Đoàn Viết Hoạt
Tôi sinh ra trong một ngôi làng bé nhỏ ở Hà Đông, cách Hà Nội khoảng 15 cây số. Dù ở Hà Nội với cha tôi, năm nào chúng tôi cũng được gửi về sống với mẹ tôi ở nhà quê trong ba tháng hè. Nhờ vậy trong tâm khảm tôi in đậm nét hình ảnh làng quê, với cây đa, cái đình, những ruộng lúa, ngô, khoai, sắn, và những người nông dân suốt ngày lam lũ cùng con trâu cái cầy. Những kỷ niệm làng quê trong sáng từ thời thơ ấu ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Dù khi bị giam cầm một mình nơi núi rừng Thanh Hóa, hay trong mùa đông tuyết giá ở xứ lạ quê người. Chính những lúc như thế hình ảnh làng quê lại hiện lên rõ nét. Tình cảm quê hương đã nung nấu trong tôi từ những kỷ niệm thời thơ ấu.
Rồi tôi lớn lên cùng với những biến đổi nhiều đau thương mất mát của gia đình và đất nước. Thân phụ tôi bị hư một mắt nhưng thoát chết trong nhà tù thực dân. Anh cả tôi bị cộng sản bắt mang đi mất tích khi mới 15 tuổi vì quá hăng say hoạt động cách mạng với cha tôi -người anh mà tôi không thể nhớ rõ mặt nhưng mãi mãi vẫn là một biểu tượng anh hùng trong tâm trí tôi. Bên cạnh đình làng rêu phong cổ kính, hiện lên hình ảnh đoàn xe nhà binh rầm rập chạy qua làng, tiếng bánh xe khét lẹt nghiến mạnh trên đường nhựa mịt mù bụi đá. Rồi kỷ niệm không thể nào quên về những lần chạy loạn cùng mẹ tôi luồn lách trong những ruộng ngô, nghe tiếng đạn xé tai vun vút trên đầu, sống chết chỉ trong gang tấc. Những biến cố đó đã chấm phá lên bức tranh đồng quê trong sáng những hình ảnh và mầu sắc ngày một thêm ảm đạm.
Rồi di cư vào Nam, tình cảm quê hương rộng mở theo năm tháng dọc dài trên nửa vùng đất nước. Tâm thức tôi tiếp nhận thêm những hình ảnh mới của làng quê miền Trung khô cằn khốn khó, của vùng cao nguyên hùng vĩ, mênh mông, trùng điệp núi đồi, lồng lộng gíó. Và kỷ niệm khó quên của những đêm trăng sao vằng vặc trên đồng quê miền Tây hiền hòa trù phú, làm dầy thêm hình ảnh quê hương trong tiềm thức tôi. Tình yêu quê hương giờ đây lại thêm mộng mơ xao xuyến, quyện trong tình yêu chớm nở của tuổi đôi mươi, và trong hoài niệm về làng quê miền Bắc, nơi còn người mẹ già và một người anh không biết bao giờ gặp lại.
