03 février 2021

Giáo sư Carl Thayer nhận định về Việt Nam sau Đại hội 13

Tina Hà Giang

Giải thích việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư thêm 5 năm nữa, Giáo sư Carl Thayer nói sở dĩ các quy tắc của đảng CSVN về tuổi tác và nhiệm kỳ bị phá vỡ là vì cơ cấu và phe phái.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, ông Thayer có vẻ không lạc quan lắm về tình hình Biển Đông và nhân quyền cho Việt Nam trong thời gian tới.


GS Carl Thayer: Có hai yếu tố chính giải thích tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đã được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba, sự kiện chưa từng thấy trong vị trí Tổng Bí thư Đảng CSVN - cơ cấu và phe phái.

Yếu tố cơ cấu có thể được so sánh với chứng xơ cứng động mạch, nơi mà con đường lựa chọn lãnh đạo ngày càng bị hạn chế. Giải pháp là thay đổi cách quản lý cứng nhắc của đảng với quá trình chuyển đổi thế hệ hoặc để con người thay đổi lối sống khi về già.

19 thành viên được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 năm 2016. Đến năm 2020, con số này giảm 5 người, do chết, sức khỏe kém, các hình thức kỷ luật hoặc bị khai trừ khỏi đảng. Hai trong số năm người này được nhắm là lãnh đạo tương lai, Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh (cần được miễn quy định tuổi).

Trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị còn lại, bảy ủy viên dự kiến nghỉ hưu vì họ đã hơn 65 tuổi và, hoặc đã hoàn tất hai nhiệm kỳ.

Nói cách khác, nếu không được miễn quy định tuổi thì chỉ có bảy ủy viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn được vào "tứ trụ" - đó là các chức vị tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.

Yếu tố thứ hai, "phe phái", có lẽ tốt nhất được định nghĩa là các phe cánh cạnh tranh với nhau của đảng. Một phe gồm các quan chức cấp cao của đảng có sự nghiệp lâu dài trong bộ máy đảng. Phe còn lại gồm các quan chức cấp cao của đảng có sự nghiệp trong chính phủ hoặc bộ máy hành chính nhà nước.

Ông Nguyễn Phú Trọng được miễn quy định chưa từng có về cả tuổi tác lẫn nhiệm kỳ vì người kế nhiệm và người được đề cử của ông, Trần Quốc Vượng, không thể thu hút được sự ủng hộ đông đảo trong Ban Chấp hành Trung ương. Ông Trọng không thành công trong việc tìm người thay thế. Khi "phe chính phủ" đề bạt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ đã vấp phải sự chống đối của phe đảng.

"Thỏa hiệp lớn" cuối cùng có thể được giải thích như sau: Đảng CSVN xem chức vị chủ tịch nước ngang với chức vị thủ tướng. Chỉ có ông Phúc mới có đủ kinh nghiệm và uy tín để đảm nhận vị trí này. Điều này có nghĩa là ông Phúc phải từ bỏ nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai với quyền miễn quy định tuổi tác. Hai cánh của phe đảng và phe chính phủ cân bằng nhau bằng cách bổ nhiệm chéo các ứng cử viên của họ. Ông Vương Đình Huệ, từ phe chính phủ, sẽ trở thành Chủ tịch Quốc hội và ông Phạm Minh Chính, từ phe đảng, sẽ trở thành thủ tướng vào tháng 5, sau cuộc bầu cử toàn quốc cho các đại biểu Quốc hội.

BBC: GS nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của người trẻ Việt Nam như thế nào về quá trình bầu cử ở đất nước họ? Và nó có giúp giải thích việc họ có vẻ quan tâm đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ hơn?

GS Carl Thayer: Câu hỏi này chính xác là chủ đề được các diễn giả giải đáp tại Hội thảo trực tuyến do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức. Hai diễn giả gồm tôi và ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại New Zealand.

Đảng viên Đảng CSVN chiếm 5,1 triệu hoặc khoảng 5% tổng dân số. Như vậy, 95% dân Việt Nam không tham gia trực tiếp vào việc lựa chọn các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, họ có quyền biểu quyết trong việc lựa chọn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm bầu chủ tịch nước, tổng thống và thủ tướng.

Đảng quy định độ tuổi được giới thiệu ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. 70% phân bổ được dành cho người từ 50 đến 60 tuổi. 10% được dành cho những người 61 trở lên. Vì vậy, chỉ còn lại 20% cho người dưới 50 tuổi. Đảng đặt ra giới hạn 12% với phụ nữ, do đó tước quyền tham gia bầu cử của phần lớn dân số.

Phải phục vụ đủ một nhiệm kỳ 5 năm trong Ban Chấp hành Trung ương trước khi một đảng viên được xét đưa vào Bộ Chính trị. Và họ phải phục vụ thêm một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị để được chọn vào làm một trong "bốn trụ cột".

Có vẻ rõ ràng, như các văn kiện của Đại hội Đảng 13 đã nêu rõ, tuổi thọ của Việt Nam hiện đang tăng lên. Chắc chắn đã đến lúc cần xét lại luật lệ quy định các yêu cầu về độ tuổi và giới hạn về nhiệm kỳ của đảng để thu hút sự tham gia của các thành viên trẻ hơn trong xã hội. Jacinda Ardern, thủ tướng New Zealand, sinh năm 1980.

Giới trẻ Việt Nam mê theo dõi các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vì Donald Trump là người có cá tính thu hút, trái ngược với tập thể lãnh đạo "mờ nhạt" của Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam bị thu hút bởi những tuyên bố hùng hồn chống Trung Quốc của ông Trump.

BBC: Ông nghĩ việc ông Trọng tiếp tục giữ chức tổng bí thư sẽ ảnh hưởng Việt Nam như thế nào trong 5 năm tới, về Biển Đông, mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, cũng như cách đối xử với người bất đồng chính kiến?

GS Carl Thayer: Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có hoàn thành thêm năm năm tại vị hay không là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Ngoài vấn đề sức khỏe, có khả năng là có một hiểu ngầm (không chính thức) rằng nếu đạt được sự đồng thuận về người kế nhiệm, ông Trọng sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Điều này sẽ tiếp nối tiền lệ được đặt ra năm 1996 khi ông Đỗ Mười được bầu lại làm lãnh đạo đảng chỉ để từ chức vào năm sau cho ông Lê Khả Phiêu lên nắm quyền.

Trong giai đoạn cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã lùi bước ba lần khi đối mặt với các mối đe dọa và áp lực của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã ngừng dự án thăm dò dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tại khu vực Bãi Tư Chính. Vào năm 2019, sau cuộc đối đầu kéo dài 4 tháng tại cùng khu vực cũng như tại Lô phong lan đỏ do Tập đoàn dầu khí của Nga Rosneft điều hành, Việt Nam đã hủy hợp đồng với Tập đoàn Noble về dịch vụ của một tàu khảo sát. Tiền lệ này khiến Việt Nam rất khó tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực này.

"Thỏa hiệp lớn" đã thiết lập ảnh hưởng của cánh đảng. Họ tìm cách bảo tồn chế độ độc đảng và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ hạn chế các lĩnh vực sẵn sàng hợp tác với chính quyền Biden nếu chính quyền này nhắc lại mối quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều này không có lợi cho những người bất đồng chính kiến trực tuyến cũng như các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác.

1 tháng 2 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55883144