự án tượng đài nêu trên đã và sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng tham
nhũng. Đó là điều chắc chắn. Ngoài tham nhũng ra còn lãng phí. Lãng phí do
trình độ quản lý kém. Lãng phí do không có trách nhiệm vì đó là sở hữu toàn
dân.
2. BIẾT KHÓ NHƯNG VẪN PHẢI NÓI
1/. Về tượng đài Tập kết
Ngày 29/10/2019 tại Cao Lãnh Đồng Tháp khánh thành tượng đài Tập kết năm 1954,
trên diện tích 12 000 m2 trị giá 49 tỷ đồng (https://nhandan.vn/.../khanh-thanh-tuong-dai-tap-ket-nam...).
Ngày 28/2/2021 tại TPHCM Phó thủ tướng Trương Hoà Bình họp với lãnh đạo thanh
Hoá và các bộ nghành liên quan về khởi công xây dựng Tượng đài Tập kết vào quý
III năm 2021. Khu tượng đài có giá trị xây dựng 255 tỷ đồng, trên khuôn viên đất
38 000 m2 (http://truonghoabinh.chinhphu.vn/.../quy-iii2021-khoi...).
Điểm xuống tàu tập kết không chỉ ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) mà còn ở Sông Đốc (Cà
Mau), Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu), và ở các tỉnh khác ở
Miền Trung. Điểm Tập kết không chỉ ở Thanh Hoá mà còn ở Nghệ An sau đó là các tỉnh
khác. Câu hỏi hiển nhiên là sẽ còn bao nhiêu Tượng đài Tập kết nữa?
Chưa nói đến gần 1 triệu đồng bào Miền Bắc đã di chuyển vào Miền Nam cùng vào dịp
đó sau Hiệp định Genevo 1954? Không có lẽ đó không phải là lịch sử của dân tộc?
Cho nên, nếu đã trót quyết định thì chỉ nên làm TƯỢNG ĐÀI GHI NHỚ. TƯỢNG ĐÀI GHI
NHỚ chỉ cần không quá 1/100 của kinh phí 255 tỷ là 2,5 tỷ và chỉ cần không quá
1/1000 phần diện tích đất là 38 m2. Không nói đến tiền từ ngân sách cũng là tiền
thuế của dân, nên tiêu pha dễ dãi - thì đất đai là sở hữu toàn dân nên mới dễ
vung tay kẻ chỉ trên bản đồ. Nếu phải mua 38 000 m2 đất ở Sầm Sơn thì giá bao
nhiêu?
Không muốn nhắc lại vì sao phải Tập kết. Cũng không muốn nhắc đến nỗi đau tại
sao hai người con của một bà mẹ lại cầm súng bắn nhau từ hai chiến tuyến. Đã có
quá nhiều đau thương từ những nghịch lý. Đau thương không của chỉ một gia đình
mà của nhiều chục triệu gia đình. Đau thương không chỉ 1 năm mà nhiều chục năm
của cả một dân tộc.Dựng tượng đài to lớn chỉ càng gọi về những đau thương đáng
phải quên đi của một chương trong lịch sử dân tộc. Không quên, nhưng càng không
nên gợi lại. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: "triệu người vui nhưng
có triệu người buồn". Các đời sau tự khắc biết phải làm gì.
2/. Về tượng đài Cụ Hồ ở Phú Quốc
Cụ Hồ là người liêm khiết cần kiệm. Điều này nhiều người thừa nhận. Trong di
chúc Cụ Hồ gửi gắm: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình,
để khỏi lãng phí tiền bạc bạc của nhân dân”. Cho nên chi tiền dựng tượng Cụ Hồ
tràn lan nhiều nơi, tỉnh thành nào cũng có là không đúng với bản chất con người
của Cụ Hồ, không đúng với tinh thần di chúc của Cụ Hồ. Hãy thử tổng kết xem, cả
nước đã chi bao nhiêu tiền để xây dựng tượng đài và kỷ niệm Cụ Hồ? Một con số
khổng lồ.
Nhớ lại, không chỉ một lần Cụ Hồ không ngồi ăn cơm nơi tiệc dọn sẵn, mà lấy cơm mang theo ra ăn. Vì lấy cớ chiêu đãi Cụ Hồ mà phải mổ bò mổ lợn làm tốn kém công quỹ. Là người hiêủ biết rộng Cụ Hồ không thể quên câu tục ngữ “KHÁCH 3 CHỦ NHÀ 7”. Đó là chưa nói đến nạn tham nhũng kinh hoàng hiện nay mà Cụ Hồ không thể tiên liệu.
