27 février 2021

HẬU BÁO “VĂN NGHỆ” VÀ “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH”

Nguyên Ngọc


Khi tôi về làm Đảng đoàn ở Hội Nhà văn, anh Trần Độ có gọi tôi đến hỏi tôi định làm những gì ở đấy. Tôi đã nói đủ thứ kế hoạch, nhưng cuối cùng chốt lại hai việc cụ thể quyết sẽ tập trung chủ yếu: khôi phục lại thật đàng hoàng tạp chí Văn học nước ngoài để chấm dứt sự đứt đoạn gần thế kỷ của ta với văn học thế giới, và làm Trường Viết văn Nguyễn Du. Trước đây, Hội Nhà văn đã thường có những lớp viết văn ngắn hạn ba tháng hoặc có khi sáu tháng cho nhà văn trẻ. Tôi không quan niệm đào tạo nhà văn theo kiểu đó, đấy là những lớp “truyền nghề”. 


Theo tôi văn chương là một thứ không thể truyền nghề, người đi trước có thể nói một số kinh nghiệm gì đó cho người đi sau, song cũng chẳng ích lợi bao nhiêu. Người viết văn trước hết phải là người có tài “do trời cho”, và mỗi người có tài sẽ “biết” viết theo kiểu của mình, “tạng” của mình, không ai giống ai, có lẽ cũng gần như vân tay của mỗi người, tuyệt đối khác biệt. Vả chăng có hai nhà văn giống hệt nhau, thậm chí chỉ mại mại giống nhau, thì vô ích. Có một ông Nguyễn Du là rất tuyệt, nhưng có hai ông Nguyễn Du thì thừa một ông… Song tôi lại có một nhận xét, dường như ở ta tài năng văn học đặc sắc thường bộc lộ rất sớm, Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ năm 16 tuổi, Chế Lan Viên in Điêu tàn năm 17, nhưng rồi không ai đi được thật xa, thường tự lặp lại mình, hay tàn lụi dần…

Vì sao? Có thể chăng ở mặt bằng văn hóa chung của xã hội không cao, và đặc biệt một nền giáo dục nói chung, đặc biệt giáo dục đại học còn quá lạc hậu, hoàn toàn không đủ sức tạo nền tảng cơ bản cho người cầm bút có thể đi thật xa, sau khi đã tiêu tốn hết vốn tài năng bẩm sinh.

Chúng tôi nuôi tham vọng thay thế một trường đại học như cần phải có, bằng cách làm Trường Viết văn Nguyễn Du.

Ngay từ đầu trường Đại học Viết văn Nguyễn Du đã không chủ trương mời các nhà văn đến dạy nghề. Thỉnh thoảng các anh chị chỉ đến chơi với người học, tâm sự đôi chút chuyện đời và công việc viết của mình. Cũng là để người học làm quen dần với đời sống văn học…

Trường Viết văn Nguyễn Du có cái may lớn, nó được giao từ đầu cho hai người chủ trì rất đặc sắc, thậm chí nghĩ lại không còn chọn lựa nào hơn: Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư.

Hoàng Ngọc Hiến từ Đại học Vinh đã quyết tìm mọi cách ra Hà Nội để thoát khỏi tình trạng tỉnh lẻ. Anh có nền tảng tri thức toàn diện rất vững chắc. Và lại rất độc đáo, thường đột ngột sáng chói bất ngờ, có phần gì đó hơi giống Trần Quốc Vượng, người có “thính giác” đặc biệt về khảo cổ. Tôi có mấy lần đi với anh Vượng, hai anh em cứ như lững thững dạo chơi. Đột ngột anh dừng lại, đứng im một lúc, rồi bảo: Đào xuống đi, ngay dưới chân tớ đây… Và khám phá ra cả một kho di vật thượng cổ cực kỳ quý hiếm. Hẳn nhiều người còn nhớ Hoàng Ngọc Hiến là tác giả bài báo chấn động về “Văn học phải đạo”, xuất hiện rất sớm, lúc anh Giang Nam còn phụ trách tờ Văn nghệ. Một tiếng sấm giữa trời còn trong – hay đúng hơn trời còn đục ngầu. Anh vừa tài tử, thường phá cách, lại vừa là một nhà sư phạm nghiêm cẩn và tinh anh…

Cùng với Hoàng Ngọc Hiến là Phạm Vĩnh Cư.

