07 février 2015

Lào - Búa liềm bên bờ sông Cửu Long



05/02/2015 - Dự án đập nước gây nhiều tranh cãi. Ảnh hưởng ngày càng lớn của hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc. Các chương trình phát triển Ðông Nam Á đánh thức nước Lào ra khỏi giấc ngủ xã hội chủ nghĩa triền miên. Năng lực và tài nguyên thiên nhiên hứa hẹn một tương lai sáng lạn hơn nhưng cũng gây nên nhiều vấn nạn mới cho chính quyền cộng sản Lào.
Wilfried Arz 
(Eurasisches Magazin) [1]
Bản dịch của Trần Huê 
(Diễn Đàn Việt Nam 21)

Một đuờng phố ở MuangXay, Bắc Lào (Ảnh: Luisah/Wikipedia)
 Những dự án qui mô thường được xem là biểu tượng và niềm hy vọng cho sự phát triển kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên và nguồn lợi của rừng thiêng đã trao cho Lào nhãn hiệu kho tàng của Ðông Nam Á. Phải chăng Lào là nhà máy cung cấp năng lượng cho Ðông Nam Á ? Nhiều tuyến đường giao thông và kinh tế huyết mạch xuyên qua Lào và Ðông Nam Á dự trù nối liền vùng Tây Nam của Trung Quốc với Ấn Ðộ Dương. Vậy nước Lào sẽ trở thành một ngã tư giao thương mới của Ðông Nam Á chăng? Một bầu không khí hứng khởi đang dâng cao bên bờ sông Cửu Long. Ðồng thời sự chống đối các dự án phát triển đầy trắc trở trên xứ cộng sản Lào càng ngày càng tăng lên.
Bốn thập niên sau khi thành lập chế độ (1975), nước Lào đang phải đương đầu với 3 vấn đề lớn: mối tranh chấp quyền lợi giữa người Lào và các sắc tộc thiểu số, sự phát triển không đồng đều giữa miền Bắc và miền Nam Lào, cũng như sự tranh chấp thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương tại các tỉnh. Người Lào miền xuôi với 60% dân số, chiếm giữ hầu hết các chức vị then chốt trong bộ máy nhà nước, người thiểu số kể như những người bị thua thiệt trong tiến trình canh tân đất nước. Về kinh tế, miền Nam Lào có điều kiện tốt hơn miền Bắc: đại đa số dân Lào sống ở Nam Lào, nơi có nhiều đất mầu mỡ trồng lúa và có nhiều quặng mỏ để khai thác xuất cảng. Những bước tiến phát triển trong thời gian qua cũng tạo cho thành phần cầm quyền địa phương nhiều quyền lực mới và vì vậy đưa đến có sự căng thẳng với thủ đô Vientiane (Viêng Chăn/Vạn Tượng).

Những hành lang thông thương trong vùng
Các nước có quyền lợi kinh tế trong vùng thèm thuồng nhìn đến nước Lào nhỏ bé. Các đại công ty Nhật Bản sử dụng Ðông Nam Á làm nơi sản xuất cho toàn cầu. Trung Quốc cũng tìm cách lôi kéo Ðông Nam Á du nhập vào vùng kinh tế phụ thuộc Trung Quốc (giữ vai trò cung cấp nhiên liệu, thị trường tiêu thụ và tuyến đường thông thương) và vì vậy đã viện trợ nhiều tỉ đồng vào các dự án hạ tầng cấu trúc. Hai tuyến đường giao thông và kinh tế sẽ xuyên qua Khu vực Ðại Cửu Long GMS [2], hai con đường này có ngã tư ở Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.  
Một hành lang Ðông Tây xuyên qua Miến điện, Thái Lan và Việt Nam sẽ nối liền Savannakhet ở Lào với hải cảng Ðà Nẵng của Việt nam. Một hành lang Bắc Nam nối Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc với Thái Lan, Mã Lai Á và Singapore ở phía Nam cũng dẫn qua nước Lào. Những hậu quả sâu rộng đối một quốc gia nội địa như Lào thật khó mà lường được: vai trò hành lang quá cảnh trên đất nước mình càng khiến cho các tài nguyên gỗ rừng, quặng mõ và nguồn năng lượng của Lào càng trở nên cái đích nhắm trong sự tính toán của các nước láng giềng đang đói năng luợng và nguyên liệu như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.
