Trần Hồng Tâm
Người Cao Tuổi bị thanh tra, thanh trừng và sẽ bị thanh toán đúng
dịp đông tàn ngày tận của năm Ngọ. Như thường lệ, truyền thông Việt Nam lại thỏ
thẻ, ngoan ngoãn, như một nàng dâu trước bà mẹ chồng cay nghiệt Tuyên – Giáo.
Vài cây viết tự do thả sức chém gió, bình loạn, và gán ghép.
Nhìn Người Cao Tuổi ở góc độ khác
Ngón ngàn tờ báo chính thống trên toàn quốc cùng ngân vang những
bài đồng ca, tụng ca, thánh ca nhàm chán, có lúc đến nhảm nhí. Hàng chục ngàn
người viết Việt Nam hoặc im lặng, hoặc bẻ cong ngòi bút vì manh cơm miếng áo.
Một mình Người Cao Tuổi dũng cảm đứng lên, chấp nhận hiểm nguy, băng mình bứt
phá, lao vào những nơi gai góc, cạm bẫy, rủi ro. Đó là một hành động dũng cảm,
đáng khâm phục. Nhưng có ý kiến cho là “bí quyết để nâng cao doanh số bán báo”,
“thương mại hóa”.
Thiết tưởng, một tờ báo nhằm doanh thu cao, chỉ vài pha lộ hàng,
mùi mẫn, đôi ba pha cướp, giết, hiếp, máu, lửa, giật gân là báo bán chạy như
tôm tươi, đâu phải lao vào một trận đồ bát quái đắt đỏ, cam go, nguy hiểm đến
tính mạng. Những ai cho rằng Người Cao Tuổi chống tham nhũng nhằm nâng doanh
thu là một kiểu đấu tố, quy chụp, thiếu lương thiện.
Phe phái và đấu đá
Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Người Cao Tuổi, cương trực, quả cảm.
Nhiều đồng nghiệp coi ông như một lão tướng kinh nghiệm, trận mạc, đánh đông
dẹp bắc vì công lý. Ông đã phanh phui 2500 vụ tham nhũng lớn nhỏ, không trừ một
ai, từ quan đại thần, thượng thư nơi cung đình đến hàng tuần đinh xóm ngõ. Vài
nhà bình loạn coi sự dấn thân của ông chẳng qua chỉ vì phe phái, đấu đá, tranh
giành, quyền lực.
Họ suy diễn: Năm 1990, Kim Quốc Hoa làm Tổng Biên tập tờ Tuổi trẻ
Thủ đô thuộc Thành đoàn và Thành ủy Hà Nội. Đây là “chốn cũ nơi xưa của
Nguyễn Phú Trọng”. Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mời Kim Quốc Hoa đến nhà riêng.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị là đồng hương Thanh Hóa của ông Phiêu. Từ đó
suy ra Kim Quốc Hoa cùng phe với Phạm Quang Nghị. Rồi kết luận: Người Cao Tuổi
thuộc về phe Đảng, phe thân Trung Quốc, phe giáo điều bảo thủ của Nguyễn Phú
Trọng, Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh. Kim Quốc Hoa chỉ “đi châm ngòi nổ để
Ban Nội chính Trung ương nhập cuộc..”
Họ cũng suy diễn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu phe cấp tiến,
chống lại cánh bảo thủ, giáo điều. Giờ đây, ông đã củng cố xong quyền lực, bắt
đầu “ra tay”, “khởi tố”, “hành động thô bạo của Chính phủ nhằm bịt miệng báo
chí”.
Lập luận trên có đúng không?
Nói một cách lý thuyết, Bộ Truyền thông nằm dưới quyền Thủ tướng.
Nhưng vì những lý do đặc thù của báo chí cộng sản: Thông tin được nhào nặn. Số
liệu được bịa đặt. Sự kiện được thêu dệt. Tên tuổi bị giả mạo. Ngôn ngữ được
kiểm duyệt. Văn phong bị kiểm soát. Dư luận được định hướng. Tất cả chỉ theo
một chiều có lợi cho Đảng. Bởi vậy, Đảng không nhường quyền lãnh đạo báo chí
cho bất cứ cá nhân nào. Ông chủ trực tiếp của truyền thông phải là các Ban trực
thuộc Ban Bí thư, Bộ Chính trị, và Tổng Bí thư.
