Ngay lập tức, bản chụp những bài mới nhất của báo Người Cao Tuổi đã được phổ biến trên các mạng xã hội, góp phần làm cho cuộc chiến giữa tờ báo nổi tiếng chống tiêu cực và bộ Thông tin & Truyền thông trở nên gay cấn.
Bất chấp hoàn cảnh tứ bề thọ địch khi bị bộ CA khởi tố hình sự, tờ báo của cơ quan trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam đã dành trọn 3 trang báo tố cáo những việc làm vi phạm pháp luật của đoàn thanh tra bộ Thông tin - Truyền Thông.
Gồm có các bài:
1. Nhiều sai phạm nghiêm trọng của đoàn thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông thanh tra báo Người Cao Tuổi.
2. Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định: Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm trái pháp luật
3. Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hoạt động của Đoàn Thanh tra và nội dung kết luận thanh tra Báo Người cao tuổi
Nội dung các bài viết cho thấy Người Cao Tuổi và cơ quan chủ quản sẵn sàng quyết đấu đến hơi thở cuối cùng trước 2 cơ quan đầy quyền lực là bộ CA và bộ Thông tin - Truyền thông. Quả là một tinh thần chiến đấu hiếm có diễn ra ngay trong lòng chế độ cộng sản.
Dưới đây là bản chụp cùng toàn văn 3 bài viết trên bản in của báo Người Cao Tuổi, do facebook Cô Gái Đồ Long và trang web Trần Nhương dẫn lại:
(Bài in trên Báo Người Cao tuổi số 1549 ra ngày 10-2-2015)
Nhiều sai phạm nghiêm trọng của đoàn thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông thanh tra báo Người Cao Tuổi.
Quy trình và trong quá trình thanh tra 64 ngày làm việc chính thức (thời gian kém 4 ngày tròn 3 tháng) tại Báo Người cao tuổi, Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông có nhiều sai phạm, thanh tra trái Luật Thanh tra, các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và của Thanh tra Nhà nước, trái Luật Báo chí sửa đổi, các Nghị định của Chính phủ, Luật Khiếu nại, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định số 588/2004 của Bộ Công an, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ...
Tiến hành thanh tra đơn vị trực thuộc, không thông báo cho cơ quan chủ quản của báo. Vụ việc chưa được giải trình đã kí kết luận và họp báo đưa tin quy chụp, trái pháp luật, vi phạm Bộ luật Hình sự, bôi nhọ danh dự Báo Người cao tuổi.
Cần khẳng định đây là Đoàn Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, được thành lập theo Quyết định số 1634/QĐ-BTTTT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi.
Theo quy định, Đoàn Thanh tra phải tuân thủ theo Luật Thanh tra và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về thanh tra. Trong 64 ngày làm việc Đoàn đã vi phạm khoản 1 Điều 7 về Nguyên tắc hoạt động thanh tra, không tuân theo pháp luật, không bảo đảm chính xác, thiếu khách quan, thiếu trung thực, không công khai, dân chủ.
Ngày 5/1/2015 Đoàn Thanh tra có Văn bản số 08/CBC-ĐTT thông báo kết thúc thanh tra tại Báo Người cao tuổi. Thông báo này có nội dung “Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra, nếu cần xác minh hoặc cung cấp thêm thông tin, tài liệu để làm rõ nội dung trước khi kết luận thanh tra, yêu cầu Báo Người cao tuổi cung cấp đầy đủ kịp thời”. Sự thực sau thông báo này, Báo Người cao tuổi không nhận được bất kì thông tin hay yêu cầu giải trình nào của Đoàn Thanh tra, ngày 31/1/2015 Đoàn mới có cuộc làm việc chính thức với Báo Người cao tuổi (thông báo những nội dung về sai phạm của việc thực hiện pháp luật về báo chí) yêu cầu ngày 3/2/2015 phải nộp báo cáo giải trình (chỉ trong 1 ngày làm việc phải giải trình trên 52 nội dung gồm nhiều nhóm vấn đề không có trong nội dung đề cương thanh tra đột xuất. Các bài thanh tra nêu ra, đến nay đã quá thời hiệu (90 ngày) theo Điều 9 Luật Khiếu nại, Báo Người cao tuổi không nhận được đơn thư khiếu nại của các tổ chức và cá nhân có liên quan khiếu nại. Ngay Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ quản, quản lí và giám sát hoạt động của báo chí, trong suốt 2 năm qua cũng chưa một lần nhắc nhở, hoặc nêu về các ý kiến khiếu nại của các tổ chức và cá nhân, có liên quan đến nhóm các bài báo mà Đoàn Thanh tra liệt kê trong 64 ngày thanh tra tại Báo Người cao tuổi.