Tái phối trí một quốc gia
Chương trình phát triển Ðông Nam Á (tuyến đường giao thương và hành lang kinh tế, vùng kinh tế đặc biệt, hải cảng) đẩy nước Lào vào vai trò địa kinh tế mới. Mô hình cấu trúc mới do các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB) thực hiện. Các tổ chức môi sinh
cũng phụ họa vào về các mặt bảo vệ môi sinh. Chuyên gia nước ngoài ấn định các chủ đề về đường lối phát triển và đề ra các mục tiêu phát triển quốc gia với các luật chơi mới (các đạo luật hữu hảo cho nhà đầu tư!). Chính quyền Mác xít ở Vientiane trong thực tế không có lựa chọn nào khác về phương cách phát triển. Trong bối cảnh này, viễn tượng quyền lực chính trị dưới bảng hiệu búa liềm cũng bắt đầu rạn nứt.
Nước Lào, tiềm năng phát triển lớn cho một quốc gia nhỏ ?
Lào cầm đèn đỏ sau chót về mọi mặt trong các nước ASEAN trong khu vực Ðông Nam Á. Lào là một nước nhỏ (237.000 cây số vuông) và dân cư thưa thớt (6,7 triệu dân). Sản lực kinh tế nằm ở mức khiêm nhượng. Tổng sản lượng trong nước chỉ khoảng 8 tỉ Mỹ kim (2012). Từ lâu Lào bị xem là quốc gia nội địa không duyên hải có nền kinh tế nhỏ nhoi. Nay, viễn tượng về tiềm năng phát triển của Lào đã được thay đổi cách nhìn. Tài nguyên về gỗ, nguyên liệu thiên nhiên (đồng, bauxit, vàng) và thủy điện lực hứa hẹn sự trổi dậy kinh tế. Từ nhiều năm, Lào đã có nguồn lợi bán điện lực sang Thái Lan. Nhiều đập thủy điện đang dự trù xây dựng để bổ xung vào ngân sách thâm thủng kinh niên của  chính phủ Lào ở Vientiane.
Tranh chấp về các dự án năng lượng
Các dự án đập nước cần số tiền đầu tư khổng lồ và đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao. Cả hai thứ này Lào đều không có. Thái Lan sẵn sàng cung cấp tất cả cho toàn thể dự án: tìm địa điểm thích hợp, cung cấp tài chính, xây dựng và điều hành các đập thủy điện đủ mọi cỡ. Thái Lan cũng bảo đảm thu mua năng lượng dài hạn từ Lào. Tổng số tiềm năng thủy lực của Lào được dự tính chừng 25.000 Megawatt. Các nhà kinh doanh Thái (xây dựng, ngân hàng, sản xuất điện lực) làm ăn khấm khá ở Lào. Cho đến nay khía cạnh xã hội và môi sinh của các dự án năng lượng đều bị gạt đu. Trong thời gian qua các tổ chức môi sinh thế giới đã chỉ trích gay gắt những chương trình xây đập nước ở Lào.
Những chỉ trích trên hết nhắm vào sự tàn phá hệ thống môi sinh và phá hoại các nguồn sống cũng như các chương trình di dân mà không bồi thường tưong xứng cho người dân bị liên lụy. Nguồn lợi thu được từ việc xuất cảng năng lượng không được sử dụng vào việc chống nghèo khó ở trong nước. Ðến nay, các dự án đập thủy điện được thực hiện chỉ ở các nhánh sông Cửu Long. Các đập thủy điện lớn mới (như đập Xayaburi phía nam của Luang Prabang có 1.280 Megawatt và trị giá 3,5 tỉ Mỹ kim) đưọc xây ngay trên sông lớn Cửu Long, gây tranh chấp với các nước ở hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam. Phnom Penh và Hà Nội lo sợ sẽ gặp vấn đề môi sinh ở nước họ. Tranh chấp về các dự án năng lượng đang đe dọa mối bang giao giữa các nước láng giềng ở Ðông Dương.    