Ở Việt Nam không có ranh giới giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp.
Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện cả ba lĩnh vực. Ba trong một, và một bằng
ba, vai trò của Thủ tướng (hay hành pháp) vô cùng mờ nhạt trong lĩnh vữc này.
Người ta cáo buộc Nguyễn Tấn Dũng là thủ phạm của Người Cao Tuổi,
nhưng không đưa ra bằng chứng thuyết phục, và cách suy diễn có tính gán ghép.
Ông Dũng không thể một mình vượt qua nổi hệ thống: Ban Tư tưởng, Ban Văn hóa,
Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo, Ban Bí thư cùng các bộ, hội, chằng chịt, chồng
chéo, ngành dọc, ngành ngang ràng buộc lẫn nhau giữa những bờ quyền lực. Hơn
nữa, đây là thời gian nhậy cảm, chẳng dại gì mà ông đi gây thù chuốc oán.
Nhìn lại các đời Thủ tướng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, hình như chưa
thấy ai nhúng tay vào những vụ đàn áp báo giới. Có lẽ, Nguyễn Tấn Dũng không
nằm ngoài quy luật đó.
Những kỳ án báo trí trong quá khứ
Thử nhìn lại những kỳ án báo trí trong quá khứ, giúp chúng ta nhận
diện ra thủ phạm.
Lệnh đàn áp hai tờ Nhân Văn – Giai Phẩm không thể phát ra từ văn
phòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tố Hữu mới chính là sát thủ máu lạnh. Một chuyện
ngắn hư cấu “Cây táo nhà ông Lành”, phạm húy chạm đến tên cúng cơm, ông Lành đã
cho tác giả của nó biết thế nào là không lành. Cả giới tao nhân mặc khách vang
bóng, lừng danh của xứ Bắc kỳ bỗng hóa thành “giẻ rách”, “thân tàn ma dại”,
“bọn trụy lạc phản động”, “bọn đồi bại” trong tay phù thủy Trưởng Ban Tuyên
huấn Trung ương xứ Huế.
Cuối năm 1973, Phạm Tiến Duật lặn lội từ Trường Sơn khói lửa ra
thăm Hà Nội, công bố bài thơ “Vòng trắng” trong đó có câu “Khăn tang, vòng tròn
như một số không”. “Chỉ thấy tang tóc đau thương, than thở…”, Tố Hữu phán rồi
vung baton nện lên đầu khách thơ. Trong lúc, Phạm Văn Đồng mời thi sỹ Phạm Tiến
Duật ăn món bánh cuốn chả lụa tại Phủ Thủ tướng để cùng thưởng thức bài thơ.
Cuối năm 1978, số Tết của tờ “Đứng Dậy” đăng thơ của Ngô Công Đức
trong đó có câu:
“Ngày mồng Một ra đường được gặp một nụ cười xuân.
Nụ cười nở trên môi anh cảnh sát”.
Các nhà tuyên huấn cho là câu thơ ám chỉ “xã hội ngày nay mất cả nụ cười” báo ngay cho Tố Hữu (đang ở Sài Gòn) xin “chỉ đạo kịp thời”. Tố Hữu phán: “Giờ này mà nó còn muốn đứng dậy thì cho nó nằm xuống luôn”. Đứng Dậy lập tức phải “nằm xuống”, từ từ tắt thở.
“Ngày mồng Một ra đường được gặp một nụ cười xuân.
Nụ cười nở trên môi anh cảnh sát”.
Các nhà tuyên huấn cho là câu thơ ám chỉ “xã hội ngày nay mất cả nụ cười” báo ngay cho Tố Hữu (đang ở Sài Gòn) xin “chỉ đạo kịp thời”. Tố Hữu phán: “Giờ này mà nó còn muốn đứng dậy thì cho nó nằm xuống luôn”. Đứng Dậy lập tức phải “nằm xuống”, từ từ tắt thở.