Để có kết luận khách quan đúng pháp luật, đúng sự thực, căn cứ mục a, khoản 1 Điều 57: Quyền của đối tượng thanh tra được “Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra”; Căn cứ khoản 2 Điều 58: Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được: “Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn Thanh tra, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn Thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp”.
Báo Người cao tuổi có Công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 gửi Đoàn Thanh tra kiến nghị cần có thời gian giải trình theo (Điều 7, Điều 57 và 58 Luật Thanh tra) và Báo sẵn sàng hợp tác với Đoàn để có kết luận ban hành đúng quy định của Luật Thanh tra.
Rất tiếc là kiến nghị theo đúng pháp luật của Báo Người cao tuổi đã không được Đoàn Thanh tra chấp nhận, đến nay Báo Người cao tuổi chưa được giải trình. Đoàn Thanh tra chưa đưa ra các văn bản pháp lí theo pháp luật để kết luận các sai phạm của Báo Người cao tuổi thì không thể có kết luận vội vàng, quy chụp trái pháp luật, như công bố của Đoàn Thanh tra với các cơ quan báo chí sáng ngày 9/2/2015. Báo đã có văn bản giải trình ngày 6/2 và gửi vào 8 giờ sáng ngày 9/2/2015 tới Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu thay mặt cơ quan chủ quản cũng có văn bản khiếu nại gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị tạm hoãn thông báo kết luận thanh tra và nêu những sai phạm của Đoàn Thanh tra tại Báo Người cao tuổi mà không thông báo cho cơ quan chủ quản biết. Tại cuộc họp báo này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã không nêu rõ lí do vì sao Báo Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản của Báo lại không đến họp. Đoàn Thanh tra đã nhận được Công văn của Hội Người cao tuổi và của Báo Người cao tuổi trước khi cuộc họp báo diễn ra nhưng không cung cấp hoặc công bố lí do giải trình của Báo Người cao tuổi để các cơ quan báo chí biết.
Do đó, thông tin do Đoàn Thanh tra đưa ra là thông tin một chiều có tính chất áp đặt và quy chụp, trái các Luật Thanh tra, Luật Báo chí và Luật Khiếu nại…Vi phạm Luật Thanh tra và các Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011, số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ.
Về thông báo thanh tra: Đoàn Thanh tra đã không thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP: Trưởng đoàn Thanh tra có văn bản gửi đối tượng thanh tra (kèm theo đề cương yêu cầu báo cáo) ít nhất trước 5 ngày, trước khi công bố quyết định thanh tra; văn bản yêu cầu phải nói rõ cách thức báo cáo, thời gian nộp báo cáo. Các bài báo thanh tra nêu trong đợt gia hạn thanh tra đều không có đơn thư khiếu nại hoặc tố cáo của tổ chức, cá nhân. Đoàn Thanh tra không thực hiện Điều 21 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định: “Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo được gửi cho đối tượng thanh tra trước ngày công bố quyết định thanh tra”; vi phạm Điều 24 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định: Trước khi Kết luận chính thức, nếu thấy cần thiết, người ra quyết định thanh tra lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn hoặc gửi dự thảo Kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc giải trình của đối tượng thanh tra được thực hiện bằng văn bản và có tài liệu chứng minh kèm theo.
