Stefano Filippi
Thục-Quyên lược dịch
Giulio Terzi di Sant’Agata: "Trung Quốc thành công ngay trên lãnh vực mà Liên Xô đã thất bại. Không phải
Liên Xô không cố gắng, nhưng thật ra họ chưa bao giờ thực sự nắm bắt được công
nghệ tiên tiến nhất cũng như tài sản trí tuệ của phương Tây, để sử dụng chúng
cho mục đích của riêng họ. Trong khi đó, do có rất nhiều công ty phương Tây tận
dụng lợi thế của chi phí lao động thấp để đặt các nhà máy ở Trung Quốc, nên
việc đánh cắp công nghệ của những công ty này trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hoa Kỳ
tuyên bố rằng giá trị của công nghệ bị đánh cắp này là từ 400 đến 600 tỷ đô la
- mỗi năm. Và chưa hết, còn nữa."
Giulio Terzi di Sant’Agata, cựu
Bộ trưởng Ngoại giao Ý.
Phần 1
Nhà ngoại giao nổi tiếng nhất của Ý, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Giulio Terzi di Sant’Agata, trong cuộc phỏng vấn ngày 29/01/2021 với ký giả Stefano Filippi(1), đã cho biết quan điểm của ông về dự án bá chủ toàn cầu của Tập Cận Bình và cách họ Tập sử dụng Đại dịch để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.
Giulio Terzi di Sant’Agata được coi là nhà ngoại giao Ý xuất sắc nhất. Ông từng là Đại diện Thường trực của Ý tại Liên Hiệp Quốc năm 2008-2009, Đại sứ Ý tại Hoa Kỳ năm 2009-2011 và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý năm 2011-2013. Ông tiếp tục hoạt động tích cực trong các lĩnh vực an ninh quốc tế và nhân quyền. Ông đã rất chú ý quan sát Trung Quốc trong suốt thời gian dài làm việc trong ngành ngoại giao của mình, và cũng tích cực thúc đẩy đối thoại liên tôn và tự do tôn giáo.
Thưa Đại sứ, ông đã nhiều lần trả lời phỏng vấn về Trung Quốc và cuộc khủng hoảng COVID-19, cho rằng COVID-19 đã trở thành “vũ khí hoàn hảo” cho chế độ Trung Quốc. Xin ông nói rõ hơn.
Tôi không có ý nói rằng con virus này là một vũ khí sinh học.
Điều tôi muốn nói là Tập Cận Bình đã sử dụng đại dịch để thúc đẩy dự án bá chủ toàn cầu của ông ta.
Đây là thực tế: trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình bằng cách thông tin sai lệch, tuyên truyền và áp dụng một chính sách ngoại giao rất hung hăng. Họ đã xoay xở thuyết phục được một số người rằng loại virus này không sinh ra ở Vũ Hán. Thậm chí có người còn tin rằng nó có nguồn gốc từ Ý.
Và họ cũng đã thành công trong việc loan truyền lý thuyết rằng chỉ có Trung Quốc mới thành công kiềm chế dịch bệnh, trong khi các nền dân chủ tây phương đã chứng minh một cách ngoạn mục rằng họ đang bệnh hoạn và suy đồi. Điều nghịch lý nhất là chúng ta đều quên rằng, sau đại dịch SARS, năm 2005, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận quốc tế, buộc tất cả các nước ký kết chia sẻ thông tin về các loại virus mới xuất hiện trong vòng 24 giờ đồng hồ. Họ đã ngang nhiên vi phạm thỏa thuận này, chờ hàng tuần và có thể hàng tháng trước khi thông báo cho thế giới những gì họ biết về COVID-19. Chưa kể bây giờ, phải sau hơn một năm họ mới cho phép một phái đoàn của WHO đến nước họ điều tra.Và trong phái đoàn thì chỉ có các chuyên gia mà Trung Quốc chấp thuận.
Như tôi đã nói, một vũ khí hoàn hảo!
Vũ khí dùng trong việc gì?
Tôi vừa đọc cuốn sách của nhà kinh tế học người Mỹ David Goldman (công nhận, rất bảo thủ), "Bạn sẽ bị đồng hoá" (You Will Be Assimilated).
Điểm đáng chú ý là thái độ của Trung Quốc đã thay đổi như thế nào dưới thời Tập Cận Bình. Trong nhiều thế kỷ, chú tâm của Trung Quốc, dưới các chế độ khác nhau, là an ninh nội bộ và bảo vệ biên giới. Lần đầu tiên, với Tập Cận Bình, xuất hiện một dự án thống trị toàn cầu rõ ràng. Điều này hoàn toàn mới. Chúng ta không cần chờ các nhà phân tích tây phương, hoặc Goldman, để hiểu điều này. Đọc chính các bài phát biểu của Tập Cận Bình, cho đến bài mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Davos, là đủ.
Tập cho biết ông ta hoàn toàn kỳ vọng Trung Quốc sẽ dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến trong vòng 5 năm tới. Ý của Tập là những loại công nghệ mở cửa cho việc kiểm soát thông tin, chính trị và kinh tế. Trước đây, ông ta cũng từng nói rằng quyền bá chủ toàn cầu của Trung Quốc phải trở thành hiện thực vào ngày kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày đó là ngày 1 tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, cũng trong các bài phát biểu khác, ông ta đã đề cập đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tính như vậy thì là năm 2049, có vẻ thực tế hơn.