Bởi thế, thiết nghĩ, thay vì xây tượng đài Cụ Hồ thì lấy số tiền
đó, chẳng hạn, làm quỹ học bổng mang tên Cụ Hồ, rồi cấp cho các cháu học sinh
Phú Quốc thì sẽ mang lại lợi ích thiết thực hơn.
3/ Về Khu lưu niệm hành trình cứu nước của ông Hun Sen ở Bình Phước
Khu lưu niệm đã khánh thành hôm 20/6/2021 sau 40 ngày thi công với tổng giá trị
298,560 tỷ đồng. Biết đây còn là sự ghi nhớ đời đời công ơn của hàng vạn chiến
sỹ Việt Nam đã hy sinh tại Campuchia để cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng
của bè lũ Polpot và của kẻ chủ mưu đứng sau Polpot. Không có sự hy sinh của
hàng vạn chiến sỹ Việt Nam tại Campuchia thì hàng triệu người Campuchia sẽ tiếp
tục bị bè lũ Polpot và quan thầy huỷ diệt, rồi số phận của dân tộc Campuchia
không biết sẽ bi thảm đến mức nào. Không chỉ nỗi đau của hàng vạn bà mẹ Việt
Nam mất con, mà vì bảo vệ nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng nên Việt Nam bị
kiệt quệ điêu đứng bởi cấm vận, cô lập và bị chỉ trích mạnh mẽ trên trường quốc
tế, nhất là các nước láng giềng trong khối ASEAN.
Tiếc là đã không tránh được thất thoát trong xây dựng Khu lưu niệm, nên tổng kinh phí quá lớn. Tiếc nữa là ông Hun Sen giờ khác quá nhanh so với ông Hun Sen tháng 6/1978, dẫu đã tiên liệu trước.
Cho dù các thế hệ sau của Campuchia sẽ nhìn ông Hun Sen với con
mắt khác, nhưng sự thật lịch sử rằng các chiến sỹ Việt Nam đã cứu nhân dân
Camphuchia khỏi nạn diệt chủng, dù thích hay không, sẽ được đời đời ghi nhận.
3. TƯỢNG ĐÀI VÀ NGHỊCH LÝ CỦA SỰ SINH RA TRONG NGHÈO KHÓ
Đại đa số những người sinh ra từ thập niên 50 trở về trước trong thế kỷ 20 ở Việt Nam - đều trưởng thành trong nghèo khó. Trong số họ có những người khi thành đạt lại được tầng lớp vây quanh ôn lại quá khứ nghèo khổ - như là sự ngợi ca về tấm gương chói sáng không ngừng vươn lên!
Nhưng tiếc thay, trong số họ có không ít trường hợp, khi trở nên không nghèo khó lại vung vãi tiền bạc một cách hoang phí. Nó đi ngược với bản năng càng nghèo khó thì càng tằn tiện. Nó trái với quy luật muốn làm giàu thì phải tiết kiệm. Đó là nghịch lý của sự sinh ra trong nghèo khó.
Nhưng nghịch lý đó được giải thích như thế nào? Đó là sự đền bù cho quãng ngày khốn khó? Hay đó là sự trả thù cho hả dận? Hay đó là sự tiêu tiền không từ túi mình?
Chẳng hạn như uống chai rượu chục tấn thóc, mang chiếc đồng hồ bằng cả căn nhà, quyết những dự án nhiều ngàn tỷ đồng nuôi sống toàn dân một tỉnh trong nhiều năm, cắt một lúc cả trăm héc ta đất…Tất cả được quyết định một cách thảnh thơi, không phải vất vả như ngày xưa đi tìm củ khoai để sống qua ngày. Đó là nghịch lý của sự sinh ra trong nghèo khó.
Quyết định xây dựng tượng đài hàng trăm tỷ đồng trong lúc hàng vạn đồng bào chạy ăn từng bữa đứt mồ hôi là nghịch lý. Quyết định đó được đưa bởi những người sinh ra trong nghèo khó lại càng thêm bội phần nghịch lý.
Những nhà chính trị khi ở đỉnh cao quyền lực được bao bọc bởi tầng tầng lớp lớp những lời ngợi ca của cận thần, lớp lớp áo giáp xu nịnh tôn sùng cản trở họ tiếp xúc với sự thật. Và họ ngộ nhận mình là vĩ nhân.
Vĩ nhân ngộ nhận và quyền lực tuyệt đối tha hoá là hai vũ khí có sức công phá huỷ diệt kinh hoàng thiêu trụi mọi phản kháng. Số phận của hàng triệu người, số phận của cả một dân tộc, số phận của một thời đại bị man rợ hoá bởi những vĩ nhân ngộ nhận và quyền lực tuyệt đối tha hoá.
Không phải có tượng đài là lưu danh muôn thuở. Tượng đài không che khuất mọi thứ.