2 chiếc xe mà Công ty Công Lý tặng Cà Mau |
Tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật
thì việc Cà Mau nhận 2 ô tô bạc tỉ của doanh nghiệp tặng là sai. Nhưng đến nay,
lãnh đạo tỉnh Cà Mau vẫn khẳng định mình không sai!
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 40 của luật này nêu rõ:
“Nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các
hành vi khác vì vụ lợi”. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thể nhận
quà của doanh nghiệp hoạt động trong địa bàn và lĩnh vực mình quản lý.
Rõ ràng, Công ty Công Lý đang hoạt động tại Cà
Mau, có nhiều dự án đang triển khai và vận hành tại tỉnh này như nhà máy xử lý
rác, nhà máy điện gió, khu du lịch… Các cơ quan nhà nước ở Cà Mau quản lý các
dự án trên địa bàn và cả công ty này, thì chiếu theo luật, việc Cà Mau
nhận 2 ô tô bạc tỉ của Công ty Công Lý tặng là sai!
Nếu doanh nghiệp này ở Cà Mau nhưng tặng cả
trăm chiếc ô tô cho cán bộ vùng cao ở Hà Giang, Cao Bằng đi chữa bệnh, cứu đói…
giúp đồng bào dân tộc miền núi thì chuyện đó không có gì để bàn. Nhưng
đằng này luật đã quy định rõ: trên địa bàn thì phải từ chối vì việc đó là
sai! Thế nhưng mới đây, khi “đăng đàn” trả lời phỏng vấn trong một
đoạn clip phát trên 1 tờ báo, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến
Hải vẫn bao biện: “Đây là tấm lòng của người ta! Nhà nước đang chủ trương
xã hội hóa, lĩnh vực nào xã hội hóa được, huy động nguồn lực của toàn xã
hội vào thì tại sao mình lại không nhận?”.
Ô hay! Thông thường, các dự án, kế hoạch… mời
gọi vốn xã hội hóa thì các địa phương đều công khai để mọi thành phần
có thể tham gia đóng góp. Thế tỉnh Cà Mau từng mời gọi dự án đầu tư… xe
bạc tỉ cho cán bộ đi kiểm tra đê điều, khắc phục thiên tai à? Nếu có, Công ty
Công Lý tham gia tặng 2 xe thì cũng chẳng có gì để bàn.
Còn việc nhận xe và ưu ái cho Công Lý, ông
Hải phủ nhận. Như chuyện nhờ tặng 2 xe ô tô mà cuối năm
2016, Công Lý được ngân sách tỉnh tạm ứng 25 tỉ đồng “cứu nguy” cho nhà
máy xử lý rác, ông Hải lý giải: “Suy luận như vậy là nghịch lý. Thời
điểm Công Lý tặng xe cho Cà Mau là tháng 3.2016, còn thời điểm xin ứng
tiền là cuối năm 2016”.
Nếu nói việc tạm ứng cho công ty này đã từng có
tiền lệ thì dư luận tạm chấp nhận. Còn giải thích 2 thời điểm cho và nhận
khác nhau như ông Chủ tịch tỉnh lý giải thì thật khó tin! Ai cũng biết, ít
thứ gì “đầu tư” mà lấy lại được ngay. Trồng cây ăn quả thì còn phải mất
vài năm mới có trái để ăn mà. Đâu phải cho là xin ngay…
“Báo chí suy luận không hợp lý. Suy luận này tạo
ra ảnh hưởng rất không tốt, làm cho người dân có cái nhìn không đúng
về cách làm của các cơ quan, của cán bộ lãnh đạo nhà nước, ảnh hưởng lòng tin
của dân, tạo dư luận xấu. Đây là ý kiến tự nguyện của nhà tài trợ”, ông
Hải nói.
Sợ dân hiểu sai thì tốt nhất đừng làm sai.
Đó là nguyên tắc. Đừng bao biện cho rằng đó là tự nguyện, là tấm lòng, thì phải
nhận. Nếu vậy, có tay nào mang đến cả lô hàng nhập lậu, cán bộ cũng phải nhận
mà xài vì… tấm lòng sao? Quy định đã không cho nhận thì đừng đổ rằng
do tấm lòng gì cả, phải cương quyết từ chối.
Trả lại xe là cách tốt nhất để dư luận không
hiểu nhầm. Nhưng nếu vậy, chẳng lẽ lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhận mình sai? Chắc có
lẽ rằng lãnh đạo tỉnh Cà Mau không tiếc 2 chiếc xe, không sợ rằng mai
này không có xe tốt mà đi thăm đê điều, mà chỉ sợ thừa nhận là mình sai!
Doanh nghiệp có tấm lòng cho, kiên quyết tặng,
mình lỡ nhận nhưng thấy sai thì nên trả. Doanh nghiệp không nhận
lại thì mình kiên quyết trả bằng… tấm lòng, như thế thì doanh nghiệp
phải nhận về thôi!
Hồ Hùng
Nguồn: Theo Một Thế Giới
Dương Trần: Đúng như bài
báo nêu ra! "Đút lót trá hình bằng cho tặng" không phải là xã hội hóa
nhu cầu công vụ. Mọi việc đều có bàn bạc và thỏa thuận trước với nhau cả (!)
nhằm mục đích khơi thông ngân sách cho có chính danh. Đề nghị chính phủ nên cấm
triệt để kiểu hối mại này. Ở tây âu mà làm bất hợp pháp như vậy (cho và nhận)
thì có mà...ủ tờ cả đám! Các xếp đừng mất công biện bác làm chi nữa mà nên xin
lỗi vì đã làm sai.
Xuân Thủy: SAI MƯỜI NĂM RÕ MƯỜI RỒI THÌ
PHẢI SỬA NGAY CHO DŨNG CẢM, ĐỪNG BAO BIỆN, BẢO THỦ QUANH CO NỮA. NẾU KHÔNG
THUỘC BÀI THÌ NÊN CỞI MŨ VỀ VƯỜN CHO DÂN
TÔI NHỜ.