Thực tế hơn?
Đúng vậy, và cách để đạt được điều đó chủ yếu không phải thông qua các sáng kiến chính trị hoặc quân sự. Các chủ đề chính được thảo luận trong các hội nghị thượng đỉnh của ĐCSTQ là quản lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchains). Năm ngoái, Tập Cận Bình nói rằng đã phối hợp kế hoạch phối để Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. Kế hoạch này được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ. Tập tin rằng những người tiên tiến nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ ở vị trí thuận lợi để kiểm soát thế giới. Chúng ta nói nhiều về 5G nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã thử nghiệm 6G thông qua công ty Baidu. 6G sẽ mạnh hơn 5G gấp 100 lần và Trung Quốc rõ ràng đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Phần 2
Chẳng phải phương Tây từng là những quốc gia dẫn đầu thế giới về các công nghệ tiên tiến nhất sao? Trung Quốc đã vượt qua chúng ta như thế nào?
Trung Quốc thành công ngay trên lãnh vực mà Liên Xô đã thất bại. Không phải Liên Xô không cố gắng, nhưng thật ra họ chưa bao giờ thực sự nắm bắt được công nghệ tiên tiến nhất cũng như tài sản trí tuệ của phương Tây, để sử dụng chúng cho mục đích của riêng họ. Trong khi đó, do có rất nhiều công ty phương Tây tận dụng lợi thế của chi phí lao động thấp để đặt các nhà máy ở Trung Quốc, nên việc đánh cắp công nghệ của những công ty này trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hoa Kỳ tuyên bố rằng giá trị của công nghệ bị đánh cắp này là từ 400 đến 600 tỷ đô la - mỗi năm. Và chưa hết, còn nữa.
Trung Quốc thường xuyên trả tiền thuê một số nhà khoa học phương Tây làm thành viên các hội đồng và ủy ban Trung Quốc, mời họ ăn uống, và hơn thế, mời họ thường xuyên đến giao lưu văn hóa. Điều này không hề cần che giấu, và thậm chí không phải là bất hợp pháp. Nhưng hậu quả lại quá rõ ràng.
Ông đã nhiều lần tố cáo các chính sách của chế độ Trung Quốc đối với các tôn giáo và dân tộc thiểu số là diệt chủng. Từ ngữ này hiện đã được Hoa Kỳ chính thức sử dụng …
Có nhiều định nghĩa khác nhau về tội diệt chủng. Những gì đang diễn ra ở Tân Cương là một cuộc diệt chủng cổ điển theo kiểu Đức Quốc xã, với các trại tập trung và cưỡng bức triệt sản phụ nữ. Ở Tây Tạng, nó đã bắt đầu từ trước đó, bằng cách chú tâm loại bỏ ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo Tây Tạng, đẩy người Tây Tạng ra khỏi đất nước của họ, và nhập khẩu tiếng Hán vào, đó là điển hình của chính sách diệt chủng. Cướp nội tạng từ các tín đồ Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác cũng là một hành vi diệt chủng.
Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông ta đã thành công lớn trong việc xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là tuyên truyền?
Cách đây vài năm, chúng tôi cũng có một nhà lãnh đạo Ý tuyên bố như thế. Và đúng vậy, đó chỉ là tuyên truyền và dựa trên các định nghĩa về nghèo đói có mục đích gây lợi cá nhân. Tập Cận Bình cũng nói rằng một nửa dân số Trung Quốc sống đủ với thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ, khoảng dưới 130 Euro. Họ “sống đủ”, nhưng họ không thoát cảnh nghèo khó. Chưa kể, nếu nhắc đến người Duy Ngô Nhĩ, thì họ bị buộc phải làm việc không công và được nuôi bằng một chế độ ăn uống hầu như chỉ cho phép sống sót, để sản xuất 20% lượng bông gòn trên thế giới.
Dự án của Xi có bất khả chiến bại không? Hay thế giới dân chủ có thể chống lại?
Chúng ta nên nhìn rằng trên thực tế, ngay cả khi không tính các cường quốc Á châu khác, nếu chúng ta gộp Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và Âu Châu lại, thì kết quả là một nền kinh tế lớn hơn Trung Quốc gần bốn lần. Khi đối đầu với Trung Quốc, ý tưởng phương Tây là David chống lại Goliath là một phần tuyên truyền của Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta phải có ý chí chính trị và quyết tâm chống lại Trung Quốc, một điều mà tôi không chắc, kể cả tại nước Ý của tôi.
Mặt khác, những thông điệp đầu tiên phát ra từ chính quyền Biden cho thấy đường lối chính trị kềm chế Trung Quốc sẽ tiếp tục. Khi còn là Đại sứ Ý tại Washington DC, vài lần tôi đã gặp Kurt Campbell, nhà ngoại giao sẽ cộng tác với Biden về vấn đề Trung Quốc . Đó là một chuyên gia lão luyện về mọi mặt, và tôi tin rằng ông ta sẽ làm công việc của mình một cách tốt đẹp. Tôi cũng tin rằng Ủy viên (phụ trách thị trường và công nghệ) của Liên minh Âu châu, Thierry Breton, cũng có một sự hiểu biết vững vàng về những vấn đề với Trung Quốc.
S.F.
____
(1) https://bitterwinter.org/covid-19-the-ccps-perfect-weapon-an-interview-with-giulio-terzi/