Phạm Vĩnh Cư được đào tạo ở Nga từ mẫu giáo cho đến trên đại học, và ở Đại học Lomonossov, một kiểu Harvard của Moskva. Những nhà văn Nga tôi từng quen thân đều bảo Cư còn am hiểu văn hóa và văn học Nga giỏi và sâu hơn cả họ. Thấu hiểu tường tận và say mê. Tôi biết có những hôm Cư ra ngồi suốt ngày cạnh mộ Gogol, nhà văn kinh điển đậm đặc tâm hồn Nga. Phạm Vĩnh Cư uyên bác, và theo tôi so với Hoàng Ngọc Hiến, anh có phần ít nhiều bài bản, chỉn chu hơn bên cạnh một anh Hiến hơi nghệ sĩ hơn. Bây giờ nhìn lại, hóa ra ở Nguyễn Du các anh đã thực sự thực hiện cái mà mấy chục năm sau ta sẽ gọi là giáo dục khai phóng, sớm và sâu sắc một cách khác thường. Đến với sinh viên ở đây hằng ngày suốt ba năm không phải là các nhà văn đi trước hay giảng viên ở các trường đại học khác, mà là các chuyên gia hàng đầu ở hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đôi khi cả khoa học tự nhiên. Và họ nói về những nghiên cứu, tìm tòi, trải nghiệm, suy nghĩ tâm huyết nhất của họ ở lĩnh vực mà họ cống hiến cả cuộc đời. Đặc biệt những điều chính họ bằng trực cảm nhận ra còn mơ hồ. Họ tâm sự và mong muốn người học thử cùng nghĩ, cùng họ đi tìm. Có người trình bày cả một công trình cứu công phu lớp lang hoàn chỉnh, có người ngược lại hầu như chỉ kể chuyện lang bang rất tài tử, thỉnh thoảng đột ngột lóe sáng một ánh chớp… Cũng có khi hai chuyên gia cùng một lĩnh vực, nói cùng một chủ đề, mà ý kiến, thậm chí cả quan điểm hoàn toàn ngược nhau. Và ở đây, các thầy tâm sự với người học những điều họ không nói ở bất cứ nơi nào khác.

Tôi còn nhớ một “sự cố”: không hiểu vì sao mà người đầu tiên đến nói ngay đầu khóa một (1979) là anh Hồ Ngọc Đại. Anh Đại thì ta biết rồi, anh ăn nói sắc sảo mà ngang tàng, chẳng nể ai, chẳng kiêng bất cứ điều gì. Đang giữa câu chuyện thao thao, anh đột nhiên dừng lại và hỏi: Các bạn có biết vì sao mà Cách mạng tháng 8 năm 45 thành công không? Ấy là vì dân ta bấy giờ còn ngu quá! Chứ như hôm nay ấy à, còn lâu!... Tôi gọi cậu bảo vệ: Ra đóng ngay cổng trường ngoài kia lại, kẻo công an vào tóm đầu tất cả thầy trò chúng ta bây giờ. Nghĩ lại cho kỹ, cho thật, Hồ Ngọc Đại đã không nói sai. Hai triệu người đang chết đói, Việt Minh đã khôn khéo phá kho thóc, cả nước bỗng rùng rùng đứng dậy như thác lũ, không gì ngăn nổi. Tất nhiên Cách mạng tháng 8 không chỉ có thế, nhân dân tích tụ uất ức vì nô lệ cả trăm năm, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ để bùng cháy, nhưng kỳ thực lúc ấy đã có mấy ai gọi là giác ngộ cách mạng gì đâu. Hiện tượng đám đông mà Gustave Le Bon từng nói là có thật. Hồ Ngọc Đại vốn có tiếng nói bạo, nói ngược, cũng có phần ỷ thế con rể Tổng bí thư Lê Duẩn. Tuy nhiên việc một “sự cố” như vậy diễn ra đúng từ ngày đầu tiên của khóa một, nói theo cách nào đó, không hoàn toàn là ngẫu nhiên. Chúng tôi thật sự muốn gây hoang mang cho người học vừa bước chân vào trường, khiến họ mất hết lòng tin vào tất cả những gì vẫn đinh ninh trước khi đến đây. Họ nghi ngờ tất cả, và thậm chí nghi ngờ cả những điều các thầy, các chuyên gia đầu ngành nổi tiếng sẽ được mời đến nói với họ trong suốt ba năm sắp tới ở trường. Và tự làm lại chính mình, độc lập và thật sự tự do.

