Nguyễn Ngọc Chu
1. Cách Trung Quốc dạy môn lịch sử. Tỷ lệ 8:1 và phép biến hình thành tỷ lệ 2:1
Không biết hiệp ước Thành Đô hạn chế những điều gì, nhưng riêng về ca ngợi chiến thắng của quân giải phóng Trung Quốc trong chiến tranh với Việt Nam thì phía Trung Quốc không có “làn ranh đỏ”.
Thời gian sẽ bóc dần sự thật. Theo tiết lộ của phía Trung Quốc thì Trung Quốc đã lên kế hoạch tập trung tấn công Việt Nam với tỷ lệ 8:1 trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979.
Trung Quốc áp dụng chiến thuật “biển người” theo phương châm của Mao là: “trong mọi trận đánh, tập trung một lực lượng vượt trội tuyệt đối chống lại kẻ thù”. Bởi thế lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu các tướng lĩnh chỉ huy phái áp dụng chiến thuật “dùng đao mổ trâu để giết gà” (niudao chaji).
Theo nguồn tin của Trung Quốc thì vào giữa tháng 1/1979 Trung Quốc đã tập trung tại biên giới Trung – Việt hơn 320 000 quân chính quy, chiếm ¼ toàn bộ quân đội chính quy Trung Quốc. Chưa kể đến lực lượng quân địa phương và dân quân.
Lãnh đạo Trung Quốc lệnh cho tám quân đoàn trực tiếp tấn công ở 2 mặt trận Lào Cai và Lạng Sơn. Để một quân đoàn dự bị. Trung Quốc thừa nhận chỉ riêng ở Quảng Tây đã huy động đến 26 000 dân quân trực tiếp đánh trận và huy động 215 000 dân công phục vụ cho chiến trường.
Nhưng sau chiến tranh, vì bị thương vong nặng nề (như Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận là gấp 4 lần Việt Nam), lại không đạt được mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh, nên Trung Quốc đã đổ lỗi cho sự tính toán nhầm – rằng đã không đưa lực lượng dân quân của Việt Nam vào thế trận hai bên. Trung Quốc đã thổi phồng số liệu của lực lượng dân quân của Việt Nam, chỉ riêng ở Cao Bằng lên đến 40 000 - 50 000 người. Và Trung Quốc tuyên truyền trong nội bộ là tỷ lệ 2:1. Trung Quốc gọi đó là bài học sai sót về thống kê số lượng quân đối phương, mưu toan che đậy sự thất bại nhục nhã về khả năng chiến đấu của quân giải phóng Trung Quốc.
Chẳng ai tin vào số liệu tuyên truyền của Trung Quốc - ngay chính cả người đọc tin và người đưa tin của Trung Quốc. Vì họ biết, tìm hiểu sự thật ở Trung Quốc là tự mình tìm đến phiền phức, lao tù và thậm chí là mất mạng.
Cho nên các hãng thông tấn và báo chí Trung Quốc ra rả đưa tin làm bé nhỏ số thương vong của quân Trung Quốc. Rằng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, dù huy động đến 600 000 quân sĩ - thì số thương vong của binh lính Trung Quốc rất nhỏ bé, chỉ có 6 900 lính bị chết và 15 000 lính bị thương, tức là chỉ có 21 900 lính Trung Quốc bị thương vong. Trong khi đó, các nguồn tin khác của Trung Quốc đưa ra là 25 000 lính Trung Quốc bị chết và 37 000 lính Trung Quốc bị thương. Tổng cộng là có 62 000 lính Trung Quốc bị thương vong.
Con số là một chuyện. Hãy nhìn đến thực tế tuyên truyền của Trung Quốc. Những thập niên 60 của thế kỷ 20, phim ảnh và sử sách Trung Quốc luôn ngợi ca thắng lợi của quân giải phóng Trung Quốc như là một đội quân “bách chiến bách thắng”. Tư liệu dẫn là những cuộc chiến với quân đội Tưởng Giới Thạch trong cuộc rút chạy thảm bại núp dưới hai từ mỹ miều “trường chinh”. Một phần nữa là ngợi ca quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên – nơi Trung Quốc lúc cao điểm sử dụng đến 700 000 quân trong tổng số 2,97 triệu lượt huy động quân nhân, để đối phó với 220 000 liên quân Mỹ - Nam Hàn.