Năm 1983, Tố Hữu ra lệnh bắt thi sỹ Hoàng Cầm. Thiên hạ nghi cho
Lê Đức Thọ. Việt kiều Pháp xót thương cho tác giả “Lá diêu bông” bèn viết thư
phàn nàn gởi ông Thọ. Chuyện đến tai Tố Hữu, ông nổi điên phán: “Nước ngoài can
thiệp, thì cho tù thêm năm nữa.”
Tố Hữu – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương,
Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Hiệu trưởng
trường Nguyễn Ái Quốc – đã để lại một di sản “sợ hãi kinh hoàng” cho giới viết
lách. Nhân danh gọng kìm Tuyên – Giáo, ông nghiền nát bất cứ ai dù chỉ là lời
than, hay một tiếng thở dài trong nhiều năm ở miền Bắc và cả nước sau 1975.
Mãi đến năm 1988, Nguyên Ngọc, Tổng Biên tập tờ Văn Nghệ cho đăng
chuyện và phóng sự của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Nguyễn
Minh Châu, Phùng Gia Lộc, Trần Quang Huy, Hồ Trung Tú…
Tháng Mười cùng năm, Trần Trọng Tân gọi Nguyên Ngọc tới dậy bảo:
“Làm báo là làm chính trị. Làm chính trị phải nhạy cảm chính trị, trước hết là
nhạy cảm với kẻ thù.” Nguyên Ngọc cãi tay đôi: “Nhạy cảm chính là nhạy cảm với
nỗi khổ của dân. Những kẻ làm đau khổ dân mới là kẻ thù.” Lời qua tiếng lại,
gay gắt quá, Đào Duy Tùng có mặt bênh đỡ ông Tân. “Anh Tân và Nguyên Ngọc không
khác nhau, chỉ khác nhau ở cách diễn đạt”. Nguyên Ngọc không lùi bước: “Chúng
tôi khác nhau về căn bản”.
Hai tháng sau, Nguyên Ngọc, tác giả của “Đất Nước Đứng Lên”, đứng
không nổi, đất nước đành nằm xuống. Ông mất chức Tổng Biên tập báo Văn Nghệ của
Hội Nhà văn Việt Nam. Lưu ý: Trần Trọng Tân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban
Tuyên huấn Trung ương. Đào Duy Tùng Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Biên tập Tạp chí
Cộng sản, Viện trưởng Viện Mác Lê-nin. Cả hai đều là nhà lý luận hàng đầu của
Đảng.
Giữa 1987, cán bộ lão thành miền Nam như Nguyễn Hộ, Đỗ Trung Hiếu,
Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Trần Nam Trung thành lập Câu lạc bộ Những người
kháng chiến cũ, và xuất bản tờ báo Truyền Thống Kháng Chiến. Báo vừa ra hai số,
thì có lệnh đóng cửa. Tài sản làm báo bị tịch thu. Truyền Thống Kháng Chiến
chuyển xuống Mỹ Tho, và phát hành bí mật. Tuyên huấn tỉnh cấm mọi nhà in trong
tỉnh làm ấn bản cho tờ báo này. Truyền Thống Kháng Chiến bí mật dọn xuống Cần
Thơ. Báo vừa in xong thì bị tịch thu.
Nguyễn Văn Linh vận động Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng rút khỏi Câu
lạc bộ. Truyền Thống Kháng Chiến vĩnh viễn bị xóa sổ. Tháng Ba năm 1990, Nguyễn
Hộ bị bắt, và đối xử tàn bạo, biệt giam bốn tháng, không án, quản thúc tại gia
cho đến khi qua đời. Cùng lúc, Nguyễn Văn Linh còn còng tay Tạ Bá Tòng, Hồ
Hiếu, Đỗ Trung Hiếu.