Là một trường đại học dẫu sao cũng là của nhà nước nên tất phải có phần gọi là chương trình “cứng” bắt buộc, bộ phận giáo vụ do anh Trần Niêm phụ trách đã ghi rõ môn “Triết học Marx-Engels” (chứ không Marx-Lenin). Phần này do các anh Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Trọng Chuẩn, Việt Phương, Tạ Văn Thành trình bày, anh Lê Hữu Tầng mở đầu, và anh Dương Phú Hiệp tổng kết. Tôi gọi là trình bày bởi có người giảng rất bài bản, có người chỉ trò chuyện nhẹ nhàng cởi mở, người học nghe, hiểu và chấp nhận đến đâu là do tự chính mình.

Các anh Việt Phương, Ngô Thế Phúc, Nguyễn Khắc Dương nói về triết học phương Tây. Triết học phương Đông, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo là phần của các anh Minh Chi, Quang Đạm, Trần Đình Hượu, Phan Ngọc…

Xã hội học có các anh Phạm Bích San, Tô Duy Hợp, Nguyễn Hồng Phong. Mỹ học có anh Như Thiết. Anh Trần Niêm ở giáo vụ giới thiệu “Ghi chú về nghệ thuật” của Nguyễn Quân và về Kagan.

Tâm lý học được coi là phần rất quan trọng. Trường mời được chuyên gia hàng đầu Phạm Hoàng Gia. Phạm Minh Hạc nói về tâm lý học xô-viết, Hồ Ngọc Đại về tâm lý học hành vi, Phạm Vĩnh Cư về tâm lý học nghệ thuật và Hoàng Ngọc Hiến về phân tâm học.

Về ngôn ngữ học có các chuyên gia Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Hoàng Tuệ.

Các anh Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Đình Hượu, Phan Ngọc nói về lịch sử Việt Nam, lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt. Về lịch sử thế giới thì có các chuyên gia Lương Ninh, Nguyễn Quốc Hùng… Có cả một lực lượng đông đảo, đa dạng và phong phú các anh chị cho phần văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới, những Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Huệ Chi, Đình Quang, Nguyễn Thụ, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư…

Cũng có trường hợp thú vị hai nhà dân tộc học danh tiếng Đặng Nghiêm Vạn và Nguyễn Từ Chi, đều là chuyên gia sâu về Mường, anh Vạn thuộc trường phái Liên Xô, chỉn chu, bài bản, thông thạo cả Tây Nguyên, anh Từ Chi gần phương Tây, đúng hơn là độc đáo gần như một mình, với Tây Nguyên, anh chỉ “đá” qua một thoáng, chỉ viết một bài, nhưng là bài cực kỳ đặc sắc, nhiều phát hiện mới mẻ, những dự báo, cả cảnh báo của anh về sau đều được chứng minh chính xác hoàn toàn. Tôi thân anh Vạn hơn, nhưng lại “sợ”, phục Từ Chi hơn. Khi anh Từ Chi mất năm 1995, nhà dân tộc học bậc thầy thế giới Georges Condominas viết: “Việt Nam vừa mất một nhà bác học”…

