Khải Nguyên
-phiếm đàm-
Không rỗi nhưng cũng ngồi đọc
hết cuốn “Bác sĩ riêng của Mao” của Lí Chí Thỏa, bản dịch tiếng Việt. Ông
bác sĩ họ Lí là thầy thuốc riêng của Mao Trạch Đông từ năm 1954 cho đến khi ông
này chết vào năm 1976, cũng là người trông coi việc ướp xác Mao và chứng kiến
việc nặn giả hình Mao. Nhiều lúc ông Lí còn gần gũi Mao, cả theo nghĩa bóng,
hơn những cận vệ và thuộc hạ trực tiếp. Chẳng hạn, Mao đã cho Lí biết chủ
trương “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói” (cho giới trí thức, văn nghệ sĩ) chỉ
là cái bẫy, là “mồi nhử rắn rết ra khỏi hang” và “thả cho cỏ dại mọc lên” để
tận diệt. Cuốn sách của Lí làm hiện rõ chân dung
Mao với đặc trưng là “sự tàn nhẫn, vô
cảm, xảo trá, tham nhũng, không dung nạp bất đồng chính kiến, không muốn thừa
nhận thất bại, không quan tâm đến vệ sinh cá nhân, nghiện
thuốc an thần Barbiturate, và say mê
nhân tình trẻ"
(Wikipedia). Cuốn sách cũng cung cấp các chi tiết quan trọng mà trước đó
chưa từng được biết về nhiều đồng chí, đồng nghiệp của Mao tại Trung Nam Hải và các sự kiện quan trọng xảy ra trong
thời gian Mao cai trị Cộng hòa nhân dân
Trung Hoa.
Có thời kì tôi trọng Mao Trạch
Đông và thích thú theo rõi những bài bình luận “chống bọn xét lại Khơ-rút-sốp”
trên đài phát thanh Bắc kinh, buổi phát thanh tiếng Việt, năm 1964. Nhưng từ
cuối 1966, trong khi thường thường người ta vẫn gọi “Mao chủ tịch”, thậm chí
“bác Mao” (vốn là hệ quả của “tuyên truyền”, “giáo dục”), tôi chỉ gọi “Mao”,
dẫu gặp “phiền” không ít mỗi lần “học tập chính trị”. Cũng như khi người ta gọi
“nước Trung Quốc anh em”, tôi chỉ gọi “nước Tàu” như trước Cách mạng ở ta vẫn
gọi không ngụ ý gì khinh miệt hoặc tôn sùng (Còn nhớ quãng năm 1950 trong kháng
chiến chống Pháp, một y sĩ khi mổ cho thương binh bực mình vì “con dao Tàu này tồi quá” đã bị
tước bằng chuyên môn!).
Dù rằng sau khi Mao mất, người
ta đã tiết lộ nhiều những chuyện “thâm cung bí sử”, -khá kĩ là cuốn “Mao
Trạch Đông, ngàn năm công tội” của Tân Tử Lăng (cựu giảng viên học viện
quân sự của Trung cộng), tác phẩm của Lí Chí Thỏa vẫn làm “giật mình”.
Khỏi nói những chuyện riêng tư
đã rất động trời như: Mao không tắm bao giờ tuy thích bơi lội (hàng ngày có
người dùng khăn ướt lau người cho), nhai lá chè thay cho đánh răng, ngủ với
không biết bao nhiêu phụ nữ chưa chồng hoặc có chồng (có thể “xài” hai người
một đêm, có lúc “rỡn” với năm cô trên chiếc giường riêng rộng quá khổ!), thản
nhiên phung phí của công để tôn uy quyền tối cao của mình như cho xây biệt điện
hành cung ở các địa phương, cần nhiều người chăm sóc và bảo vệ thường trực, mà
họa hoằn lắm mới đến ngự vài ngày, … Cũng khỏi
nói những hậu quả bi thảm: gần 40 triệu người dân chết đói trong phong trào
“Đại nhảy vọt” cuối những năm 50 thế kỉ trước; nhiều triệu người chết trong
“Đại cách mạng văn hóa vô sản” (theo cuốn “Mao Trạch Đông, ngàn năm công tội” thì
khoảng 20 triệu); số thương vong khó kể xiết trong những đợt đấu tố từ những
năm 1940 trở đi như “chỉnh phong”, “tam phản, ngũ phản”, “cải cách điền địa”, …
Chỉ nói cái uy, cái quyền của “bậc chí tôn” với bốn “vĩ đại” (lãnh tụ vĩ đại,
thống soái vĩ đại, người cầm lái vĩ đại, ông thầy vĩ đại) đẻ ra cái tư tưởng “vĩ
đại”, xứng đáng là “Lênin thời nay”, -ngôn từ một thời huyễn hoặc và khống chế toàn
nước Trung Hoa và ban bố cho cả và
thiên hạ. Nhiều tình tiết trong cuốn sách của bác sĩ Lí minh chứng đầy đủ cho
cái uy, cái quyền ấy.