Trong suốt 64 ngày làm việc, Đoàn Thanh tra chỉ thu thập tài liệu, không yêu cầu Tổng Biên tập hay các cán bộ, phóng viên liên quan đến những bài báo được giải trình nêu trong biên bản ngày 31/1/2015. Thanh tra chuyên ngành về nội dung báo chí nhưng Đoàn Thanh tra lại vi phạm Luật Báo chí và Luật Khiếu nại.
Trong 5 bài viết đăng trên Báo Người cao tuổi mà Đoàn Thanh tra cho rằng có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước gồm: 3 bài về Kết luận Thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bài về ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra có tài sản khổng lồ và bài về ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Thanh tra Chính phủ.
Căn cứ Điều 4, khoản 1 Điều 5 và các Điều 7, 8, 9, 10 Luật Báo chí sửa đổi; Căn cứ các Điều 9, 13, 14, 15, 29 Luật Khiếu nại, cả 4 bài báo Đoàn Thanh tra trích dẫn trên, bài đăng lâu nhất ngày 15/1/2014, bài gần nhất ngày 18/6/2014 đến nay đã 13 tháng và 8 tháng, không có đơn khiếu nại của các cơ quan và các cá nhân có liên quan, khiếu nại theo Luật Báo chí và Luật Khiếu nại. Như vậy theo Luật Báo chí, các nội dung tin bài đã đăng không bị khiếu nại nghĩa là Báo Người cao tuổi đăng có cơ sở. Chính Bộ Thông tin và Truyền thông hằng tuần hằng tháng đều có giao ban báo chí song những nội dung trên đều không phát hiện ra chẳng lẽ bây giờ tự nhiên lại phát hiện ra và nhóm bài này đều có liên quan đến ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ của Thanh tra Chính phủ, trong khi hai ông này và chính cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng không có văn bản nào khiếu nại về việc Báo Người cao tuổi làm lộ bí mật Nhà nước trong 5 bài báo này.
Ngày 2/10/2013 Thanh tra Chính phủ kí Kết luận số 2181/KL-TTCP về thanh tra Tập đoàn Điện lực, ngày 15/10/2013 Thanh tra Chính phủ họp báo nội dung thanh tra Tập đoàn Điện lực đã được công khai, hàng loạt báo đã phỏng vấn ông Ngô Văn Khánh và đăng tin bài từ ngày 16/10/2013. Ngày 15/1/2015 tức là sau 103 ngày kết luận về Thanh tra Tập đoàn Điện lực, Báo Người cao tuổi mới viết bài, do đó không vi phạm Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11). Mặt khác, tại Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11) không có khái niệm dự thảo kết luận trong danh mục tài liệu mật của Thanh tra Chính phủ. Báo Người cao tuổi thực hiện đúng khoản 6 Điều 5 Nghị định 51/2002 /NĐ-CP ngày 26/4/2002 và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000 “Đối với các văn kiện, tài liệu của các tổ chức, tài liệu, thư riêng của các các nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó”.
Bài “Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh kê khai…?” số 35 (1352) ngày 28/2/2014 có nội dung về tài sản của ông Ngô Văn Khánh, Theo Đoàn Thanh tra Báo vi phạm tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 588/2004.QĐ-BCA (A11) ngày 25/6/2004.
Về việc này, Báo không khai thác hồ sơ cán bộ của ông Ngô Văn Khánh thì không sai phạm. Mặt khác, theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 thay thế Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 có hiệu lực từ tháng 9/2013 đã có quy định về công khai tài sản thì thông tin về tài sản từ bản kê khai tài sản đã bị vô hiệu hóa.