Trong ba năm ở Nguyễn Du, các nhà văn trẻ được gần gũi hằng ngày với những chuyên gia hàng đầu của rất nhiều lĩnh vực như thế, và tôi có cảm giác các thầy đến đây cũng rất khác với khi đến với các đại học thông thường. Họ biết trước mặt họ là những tài năng đang chớm nở, được chọn lọc hiếm hoi, rất nhạy cảm, rất khao khát cái mới, cái lạ, cái thật, họ có thể nói hết, cả nhưng điều chính họ còn tìm tòi, trăn trở, thậm chí bế tắc chưa tìm được lời giải. Họ đến không phải để truyền đạt những chân lý, cũng không phải chỉ để truyền dạy kiến thức, mà còn tâm sự những nghi ngờ của chính họ… Điều thú vị là chính cách dạy và học này mang lại thành quả giải phóng tư duy cho người học, đánh thức tiềm năng vốn có sẵn trong họ, đặc biệt ở những người… học rồi quên hết, như ở Bảo Ninh hay Trung Trung Đỉnh, để chỉ thử kể hai trường hợp nổi bật. Và đương nhiên nó không đồng đều ở mọi người. Cũng có người học thế mà chẳng “vào” được bao nhiêu. Bấy giờ có anh Đệ ở Thanh Hóa, rất nghèo, vợ chồng bán cả nhà để Đệ ra học Nguyễn Du, nhưng rồi cũng chẳng đến đâu, tôi rất thương, thường hỏi thăm, bây giờ Đệ làm biên tập ở một cơ quan truyền thông nào đó. Chuyện văn chương là thế, trông vậy mà rất khắc nghiệt…

Chắc người đọc có chú ý, tôi vẫn nhắc đi nhắc lại “trường Nguyễn Du từ khóa 1 đến khóa 5”, bởi vì đến đây, năm 1996, bỗng đột ngột có thay đổi. Và lạ thay sự đời, chính Nguyễn Khoa Điềm vừa lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa đưa một người tên là Đặng Việt Bích, còn có biệt danh là Bích Bột, con trai ông Trường Chinh, về làm hiệu trưởng, thay hẳn Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư. Ông Trường Chinh có con trai là anh Đặng Xuân Kỳ rất sắc sảo, và chị Đặng Việt Nga ở Đà Lạt, một kiến trúc sư tài năng và nổi tiếng độc đáo. Nhưng đến Bích Bột thì, ngoài bao nhiêu tai tiếng khác, theo tôi không biết một chữ nào về văn chương, cũng mù tịt về giáo dục.

Trường Nguyễn Du từ đó không chỉ xuống cấp, nó thật sự bị phá tan tành. Để rồi dần dần trở thành một khoa của trường Đại học Văn hóa, rồi lại thành khoa có cái tên kỳ cục, gọi là Khoa Viết văn, Báo chí của trường này.

Anh Ngô Văn Giá được giao phụ trách. Tôi biết và quý anh Giá cùng một số anh làm việc ở khoa hiện nay, các anh hiểu cả và rất cố gắng, học viên tất nhiên vẫn còn người tài. Nhưng cần nói rõ một trường Nguyễn Du thật sự đã tuyệt đối không còn và đó là một tổn nhất không nhỏ. Không chỉ cho văn chương. Nó cũng có thể gợi ý khá nhiều cho cả giáo dục nói chung nữa.

Tôi đã nói quá dài về trường Nguyễn Du. Là vì quả thật nó có vai trò quan trọng cho gần như cả một thế hệ cầm bút sau chiến tranh. Cũng còn vì, như chính Bảo Ninh nói, không có nó thì cũng không có Nỗi buồn chiến tranh.