Tất nhiên, sá gì với dân đen vốn
chẳng được đếm xỉa đến đã đành; với giới trí thức cũng vậy thôi. Ngay giới lãnh
đạo chóp bu, những đồng chí, những bạn chiến đấu của Mao, cũng cúi đầu trước
cái uy cái quyền ấy, không loại trừ những người hùng mà oai danh một thời trùm
khắp nước và vang xa cả ở nước ngoài. Bành Đức Hoài, nguyên soái tổng tư lệnh
quân đội từng chỉ huy quân kháng Mĩ viện Triều, chỉ viết thư riêng trình Mao về
nỗi điêu linh của dân quê do quốc sách “Ba ngọn cờ hồng” mà bị đưa ra phê phán,
qui kết tội đồ rồi cách tuột mọi chức vụ và đầy đọa cho đến chết. Lưu Thiếu Kì,
nhân vật số hai được Mao “dự kiến” cho kế vị ngôi “số một”, đương kim chủ tịch
nước, người có công đầu vá víu lại đất nước tan hoang vì đường lối hoang tưởng
của Mao, nhưng không nắm được thâm ý của ông ta lại làm cho ông ta nghi ngại
tham vọng của mình, nên đã bị đẩy ra cho bọn tiểu tướng lau nhau hồng vệ binh truy
bức hành hạ ngay trong phủ chủ tịch nước, giam giữ luôn tại đó, cuối cùng rồi
thân tàn ma dại “được” chết tại một xó vô danh như một kẻ ăn mày thảm hại nhất.
Đặng Tiểu Bình tuy khôn ngoan hơn, không nói thẳng như Bành, không để hở sườn
như Lưu, nhưng vẫn bị đám tiểu tướng đấu tố, và hai lần bị hạ bệ. Đến như Chu
Ân Lai, thủ tướng từ ngày thành lập nước CHNDTH cho đến lúc ông ta mất năm 1976,
một người khôn khéo, người mà trong lần thăm dò dư luận của một cơ quan truyền
hình Bắc kinh năm 1992 được 100% phiếu tín nhiệm, trong khi Mao được chưa đến
2% (theo tờ “Kính báo” Hông Công –Tân Tử Lăng dẫn lại), người khá nổi tiếng cả
ở nước ngoài, lại là người phục tùng, nịnh bợ Mao nhất, theo nhận xét của bác
sĩ Lí, cho đến đỗi một lần đang họp được tin gì đó từ dinh Mao ông ta bĩnh ra
quần phải vội vàng thay nội y mới đến chỗ Mao được (Chỉ trong hồi kí của bs Lí
mới có được những tiết lộ loại này. Chả trách Trung cộng “la lối” cuốn sách và
xóa tên cùng mọi vết tích của Lí Chí Thỏa khỏi các lưu trữ về Trung Nam Hải
thời Mao, phi tang, tạo cớ để phủ nhận những sự thật được phơi bày trong quyển
hồi kí của bác sĩ Lí!).
{Không một ai dám làm trái ý
Mao. Ngay Đặng Tiểu Bình, người đã dám nói vụng ám chỉ Mao: “Không ỉa ra cứt mà
cứ ôm lấy nhà xí chẳng cho ai vào cả”, cũng không dám công khai phản bác. Vậy
mà có một người, cô Trương Ngọc Phượng, vừa là y tá hầu cận vừa là người tình
của Mao, đã dám chửi ông ta. Lí Chí Thỏa kể đã có lần nghe cô ta cãi nhau với
Mao: “chủ tịch chửi mẹ tôi nên tôi chửi lại”. Lần khác, khi Mao dọa sẽ trừng
phạt, cô ta nói: “Nếu không làm được, chủ tịch là con chó!” (!) [Rõ là “thần l.
