HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ngồi lại ghế tổng bí thư đảng CSVN vì không muốn ghế chóp bu đảng rơi vào tay Nguyễn Xuân Phúc.
Hôm 1 Tháng Hai, nhiều báo nhà nước của CSVN tường thuật cuộc họp báo sau khi đại hội đảng kết thúc của ông tổng bí thư tái cử lần thứ ba, vượt điều lệ đảng, với tựa đề tương tự nhau nhằm làm nổi bật tính “khiêm tốn” của ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng khoe 3 ngón tay như kiểu bị “ép” phải làm tổng bí thư CSVN thêm nhiệm kỳ thứ ba. (Hình: MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images) |
Báo Thanh Niên “giật tít”: “Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: ‘Tôi cũng xin nghỉ rồi nhưng đại hội bầu thì vẫn phải làm.” Tờ Dân Trí “giật tít”: “Tổng Bí Thư: “Tôi đã xin nghỉ nhưng đại hội bầu, đảng viên phải chấp hành!” Báo Zing “giật tít”: “Tôi xin nghỉ nhưng đại hội bầu, đảng viên phải chấp hành.” Tờ Tiền Phong “giật tít”: “Tổng bí thư, chủ tịch nước: Tôi đã xin nghỉ, nhưng không được chấp nhận.”
Cuộc họp báo là dịp để ông Nguyễn Phú Trọng khoe thành tích “tự sướng,” trong đó ông ta khoe và cam kết chống tham nhũng “không có vùng cấm” nên đã bỏ tù cả ủy viên Bộ Chính Trị, tướng lãnh, bộ trưởng. Có vụ đã thu hồi được cho nhà nước được $300 triệu mà những đời tổng bí thư đảng trước chưa từng làm được.
Biện minh cho việc mình vượt điều lệ đảng, ngồi lì lại cái ghế tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba dù bệnh tật và quá tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Phú Trọng nói trong cuộc họp báo: “Tôi không được khỏe lắm, tuổi cao rồi, tôi xin nghỉ, nhưng đại hội bầu, là đảng viên phải chấp hành. Tôi sẽ cố gắng hết sức!”
Báo Zing dẫn lời ông Trọng: “Tôi giờ không được khỏe lắm, tuổi cao rồi, tôi cũng đã xin nghỉ nhưng đại hội bầu nên là đảng viên tôi phải chấp hành.” Các báo khác cũng dẫn tương tự.
Toàn bộ hệ thống truyền thông tuyên truyền một chiều của chế độ bưng bít hoàn toàn tin ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ nhẹ khi đi thăm tỉnh Kiên Giang đúng ngày sinh nhật của ông ta hôm 15 Tháng Tư, 2019. Sự vắng mặt sau đó của ông Trọng mỗi khi các lãnh tụ chóp bu đảng phải đến viếng lăng Hồ Chí Minh (như thông lệ bắt buộc có mặt của lãnh tụ đảng) xác nhận khả năng đi đứng không bình thường. Cho nên, các tấm hình phổ biến mỗi khi ông ta ở đâu đều thấy một hay hai cận vệ đi kèm sát bên cạnh, phòng hờ trường hợp ông ngã bất chợt.
Tuần trước, hôm 27 Tháng Giêng, ông David Brown, cựu viên chức ngoại giao Mỹ từng phục vụ ở Sài Gòn và nói rành tiếng Việt, viết trên tạp chí Asia Sentinel rằng, ông Trọng biết mình không đủ sức khỏe lại cũng đã quá tuổi nghỉ hưu. Sau đại hội 12, ông ta ban đầu tính đưa Đinh Thế Huynh lên thay. Tuy nhiên, ông Huynh lại bị ép ngồi nhà hoặc tới một chỗ nào đó từ năm 2018 (nghe nói cai chứng nát rượu).
Sau Đinh Thế Huynh, ông Trọng chuẩn bị đưa Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, một người được chỉ định cầm đầu chiến dịch đánh tham nhũng, lên thay ông ở ghế tổng bí thư. Tuy nhiên, ở vai trò chống tham nhũng, theo ông Brown, ông Vượng cũng là một tay giáo điều bảo thủ “tạo ra nhiều kẻ thù hơn bạn” trong nội bộ đảng.
Chính vì vậy, theo những nguồn tin tức bị bật mí, khi họp sơ bộ trung ương đảng hồi Tháng Mười năm ngoái về tìm người thay thế ông Trọng ở ghế tổng bí thư khóa tới, ông Trần Quốc Vượng đã được rất ít phiếu bầu trong khi ông Nguyễn Xuân Phúc có phiếu bầu cao nhất. Ông Trần Quốc Vượng còn thua cả phiếu của bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nguyễn Phú Trọng họp báo sau đại hội đảng CSVN XIII tại Hà Nội ngày 1 Tháng Hai 2021. (Hình: MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images) |
Hiển nhiên, theo ông Brown, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng ngấm nghé cái ghế tổng bí thư nên đã chèo kéo được số đông trong trung ương đảng đang nắm các chức vụ trong chính quyền. Nhưng lại không đúng với cái ý muốn của ông Trọng, kẻ nắm quyền lực cao nhất đảng và cũng là người quyết định ai là người sẽ “kế vị” ông ta.
Ông Phúc bị nghi ngờ là có thể ông ta cũng “nhẹ tay” với tham nhũng và cũng có thể thúc công an nhẹ tay với quần chúng đòi hỏi tự do ngôn luận. Nói khác, ông Trọng nghi ông Phúc có thể là tay “tự chuyển hóa,” đi chệch cái hướng giáo điều bảo thủ mà ông ta không muốn.
Trên bản tin ngày 26 Tháng Giêng, thông tấn AP cũng thuật lời ông Carl Thayer, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, cũng cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng chọn người thay thế là Trần Quốc Vượng. Tuy nhiên, ông Vượng lại không được sự đồng ý của đa số thành viên trung ương đảng.
Sau nhiều màn đấu đá ngầm trong nhiều kỳ hội nghị trung ương đảng, ông Nguyễn Phú Trọng không tìm được ai khác thay mình như ý ông ta muốn, nên cuối cùng tự ý “vẫn phải làm theo lệnh đảng” để chặn Nguyễn Xuân Phúc.
Như một giải pháp xoa dịu phe cánh Nguyễn Xuân Phúc, ông này được cho vào “trường hợp đặc biệt” ngồi lại Bộ Chính Trị và được đặt vào ghế “chủ tịch nước” như vé an ủi.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói bị “ép” tiếp tục làm tổng bí thư dù bệnh tật và quá tuổi nghỉ hưu tới hai lần, thật ra, cũng chỉ là một cách tuyên truyền khéo léo. Nhà báo nổi tiếng và cũng là chuyên viên về Việt Nam người Anh, Bill Hayton, nói trên báo South China Morning Post rằng, mấy kỳ họp trung ương đảng gần đây và những màn đấu đá ngầm là “cuộc chiến tàn khốc để giành quyền lực.” (TN) [kn]
Feb 1, 2021
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/trong-gian-tiep-xac-nhan-giu-ghe-tong-bi-thu-de-chan-phuc/