Cuối năm 1989, báo Khoa Học & Tổ Quốc, do Phạm Quế Dương làm
Tổng Biên tập, có đăng loạt bài của Đỗ Đức Dục và Nguyễn Kiến Giang. Báo bị
tịch thu, Tổng Biên tập cùng hai tác giả bị bắt và truy tố. Không một cá nhân
nào dám chinh phạt một tờ báo nếu người đó không phải là Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Linh cùng những nhà lý luận hàng đầu nêu trên mà dân Hà Nội gọi là “lũ chim sẻ
chim ri”.
Võ Văn Kiệt bổ nhiệm Tô Hòa làm Tổng Biên tập Sài Gòn Giải Phóng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hô hào “Cởi trói”. Tô Hòa tưởng thiệt, cho đăng
hàng loạt bài có nội dung “Cởi trói”. Trong hậu trường, cọng dây thừng Nguyễn
Văn Linh cứ siết dần, siết dần, siết cho đến khi Tô Hòa nghẹt thở, rồi ném ông
ra khỏi tòa soạn vào tháng Tám năm 1989.
Giữa 1991, nữ văn sỹ Dương Thu Hương bị bắt. Thứ trưởng, Trung
tướng công an phụ trách an ninh Võ Viết Thanh kể: “Tôi và Bộ trưởng Mai Chí Thọ
cùng đồng ý không nên bắt. Chị Hương xin xuất cảnh, tôi vẫn để chị đi. Một hôm
tôi đang công tác miền Nam thì nhận được điện từ Cục Tham mưu là Ban Bí thư ra
lệnh bắt Dương Thu Hương. Tôi biết đó là ý kiến của Nguyễn Văn Linh và Nguyễn
Đức Bình.” Ông Bình là Ủy viên Bộ Chính, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, và cũng là nhà lý luận hàng
đầu của Đảng.
Chỉ còn một tháng trước khi hết nhiệm kỳ, Nguyễn Văn Linh hành
quyết Vũ Kim Hạnh, cách chức Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ” kèm theo một hình phạt
bí mật: “Tước thẻ nhà báo, vĩnh viễn không được trở lại nghề báo”.
Bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội
Mục tiêu sống còn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là giữ vững Chủ
nghĩa Xã hội. Chống tham nhũng chỉ là chuyện vặt. Bởi, tham nhũng không thể và
không bao giờ đánh sập CNXH. Ngược lại, tham nhũng là thuốc thánh giúp CNXH cải
tử hoàn đồng. Tất cả những ai đụng đến CNXH mới là kẻ thù mà ông Trọng nhằm
tới, và ông quyết đánh đến cùng. Không phải ngẫu nhiên Người Cao Tuổi bị truy
tố theo điều 258, bóng dáng của những bản án giành cho những người đòi xét lại
CNXH.
Với mái tóc bạch kim phong nhã, ai cũng nghĩ ông hiền lành như một
anh giáo làng, nên đùa gọi ông bằng một cái tên thân mật “Trọng Lú”. Một nhầm
lẫn khổng lồ, ông không hề lú, ông là một tay kiếm điêu luyện lạnh lùng. Ông
bảo “Công an là thanh bảo kiếm của chế độ”. Đã có đến 67 người chết, sau những
trận “đấu kiếm” tại tại đồn công an dưới triều đại của ông. Không một ai nhận
thấy ở ông bộc lộ lòng trắc ẩn, nỗi sót thương, sự giằn vặt, khổ đau, trăn trở,
giằng xé, cắn rứt cho những mạng người xấu số chết trong đồn công an. Ngược
lại, ông tỏ ra mãn nguyện.
Ông tự tuyên dương thành tích của mình bằng cách phê bình cựu Tổng
Bí thư Nông Đức Mạnh chưa hoàn thành nhiệm vụ. Ông nói: Ông quen thuộc với giới
truyền thông. Ông từng là phóng viên từ năm 1967 đến 1996 tại báo Nhân Dân và
Tạp chí Cộng sản. Ông không nương tay với những kẻ to mồn. Ông tặng cho giới
viết lách hơn 100 năm tù tính riêng trong 12 tháng vừa qua, 30 người đang ngồi
bóc lịch trong nhà lao. Thành tích của ông vượt xa Nông Đức Mạnh.