Mỗi người Việt có thể có những gợi nhớ khác nhau về quê hương. Với tôi quê hương Việt Nam luôn là một mâu thuẫn, vừa nhớ nhung vời gọi vừa thách đố đi tìm. Tình cảm quê hương trong tôi trải dài cùng đồng quê sông núi vô cùng tươi đẹp, suốt từ nam chí bắc, lại luôn hòa quyện vào nỗi day dứt khôn nguôi về thân phận dân tộc. Tình cảm ấy dường như vương vấn theo tôi ở mọi nơi tôi đến, trong mọi việc tôi làm. Có một cái gì đó như thách đố, thao thức, day dứt khôn nguôi. Cuộc đời tôi dù may mắn hơn nhiều người khác nhưng dường như tôi vẫn luôn cảm thấy thiếu vắng một điều gì, mất mát một cái gì, chưa hoàn tất một việc gì mà bao bạn bè, người thân đã nhắn gửi và trông đợi. Như người mẹ thân yêu, sinh ra tôi nhưng tôi chưa hề được chăm sóc dù chỉ một ngày. Như người anh, chết đi khi mới bắt đầu hành trình phụng sự dân tộc. Và người cha khả kính, khi chết tôi không được đứng bên để vuốt mắt lần cuối dù chỉ ở cách xa chưa đầy hai cây số chim bay. Người mà món nợ quê hương tôi tự nguyện phải tiếp tục gánh trả. Rồi gần nhất là người vợ thân thương, cuộc đời luôn gắn bó với tôi trên suốt hành trình tôi đi, luôn ở cạnh tôi trong mọi việc tôi làm, cùng tôi chia sẻ và chịu đựng mọi vui buồn gian khổ. Và như ba người con trai yêu dấu, tôi đã không làm tròn trách nhiệm, một trách nhiệm mà tôi hứa trả chung cho cả thế hệ các cháu, thế hệ mà tôi tin chắc chắn rằng sẽ mở được con đường tương lai cho dân tộc.
Rồi những người bạn đã cùng tôi hoạt động trong mọi hoàn cảnh gian lao nguy hiểm, và biết bao con người bình thường khác mà tôi đã gặp, trong nhà tù hay ngoài xã hội, từ Nam ra Bắc, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những con người thuộc mọi thành phần và tầng lớp xã hội khác nhau nhưng trên nét mặt, cả khi khổ cực cũng như khi đã tạm đầy đủ, đều vẫn luôn hiện lên nỗi ưu tư khắc khoải, phản ảnh một cuộc sống bon chen, chật vật, bấp bênh, không có tương lai ổn định. Phải chăng chính niềm ưu tư khắc khoải đó đã và đang thôi thúc họ và hàng triệu triệu người Việt khác tự tìm tòi mọi cách để vượt thoát ra khỏi những trói buộc tinh thần và vật thể, để vươn lên tự tìm lấy sinh lộ cho họ và cho đất nước. Càng gặp khó khăn trở ngại bao nhiêu người dân Việt càng có nhiều sáng kiến để sinh tồn.
Nhưng nỗi băn khoăn của tôi chính lại là ở đó. Khả năng sinh tồn đơn lẻ của mỗi người hay mỗi nhóm không đồng nghĩa với triển vọng phát triển của một dân tộc có bản sắc trong một thế giới đang toàn cầu hóa. Được sống một đời sống ấm no, như những con người tự do có nhân phẩm, tất nhiên phải là mục tiêu trước mắt và cấp bách của dân tộc ta. Nhưng để có được một cuộc sống như thế, phải chăng không nhất thiết phải là một người Việt và ở trên đất Việt? Nhân loại, và cả những người Việt lưu vong, trên một phần không nhỏ của hành tinh này, đang được hưởng một cuộc sống như thế, một cuộc sống mà đáng lẽ ra toàn dân Việt đã phải được hưởng từ lâu rồi, ngay trên quê hương của họ.
Nỗi ưu tư khắc khoải của những người Việt yêu nước, yêu quê hương, yêu dân tộc phải chăng chính là ở đó. Toàn dân Việt phải có được một đời sống ấm no, tự do và có nhân phẩm ngay trên quê hương của mình, và như là những người Việt, có một nền văn hóa và lịch sử đặc thù. Tôi tin rằng nửa thế kỷ qua, hàng triệu triệu người Việt đã nằm xuống trên mọi miền đất nước chỉ vì nỗi ưu tư khắc khoải đó. Và sau năm 1975, hàng triệu người Việt phải vượt biển ra đi và hiện sống lưu vong trên mọi miền thế giới cũng chỉ vì nỗi ưu tư khắc khoải của những người Việt yêu tự do yêu đất nước của mình. Và nhiều người Việt khác, đã ở lại quê hương, dù chịu bao khổ nhục tù đầy, cũng chỉ để cùng nhau tìm con đường mang lại cho con cháu mình và cho mọi người Việt một cuộc sống tự do và no ấm ngay trên quê hương Việt Nam.
