10 mars 2017

Vụ một hộ dân bị đẩy vào đường cùng ở Bạc Liêu: Bí thư Huyện ủy muốn “đi đêm” với nạn nhân

Tiền Phong


Vợ chồng ông Thương, bà Lệ đều khóc tức tưởi vì bị ức hiếp.

TP – Bị lấn mất một phần đất và bị chính quyền hủy sổ đỏ, chín năm ròng, bà Lê Mỹ Lệ, vợ ông Thương thay chồng bệnh tật để gõ cửa khắp nơi kêu cứu nhưng hiện vẫn chưa có hồi kết.

Như Tiền Phong ngày 2/3/2017 phản ánh, vợ chồng ông Mã Văn Thương (số A15/114, đường 23/8, khóm Trà Kha A, phường 8, thành phố Bạc Liêu) bị ông Phan Hùng Việt-Bí thư Huyện ủy Đông Hải lấn mất một phần đất và bị chính quyền hủy sổ đỏ dẫn đến mất quyền trên phần đất của gia đình. Chín năm ròng, bà Lê Mỹ Lệ, vợ ông Thương thay chồng bệnh tật để gõ cửa khắp nơi kêu cứu nhưng hiện vẫn chưa có hồi kết.
Ngày 8/3, bà Lệ cho biết, sau khi báo Tiền Phong có bài phản ánh, ông Phan Hùng Việt-Bí thư Huyện ủy Đông Hải đã gọi điện muốn “thỏa thuận ngầm” để thu xếp vụ việc tránh sự vào cuộc của báo chí. “Ông Việt yêu cầu tôi hợp tác, thỏa thuận, giữ bí mật. Rồi vô Sở Tài nguyên- Môi trường làm giấy tờ. Tôi trả lời rằng phải trả lại sổ đỏ cho tôi. Thật ra, tôi không dám đến cơ quan vì sợ quá rồi. Sổ đỏ của tôi bị UBND thành phố Bạc Liêu hủy bỏ thì làm sao tôi làm lại?”- bà Lệ kể.
Được sự chấp thuận của bà Lệ, báo Tiền Phong xin lược ghi đoạn đối thoại của ông Việt với bà Lệ qua điện thoại chiều ngày 7/3.
Phải giữ bí mật
– Ông Việt: Chị Lệ hả, mấy hôm rày, tôi mới nhờ thằng em đến gặp chị thì báo đăng. Chị thấy không, mấy thằng đó (báo chí – PV) đánh trống bỏ dùi, không giúp ích gì đâu.
(…)
Bây giờ theo ý chị sao, chị nói đi. Trong quá trình trao đổi này phải giữ bí mật, không nói gì với ai. Khi nào thống nhất, ra chính quyền làm giấy tờ là xong.
-Bà Lệ: Chín năm rồi, tôi có dám nói gì đâu. Tôi cầu cứu cấp trên vì UBND thành phố Bạc Liêu hủy sổ đỏ của tôi. Khi đất có sổ đỏ, chú muốn mua hết, tôi cũng bán cho chú. Vợ chồng tôi ở hết nổi rồi!
– Bây giờ tôi nói rõ chị biết, tôi mua đất của ông Hận (Phạm Minh Hận -PV), được cấp sổ đỏ, ranh đất thẳng. Đất của chị cũng có ranh thẳng, chị nói là đúng. Nhưng khi giao đất, ông Hận chỉ ranh không thẳng, lấn sang đất của chị. Thật ra, tôi là nạn nhân, nằm kẽ giữa, mang tiếng. Bây giờ, tôi muốn thỏa thuận xong rồi, cơ quan quản lý đất đai đo đạc, cắm mốc, điều chỉnh sổ đỏ như thực trạng cho chị.
– Trời ơi, nghe nói đến cơ quan, tôi sợ muốn chết. Hôm trước, chú nhờ báo (…) viết, rằng chú bị oan, bán đất cho chú mà tôi nói ngược. Nghe báo chí nói vậy, tôi sợ muốn chết, chồng tôi khóc hoài mà tôi có bán đất cho chú đâu? Bây giờ, chú nói cấp sổ đỏ như thực trạng là gì?
 Bây giờ, chị hợp tác với tôi thỏa thuận phần đất lấn sang, để tôi hỗ trợ chị thiệt hại về đất và về việc mất công ăn việc làm vì mấy năm đi thưa kiện.
 Tôi không muốn mang tiếng làm tiền, không biết mất bao nhiêu đất mà nói giá cả. Bây giờ, chính quyền đo đạc, làm sổ đỏ cho tôi. Xong rồi, chú mua hết, tôi cũng bán hết cho chú. Tôi với chú thỏa thuận mà không ai biết thì sao? Tôi nghèo nhiều chớ không phải nghèo bao nhiêu, tôi thích thẳng thớm cho xong.
Nợ đầm đìa
Khi phát hiện đất bị lấn chiếm, vợ chồng bà Lệ, ông Thương cầu cứu chính quyền giúp đỡ, can thiệp. “Thấy mấy cán bộ đến đo đạc, tôi mừng hết lớn. Nhưng rồi, họ nhận được điện thoại, lại rút về. Nhà ông Việt xây dựng ngang nhiên như không có việc gì xảy ra”- ông Mã Văn Thương nhớ lại.
Không lâu sau, bà Lê Mỹ Lệ gửi đơn xin phép che mái nhà cho con trai ở bên cạnh. Cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường thành phố Bạc Liêu nói rằng không giải quyết vì sổ đỏ của gia đình bị hủy bỏ, quăng sọt rác.
Kể từ đó, vợ chồng ông Mã Văn Thương vay ngân hàng để có tiền thuê người viết đơn, rồi nhờ vả người này người nọ. Chuyện đất đai chưa xong, nợ ngân hàng chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con.
Bà Lệ cho biết hiện gia đình bà nợ ngân hàng hơn 370 triệu đồng. “Ngân hàng định phát mãi đất, buộc tôi phải lấy tiền đặt cọc đám đất này 300 triệu đồng vào tháng 5/2015 để trả nợ ngân hàng. Tôi năn nỉ hết lời, bên ngân hàng giảm lãi, bớt xuống, còn từng ấy” – bà Lệ nói trong nước mắt.
Vợ chồng ông Mã Văn Thương có 4 người con trai đều đã có gia đình. Hai người con còn ở chung phía sau nhà để mua bán khoai củ ngoài chợ. Còn 2 người con trai còn lại phải thuê nhà ở riêng vì nhà cha mẹ quá chật chội. Ông Thương cũng nói trong nước mắt: “Kiện cáo đòi đất dai dẳng không lường được tốn kém, nợ nần mà chẳng biết bao giờ có kết quả. Tôi sợ đến ngày tôi mất mà không có đất ông bà để lại để cho con sống…”.
Bỏ lửng câu nói, người đàn ông tuổi thất thập khóc tức tưởi. Bà Lệ quay sang động viên chồng: “Đừng khóc, vì sẽ sinh bệnh!”. Rồi bà lấy khăn lau nước mắt cho chồng và cả cho mình.

Ông Lưu Hoàng Ly-Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu nói: “Tôi sẽ cho Phòng Tài nguyên – Môi trường rà soát lại vụ tranh chấp, quá trình giải quyết. Khi thỏa thuận được, cán bộ chuyên môn hỗ trợ làm sổ đỏ theo pháp luật”.