Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo về tình hình
thực thi nhân quyền ở các nước trong năm 2016.
Phúc trình có một phần riêng nói về Việt Nam, trong
đó một số từ được nhắc tới thuộc loại nhiều nhất là 'tùy tiện' và 'bắt giữ,
tạm giam'.
Bản báo cáo dài đăng
trên website đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam hôm 06/03 có nhiều hạng mục khác
nhau như tôn trọng nhân phẩm, bảo đảm quyền tự do, tình trạng nhà tù và về các
vụ bắt bớ, quyền tự do dân sự, tham nhũng và công khai tài sản.
Ngay từ phần mở đầu, báo cáo nhận định việc Quốc hội
Việt Nam trì hoãn thực thi một số luật đã được thông qua năm 2015 làm "ảnh
hưởng tới quyền công dân, gồm có luật hình sự mới, thủ tục tố tụng hình sự và
luật về tạm giữ, tạm giam".
"Vấn đề nhân quyền nổi bật nhất ở đất nước này là
việc cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân, nhất là quyền thay đổi
chính quyền qua quá trình bầu cử tự do và công bằng; giới hạn quyền tự do của
công dân, trong đó tự do hội họp, liên kết và biểu hiện; và bảo vệ không đầy đủ
quyền công dân theo đúng thủ tục, trong đó có bảo vệ chống lại giam giữ tùy
tiện."
"Có nhiều báo cáo chỉ ra rằng quan chức hoặc tay
sai dưới sự chỉ huy của Bộ Công an hay công an tỉnh đã phạm phải các vụ sát hại
tùy tiện hoặc bất hợp pháp, trong đó có báo cáo cho rằng có ít nhất 9 người
thiệt mạng trong lúc bị tạm giam," nhưng chỉ có một số ít nhân viên an
ninh phải chịu trách nhiệm, báo cáo viết.
'Ngăn cản gặp lãnh đạo nước ngoài'
Bản quyền hình ảnh JIM WATSON/AFP/Getty Images Image caption Ông Obama tới Việt Nam hồi tháng 5/2016 khi đã đi tới đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ |
Bản phúc trình cũng nhắc tới tình trạng lạm dụng nhân
quyền trong đó có bắt và giam giữ 'tùy tiện' các nhà hoạt động chính trị, và
đánh giá đây "vẫn là một vấn đề nghiêm trọng".
"Cảnh sát và nhân viên an ninh mặc thường phục
bắt giữ hoặc giữ tại nhà nhiều nhà hoạt động trong những ngày giai đoạn 23-25
tháng Năm, với chuyến thăm của một lãnh đạo nước ngoài tới Hà Nội và thành phố
Hồ Chí Minh."
Báo cáo nêu cụ thể trường hợp của ông Nguyễn Quang A
bị cảnh sát và nhân viên an ninh mặc thường phục cản không cho tới dự một cuộc
gặp với lãnh đạo này. Tương tự là trường hợp của nhà báo tự do Phạm Đoan Trang
bị chặn ở Ninh Bình và nhà hoạt động Trần Hoàng Phúc ở TP HCM.
Ông Barack Obama đã tới thăm Việt Nam từ ngày 23-25/05
khi còn giữ vai trò Tổng thống Hoa Kỳ.
'Trừng phạt'
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES Image caption Theo lời của nhà hoạt động Nguyễn Quang A, ông bị ngăn cản đến dự cuộc họp với ông Barack Obama hồi tháng 5/2016 |
Báo cáo cũng nhắc tới các hình phạt, cách đối xử dã
man, vô nhân đạo, hạ thấp con người: "Luật Việt Nam cấm lạm dụng thể chất
người bị tạm giữ, nhưng các nghi phạm thường lên tiếng tố cáo bị ngược đãi và
tra tấn bởi cảnh sát, nhân viên an ninh mặc thường phục và nhân viên các trại
cai nghiện ma túy trong quá trình bắt giữ, thẩm vấn và giam giữ. Cảnh sát, công
tố viên, và cơ quan giám sát của chính quyền hiếm khi điều tra cụ thể những tố
cáo này."
Báo cáo trích dẫn Tổ chức Ân xá Quốc tế và các cựu tù
nhân lương tâm cho biết, quan chức trại giam thường tách riêng tù nhân chính
trị, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên và các vùng dân tộc thiểu số nhạy cảm để
lạm dụng về thể chất, biệt giam, và thuyên chuyển trại giam để trừng phạt.
Đặc biệt với các nhà hoạt động chính trị và gia đình
cáo buộc nhiều lần bị quan chức và nhân viên an ninh làm phiền, bị "công
an mặc thường phục đe dọa, sỉ nhục hay ném đá vào nhà".
Hoa Kỳ nhận xét hệ thống tư pháp thiếu minh bạch và
thiếu sự độc lập, và thường bị ảnh hưởng bởi sức ép từ các nhóm kinh tế và
chính trị.
"Chính quyền giới hạn tự do biểu đạt và đàn áp
những ai chống đối; thi hành kiểm soát và kiểm duyệt báo chí; giới hạn tự do
internet và tự do tôn giáo; tiếp tục giám sát chặt chẽ các nhà hoạt động; và
tiếp tục giới hạn quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, liên kết và di
chuyển," báo cáo viết.
Tuy nhiên, năm 2016 chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít
tù nhân chính trị hơn các năm trước.
Tham nhũng 'rộng khắp'
Bản quyền hình ảnh EMMANUEL DUNAND/AFP/GETTY IMAGES Image caption Ông Vũ Huy Hoàng (trái) thời còn là Bộ trưởng Công Thương |
Về tham nhũng, bản phúc trình nhận định đây là vấn đề
rộng khắp ở khối cơ quan công, trong đó có cả ngành công an.
"Năm 2013, luật chống tham nhũng cho phép công
dân có thể cởi mở khiếu nại về các thủ tục hành chính, cách điều hành không
hiệu quả của chính quyền, tham nhũng và chính sách kinh tế, tuy nhiên, các nhà
tổ chức biểu tình phản đối tham nhũng lại bị bắt bớ và làm phiền."
Báo cáo nêu ra một số vụ điều tra các cựu quan chức do
chính quyền khởi xướng, như vụ liên quan tới Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy
Hoàng, vụ tham nhũng ở Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí PVC, và cả vụ truy
bắt Trịnh Xuân Thanh cựu chủ tịch PVC, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam PVN.
Internet vẫn tiếp tục bị chính quyền Việt Nam kiểm
soát bằng cách chỉ cấp phép cho một số nhỏ các nhà cung cấp dịch vụ mạng, đều
là các công ty nhà nước. Báo cáo dẫn lời các nhà bất đồng chính kiến chính trị
và blogger cho rằng Bộ Công an vẫn thường cắt kết nối internet ở nhà họ.
Phúc trình nhân quyền của Hoa Kỳ về nhiều quốc gia và
vùng lãnh thổ được thực hiện và công bố hàng năm. Hiện chưa thấy phía ngoại
giao Việt Nam phản hồi về bản báo cáo này.
Nguồn: Theo BBC