Mùa hè năm 1989, sau khi ra tù được gần một năm, tôi đưa nhà tôi và cháu trai về thăm lại ngôi làng cũ ở Hà Đông. Chúng tôi đi xe đò từ Sài Gòn ra Huế để được ngắm cảnh trên núi dưới biển, dọc quốc lộ số 1. Có lẽ không nơi nào trên thế giới có cảnh thiên nhiên đẹp lạ kỳ như dọc bờ biển miền Trung của nước Việt. Nhưng cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó thật tương phản với đời sống khổ cực của nông dân ở những vùng quê chúng tôi đi qua. Và nhất là ở ngay tại làng quê của tôi. Cây đa xanh tươi um tùm ngày xưa nay trơ trụi những cành khô. Ngôi đình cổ kính trang nghiêm thuở trước nay thành kho chứa nông sản phẩm, tiêu điều hoang phế. Ngôi nhà của tổ tiên để lại đã không còn sau đợt đấu tố. Làng bị cắt làm hai bởi một con đường nhựa chạy từ Hà Nội lên Hòa Bình, dành cho chuyên viên Liên Xô di chuyển trong thời gian xây đập thủy điện. Và bao cảnh chướng tai gai mắt mà chúng tôi phải chứng kiến suốt trên con đường từ Nam ra Bắc. Những cảnh xẩy ra cho người dân bình thường trong một xã hội mà người cầm quyền hoàn toàn tự do cai trị, nhân quyền và nhân phẩm là những điều xa xỉ chỉ có trong sách vở.
Chuyến đi này lại làm tôi quyết định, thêm một lần nữa, không thể rời bỏ quê hương. Trong 12 năm ở tù tôi cũng có lúc ân hận vì đã quyết định ở lại để vợ con và bản thân mình phải khổ. Sau khi được tự do, tôi đã làm giấy tờ để cho nhà tôi và người con trai út đi định cư ở Hoa Kỳ, đoàn tụ với hai con trai đã được nhà tôi gửi người quen đi vượt biên nhiều năm trước đó. Chuyến đi dọc dài đất nước mục đích để cho con tôi không quên quê hương Việt Nam của cháu. Nhưng chuyến đi này đã lại một lần nữa gây cho tôi bao niềm thương cảm và day dứt khiến tôi không thể im lặng ra đi được. Tôi dự định sẽ để vợ con đi Mỹ còn tôi, vào phút chót, trước khi gia đình lên máy bay, tôi sẽ một mình ở lại. Tôi không thể ra đi khi bao người thân, bạn bè đã nằm xuống mà chưa tròn nguyện ước với quê hương. Bao day dứt và thách đố đã vương vấn tôi suốt mấy thập kỷ qua không thể một ngày dứt quên đi được.
Trở lại Sài Gòn tôi quyết định đẩy mạnh công cuộc vận động chính trị mà tôi và một số bạn bè mới, cũ đồng chí hướng đã dự tính với nhau từ cuối năm 1988, ngay sau khi chúng tôi ra khỏi nhà tù. Những biến động ở Liên Xô và Đông Âu càng củng cố niềm tin của chúng tôi rằng hệ thống cộng sản ở Việt Nam cũng sẽ tự sụp đổ ngay từ bên trong như ở những nước cộng sản đó – sụp đổ bởi những người Việt yêu nước, yêu tự do dân chủ, bởi chính những người cộng sản đã nhìn thấy sai lầm, và nhất là bởi một xã hội và một quần chúng đã chối bỏ mọi điều lừa phỉnh, đang âm thầm đứng lên tự tìm lấy sinh lộ cho mình. Những người sĩ phu thời đại không thể ngồi đợi, mà có trách nhiệm đẩy nhanh tiến trình sụp đổ này. Cuốn băng Toàn Dân Vận Động Cho Dân Chủ và tập san Diễn Đàn Tự Do ra đời trong hoàn cảnh đó.
