Tuấn
Khanh
Tháng 12/2015 khi có tin tức nhạc sĩ Việt
Khang mãn hạn tù. Tôi đón nghe được trên đài phát thanh giọng nói của bà Vân,
mẹ của Khang về ngày được tự do của con mình. Đó là một giọng nói gây nhiều xúc
động, dễ làm người nghe nghĩ ngợi.
Tuấn Khanh |
Bà Vân có giọng nói đặc trưng của một
người phụ nữ miền Tây Việt Nam. Chân chất và hiền hậu. Bà mừng và run run nói
về đứa con trai của mình, rằng bà tôn trọng những quyết định của Khang. Với hai
bài hát của mình, nhạc sĩ Việt Khang phải chịu bản án 4 năm tù và 2 năm quản
chế và bị coi là tội phạm nguy hiểm khi dám đặt câu hỏi với ngành công an Việt
Nam rằng “Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi - tôi làm điều gì sai?” Thế nhưng khi
nói trên sóng radio, dẫu có chút ngập ngừng, bà vẫn nhỏ nhẹ rằng “tôi nghĩ
Khang nó thấy cái gì đúng thì nó làm”.
Rất nhiều ngày sau đó, thậm chí cho đến
khi gặp được bà, tôi vẫn không thể hiểu rằng sức mạnh nào trong người phụ nữ
nhỏ bé và không cậy nhờ nhiều đến chữ nghĩa đó, lại có thể nói một điều hết sức
giản đơn nhưng có một sức mạnh như sấm động, rằng cái đúng thuộc về trái tim và
lý trí. Cái đúng vẫn y như vậy dù người đứng về phía nó có phải chịu tù đày.
Cái đúng nằm trọn trong nhân dân, nằm trọn trong trái tim của người mẹ phủi
chiếc áo nâu, đứng dậy và kiêu hãnh về con mình.
Nhưng trong giọng nói đó. Tôi biết bà có
sợ hãi. Cũng không khác gì giọng nói và gương mặt của mẹ nhạc sĩ Trần Vũ Anh
Bình. Khi đến vấn an bà, khi biết Bình chịu mức án 6 năm tù cùng 2 năm quản
chế. Gương mặt của bà im lặng, lạnh giá như mặt hồ tháng Giêng. Khó ai biết
được bên dưới làn nước ấy là nỗi buồn hay sự tức giận. Bà nắm chặt tay tôi
không nói gì khi tôi hỏi về Bình. Tôi nghĩ rằmg bà đã sợ hãi và chắc là đã vừa
gượng qua một cơn sốc nào đó.
Làm sao mà không sốc, khi ngôi nhà nhỏ
trên đường Kỳ Đồng bị xô cửa với những người hung hãn xông vào, lục tung và
mang Trần Vũ Anh Bình đi vì những bài hát của anh. Vài ngày sau, những tờ báo
của nhà nước giương hàng tít lớn, đưa tin có những nhạc sĩ bị bắt giữ vì tội
“chống nhà nước”.
Năm trước, khi đến chuyển quà tết cho
Bình, tôi ngồi nghe chị Mỹ - chị ruột của Bình – nói một cách rắn rỏi rằng
“Bình chỉ có tội yêu nước”. Mẹ của Bình, gật đầu và nhắc lại “Vâng, Bình nói nó
chỉ mang tội vì yêu nước”. Giọng nói của bà hết sức tương phản với mẹ của
Việt Khang, bởi đó là một giọng miền Bắc còn đậm chất thôn quê. Nhưng cả hai bà
mẹ đều có chung một bí ẩn kỳ lạ: Dù sợ hãi nhưng họ không từ chối bảo vệ con
mình vì chúng yêu quê hương, sống bằng danh dự và trách nhiệm trước lẽ phải.
Khi tôi nói vậy, chắc bạn sẽ nói rằng “mẹ
nào mà không bảo vệ con mình?” Nhưng bạn à, lịch sử thương đau của người Việt
từ sau 1945 từng cho thấy rằng khi sợ hãi và thiếu tự do, người ta có thể đấu
tố cha mẹ mình, thậm chí giết hại, phản bội cả dòng họ để bảo vệ bản thân mình.