Trong chiến tranh vệ quốc của Liên Xô 1939-45, đã có hàng trăm nhà văn nổi tiếng ra trận, nhưng bên ấy người ta vẫn nói họ chờ sự xuất hiện của “nhà văn trung úy” tức người trực tiếp cầm súng chứ không chỉ cầm bút. Ở ta cũng vậy, ngay cả tôi cũng vậy, dù có vào cuộc xông xáo đến mấy, tôi vẫn là anh phóng viên hay anh nhà văn tự do, được phép lùi ra lúc không thật cần hay không dám. Sau 1975, chúng ta chờ sự xuất hiện và lên tiếng của “nhà văn binh nhì”. Bảo Ninh nhập ngũ năm 1969, sau Mậu Thân. Ấy là lúc miền Bắc vét những thanh niên cuối cùng của mình ra trận, cả học sinh và sinh viên, cho những trận đánh sinh tử cuối cùng. Bảo Ninh lại vào ngay Bắc Tây Nguyên, cửa ngõ của toàn chiến trường miền Nam, những Đaktô, Tân Cảnh, Ngọc Hồi, Bờ Y…, nổi tiếng với “những đồi thịt băm”, tên do chính lính Mỹ đặt…

Ở trường Nguyễn Du có lệ sinh viên ra trường, thay vì nộp một luận văn, phải trình một tác phẩm tốt nghiệp và bảo vệ trước một hội đồng gồm các thầy và một số nhà văn. Lại có lệ trường mời một số nhà văn, mỗi người gọi là theo dõi, “hướng dẫn” hai hay ba học viên. Bảo Ninh thuộc nhóm của tôi, nên tôi có tham gia “chấm” tác phẩm tốt nghiệp của anh, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Đấy là một buổi bảo vệ thật hay và cảm động. Bảo Ninh nói vì sao anh viết quyển sách này. Anh kể cùng ra trận với anh ngày ấy là hàng ngàn trai trẻ bạn bè, trong đó có bao nhiêu người sáng sủa, tài năng, đặc sắc, đẹp trai, đầy tương lai tốt đẹp hơn anh. Vậy mà họ đã chết hết, chỉ anh là cái thằng xoàng xĩnh nhất còn sống sót và trở về. Sự sống sót của anh, sự còn lại trên đời của anh, mỗi ngày còn sống của anh hôm nay là cực kỳ phi lý. Anh biết suy nghĩ ấy của anh là vô lý, chiến tranh vốn cực kỳ tùy tiện, nó không chọn người kém chết trước người giỏi chết sau. Nhưng sự sống sót của anh cứ như là một sự phản bội.

Bảo Ninh ra trận và đánh nhau ở Tây Nguyên đúng lúc Tây Nguyên – mật danh là B3 – tạm tách khỏi B1 tức Quân khu 5. Tướng Chu Huy Mân được điều lên B3 với ý định thành lập một Quân đoàn mới trên ấy. Anh Đặng Vũ Hiệp cũng được điều lên làm Chính ủy Tây Nguyên.

Sau chiến tranh, có lần anh Hiệp đến chơi ở Hội Nhà văn và tình cờ gặp Bảo Ninh. Anh bảo tớ đọc sách của cậu rồi, tớ biết tỏng cậu ở sư 10, trung đoàn 24, tiểu đoàn 5, đúng không? Tớ là Chính ủy Tây Nguyên, việc gì tớ không biết. Cậu không viết đúng sự thật. Bảo Ninh trả lời: Vâng, em viết không đúng sự thật của anh, sự thật của người chỉ huy bao quát cả chiến trường Tây Nguyên. Em viết sự thật của em, thằng binh nhì ở đáy tận cùng của chiến trận, một sự thật khác ạ.