Dù cố gắng giữ cho cuộc vận động được kín đáo trong gần 2 năm, nhưng khi cuốn băng và tập san được những người đồng tình phổ biến ngày càng rộng rãi, ra cả ngoài Bắc và hải ngoại, thì hoạt động của chúng tôi không thể thoát khỏi được tai mắt công an dầy đặc. Tháng 11 năm 1990 chúng tôi bị bắt. Đây là đợt bắt giữ chính trị quan trọng cuối cùng trong năm 1990, sau hai đợt khủng bố lớn trước đó đối với Lực Lượng Cựu Kháng Chiến của ông Nguyễn Hộ và Cao Trào Nhân Bản của bác sĩ Nguyễn Đan Quế.
Trong tù tôi quyết định cũng không thể im lặng vì hiểu rõ rằng trong chế độ công an trị cộng sản im lặng là tự sát. Hơn nữa, những người cộng sản cầm quyền, vì nhu cầu tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ, bắt buộc phải mở cửa ra với thế giới tự do. Sự lên tiếng từ trong nhà tù không phải chỉ để quốc tế biết đến số phận của những người tù chính trị và can thiệp cho họ. Đó còn là một phương thức đấu tranh hữu hiệu trong thời kỳ cộng sản phải “đổi mới” và mở cửa. Vấn đề khó khăn nhất là làm sao tiếng nói của tù nhân tới được cộng đồng quốc tế. Chúng tôi làm được điều này nhờ sự hỗ trợ của nhiều người. Những bạn tù chính trị giúp chuyển những văn bản của chúng tôi ra ngoài. Thân nhân và bạn bè lại giúp chuyển những văn bản này ra hải ngoại. Và cuối cùng chính hải ngoại đã giúp lan tỏa được tiếng nói của tù nhân chính trị Việt Nam đến cộng đồng thế giới. Và đây là yếu tố quan trọng, nó cho thấy vai trò quốc tế của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh chúng ta chưa có được một cộng đồng người Việt hải ngoại như thế. Những cộng đồng hải ngoại của các nước Đông Âu và Liên Xô không đóng được vai trò quốc tế như cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay vừa vì sự “đóng cõi” toàn diện và hữu hiệu của cả khối cộng sản lúc đó, vừa vì thế giới chưa chuyển vào giai đoạn thương mại toàn cầu hóa siêu biên giới quốc gia như từ vài thập niên trở lại đây.
Tôi và các bạn tôi được ra khỏi nhà tù sau 8 năm bị giam giữ cũng nhờ sự vận động tích cực của các tổ chức nhân quyền và dân chủ Việt Nam, quốc tế cũng như các chính phủ tự do. Theo lời yêu cầu của thân nhân và bạn bè tôi đã chấp nhận tạm rời khỏi đất nước để có thể tiếp tục cuộc vận động từ bên ngoài. Đây là một quyết định nhiều day dứt và khó khăn. Trong hơn ba tháng các cán bộ cộng sản từ Hà Nội về trại giam Thanh Cẩm cố gắng thuyết phục tôi hai điều: làm đơn xin đặc xá và đi đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ để đổi lấy tự do. Tôi không chấp nhận cả hai điều này. Họ đã cho nhà tôi về Việt Nam, lần đầu tiên kể từ khi đi định cư ở Hoa Kỳ năm 1994, và cho đến thăm tôi tại trại giam để chuyển lời của các con tôi và bạn bè khuyên tôi nên chấp nhận đi định cư tại Hoa Kỳ để giữ được sức khỏe và tiếp tục cuộc vận động từ bên ngoài.