Từ thập niên 90 thế kỷ 20 cho đến bây giờ, Trung Quốc ra rả đưa tin chiến thắng ở Lão Sơn (điểm cao 1509 núi Đất) như là thắng lợi điển hình của quân giải phóng Trung Quốc. Vì trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979 Trung Quốc đại bại toàn bộ, không có một trận đánh nào có thể đưa ra ca ngợi, nên Trung Quốc phải viện vào trận đánh ở Lão Sơn năm 1984.
Về Hải quân, Trung Quốc lấy trận thảm sát dã man nã pháo từ tàu chiến vào 64 chiến sĩ công binh vây quanh cờ Việt Nam làm chiến công ca ngợi. Đoạn phim thảm sát này được Trung Quốc đê tiện công chiếu trong lịch sử của 70 năm Hải quân Trung Quốc.
Hãy hỏi bất kỳ học sinh phổ thông nào của Trung Quốc, từ Nam Ninh ở Quảng Tây phia Nam cho đến Cáp Nhĩ Tân (Habinh) ở Hắc Long Giang phía Bắc, không học sinh nào biết Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, không học sinh nào biết 10 năm (1979-1989) Trung Quốc đánh chiếm biên giới Việt Nam, mà chỉ biết Trung Quốc phản công tự vệ - chống lại sự xâm lược của Việt Nam. Trong giảng dạy cho học sinh, từ sách giáo khoa cho đến giáo viên đều truyền đi thông điệp rằng Việt Nam xâm chiếm Trung Quốc và Việt Nam là lãnh thổ của Trung Quốc.
Cho đến bây giờ, hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc vẫn tuyên truyền cho khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng, rằng Đà Nẵng là của Trung Quốc. Đó là cách Trung Quốc dạy môn lịch sử.
Gần đây, vào năm 2009 Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách đường chín đoạn hình chữ U. Dù năm 2016 Toà trọng tài quốc tế PCA đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, nhưng hình chữ U đã ngập tràn trong sách giáo khoa và bản đồ Trung Quốc. Hình chữ U còn in chính thức trong hộ chiếu Trung Quốc. Đó là cách Trung Quốc dạy môn lịch sử.
2. Trận chiến cầu Khánh Khê và giờ học lịch sử
Trong một bức tranh tương phản, khác với sự công khai rầm rộ của Trung Quốc, thì cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 ít khi được nhắc đến trên phương tiện truyền thông và trong sách báo. Nếu nhắc đến thì rất giản lược dưới cái tên mập mờ Chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong sách giáo khoa học sinh phổ thông, không có nhiều dòng nói về chiến tranh tháng 12/1979 chống quân Trung Quốc xâm lược.
Những dẫu không có nhiều trong sách giáo khoa, thì giáo viên dạy môn lịch sử vẫn có cách để dạy cho học sinh biết về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979. Học lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc thì không học sinh nào không thích. Nó cuộn chảy trong máu. Nhưng thay vì được học những trang sử vẻ vang, những sự kiện hấp dẫn, mà lại phải học những điều buồn tẻ - thì chán học lịch sử không phải là lỗi của học sinh.
Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 là một chương sử hào hùng - cần được giảng giạy trong trường học ngang bằng như các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm khác của dân tộc. Cần hàng chục giờ học cũng không lột tả hết các khía cạnh của cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979. Một trong những chủ đề có thể cho giờ học lịch sử là Đoàn Khánh Khê – cánh cửa thép bảo vệ tổ quốc ở mặt trận Lạng Sơn.
Đầu năm 1979, quân chủ lực của Việt Nam phải tập trung cho chiến trường Campuchia, nên ở mặt trận Lạng Sơn chỉ có sư đoàn 3 thuộc quân chủ lực. Bởi thế, ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, sư đoàn 337 của Quân khu 4 đã được điều động ra mặt trận Lạng Sơn. Sư 337 đã hành quân thần tốc vượt 500 km từ Nghệ An ra Lạng Sơn. Là hậu duệ của vua Quang Trung, trên đường hành quân sư 337 ôn lại lịch sử vẻ vang vua Quang Trung hành quân đánh tan 20 vạn quân Thanh mùa xuân năm 1789. Đến chiều ngày 25/2/1979 sư 337 đã vào vị trí chiến đấu trên tuyến phòng thủ Khánh Khê - Điềm He - Tu Đồn với khẩu hiệu: "Một tấc không đi, một ly không rời, đánh thắng ngay trận đầu trên tuyến đầu Tổ quốc".