Cuộc đối thoại tuyệt hay. Còn Simonov thì nói: Không ai biết hết về chiến tranh. Chỉ có nhân dân mới biết hết. Mà nhân dân là một khái niệm trừu tượng. Không ai có thể tự xưng mình là nhân dân, không có nhân dân nói chung. Nhân dân kỳ thực gồm từng người, và đặc biệt trong chiến tranh, mỗi người có sự thật riêng của mình, số phận vô cùng riêng của mình. Tất nhiên là trong cuộc chiến chung mà ta khẳng định vì chính nghĩa dân tộc, nhưng làm cuộc chính nghĩa là từng người lính với sự thật và số phận rất riêng của họ.

Ở buổi bảo vệ tốt nghiệp, Bảo Ninh còn nói: Trong chiến tranh, người cuối cùng không được lựa chọn gì hết là người lính trần, người chỉ có độc một ngôi sao trơ trụi trên khuôn vải đỏ hình chữ nhật của cấp hiệu. Quyền lựa chọn là của các cấp chỉ đạo, chỉ huy: hôm nay, trong trận huyết chiến này, sử dụng đại đội A hay đại đội B? Trung đội 1 hay trung đội 2 sẽ là lực lượng xung kích? Tiểu đội nào lên trước tiểu đội nào lên sau? Tổ nào là tổ 1, tiếp sau mới đến tổ 2… Quyền lựa chọn đó của người chỉ huy là số phận của người lính. Nó rơi xuống trên đầu người lính trần, anh vào trận, hoặc anh nhanh tay hơn kịp chọc lưỡi lê sắc lạnh vào đúng tim con người cũng trần trụi như anh ở bên đối diện. Hoặc con người cũng vô danh và cũng hoàn toàn không có quyền lựa chọn đó nhanh tay hơn anh một phần nửa của giây và kẻ bị chọc đúng tim là anh. Lạnh lùng đơn giản là vậy…

Tôi đọc tác phẩm nổi tiếng Thân phận con người (La condition humaine) của André Malraux viết về cuộc khởi nghĩa năm 1927 ở Thượng Hải của những người cộng sản phối hợp Quốc dân đảng Trung Quốc, rồi lại phản bội nhau, có cả nhân vật Tưởng Giới Thạch và Chu Ân Lai. Đọc đã lâu lắm, hầu như đã quên sạch, nhưng lại vẫn nhớ một nhân vật phụ tên là Tchen. Để có vũ khí cho khởi nghĩa, anh được phân công ám sát viên gác cổng của đối phương, cướp lấy giấy tờ để tìm ra kho súng. Anh đã bí mật đâm chết nó bằng một nhát dao găm. Malraux kể, điều khiến Tchen kinh hoàng đến lạnh toát suốt xương sống là anh không ngờ thịt người lại mềm thế, trong khi anh chờ đợi một kháng cự cứng rắn dữ tợn hơn nhiều của sự sống. Chính việc giết một mạng người lại dễ dàng đến vậy khiến anh hoảng sợ, sẽ ám ảnh cho đến chết. Mà chiến tranh, nói gì thì nói, bất cứ chiến tranh nào, thì cụ thể cũng là người giết người. Tôi ở Tây Nguyên nhiều, tôi biết dã thú như con hổ chỉ giết khi nó cần ăn để tồn tại, hoặc lúc phải tự vệ. Người là con vật duy nhất giết vì những “lý tưởng” với lại những “chủ nghĩa”…