Đêm cuối cùng tại trại tạm giam Thanh Liệt ở Hà Nội trước khi bị đưa lên phi cơ tống xuất đi Hoa Kỳ tôi trằn trọc không thể nào ngủ được, vui buồn lẫn lộn. Vui vì được tự do, được gặp lại vợ con, nhất là các con tôi, sau gần 20 năm xa cách, gặp lại bạn bè, những người đồng chí hướng, để tiếp tục công việc còn dang dở. Buồn vì phải rời xa quê hương yêu dấu không biết bao giờ trở lại. Tình cảm buồn vui riêng chung dồn lại trong một lời nguyện ước trong đêm cuối cùng ở Hà Nội:
Ta sẽ trở lại
Để quê hương
Không chỉ ở trong ta
Mà trong khắp mọi nhà
Để tự do và hạnh phúc
Không chỉ là ước mơ.
Ngày hôm sau, khi máy bay cất cánh, nhìn quê hương xa dần bên dưới, những giọt nước mắt dồn nén tự bao năm thốt nhiên òa vỡ ra đau nhức lạ lùng. Người phóng viên AFP đi cùng chuyến bay, để có cơ hội là người đầu tiên được phỏng vấn tôi, vỗ vào vai tôi cảm thông và an ủi. Con người tự do đầu tiên mà tôi tiếp xúc và an ủi tôi sau bao tháng năm bị cô lập lại không phải là một người Việt. Tôi lặng người đi và những giọt nước mặt tự nhiên khô lại. Hai ngày sau, trên đường ra phi trường Bangkok để đi Mỹ, những giọt nước mắt lại oà vỡ ra không kiềm chế được. Quê hương ơi, quê hương ơi, bao giờ gặp lại? Lần này người ngồi cạnh và an ủi tôi là một người Việt, một người bạn tù ở Chí Hòa trong lần tù thứ nhất. Những lời chia sẻ đến từ một người Việt làm tôi cảm thấy ấm lòng, dù chắc chắn nỗi buồn sẽ vương vấn theo tôi cho tới ngày đặt chân trở lại trên quê hương thanh bình và tự do.
Từ đó đến nay, tiếp tục cuộc vận động từ hải ngoại, tôi luôn luôn nhận được sự hỗ trợ tinh thần và công việc của bạn bè cũ, của những người đồng chí hướng mới, của các tổ chức trong cộng đồng hải ngoại và của những tổ chức nhân quyền quốc tế. Rất nhiều người dù mới gặp lần đầu nhưng đã nhanh chóng trở thành thân quen vì chung tình cảm quê hương, cùng chia sẻ giấc mơ về một nước Việt Nam tươi sáng cho mọi con dân Việt. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của bạn bè Việt Nam và quốc tế, tôi có cơ hội đi thăm hầu hết những quốc gia có đông người Việt định cư, từ Bắc Mỹ đến Á châu, Úc châu, Âu châu và cả Đông Âu. Ngoài việc gặp gỡ cộng đồng và những người dân chủ Việt Nam để trao đổi về cuộc vận động nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam, tôi cũng có dịp tiếp xúc và kêu gọi các chính phủ dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế ủng hộ cuộc vận động này.
Những chuyến đi này gợi tôi nhớ lại chuyến đi từ Nam ra Bắc ở trong nước năm 1989. Tôi gặp lại tình cảm quê hương thân thương từ những đồng hương đang sinh sống nơi đất khách quê người trên mọi miền thế giới -trong các trường đại học ở Hoa Kỳ, Canada, trong những làng quê hẻo lánh ở Hòa Lan, hay trong những khu chợ trời Việt Nam ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức. Trong những nơi này, có lẽ Berlin là nơi gây cho tôi nhiều ấn tượng khó quên nhất. Ở đây tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ và thảo luận về tương lai Việt Nam với ba thành phần khác nhau, sống xát bên nhau dù vẫn còn nhiều ngăn cách: thành phần tị nạn từ miền Nam, thành phần từ trong nước sang tạm cư vì sinh kế và thành phần tị nạn từ Đông Âu qua. Tôi cho rằng tại Berlin, thủ đô của nước Đức hợp nhất và dân chủ, có triển vọng hình thành một cộng đồng Việt mới, gồm những thành phần dân tộc tuy nhiều khác biệt nhưng có thể sống tự do, hòa ái và tôn trọng nhau. Tạo được những cộng đồng Việt như thế là một thách đố cho mọi người Việt ở khắp mọi nơi, Berlin, California, Hà Nội. Một nước Việt của thời đại mới có triển vọng ra đời được từ những cộng đồng Việt hòa ái, tự do và tiến bộ như thế. Khởi điểm của hành trình tái hợp nhất dân tộc này là tấm lòng bao dung nhân ái và một cái nhìn rộïng mở toàn cầu và toàn Việt.