Trận chiến ở cầu Khánh Khê vô cùng quan trọng cho việc phòng thủ Lạng Sơn và đã đi vào lịch sử là một trận chiến oai hùng, bẻ gẫy mục tiêu xâm lược của quân Trung Quốc với số lượng đông gấp 5-7 lần. Đại tá Đỗ Phấn Đấu, nguyên Chính uỷ sư đoàn 337 đã ghi lại như dưới đây:
“Chiều ngày 26/2, bộ phận cảnh giới của Trung đoàn 4 trong khi làm nhiệm vụ đã chạm trán địch ở phía Tây Nam điểm cao 649, bộ đội ta đã nổ súng tiêu diệt địch và bắt được thám báo của chúng ở Nhạc Kỳ. Đây là chiến công đầu tiên của Sư đoàn trong chống giặc xâm lược trên tuyến biên giới phía Bắc.
Rạng sáng ngày 28/2, quân địch bắt đầu tiến công trên toàn chính diện phòng ngự của Sư đoàn từ Khánh Khê đến Điềm He, chúng áp dụng chiến thuật đầu nhọn đuôi dài, kết hợp đánh chính diện và vu hồi, bao vây, chia cắt, ỷ thế đông quân ồ ạt bao vây tấn công ta. Sư đoàn chỉ thị cho Trung đoàn 4 kiên quyết chặn đánh tiêu diệt địch với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”; Điều Trung đoàn 52 cơ động phản kích địch chiếm giữ cao điểm 559 - Ba Pách, đánh mạnh vào sườn trái của địch, yểm hộ cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 giữ vững cầu Khánh Khê và cao điểm 649; lệnh cho cụm pháo Trung đoàn 108 ở Đại An bắn vào đội hình địch chi viện cho Trung đoàn 4 và Trung đoàn 52 chiến đấu.
Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, đặc biệt là ở điểm cao 649, cầu Khánh Khê, khu vực Pa Pách và điểm cao 559. Tại điểm cao 649, địch dùng 1 tiểu đoàn bộ binh có hỏa lực yểm trợ ồ ạt tiến công đánh chiếm điểm cao. Suốt ngày 28/2 và 1/3, địch tổ chức hàng chục đợt tiến công. Nhưng đã bị Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, do Trung đội trưởng Trần Minh Lệ chỉ huy đẩy lùi 18 đợt tiến công lớn nhỏ tiêu diệt hàng trăm tên địch trứớc khi cả trung đội anh dũng hy sinh.
Với quyết tâm giành lại điểm cao khống chế, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 trực tiếp chỉ huy Đại đội 11, vượt sông phản kích. Cuộc chiến đấu không cân sức lại diễn ra vô cùng ác liệt nên đồng chí Nguyễn Xuân Hòa cùng phần lớn lực lượng Đại đội 11 đã anh dũng hy sinh ngay bên mép chiến hào quân địch.
Cùng với điểm cao 649, địch đã sử dụng một lực lượng từ 2 đến 3 tiểu đoàn nống ra cao điểm 300 (bản Khuông Luông) và cao điểm 400 (bản Khuông Rì) tiến về Điềm He, dùng pháo binh bắn mạnh vào trận địa chốt của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 4. Đây là hướng phòng ngự chủ yếu của Trung đoàn. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 và đồng chí Hà Đăng Ninh, Đại đội trưởng Đại đội 2, bộ đội ta bám sát mục tiêu; xử lý kịp thời hậu quả của từng đợt pháo kích; sau đó dùng 1 Đại đội, được hỏa lực chi viện giữ chốt; 2 Đại đội còn lại tiến xuống sườn thung lũng, vu hồi đánh tạt sườn vào phía sau đội hình co cụm của đối phương, tiêu diệt tại chỗ hơn 200 tên, phá hủy 1 khẩu ĐKZ, thu 1 khẩu Trung liên, 4 CKC và một số quân trang, quân dụng khác của địch.