ám ảnh cũng mê mẩn đời” chăng?!]}.
Mao đã “ra đi” gần bốn chục năm
rồi, chẳng nên nói đến nữa làm chi. “... chết là hết chuyện” nhưng thật ra nào
chuyện đã hết! Không chỉ là những “câu hỏi lớn không lời đáp”. Chẳng hạn, làm
sao những con người từng vùng lên chống áp bức bóc lột và lôi kéo hàng triệu
quần chúng đi theo, những con người từng chiến đấu vào sinh ra tử, những con
người từng nuôi “lí tưởng giải phóng nhân loại”(!) lại có thể trở nên bé nhỏ,
hèn hạ, thậm chí ti tiện trước một con người vốn từ cùng hàng ngũ mà ra, từng
là “đồng chí” của nhau? Phải chăng lí do trên hết là ở Mao tích tụ “chí nhớn”
của họ. Nữa, chẳng hạn, từ “cải cách, mở cửa” về sau, “chí nhớn” ấy “di căn cốt
lõi” ra sao? ...
Ở Trung Quốc, kết tinh những
“chất liệu” làm nên “uy” và “quyền” kia. Truyền
thống quân quyền tuyệt đối liên tục hơn hai nghìn năm chìm đắm trong đạo “tôn
quân” của “thánh” Khổng chẳng thể dễ gột bỏ sau năm 1911. Mặt khác, chủ nghĩa
bành trướng đại Hán cũng trườn mình suốt hơn ba nghìn năm, tuy có lúc phải nép
mình trước “ngoại tộc” song rồi thôn tính luôn kẻ đô hộ mình, hình thành nên
tinh thần và ý thức “thần dân con trời”. (Hai “chất liệu” này, do điều
kiện địa-chính trị, địa-lịch sử, có “duyên nợ” với nhau, cố kết nhau. Chẳng lạ,
Trung cộng mang danh CS mà lại cố vực “bóng ma Khổng tử” của thời phong kiến xa
xưa đem trưng ra khắp thế giới trong vỏ mĩ miều “viện Khổng tử!). Dân chúng, kể cả tầng lớp “tinh hoa”, nhiễm
những truyền thống ấy cần một “đấng chí tôn” để sùng bái. Đây là “lợi địa” để cho
thế lực nào đó đứng lên lập nên chính quyền chuyên chế nhất thống. Mao và những
người cộng sản Trung Quốc là một thế lực như thế. Nhưng nếu không dựa vào chủ
nghĩa Mác-Lênin làm công cụ mê hoặc và tập hợp quần chúng, không có thời cơ là
cuộc xâm lăng của Nhật-bản thất bại trong thế chiến thứ hai, và không có sự ủng
hộ và giúp đỡ của Liên-xô (xưa) thì họ chẳng dễ mà đoạt được quyền hành từ tay Tưởng
Giới Thạch và Quốc Dân đảng, một thế lực chẳng hề kém cạnh về tham vọng chuyên
chế, cái thế lực đã xướng xuất ra cái hình “lưỡi bò” trơ tráo trên biển Đông mà
nay Bắc kinh chính thức bám chặt lấy!
Nay hết thời Mao rồi thì Trung Nam
Hải “tỉnh giấc mơ” chứ? Đúng là sau cơn bát nháo: sức sản xuất phong kiến +
quan hệ sản xuất vừa “nô lệ” vừa “cộng sản nguyên thủy” + thuyết chủ nghĩa xã
hội hoang tưởng, họ đã tỉnh ra, nhưng chưa (hoặc không) rứt được thứ (mệnh danh
hay bán rao là) “chủ nghĩa xã hội kiểu
Trung Quốc”, có nghĩa là đối nội vẫn
là chuyên chế toàn trị và đối ngoại
vẫn là bành trướng bá quyền đại Hán (duy, chỉ khác là với vế trước thì bớt
mê tín ma mị, còn vế sau thì thêm trắng trợn ngang ngược). Thay vì “một thiên
tử đỏ” là “một tập (mượn từ của lí thuyết tập hợp) thiên tử đỏ”, chứ chẳng hề
là “giai cấp công nhân lãnh đạo xã hội”(!). Thay vì trương khẩu hiệu “chống
phục hồi chủ nghĩa tư bản” (tuy thâm tâm Mao vẫn hướng tới Hoa Kì, -ông ta cho
Chu Ân Lai chìa tay ra với Mĩ ở hội nghi Genève năm 1954 nhưng không đắt, ông
ta học tiếng Anh chứ không học tiếng Nga, ...), thay vì “tiêu diệt” là “phục
hồi” tư sản (đỏ) trong cái chế độ không mang danh tư bản chủ nghĩa!