Tháng Hai 2013, Nguyễn Đắc Kiên, phóng viên báo Gia đình & Xã
hội, chỉ mới chạm đến cọng lông chân, lòng hãnh tiến của ông bị thương tổn. Ông
bất chấp tất cả, tuổi tác, sự nghiệp, và lòng cao thượng với người viết trẻ.
Ngay lập tức ông đuổi Kiên ra khỏi tòa soạn một cách hằn học, nhỏ nhen.
Ai giết Người Cao Tuổi?
Ôn lại quá khứ, để nhận ra bóng dáng tử thần của báo chí. Dường
như, họ hao hao cùng gương mặt, cùng nhiều năm dùi mài trong trường đảng, cũng
viết báo, làm thơ, cũng là tổng biên tập các báo hay tạp chí lớn, cùng hiệu
trưởng các trường, học viện ở trung ương, cùng làm tuyên giáo, tổ chức, hay xây
dựng đảng, và cuối cùng đều trở thành “Nhà lý luận hàng đầu”.
Thật phũ phàng, Quyền lực đã phù phép biến những “Nhà lý luận hàng
đầu” thành những “Nhà giáo điều hàng đầu”. Họ độc quyền tư tưởng, không cho
phép ai được nghĩ khác hay nói khác họ. Giáo điều không thể cùng chiếu với tự
do ngôn luận, dù bất cứ dưới hình thức nào. Thủ phạm giết Người Cao Tuổi hôm
nay cũng không ngoại lệ.
Tấn công vào Người Cao Tuổi bằng một cuộc hợp đồng binh chủng lớn
gồm gồm nhiều bộ, nhiều ngành, nhiều người, nhiều hội, tiến hành bài bản, thanh
tra, kết luận, chính trị hóa, hình sự hóa, chuyển cho cơ quan điều tra, truy
tố, truyền thông không được đưa tin nhiều chiều, thẻ nhà báo bị tịch thu. Phải
là một tập thể, một Nguyễn Tấn Dũng không kham nổi, không dám, xung quanh ông
còn nhiều rủi ro rình rập.
Người chết tại đồn công an cứ tăng. Dân chúng mỉa mai: “Bình
thường như chết ở công an phường”. Ông Trọng vẫn ung dung lẩy Kiều “Ngẫm mình
phận mỏng cánh chuồn”. Chỉ tính riêng trong năm rồi, ông Trọng đã ban phát hơn
100 năm tù cho giới đòi xét lại CNXH, rồi ông lại bảo: 100 năm nữa chưa chắc đã
có CNXH ở Việt Nam. Vậy là, có tới 100 000 năm tù nữa sẽ được ban phát trước
khi CNXH thành công.
Ai cũng biết ông sở hữu nhiều học hàm học vị cao ngất, nhưng ít ai
biết ông được thế giới tặng danh hiệu cao quý “Kẻ thù của Internet”. Chỉ số tự
do báo chí của Việt Nam lùi dần, lùi mãi xuống đội sổ, thứ 174/180. Tên ông có
trong sổ bìa đen: Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam ngồi cùng mâm với Mullah
Mohammad Omar, thủ lĩnh Taliban của Afghanistan, Kim Jong-un của Bắc Triều
Tiên, và Putin của Nga.
Chưa ai biết có bao nhiêu Ủy viên Bộ Chính trị đồng ý giết Người
Cao Tuổi, nhưng không thể thiếu Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh. Ông Huynh
nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy
viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên – Giáo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung
ương. Cả ông Trọng và ông Huynh đương kim là “Nhà lý luận hàng đầu” của Đảng.
Càng lý luận càng giáo điều. Thưa bạn đọc: Giáo điều và độc tài là
hai đường tiệm cận.
Tết Ất Mùi, 2015
Trần Hồng Tâm