Môi sinh bị đe dọa: Biển Hồ và Châu thổ sông Cửu Long
Campuchia lo ngại về hệ thống môi sinh phức tạp của Biển Hồ. Hồ này là chỗ trữ nước sông Cửu Long trong mùa mưa lũ. Hằng năm, bề mặt nước Biển Hồ rộng từ 5.000 cây số vuông (vào cuối mùa khô tháng tư/năm) lan rông lên 15.000 cây số vuông (cuối mùa mưa tháng 11). Hồ nước ngọt lớn nhất Ðông Nam Á này  có nhiều cá là nguồn cung cấp chất đạm cho người dân Campuchia. Các đập nước của Lào sẽ thay đổi chu kỳ thủy triều của sông Cửu Long và làm khô cạn Biển Hồ, do đó sẽ giảm mất lượng cá khổng lồ mà Biển Hồ đem lại.
Việt Nam lo sợ cho vùng châu thổ sông Cửu Long (40.000 cây số vuông), khu vực trồng lúa gạo quan trọng nhất của nước này. Mỗi năm, Việt Nam xuất cảng 6 triệu tấn gạo được trồng trọt ở châu thổ sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Nước sông Cửu Long tràn vào với nhiều đất phù sa không thể thiếu được trong việc sản xuất lúa gạo ở vùng châu thổ đất thấp. Thay đổi hệ thống môi sinh của sông Cửu Long có thể để cho nước mặn tiến sâu vào vùng châu thổ và gây thiệt hại cho việc trồng lúa gạo. Hà Nội câm lặng không hề chỉ trích các dự án năng lượng ở Lào vì chính Việt Nam cũng xây những đập nước ở Lào và Campuchia, bị coi là có vấn đề tác hại môi sinh!

Ngư dân Thái biểu tình phản đối chương trình xây đập ở Lào
(Ảnh: International Rivers)

Chỉ trích đơn phương các dự án đập nước
Sự chỉ trích các dự án xây đập nước nhắm mũi dùi vào chính quyền Cộng sản ở Vientiane. Còn chuyện khai thác các tài nguyên thiên nhiên của Thái ở nước láng giềng Lào không hề được nói đến. Nhiều dự án năng lượng không thực hiện được ở Thái vì gặp nhiều phản kháng quyết liệt và  trong tương lai cũng không khả thi về mặt. Vì vậy, Thái Lan giải quyết nhu cầu năng năng lượng của mình bằng cách nhập cảng từ Miến Ðiện (khí tự nhiên) và Lào (thủy điện). Công ty năng luợng nhà nước EGAT của Thái phả trả mỗi năm khoảng 1 tỉ Mỹ kim cho hai nước láng giềng.
Một điều đáng chú ý là các tổ chức môi sinh rất ít khi chỉ trích giới kinh tế Thái. Các công ty này một mặt quảng cáo chính sách kinh doanh của họ có ý thức trách nhiệm và mang tính xã hội, nhưng mặt khác lại thực hiện các dự án năng lượng đầy mâu thuẫn ở Lào. Không có phê bình nào đối với các nhà xây dựng Thái Ch. Kamchang và Italian-Thai Development ở Bangkok. Cũng không có áp lực nào đối với các ngân hàng Thái Lan (Bangkok Bank, Kasikorn Bank, Krungthai Bank, Siam Commercial Bank), cũng như đối với Nhật, Úc châu và Âu châu, những nước đã tài trợ hằng tỉ tín dụng cho các đập nước xây ở Lào.
Thực dân mới Trung Quốc ?
Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Lào cũng bị phê phán nhiều hơn. Với tổng số khoảng 5,2 tỉ Mỹ kim Trung Quốc là nuớc đầu tư hàng đầu ở Lào từ năm 2013. Trọng tâm đầu tư kinh tế của Trung Quốc nằm ở phía bắc Lào. Các doanh thương Trung Quốc thuê dài hạn một diện tích rừng rộng lớn: Sau khi đốn sạch cây rừng, các mảnh đất này trở thành đồn điền cao su, thành vườn trồng chuối. Trong Tam Giác Vàng vùng giáp giới ba nước đã xuất hiện một khu giải trí cờ bạc lớn. Ngoài ra còn có hai dự án khai thác quặng mỏ (đồng, vàng) ở phía nam Lào cũng nằm trong tay Trung Quốc. Lực lượng lao động do Trung Quốc đưa sang gây ra nhiều căng thẳng với dân chúng Lào.
