THIÊN HÀ
Đại hội XIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam (Đảng CSVN) đã kết thúc, tâm điểm của dư luận Việt Nam trong tuần qua và có lẽ từ đây cho đến hết tháng 5/2021 là cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Theo dự kiến, Quốc hội khóa XV sẽ có từ 25-50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng…
Hôm ngày 4/2/2021, Đoàn Chủ tịch UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021- 2026. Dự kiến, Thường vụ Quốc hội sẽ điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra tại phiên họp thứ 53 vào ngày 22/2/2021 sắp tới đây.
Theo ộng Trần Văn Túy, trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người gồm 207 đại biểu Quốc hội ở Trung ương (chiếm 41,4%) và 293 đại biểu Quốc hội ở địa phương (chiếm 58,6%).
Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thông tin Cơ cấu kết hợp phấn đấu đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 – 50 đại biểu.
Ngay sau báo đài Việt Nam thông tin phát biểu này, dư luận trái chiều ở Việt Nam đã có những phản ứng gây gắt vì cho rằng, Bầu cử Quốc hội là ngày hội toàn dân, Quốc hội là cơ quan đại diện quyền lực và lợi ích cao nhất của người dân vậy thì phải để người dân tự do bầu cử và ứng cử nhằm chọn ra người tài-đức thích hợp đáp ứng sự mong đợi của người dân chứ tại sao lại ấn số lượng đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng và người trong Đảng? Như vậy có còn đúng với bản chất tự do ứng cử và cầu cử hay không ?
Có nói như thế nào, việc số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người, trong đó chỉ có từ 25- 50/500 người ngoài Đảng (tức chỉ chiếm từ 5-10%) cho thấy cũng giống như bao kỳ bầu cử Quốc hội lâu nay, chiếm lĩnh đa số đại biểu Quốc hội vẫn là đảng viên Đảng CSVN (từ 90- 95%), chỉ một phần nhỏ đại biểu không phải là đảng viên Đảng CSVN thì mọi quyết sách liên quan đến quyền lợi của người dân và đất nước Việt Nam, những đại biểu Quốc hội ngoài Đảng này chẳng quyết định được gì cả, chẳng khác gì là những “con rối”, sự hiện diện để “làm đẹp” dự luận rằng Quốc hội Việt Nam có mặt đầy đủ các đại diện thành phần xã hội.
Đó là chưa nói trong số từ 25-50 đại biểu Quốc hội ngoài Đảng ở khóa XV này có thể là những người do Đảng CSVN đề cử hoặc có mối quan hệ qua lại thân quen với Đảng CSVN. Bởi có cơ cấu nào bảo đảm người dân có đủ thẩm quyền kiểm tra lai lịch những đại biểu Quốc hội này hay không? Rồi người dân muốn tố cáo những đại biểu Quốc hội này vì họ là Đảng viên vậy tố cáo ở đâu và Cơ quan nào đủ thẩm quyền tiếp nhận xử lý?
Nói về vấn đề tự do bầu cử và ứng cử tại Việt Nam, Cali Today nhắc lại là vào năm 2016, cũng có những người hoạt động dân sự ở Việt Nam tham gia ứng ửng đại biểu Quốc hội khóa XIV như; Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, luật sư Võ An Đôn…tuy nhiên, hầu hết các ứng cử viên độc lập này đều bị “đánh rớt” và bị đại diện các đoàn thể của Đảng CSVN đấu tố kịch liệt. Nhiều nhà quan sát cho rằng, mặt dù các ứng viên độc lập đã thất bại trong việc ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng đó là sự mở màn cho phong trào đòi quyền tự do bầu cử và ứng cử ở Việt Nam, bởi đây là quyền lợi chứ không phải nghĩa vụ.
Chưa nói quá trình bầu cử diễn ra, nhiều nhà hoạt động hoặc người dân ở một số địa phương do không thích cuộc bầu cử nên đến ngày bầu cử đã không đi bỏ phiếu thì sẽ bị các đại diện chính quyền điạ phương, đại diện tổ bầu cử đến tận nơi ở “thúc giục và thuyết phục” đi bỏ phiếu cho bằng được.
Một con số mà dư luận đang so sánh lại phản ánh cụ thể là dân số Việt Nam hiện có khoảng 100 triệu, trong số này có khoảng 5 triệu đảng viên Đảng CSVN vậy thì Quốc hội Việt Nam phải theo tỷ lệ 5% đại biểu Đảng viên và 95% là đại biểu không phải Đảng viên nhưng đằng này con số ấy đảo chiều ngược lại.
Đại biểu Quốc hội thật sự do dân bầu thì những người đủ tài –đức trong và ngoài Đảng phải tự do ứng cử rồi tỉ lệ thành phần là do lá phiếu của dân chứ không phải ấn định số lượng đại biểu từ trước.
Theo quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, đồng thời tham gia giám sát việc bầu cử.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật- 23/5/2021.
Một trong 02 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII là ông Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính hiện đang được dư luận đồn đoán sẽ đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV này./.
THIÊN HÀ
February 7, 2021