Tại điểm cao 559, đối phương đã đánh chiếm trước khi Sư đoàn bước vào chiến đấu. Đây là một trong những điểm cao lợi hại nhất mà đối phương dùng để khống chế điểm cao 649 và chốt đầu cầu, giữ đường 1B từ Khánh Khê đi Đồng Đăng. Nhận thấy vị trí quan trọng này, chủ trương của trên là quyết tâm phản kích đánh chiếm lại cao điểm 559, lực lượng được sử dụng chủ yếu là Tiểu đoàn 6, Trung đoàn Bộ binh 52. 17 giờ ngày 1/3, ta tổ chức tiến công. Các chiến sĩ Đại đội 10, Đại đội 11, Đại đội 12 của Tiểu đoàn 6 chiến đấu anh dũng trong 5 giờ liền, tiêu diệt trên 300 tên. Sáng ngày 2/3, ta tiếp tục đánh chiếm, trận chiến đấu kéo dài tới 21 giờ đêm, ta tiêu diệt hơn 350 tên địch, thu 1 khẩu ĐKZ và một số phương tiện chiến tranh khác, buộc đối phương phải co cụm lại ở trên đỉnh.
Sau khi Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52 phản kích không thành, Sư đoàn điều Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4 tổ chức tiến công địch ở Pa Pách, đối diện chân cầu Khánh Khê. Đại đội 5 đã tổ chức 3 mũi tấn công và chiến đấu rất dũng cảm, nhưng do hỏa lực của địch mạnh và khống chế từ trên cao, nên ta không đánh chiếm được, đồng chí Nạp, Đại đội trưởng anh dũng hy sinh ở phía cánh trái cao điểm. Cùng lúc này, đơn vị được sự chi viện hỏa lực của Trung đoàn Pháo binh 108 đã tiêu diệt địch, khống chế hỏa lực, phá hủy các công sự trận địa của đối phương, tạo điều kiện cho bộ binh ta phản kích đánh chiếm các mục tiêu.
Tại khu vực cầu và ngầm Khánh Khê, sau khi đánh bật một phân đội của Trung đoàn 52 ở cao điểm Pa Pách, địch sử dụng 3 tiểu đoàn lần lượt vượt cầu Khánh Khê sang phía Nam, nhưng đều bị Đại đội 10 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 và hỏa lực của ta đánh bật trở lại. Cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt giữa một bên là bộ đội ta quyết giữ cầu và đối phương quyết vượt cầu kéo dài suốt nhiều ngày, quân địch bị thiệt hại nặng. Về phía ta, Đại đội 10 cũng bị tổn thất khá nặng, 2 lần phải thay đại đội trưởng, 3 lần thay chính trị viên, nhưng “chốt” trận địa Khánh Khê vẫn được giữ vững. Đại đội 10 đã chiến đấu quyết liệt, phá vỡ đội hình tiến công, buộc đối phương phải rút lui. Trước khi rút lui, đối phương đã dùng bộc phá đánh sập cầu Khánh Khê để ngăn chặn ta truy kích. Chiến công này góp phần để Sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đứng và đánh bại mũi vu hồi chiến dịch của đối phương.
Trên hướng Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng, chiều ngày 23/2, khi quân địch tiến công, Tiểu đoàn 2 đã cùng lực lượng của Trung đoàn 12, Quân khu 1 bước vào chiến đấu, giữ vững trận địa, tạo thế trận cho Trung đoàn Bộ binh 4 tổ chức chiến đấu ngay khi vừa đặt chân đến khu vực đảm nhiệm từ 14 giờ ngày 25/2. Từ 27/2 đến 4/3, Tiểu đoàn 1 đã ngoan cường chiến đấu, đánh lui hàng chục đợt tiến công, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Chính trị viên đại đội Nguyễn Văn Cúc, Đại đội trưởng Nguyễn Kim Tượng, Tiểu đội trưởng Vi Văn Thắng; chiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Trần Quốc Thể đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, giành giật quyết liệt với địch từng tấc đất, chiến hào, Sư đoàn cùng các đơn vị bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngự chiến dịch được giao góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của địch. Sự hy sinh anh dũng đó mãi mãi ghi danh vào lịch sử dân tộc như những bài ca bất tử.