Nhiều người hẳn còn nhớ sau kháng chiến chống Pháp, có lúc ở miền Bắc, ta đã giảm gần tám vạn quân, chuyển một số đơn vị tạm sang làm công nhân ở các nông trường, công trường. Tôi đã có thời gian gọi là đi thực tế ở công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên, cùng anh Xuân Cang vốn ở Tổng công đoàn, và chị Lê Minh, con gái cụ Nguyễn Công Hoan cũng lên đây vì có chồng là anh Diệp làm Phó Giám đốc công trường. Khu Gang thép Thái Nguyên do Trung Quốc viện trợ, cực kỳ lạc hậu về công nghệ, máy móc toàn là thứ thừa thãi vứt đi. Xây dựng một khu công nghiệp sắt thép hiện đại mà hầu hết làm theo lối thủ công, công nhân đông lúc nhúc đến hai vạn người, tuyệt đại đa số là lính chuyển ngành, cộng cả vợ con đến bốn vạn người. Quản lý cả cái xã hội hết sức ô tạp vừa lính vừa nông dân, lổn nhổn đàn ông, đàn bà, cả trẻ con đủ loại ấy là Tổng giám đốc Đinh Đức Thiện. Ông Thiện là em ruột ông Lê Đức Thọ, nhưng khác hẳn ông anh. Một vị tướng phóng khoáng, thẳng thắn, giản dị và chân thật, quyết đoán mà rộng rãi, dễ gần. Ông rủ ba nhà văn đi thực tế chúng tôi cùng ở chung, hằng ngày cùng ăn cơm, và ông đặt ra một quy định nghiêm nhặt: suốt ngày lăn lóc bao nhiêu công việc căng thẳng rồi, đến bữa cơm tuyệt đối cấm nói chuyện công tác nữa. Và đấy là cơ hội để ông kể vô khối chuyện tiếu lâm và nói tục ghê gớm, bất chấp có chị Lê Minh ngồi ở đấy.

Cái công trường kỳ lạ ấy đông và phức tạp đến nỗi nó có cả một tòa án, và cái tòa án ấy đã mấy lần tuyên tử hình những công nhân nguyên là lính nay phạm tội giết người. Hôm ấy lần đầu tiên tôi thấy ông Thiện vi phạm chính quy định của ông trong bữa ăn. Mọi người bỗng im lặng khác thường. Ông Thiện vốn quen có thói nói to, hôm nay ông nói chậm và nhỏ, gần như thầm thì. Ông bảo: Ở đây có cậu Ngọc là lính, không biết đã lần nào trực tiếp ra trận và tự tay giết người chưa. Cái cảm giác lần đầu tiên tự tay giết người, nhất là đâm lê hay đâm dao, chứ không phải bắn súng từ xa, là ghê gớm lắm, dù là giết kẻ thù vì chính nghĩa gì gì đi nữa. Nhìn thằng lính mới giết người lần đầu, biết ngay, mất ăn mất ngủ, bơ thờ, thất thần. Nhưng lạ thế, lại không gì dễ quen, dễ say bằng giết người. Còn ham nữa là khác. Hóa ra con người là loài vốn nuôi sẵn thú tính hoang dã… Cậu công nhân bị tử hình hôm nay là lính đã từng quen giết người, đã coi giết người cũng thường thôi, gây sự với nhau một chút đã có thể rút dao và ra tay… Nên nhớ từ nay ta sẽ phải sống trong một xã hội như thế. Người thật sự từ chiến tranh trở về dẫu muốn đến đâu cũng không thể còn là con người bình thường như trước nữa. Tớ cho ở đời khó nhất là giữ được nguyên vẹn tính người tinh khôi, khôi phục tính người sau khi đã thật sự đi qua chiến tranh…

Mà hồi đó mới là năm 1959, mới kết thúc chiến tranh chống Pháp được mấy năm, còn chưa bùng nổ chiến tranh miền Nam khốc liệt gấp mấy.

