05 février 2021

Trung Quốc chuẩn bị bồi đắp thêm đảo nhân tạo tại Trường Sa

NEW YORK CITY, New York (NV) – Những dấu hiệu báo động cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị bồi đắp thêm một bãi đá ngầm lớn thành đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa ngay đầu năm 2021.

Đoàn tàu có vẻ giống các tàu hút cát lòng biển tập trung tại bãi đá Ba Đầu để bồi đắp đảo nhân tạo. (Hình: DWNews)


Theo báo Hoa Ngữ Duowei Xinwen (Đa Duy Tân Văn) ở thành phố New York cho hay hôm Thứ Hai, 1 Tháng Hai 2021, một số đông đảo các tàu giống như các tàu hút cát lòng biển và các tàu kỹ thuật của Trung Quốc đang tập trung tại bãi đá Việt Nam gọi là bãi đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” với các bằng chứng lịch sử và thực tế.

Báo Đa Duy Tân Văn là một tờ báo có khuynh hướng chống Cộng nên bị nhà cầm quyền Trung Quốc ngăn chặn ở Hoa Lục, dù là báo in hay báo điện tử.

Diện tích hơn 10 km2, bãi Ba Đầu là bãi san hô lớn nhất ở cực Đông Bắc của cụm Sinh Tồn gồm 23 đảo và bãi đá san hô ngầm. Đảo Sinh Tồn hiện do Việt Nam trấn giữ là đảo duy nhất trong cụm này. Ngoài đảo Sinh Tồn, Việt Nam còn trấn giữ các bãi san hô khác gồm Đá Len Đao, Cô Lin, và Sinh Tồn Đông. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm đóng (sau khi cướp của Việt Nam năm 1988) bãi Gạc Ma, Tư Nghĩa mà nay Gạc Ma đã trở thành một trong những đảo nhân tạo và căn cứ quân sự khổng lồ của Trung Quốc ở Trường Sa.

Nguồn tin trên dựa vào hình ảnh vệ tinh mới nhất để nói những tàu kỹ thuật và truyền tin tập trung tại bãi Ngưu Ách theo tên gọi của Trung Quốc, Việt Nam gọi là bãi Ba Đầu. Cảnh này giống những hình ảnh vệ tinh người ta thấy khi những tàu loại đó tập trung ở các bãi đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn, đá Ga-ven, đá Tư Nghĩa và đá Châu Viên để hút cát lòng biển, bồi đắp đảo nhân tạo từ Tháng Bảy, 2013.

Nếu Trung Quốc biến bãi đá Ba Đầu thành một đảo nhân tạo cỡ lớn rồi xây dựng căn cứ quân sự quy mô, nhóm đảo và bãi đá ngầm Việt Nam trấn giữ tại cụm Sinh Tồn coi như bị chặn từ hai mặt Bắc Nam.

Bản dịch của Google bản tin báo Hoa Ngữ Duowei xinwen về dấu hiệu Trung Quốc chuẩn bị bồi đắp thêm đảo nhân tạo ở Trường Sa. (Hình chụp màn hình)

Gần đây, báo chí Mỹ cho hay Trung Quốc đã hoàn tất thiết trí trang bị cho các tòa nhà dùng làm nhà chứa máy bay cho ba đảo nhân tạo có phi đạo. Mỗi tòa nhà có thể chứa tới 24 máy bay chiến đấu và bốn máy bay lớn như máy bay vận tải, máy bay tuần tra, hay cả máy bay ném bom cỡ lớn. Các đảo nhân tạo cũng đã có hệ thống truyền tin vệ tinh, nhà máy lọc nước biển, nhà máy điện, các vị trí bố trí hỏa tiễn, cảng biển, hải đăng, các doanh trại cao tầng cho hàng ngàn quân lính.

Hiện người ta chưa thấy nhà cầm quyền CSVN nói gì. Hôm 29 Tháng Giêng mới đây, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, trả lời báo chí về việc Trung Quốc ban hành Luật Hải Cảnh mới cho phép tàu của họ bắn các loại tàu nước ngoài. Bà Hằng thấy được dẫn lời tuyên bố bâng quơ: “Các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.”

Dịp này bà Hằng lặp lại như bao lần trước đây là “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.”

Cụm Sinh Tồn và vị trí các bãi: Ba Đầu hình chữ V ở Đông Bắc, bãi đá Gạc Ma ở cuối Tây Nam, trong khi đảo Sinh Tồn và các bãi đá Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông mà Việt Nam trấn đóng nằm ở giữa. (Hình: Wikipedia)

Bà Hằng nhân danh nhà cầm quyền CSVN “yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.”

Nay thì Trung Quốc vẫn bất chấp những lời tuyên bố bâng quơ của Hà Nội, tiếp tục chuẩn bị bồi đắp thêm một vị trí nữa tại Trường Sa, bất chấp luôn cả chữ ký của họ “giữ nguyên trạng các vùng biển tranh chấp” trong bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông ký với 10 nước ASEAN từ năm 2002. (TN) [qd]

Feb 2, 2021

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/trung-quoc-chuan-bi-boi-dap-them-dao-nhan-tao-tai-truong-sa/