Đó là Trung đội trưởng Trần Minh Lệ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; chiến sĩ Nguyễn Đức Nga, một mình cũng xuất kích; Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tình, bám trụ trận địa đến cùng; Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hòa anh dũng, mưu trí linh hoạt, luôn nêu cao tư tưởng tiến công, tìm địch mà diệt; Tiểu đội trưởng Chu Minh Mỹ dũng cảm, sáng tạo dùng súng máy 12,7mm đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch trên một hướng, diệt 63 tên địch tại cao điểm 649; Y tá Nguyễn Xuân Sang, vừa cứu chữa thương binh vừa mưu trí tiêu diệt 12 tên địch tại cao điểm 649; Phó đại đội trưởng Lê Tất Thắng, Chính trị viên Nguyễn Thái Hoà cùng bộ đội chiến đấu đánh lui 16 đợt tiến công của một trung đoàn địch; Chiến sĩ thông tin Lê Đức Thân mưu trí vượt qua vòng vây lửa đạn để truyền mệnh lệnh của cấp trên lên đơn vị trên chốt, góp phần giữ vững trận địa…
Ngày 18/3/1979, quân xâm lược rút về bên kia biên giới. Sư đoàn vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội như Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Đoàn Khuê... lên thăm, động viên, khen ngợi. Sư đoàn 337 vinh dự được mang tên Đoàn Khánh Khê với 10 chữ vàng truyền thống: “Khẩn trương - Nghiêm túc - Đoàn kết - Kiên cường - Quyết thắng” (trích bài viết của đại tá Đỗ Phấn Đấu, nguyên Chính ủy sư đoàn 337, http://baoquankhu4.com.vn/.../su-doan-337-canh-cua-thep-o...).
Không tuyên truyền để gây hận thù, nhưng kỷ niệm ghi nhớ chiến công của của các chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh vì bảo vệ tổ quốc là điều phải làm. Không nên để cho kẻ xấu đục bỏ tấm bia ghi công của Sư 337- Đoàn Khánh Khê anh hùng.
Chia sẻ
Người thầy không chỉ dạy cho học sinh theo sách giáo khoa. Nếu theo sách giáo khoa thì có nhiều học sinh tự học mà không cần thầy giáo. Tầm sư học đạo là học cái ngoài sách giáo khoa.
Hai lý do làm cho đa phần học sinh hiện nay không thích học môn lịch sử là vì nội dung sách giáo khoa và vì thầy giáo. Trong đó lỗi của thầy giáo có phần lớn hơn. Thầy giáo đã không có khả năng làm cho nội dung sách giáo khoa hấp dẫn hơn những chữ viết trong sách giáo khoa; và đã không dạy cho học sinh điều nằm ngoài chữ viết của sách giáo khoa. Minh chứng là vẫn có những giáo viên lôi cuốn học sinh khi dạy môn lịch sử.
Lịch sử là văn học, là địa lý, là sinh học, là thiên văn học, là triết học, là số học… là toàn bộ cuộc sống quá khứ. Vậy còn đòi hỏi gì nữa mà không hấp dẫn? Nếu học sinh không muốn học môn lịch sử thì không thể là lỗi của học sinh.
Lịch sử dân tộc là di truyền của tổ tiên - cuồn cuộn chảy trong dòng máu của mỗi con người. Dù sinh ra ở đâu - cuối chân trời góc bể, ở trên đảo hoang vu, trong lạnh giá của băng tuyết, thậm chí trong vỏ bọc của tàu vũ trụ trên mặt trăng hay trên sao hoả - thì con người sẽ biết về tổ tiên, không quên nguồn gốc, nên tự mình mà ngộ được lịch sử.
Dù chỉ có mấy dòng hay thậm chí không có dòng nào trong sách giáo khoa, thì vẫn có cách truyền đạt được toàn bộ cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược tháng 12/1979 cho học trò.
Đại tá Đỗ Phấn Đấu,
nguyên Chính ủy Sư đoàn 337, bên cạnh bia ghi công Đoàn Khánh Khê bị đục bỏ một
phần.
Đổi trắng thay đen, chà đạp lịch sử và tính mạng của nhân dân là bản chất truyền đời của chính quyền TQ. Chỉ xấu hổ là tầng lớp có trách nhiệm trước dân tộc VN lại ko dám tôn vinh công khai, công bằng, đầy đủ về chiến công & hy sinh của cha anh trước quân xâm lược TQ!
N.N.C.