Chỉ mới vài ngày trước, tôi còn chứng kiến việc một đảng viên lão thành xô đứa
con bệnh tật của mình ra khỏi nhà với lý do không cùng tư tưởng chính trị. Xã
hội chúng ta vẫn có những điều điên rồ như vậy đó, âm ỉ trong những tiếng vỗ
tay ngợi ca quốc gia hạnh phúc.
Ngày 8 tháng 3 năm nay, tôi thật hạnh phúc
khi gặp lại mẹ của Trần Vũ Anh Bình. Thật khác. Bà mạnh mẽ và hoạt bát – không
giống với những gì tôi từng quặn thắt chứng kiến của vài năm trước. Gương mặt
ấy vẫn hằn nét khổ đau nhưng không còn sợ hãi nữa, thay vào đó là một niềm tin.
Nhưng vẫn còn những điều khác mà tôi chưa
kể với các bạn, về ngày 8 tháng 3 năm nay.
Tôi được gặp người phụ nữ bí ẩn đã thản
nhiên bước qua hàng rào dày đặc mật vụ, công an, trật tự đô thị, bọn côn đồ giả
danh… để bước tới thắp hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, nhân ngày
17/2, ngày nhớ về 60.000 con người Việt Nam đã chết năm 1979 vì cuộc xâm lược
của Trung Quốc. Khi tôi chào chị, một nụ cười hiền lành đáp lại với tôi. Sự
mỏng manh và an nhiên đó khiến tôi liên tưởng đển những vụ đánh đập dã man, lôi
kéo những người phụ nữ lên xe bus vào ngày 5/3/2017. Chắc lô nhô kẻ ác cũng sẽ
không từ nan để đập nát sự hiền lành và mỏng manh ấy, dẫu tên gọi đó, là quê
hương, là nước Việt.
Tôi cũng may mắn được gặp Bùi Thị Minh
Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh… và nghe kể về chị Cấn Thị Thêu, Thúy Nga… những người
phụ nữ đó tựa như những cuốn sách giáo khoa sống động về tổ quốc trong những
cơn đau chuyển mình sang ngày mới. Nước Việt hôm nay có thật nhiều những cái
tên phụ nữ như vậy, không còn đếm xuể nữa. Tôi sẽ không quên dạy cho con cháu
mình, qua những gì được thấy từ họ: rằng đất nước tuyệt đẹp của chúng ta không
những bị cầm tù bởi bọn tham nhũng, bọn phản bội và bọn trục lợi sẳn sàng tàn phá
thiên nhiên, mà đất nước Việt Nam còn có hàng hàng những người phụ nữ bị cầm
tù, đày đọa chỉ vì yêu công lý và yêu dân tộc này.
Thật trớ trêu. Thế kỷ này, dường như dành
cho phụ nữ trên đất nước Việt. Trong đoàn người đi kiện, đi kêu oan, hay trong
những cuộc tranh đấu cho môi trường, cho quyền con người… những gương mặt phụ
nữ luôn ở hàng đầu. Cô đơn và kiêu hãnh, những người phụ nữ Việt sãi bước đi
trong tiếng rầm rập bao vây của dùi cui và còng sắt mà không kêu đòi được vinh
danh hay chia chác lợi quyền.
Thomas Campbell, nhà thơ Scotland từ thế
kỷ 18 từng viết “máu của người yêu nước là hạt giống cho cây tự do” (The
patriot's blood is the seed of Freedom's tree). Những hạt giống hôm nay được
gieo xuống đất này, từ bàn tay của những người phụ nữ. Và bất luận chướng ngại
thế nào, cây tự do rồi sẽ vươn cao. Trong niềm hổ thẹn của mình, tôi chỉ còn
biết ngã mũ chào với lòng kính trọng những người phụ nữ như vậy – những người
đang gieo hạt và chỉ nhìn về tương lai. Một ngày với họ có lẽ không đủ, mà phải
là một chương trong lịch sử dành cho họ, về một dân tộc soi mình trước khốn
cùng và mỉm cười cùng những người phụ nữ của hy vọng.
Nguồn: Theo tuankhanh's blog