Ðối với Trung Quốc, nước Lào là một viên gạch nhỏ trong bàn cờ lớn ở vùng Ðông Nam Á. Trung Quốc duy trì mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với tất cả các nước ASEAN. Giao thương và đầu tư đòi hỏi một hạ tầng cơ sở tân tiến. Các nhà thiết kế giao thông của Bắc Kinh muốn nối liền vùng Tây Nam của Trung Quốc với Ấn Ðộ Dương. Từ nhiều năm qua đã có con đường số 3 từ Jinghong, Vân Nam đến Thái lan chạy ngang qua Lào. Một dự án khổng lồ khác dự trù xây một đường hỏa xa dài 400 cây số nối liền Vân Nam với Vientiane. Phí tổn khoảng 7,2 tỉ Mỹ kim. Khi tuyến đường này hoàn thành, tàu cao tốc có thể chạy suốt từ Trung Quốc cho đến Singapore.
Quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam  
Lào có mối liên hệ khắng khít với Việt Nam. Mối tình đồng đội qua nhiều năm trong chiến tranh Ðông Dương và chính sách Việt Nam hoá chính trị và kinh tế đã tạo cho Việt Nam có ảnh hưởng lớn ở vùng sông Cửu Long. Sau 1975, giới lãnh đạo ở Lào lẫn Việt Nam cùng tiến hành thử nghiệm Xã hội chủ nghĩa, và năm 1986 vào cùng thời gian đã xét lại để chuyển đổi kiểu mẫu kinh tế theo hướng mới. 
Khối lượng đầu tư của Việt Nam ở Lào hiện nay đứng hàng thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Các dự án kinh tế tập trung ở Nam Lào: cũng khai thác rốt ráo có hệ thống các cánh rừng và làm đồn điền cao su cũng như xua đuổi các dân cư đang sinh sống ở đó [3]. Việt Nam thu thập trên 5 tỉ Mỹ kim từ xuất cảng bàn ghế cũng nhờ nhập cảng gỗ của Lào hiện vẫn còn nhiều rừng. Việt Nam cũng không quên năng lượng của Lào: nhiều đường dẫn điện cao thế đang cung cấp điện cho Ðà Nẵng và Pleiku.
Phải chăng Việt Nam đang sợ mất ảnh hưởng ưu tiên từ hằng chục năm qua trên đất Lào? Bắc Kinh hy vọng hưởng lợi hơn khi có sự chuyển đổi thế hệ sắp tới trong guồng máy chính quyền Lào, và từ những đầu tư kinh tề sẽ chuyển sang ảnh hưởng chính trị lớn mạnh ở vùng sông Cửu Long. Các lão thành cách mạng Lào trong chiến tranh Ðông Dương dần dần rời bỏ sân khấu chính trị, những gương mặt mới chiếm dần bộ mặt chính quyền ở Vientiane. Các cán bộ Ðảng mới tấn lên sẽ thay thế tình cảm gắn bó của thế hệ lãnh đạo trước bằng một cung cách ít cảm tính hơn. Ðiều này sẽ giúp cho Lào lấy tư thế ngoại giao cân bằng hơn đối với hai đối thủ Việt Nam và Trung Quốc.