Thế cũng tốt chứ? Chẳng phải nay
TQ giàu mạnh nhanh đến chóng mặt sao! Đúng là tiến nhanh thật, như nước Đức
thời đảng Quốc xã cầm quyền, như Liên xô xưa thời “vàng son”. Tư sản đỏ TQ thừa
hưởng cái “gien” làm ăn của giới tư sản Tàu trước đây [Phải thừa nhận người TQ biết
làm ăn. Một quan chức HP hồi còn bao cấp đi tham quan bên Tàu về nói “một người
bên họ làm việc bằng hai
người mình”(!)]. Lại được chế độ độc tài toàn trị hiện đại hóa “lãnh đạo” học
cung cách làm ăn của “tư bản rẫy chết” một cách bài bản và có bản lĩnh. Vậy ra
độc tài cũng “hay” đấy nhỉ! Ờ, có thể! Với đối tượng nào đó, trong điều kiện
nào đó, vân vân. Tuy nhiên, rồi ra kết cục chẳng thế nào tốt đẹp đâu! Nếu không
đi đến làm loạn thế giới do tham vọng bá chủ để rồi bị tiêu diệt như Đức quốc
xã thì cũng đi đến suy tàn và sụp đổ do tự làm ruỗng mình với những mâu thuẫn
nội tại như Liên-xô xưa. Chẳng chế độ độc tài nào ngự trị được mãi; vấn đề là
chóng hay chầy và kết thúc theo cách nào.
Dân tộc Trung Hoa là dân tộc vĩ
đại. Song le, ranh giới giữa tinh thần dân tộc và chủ nghĩa dân tộc khá mong
manh. Niềm tự hào dân tộc dễ bị kích lên tính tự đại dân tộc. Chẳng lẽ phản ứng
của người Nga trước sự kiện bán đảo Crưm sát nhập vào nước Nga vừa đây không
nói lên điều gì ư? Uy tín của tổng thống Nga Putin đang dần giảm sút vì sự
chuyên chế, bỗng tăng vọt lên 80% theo một kết quả điều tra độc lập. Lí Chí
Thỏa từng hãnh diện vì Mao “dám đương đầu với đế quốc Mĩ ở Triều Tiên”. Tân Tử
Lăng từng phục Mao đã coi Khơrútsốp chẳng là cái đinh gì (chỉ ngại Stalin
thôi). Cả hai người này đều đã vỡ mộng về Mao. Nhưng nếu cái “vĩ đại” của Mao
làm tôn sự vĩ đại của đất nước và dân tộc Trung Hoa thì đánh giá của họ có thể
khác.
Những người mệnh danh cộng sản kế
tục Mao thống trị Trung Quốc vẫn quyết liệt đeo đuổi “giấc mơ Trung Hoa”, giấc
mơ về một cuộc “phục hưng vĩ đại” mà hẳn người tiền bối “4 vĩ đại” hằng ôm ấp.
Nữa, chẳng phải họ đang từng bước thực hiện giấc mơ mà Mao từng nói ra miệng
“đưa 500 triệu dân nghèo Trung Quốc xâm nhập Đông Nam Á” bằng những kế sách thâm
hiểm, thời Mao chưa thể nghĩ tới. Bất chấp tất cả, một mặt họ dùng mọi thủ đoạn
lừa mị nhân dân thế giới; mặt khác, họ tiếp tục “giáo dục” người dân TQ về chủ
nghĩa dân tộc cực đoan.
Với chân dung và “công tích” của
Mao Trạch Đông như vậy mà người ta vẫn trưng ảnh ông sừng sững trước lầu Thiên
An môn! Nó có còn là biểu tượng tư
tưởng Mao Trạch Đông? -nay đã là “bóng ma ý
thức hệ”
chưa? Dẫu sao, hơn mọi thâm ý khác, đây coi như là một thứ “biểu
tượng” bành trướng bá quyền đại Hán (luôn luôn vĩ đại(!)).
31-3-2014
Quảng Cáo