Bài “Lộ rõ việc bao che không xử lí kỉ luật ông Hoàng Thái Dương…” số 97 (1414) ngày 18/6/2014. Theo Đoàn Thanh tra có những thông tin trong bài giống như trong Dự thảo Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo của đồng chí Hoàng Thái Dương. Báo Người cao tuổi đăng theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh Mẫn tại thời điểm ông Nguyễn Minh Mẫn quyền Vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ. Báo đã thẩm định thông tin người tố cáo là có thật, nội dung tố cáo là có thật, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại một số văn bản nhưng người tố cáo vẫn cho là có dấu hiệu bao che, do đó tiếp tục tố cáo lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ngày 2/8/2013, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập Đoàn Kiểm tra là có thực.
Với hồ sơ của các phóng viên đi điều tra các vụ việc có liên quan trên, hiện Báo Người cao tuổi đã có giải trình (ngày 6/2/2015) và có hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện đúng Luật Thanh tra, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, để có kết luận công khai, minh bạch, trung thực, khách quan và đúng pháp luật.
Báo NGƯỜI CAO TUỔI số ra 10.2.2015
*
Bài trên báo Người Cao tuổi số ra ngày 10-2-2015
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định:
Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm trái pháp luật
Hoang Linh Thứ ba ngày 10 tháng 2 năm 2015 9:21 AM
Sáng 9/2/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức công bố Kết luận thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi. Buổi công bố được tiến hành rầm rộ một cách bất thường, mặc dù Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam và lãnh đạo Báo Người cao tuổi vắng mặt, đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau đó, các báo đồng loạt đưa tin tràn ngập trên mạng In-tơ-nét và Truyền hình Việt Nam. Sự kiện gây xôn xao dư luận cả nước, máy bàn cơ quan và máy cầm tay của cán bộ, phóng viên Báo Người cao tuổi nóng lên vì liên tục có các cuộc điện thoại gọi đến hỏi han, chia sẻ. Để rộng đường dư luận, Báo Người cao tuổi đăng nội dung trả lời phỏng vấn các báo của Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và của Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa ngay trong sáng 9/2/2015…
• Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Họ thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi, mà chủ quản không được thông báo…”
Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam
trả lời phỏng vấn các báo ngay bên hành lang Báo Người cao tuổi.
Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi và suốt quá trình thực hiện việc thanh tra, nhưng không thông báo cho chúng tôi (là cơ quan chủ quản) biết. Đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông lại có văn bản mời Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi đến dự và nghe công bố kết luận thanh tra. Tôi thấy việc này không đúng quy trình, nên tôi không đến.
Tôi cho rằng, có thể Đoàn Thanh tra cho rằng không cần mời các chuyên gia, không cần yêu cầu cơ quan chủ quản, hoặc Báo Người cao tuổi có giải trình mà vẫn kết luận, đó là quyền của họ. Nhưng tôi cho rằng, trong quá trình làm, trước khi kết luận, phải dành thời gian để trao đổi, thảo luận giữa Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra để xem xét và tìm biện pháp phù hợp, trên cơ sở đó nếu đúng là có sai phạm thì Báo phải rút kinh nghiệm. Nếu không có sai phạm thì Đoàn thanh tra phải xem xét lại kết luận của mình.
Nhưng họ không đáp ứng được như vậy, Đoàn Thanh tra cho Báo Người cao tuổi có một ngày để giải trình ngần ấy nội dung, thì làm sao Báo giải trình được? Tôi thấy rằng, họ làm vội vàng, cấp tập một cách không cần thiết. Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đúng quy trình, để có sự trao đổi giữa lãnh đạo, phóng viên Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra, cho đối tượng thanh tra được giải trình những nội dung liên quan, từ đó có kết luận thỏa đáng.