Chuyển đổi thế hệ trong bộ máy nhà nước 
Bước đầu tiên của sự chuyển đổi thế hệ đã diễn ra năm 2006 trong Ðại hội Ðảng lần thứ 8 khi Bouasone Bouphavanh (lúc đó 52 tuổi) được cử làm Thủ tướng chính phủ. Ông này không có kinh nghiệm đấu tranh cách mạng trong chiến tranh Ðông Dương, không học ở Hà Nội mà học ở Moskva. Bouphavanh cũng không được tiếng là người cải cách. Tháng 12 năm 2010 Bouphavanh bất ngờ bị mất chức và một người thuộc ban tuyên giáo bảo thủ 67 tuổi là Thongsing Thammavong lên thay, cùng lúc những khuôn mặt trẻ hơn được vào Bộ Chính Trị gồm 11 người. Chắc hẳn một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn sẽ lên nắm giữ các vai trò chính trị quan trọng ở Lào từ 2016 (Ðại hội Ðảng thứ 10).
Trong quân đội Lào cũng có thay đổi nhân sự. Chương trình đào tạo sĩ quan chuyển từ Việt Nam sang Nga và Trung Quốc. Tầm quan trọng về an ninh - quốc phòng của quân đội nay đã giảm rõ rệt. Bù lại giới quân đội làm giàu phi pháp bằng cách khai thác rừng vô lối và xuất cảng gỗ lậu qua Việt Nam. Tháng 5/2014, bộ trưởng quốc phòng Douangchay Phichit (69 tuổi) tử nạn phi cơ. Douangchay làm bộ trưởng quốc phòng từ năm 2001, Ủy viên Bộ chính trị và Phó Thủ tướng, thuộc nhóm lãnh đạo cao cấp, mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn được xem là nhân vật đang lên trong bộ máy quyền lực. Các nhân sự được thay thế trong Bộ quốc phòng và các bộ khác sẽ cho thấy hướng chuyển đổi thế hệ.
Hy vọng vào các động lực mới
Sự chuyển hướng các dòng giao thương của Ðông Nam Á sang không gian kinh tế Trung Quốc đưa đến sự thuyên giảm tương đối của thị trường tiêu thụ Hoa Kỳ và Âu Châu. Lào không thể và không muốn đứng ngoài khuynh hướng phát triển mới này. Sau khi Liên sô rút lui, Lào này được Tây phương tài trợ. Trong thời gian qua Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan đã nắm ưu thế vế đầu tư và buôn bán với Lào. Tương tự như trong thế kỷ thứ 19 dưới sự đô hộ của Pháp, ngày nay Lào là đối tượng của các lực kinh tế láng giềng.
Giới cầm quyền Mác xít ở Vientiane đang gặp áp lực. Các dự án đầy tranh cãi vùng sông Cửu Long đặt Lào vào trọng tâm bị chỉ trích ngay từ trong vùng cũng như của thế giới. Tây phương đòi hỏi phải có cải cách chính trị. Cho đến nay, Lào có thể dựa vào mối liên hệ gắn bó với Việt Nam và Trung Quốc để né tránh áp lực này. Ngoài sự cạnh tranh của họ ở Lào, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều không muốn thấy một cuộc thay đổi chế độ ở Vientiane ngả theo Tây phương. Ðến nay, cờ đỏ búa liềm vẫn còn phất phới cùng với quốc kỳ Lào bên bờ sông Cửu Long. Sự trổi dậy ở Ðông Nam Á đã đem đến nhiều động lực kinh tế mới cho Lào. Bây giờ nhiều người hy vọng sẽ có luồng gió mới trong chính trị.

* Chú thích
·   [1] Nguyên bản tiếng Đức "Hammer und Sichel am Mekong" của Wilfried Arz, Eurasisches Magazin, 25/01/2015
http://www.eurasischesmagazin.de/artikel/In-Laos-steht-die-marxistische-Regierung-vor-groszen-Problemen/15003
Wilfried Arz là chuyên viên khoa chính trị học ở Bangkok, Thái Lan
·   [2] Tiểu vùng Đại Cửu Long (GMS: Greater Mekong Subregion) là dự án phát triển do Ngân hàng Phát triển Á châu ADB hình thành năm 1992 gồm 6 nước của lưu vực sông Cửu Long là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Khu vực này được coi là một trọng điểm về đa dạng sinh học quan trọng của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế Conservation International và WWF. GMS là một khu vực kinh tế bị ràng buộc tự nhiên với nhau bằng sông Cửu Long, có diện tích 2,6 triệu cây số vuông với tổng dân số khoảng 326 triệu.