Trong văn học Việt Nam theo tôi có hai cuốn sách đặc sắc về cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn để giữ lấy tính người, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn là một, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là hai. Sách của Bùi Ngọc Tấn là chuyện ở tù, nhưng không hề nhắc gì đến tra tấn. Chỉ có một chế độ kiên trì từ ngày này qua ngày khác quyết hạ nhục con người cho đến cùng, quyết tiêu diệt cho kỳ sạch nhân cách người của họ, biến con người cho kỳ thành con vật. Suốt mấy năm ròng, bằng mọi cách, họ cố trát bùn đen lên tâm hồn anh. Nhưng Bùi Ngọc Tấn là một hiện tượng kỳ lạ của loài người. Không một chút bùn nhơ nào thấm được vào anh. Thậm chí một chút căm thù đối với kẻ quyết hại mình anh cũng không có được. Vẫn mãi mãi trong veo, nhân hậu, mãi mãi thanh sạch như một sinh linh vừa ra đời. Bùi Ngọc Tấn là chiến thắng tuyệt đối của cái Thiện, cái Đẹp, chống lại cái Ác, cái Xấu.

Trường hợp Bảo Ninh khác và có thể còn khó hơn. Bởi chiến tranh là lấy cái Ác để diệt cái Ác.

Cho tôi kể một trận đánh chưa từng được biết đến trong một cuộc chiến tranh nào khác. Bấy giờ, Mỹ dùng quân Nam Hàn làm lính đánh thuê, tập trung chủ yếu ở Khu 5, từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Họ được giao một nhiệm vụ duy nhất: tàn sát dân ở bất cứ nơi nào họ đến, để gây khiếp đảm. Họ tràn vào các làng, và không vì lý do nào hết, giết sạch không tha một ai, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Hồi bấy giờ ta xác định đối tượng tác chiến trên chiến trường, thứ nhất là quân Mỹ, thứ hai là quân Sài Gòn, không có tên quân Nam Hàn trong thứ tự đó. Nhưng sau khi nhận ra ý đồ của đối phương, ta quyết định tập trung đánh một số trận có tính chất cảnh cáo với quân Nam Hàn. Dữ dội nhất là trận diệt sạch một tiểu đoàn Nam Hàn ở Đồi Tranh Quang Thạnh, Quảng Ngãi. Tư lệnh Chu Huy Mân trực tiếp ra lệnh nghiêm khắc: Trận này tuyệt đối không được bắt tù binh! Và lính ta đã chấp hành triệt để. Tên địch nào còn ngắc ngoải đều bị đâm cho kỳ chết hẳn bằng dao găm, bỏ xác phơi lại trên trận địa. Còn hai trận đánh quân Nam Hàn khác ở Quảng Đà, diệt sạch hai đại đội, cũng đúng cùng một cách. Từ đó quân Nam Hàn thay đổi hẳn thái độ, chấm dứt hẳn tàn sát bừa bãi, và thành trung lập. Quân ta hành quân sát đồn, chúng đều để yên, chỉ phản ứng khi ta chủ động nổ súng trước.

Vâng, đấy là chiến tranh thật, cuộc chiến tranh đã bắt đầu vì chính nghĩa dân tộc. Dù càng về sau nó đã lâm ngày càng sâu vào chiến tranh ý thức hệ, biến thành một cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn…

Chiến tranh dù thường ồ ạt vậy, kỳ thực con người trong cuộc lại có lúc rất cô độc, bơ vơ. Trong Nỗi buồn chiến tranh có một cảnh thật lạ lùng. Trận đánh đã tàn, bóng đêm đã xuống. Trận địa chỉ còn những xác chết ngổn ngang. Và chỉ còn sót lại hai người lính sống sót, một ở bên này một ở bên kia. Hai con người bị cái chết của cuộc tàn sát điên cuồng bỏ quên trên một thế giới không còn người. Họ bỗng muốn đi tìm nhau. Nhưng họ nào đâu có biết tên nhau để gọi. Anh lính miền Bắc loạng choạng lội qua những xác chết còn đẫm màu, thống thiết gọi: Ngụy ơi, Ngụy ơi, mày đang ở đâu? Mày đang ở đâu, Ngụy ơi!… Cứ như tiếng gọi thảm thương và tuyệt vọng song vẫn còn cố không để mất: Còn có con người không, hỡi cái vẫn muốn được gọi là nhân loại?

N.N.