Tại Kết luận thanh tra số 01/KL-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam cách chức Tổng Biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa. Nhưng chúng tôi cũng phải xem xét ông Kim Quốc Hoa có thực sự có khuyết điểm như kết luận thanh tra nêu không? Có cách chức Tổng Biên tập hay không, Thường vụ Trung ương Hội cũng phải họp, bàn bạc thấu đáo mới đi đến quyết định. Còn hiện tại thì chúng tôi chưa bàn đến…
• Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa: “Chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại để làm rõ sự thật. Còn hiện tại tôi đang rất bình tĩnh và tự tin”
Trong quy trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng quy trình thanh tra đột xuất. Họ làm gần 3 tháng mà chỉ cho Báo Người cao tuổi giải trình trong một ngày với khối lượng nhiều nhóm vấn đề, liên quan đến hơn 50 bài báo. Vậy làm sao chúng tôi giải trình được? Chúng tôi đã làm văn bản gửi cho Đoàn thanh tra, đề nghị cho phép chúng tôi kéo dài thời gian giải trình. Chính ông Lưu Đình Phúc, Trưởng đoàn Thanh tra điện thoại cho Trưởng phòng Hành chính Báo Người cao tuổi thông báo đồng ý cho giãn thời gian, cụ thể bao nhiêu ngày sẽ có văn bản trả lời.
Mặc dù với khối lượng nội dung giải trình rất rộng, rất lớn nhưng chúng tôi cũng nỗ lực hoàn thành văn bản giải trình vào ngày 6/2/2014 (trong vòng có 4 ngày). Thế nhưng, rụp một cái Bộ Thông tin và Truyền thông gửi ngay văn bản mời chúng tôi đến để công bố kết luận thanh tra. Theo đó, Kết luận thanh tra đã được kí từ ngày 5/2/2014. Đoàn Thanh tra đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thanh tra. Trong những nội dung giải trình, chúng tôi đã làm rõ, chúng tôi không vi phạm pháp luật như kết luận thanh tra quy kết. Ví dụ việc ông Ngô Văn Khánh rút hơn 600 tỉ đồng trong kết luận thanh tra EVN, thì các báo đã thông tin từ cuối năm 2013, chúng tôi đăng bài vào tháng Giêng năm 2014, sau nhiều báo một thời gian dài, mà chúng tôi không lấy tài liệu mật ở đâu. Mặt khác, khi đã có kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi thì không còn là tài liệu mật nữa. Các nội dung khác chúng tôi cũng có đủ bằng chứng chứng minh chúng tôi thực hiện đúng quy định của pháp luật về báo chí.
Mấy ngày nay chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin, trong đó có cả thông tin rằng Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa đã bị bắt… nhưng hôm nay các nhà báo thấy đấy, tôi vẫn làm việc bình thường. Chúng tôi phản đối hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra, tập thể Báo Người cao tuổi chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại vụ việc này, để làm rõ sự thật, bảo vệ uy tín, danh dự cho Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; thanh danh của Báo Người cao tuổi, một trong những tờ báo đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và cá nhân tôi. Còn bây hiện nay tôi đang hết sức bình tĩnh và tự tin…
Hoàng Linh
(Thực hiện)
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hoạt động của Đoàn Thanh tra và nội dung kết luận thanh tra Báo Người cao tuổi
Hoàng Linh (Thực hiện) Thứ ba ngày 10 tháng 2 năm 2015 2:39 PM
Sau khi nhận được Thông báo số 01/BTTT kết luận thanh tra về việc thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội có Văn bản số 37/BTV-HNCT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu tạm dừng thông báo kết luận thanh tra Báo NCT, nội dung như sau:
“Ngày 6/2/2015, Trung ương Hội NCT Việt Nam nhận được Thông báo số 02/BTTTT-ĐTT mời chủ quản của Báo NCT đến Bộ Thông tin và Truyền thông để nghe công bố kết luận thanh tra Báo NCT đã được kí. Về việc này, Ban Thường vụ TW Hội NCT Việt Nam có ý kiến như sau:
Theo các Quyết định số 1643/QĐ-BTTTT ngày 7/11/2014 và Quyết định số 1735/QĐ-BTTTT ngày 21/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thanh tra Báo NCT thực hiện pháp luật về báo chí.
