Diễm Thi
Ba thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt được ông Tô Lâm đưa ra ngày 27 tháng 1 năm 2021, tại phiên thảo luận của Đại hội 13 theo thứ tự như sau.
Thứ nhất là âm mưu, hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thứ ba là nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.
Tháng 6 năm 2020, tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo Chính trị đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cũng cho rằng có ba thách thức đang đe dọa đến an ninh chính trị của Việt Nam.
Thứ nhất là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn lật đổ do các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với những thách thức trong quan hệ với các nước lớn, từ những nguy cơ tác động đến an ninh nội địa trong nước. Thứ ba là nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của người dân.
Nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định, cả ba điểm ông Tô Lâm nói nhằm nêu mọi rủi ro mà chính quyền Việt Nam đang đối diện cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Trong đó, phản động và Biển Đông thì có cả ở bên trong lẫn ở bên ngoài Việt Nam. Còn diễn biến hòa bình thì chỉ có ở bên trong. Ông nói thêm:
Điểm thứ hai là mới trong giọng văn của ông bộ trưởng công an. Xưa nay chưa có bộ trưởng công an nào nói đến bảo vệ chủ quyền Biển Đông, dù điều đó không sai. - Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
“Về điểm thứ nhất, bản chất là ông ta khẳng định mọi thứ trái với Đảng CSVN thì đều là phản động. Tức là chống cộng sản Việt Nam là phản động. Nguy cơ này đảng CSVN không thể hóa giải được, cũng chẳng chống được. Bỏ tù, xử tù, đàn áp... không phải là hóa giải. Những người bị các ổng gọi là phản động thì họ chỉ thực hiện quyền của họ: quyền tự do biểu đạt ý kiến theo luật quốc tế mà Liên Hợp Quốc ban hành. Đó là hợp pháp và không thể nói là xấu được.
Điểm thứ hai là mới trong giọng văn của ông bộ trưởng công an. Xưa nay chưa có bộ trưởng công an nào nói đến bảo vệ chủ quyền Biển Đông, dù điều đó không sai.
Nhiệm vụ của Bộ Công an là đảm bảo trật tự trên biển ở cách bờ 50km. Bên ngoài đó thuộc cảnh sát biển và hải quân. Như vậy vấn đề biển Đông thì nói cũng được vì đấy là chủ quyền quốc gia. Mà chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ là một mục quan trọng của lợi ích quốc gia. Công an là một lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia.”
“Thế lực thù địch” ở Việt Nam được nói là những cá nhân, tổ chức có âm mưu, hành vi gây tổn hại đến chủ quyền, lãnh thổ và các lĩnh vực khác của quốc gia, trái với những quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Cụm từ “thế lực thù địch” cũng từng gây tranh cãi ở Việt Nam khi nó được sử dụng quá rộng rãi cho cả những người có tiếng nói phản biện, bất đồng chính kiến với những quyết sách của chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng phát biểu tại hội trường Quốc hội tại phiên họp vào chiều ngày 15 tháng 6 năm 2020 rằng: “Mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch.”
Một người dân xem truyền hình phát sóng phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam tại một cửa hàng điện tử ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 1 năm 2021. AFP |
Vậy cụm từ “thế lực thù địch” xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào? Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cựu nhân viên của Tạp chí Cộng sản, nói với RFA vào tháng 6 năm 2020:
“Tôi không biết nó có từ bao giờ, nhưng tôi nhớ từ hồi tôi vào làm cho Tạp chí Cộng sản hồi năm 1992 là đã có cái từ đó rồi để nói đến những người lên tiếng cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do dân chủ… Nếu tôi nhớ không nhầm thì nó xuất hiện từ năm 1989-1990, thời kỳ Liên Xô - Đông Âu sụp đổ. Người ta gọi là nêu cao cảnh giác, tức là việc đấy vẫn thường trực nhưng mà tùy từng thời điểm nói nhiều hay nói ít. Đại ý như vậy.”
Cả Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang lẫn Bộ trưởng Công an Tô Lâm đều đưa ra ba điều giống nhau mà họ cho đó là thách thức đang đe dọa đến an ninh chính trị của Việt Nam.
Với thách thức thứ nhất, Nhà nước Việt Nam hóa giải bằng cách bắt bớ, bỏ tù những người mà họ cho là phản động, là thế lực thù địch, là chống Nhà nước. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích rằng, trên đời này chỉ có một định nghĩa về phản động, đấy là làm ngược với tiến bộ. Như vậy, định nghĩa phản động của ông Tô Lâm là sai cho nên không có hóa giải. Thêm vào đó, họ bỏ tù những người mà họ cho là phạm tội chống Nhà nước thì trong luật quốc tế không có tội chống Nhà nước. Nhà nước là một loại tổ chức xã hội ai cũng có quyền phê phán. Người ta chỉ không có quyền dùng bạo lực để phê phán Nhà nước. Dùng bạo lực là nổi loạn, là phạm pháp.
Dưới góc độ công dân, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu ra hướng hóa giải cho ba thách thức trên facebook cá nhân của ông mà RFA đã xin phép sử dụng:
Với thách thức thứ 1 và thứ 3. Sự hóa giải nên bằng cách THÀNH TÂM thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc để xóa bỏ hận thù. Khi ấy, không còn “thế lực thù địch” hoặc “phản động” người Việt chống người Việt nữa. Đồng thời, sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng sẽ tự nhiên mất động lực và triệt tiêu. - Luật sư Đặng Đình Mạnh
“Với thách thức thứ 1 và thứ 3. Sự hóa giải nên bằng cách THÀNH TÂM thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc để xóa bỏ hận thù. Khi ấy, không còn “thế lực thù địch” hoặc “phản động” người Việt chống người Việt nữa. Đồng thời, sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng sẽ tự nhiên mất động lực và triệt tiêu.
Với thách thức thứ 2. Khi dân tộc đã là một khối thống nhất, đoàn kết hướng về mục tiêu chung là lợi ích quốc gia, thì các nguồn lực thay vì dùng để “chống nhau” sẽ được tập hợp thống nhất, tạo nên nguồn lực mới, mạnh mẽ hơn trước các thách thức, đe dọa về chủ quyền quốc gia.
Tuy vậy, sau 45 năm thống nhất đất nước, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng khả năng hòa hợp, hòa giải dân tộc quá khó khăn. Nó như một lời nguyền thù hận không lời giải. Chỉ khi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, lên trên lợi ích đảng phái, khuynh hướng chính trị, địa phương cục bộ … thì mới có thể bước qua thù hận, lời nguyền sẽ được giải. Khi ấy, tôi nghĩ dân tộc này hóa rồng chẳng mấy chốc.”
Thách thức về Biển Đông thì các nhà nghiên cứu về lãnh vực này từng nhiều lần đề nghị là phải minh bạch hóa hồ sơ này. Điều tiếp theo là Việt Nam cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý để khởi kiện việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ lên toà án quốc tế để có thể được xem xét một cách khách quan, công bằng.
Thách thức còn lại là nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng. Điều này đã được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo trong đảng của ông từ năm 2016, ngay khi khai mạc Hội nghị Trung ương 4. Ông Trọng nhấn mạnh rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; ngăn chặn; đẩy lùi những biểu hiện gọi là “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” là một nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2016-2021.
2021-01-29