Từ ngày 7/11/2014 đến 31/1/2015 Đoàn Thanh tra đã tiến hành 64 ngày làm việc (kém 4 ngày tròn 3 tháng) được lãnh đạo Báo NCT hợp tác nghiêm túc, nhưng trong quá trình hoạt động Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng Điều 7 Luật Thanh tra như trong Báo cáo giải trình số 33/CV-BNCT của Tổng Biên tập Báo NCT (Phần VII Về hoạt động của Đoàn Thanh tra), đặc biệt là vi phạm Điều 21 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011; Điều 24, Điều 27 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ, Điều 24 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về việc trong quá trình thanh tra và ra văn bản Kết luận phải tuân thủ các quy định, đối tượng thanh tra phải được giải trình, phản biện để có thể xác minh, làm rõ nhằm “đánh giá bảo đảm tính khách quan, chính xác”, tránh quy chụp, áp đặt chủ quan, mất dân chủ dẫn đến oan sai.
Thực tế trong quá trình thanh tra, ngày 31/1/2015 Đoàn Thanh tra mới có cuộc làm việc với lãnh đạo Báo NCT và lập Biên bản làm việc, thông báo những nội dung dự thảo để Báo NCT phải giải trình một khối lượng nội dung rất lớn, rất rộng mà bắt buộc phải nộp văn bản giải trình vào ngày 3/2/2015 (tức là chỉ sau 1 ngày làm việc) là không thể chấp nhận. Mặc dù Tổng Biên tập Báo NCT đã có Công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 xin thêm thời gian giải trình nhưng đã không được đáp ứng. Ngày 5/2/2015 Kết luận thanh tra đã được kí là vi phạm nghiêm trọng, mất dân chủ như thế thì nội dung Kết luận không thể bảo đảm “Chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời” như Điều 7 Luật Thanh tra quy định.
Báo NCT là cơ quan báo chí thuộc Trung ương Hội NCT Việt Nam, tiếng nói của người cao tuổi cả nước, trong những năm qua đã thật sự đổi mới, Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam đánh giá cao những kết quả hoạt động đặc biệt xuất sắc của tờ báo này. Báo đã đi đúng tôn chỉ mục đích, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đi tiên phong trong công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội. Trong 8 năm qua (2007 - 2014) từ khi nhà báo Kim Quốc Hoa về làm Tổng Biên tập báo biểu dương hơn 10.000 điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và cũng phanh phui hơn 2.500 vụ tham nhũng, tiêu cực từ cấp xã trở lên, cơ bản bảo đảm chính xác, nhiều vụ điển hình được Đảng, Nhà nước, các tổ chức, địa phương xử lí, thu về hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách, v.v... được đông đảo bạn đọc và Nhân dân cả nước, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao, khen ngợi.
Thanh tra hoạt động của Báo NCT trong 2 năm (2013 - 2014) Đoàn Thanh tra quy chụp sai sót trong hơn 50 bài báo cho rằng “đăng nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật”, thậm chí cho rằng có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước, vi phạm chính trị, v.v... mà không kiểm chứng, không cho đối tượng thanh tra và người có trách nhiệm giải trình, đối thoại, rõ ràng là Kết luận mang tính chủ quan, áp đặt, mất dân chủ...
Trong 2 năm qua, các nội dung Đoàn Thanh tra minh chứng, cơ quan chủ quản chúng tôi không thấy các cơ quan chức năng nhắc nhở, giao ban báo chí trung ương hằng tuần cũng không phê phán, các đối tượng không khiếu nại... thì kết luận liệu có khách quan, đúng đắn? Cách làm của Đoàn Thanh tra phải chăng nhằm ngăn chặn, làm thui chột năng lực chống tham nhũng của báo chí mà Báo NCT là một điển hình?
Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam trân trọng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tạm dừng công bố Kết luận thanh tra để tiến hành lại cuộc thanh tra theo trình tự, thủ tục đúng với quy định của pháp luật”
Hoàng Linh (Thực hiện)