Những chuyến đi tiếp xúc với đồng hương trong môi trường toàn cầu này cũng cho tôi cảm nhận được một khía cạnh khác của dân tộc chúng ta. Sự xuất hiện của cộng đồng Việt hải ngoại sau biến cố 30 tháng tư năm 1975 phải được nhìn nhận đúng vị trí và vai trò quan trọng của nó. Đó là vị trí và vai trò của bộ phận tiền phong của dân tộc trong thời kỳ phát triển quốc tế. Nhìn nhận đúng vị trí và vai trò này sẽ giúp cộng đồng vượt lên trên những ngăn cách hiện nay và phát huy được những ưu thế mà cộng đồng Việt trong nước không có, trong cả hai công việc dân chủ hóa và phát triển đất nước.
Trong khi tiếp xúc và làm việc với những anh chị em đồng chí hướng ở mọi nơi trên thế giới, tôi cũng thấy rằng chuyển cuộc vận động cho một nước Việt Nam mới từ vận động trực tiếp ởø trong nước sang vận động gián tiếp từ hải ngoại là một tiến trình đầy hứng khởi nhưng cũng nhiều thử thách. Nó đòi hỏi một tầm nhìn mới, sách lược mới, khai mở được những phương thức vận động mới, để vừa tác động được tình hình trong nước từ xa, lại vừa khai thông được dòng chảy truyền thống của dân tộc cho hoà nhập vào trào lưu chung của nhân loại và thời đại. Dòng chẩy truyền thống không phải chỉ từ đời sống của người dân trong nước mà ngay trong nếp sống, tình cảm và tư tưởng của người Việt hải ngoại, đang sống trong chính mạch quốc tế. Khai thông được mạch chẩy này cho hòa nhịp vào dòng chảy chính mạch của nhân loại và thời đại sẽ tạo được sức mạnh đẩy nhanh cuộc vận động dân chủ hiện nay tới thành công, đồng thời khơi mở sinh lộ phát triển cho dân tộc trong thời đại mới. Tạo được kênh thông lưu hai chiều toàn diện, chính trị-văn hóa-xã hội, và chân tình giữa người dân trong ngoài nước sẽ khơi mở được dòng chảy này. Trước mắt, nó giúp làm cho cuộc vận động ở hải ngoại, dù gián tiếp từ xa, có thể tác động trực tiếp được tình hình trong nước. Nó sẽ vô hiệu hóa mọi ý đồ một chiều độc đoán từ Hà Nội.
Thời gian qua, tôi đã cùng nhiều anh chị em ở hải ngoại và trong nước cố gắng khai mở con đường mới này, tiếp nối và mở rộng cuộc vận động đã bắt đầu ở trong nước. Trên hành trình này tôi đã có thêm nhiều bạn đồng hành mới, cả từ trong nuớc và ở hải ngoại, cả đồng hương và bạn bè quốc tế, những người bạn cùng chí hướng vì một nước Việt Nam mới, tự do và tiến bộ trong thế kỷ XXI.
Để đền đáp lại thịnh tình của những người bạn đồng hành đó tôi đã biên tập lại tất cả những bài viết từ trong nước đến nay và tập trung ấn hành trong tập sách này (*). Tôi xin chân thành cám ơn những anh chị em gần xa đã giúp tôi biên tập và xuất bản tập sách này, đặc biệt là những anh chị em đã đọc và góp ý kiến tu chỉnh bản thảo. Mọi sai sót trong quan điểm và biên tập vẫn là của chính tôi.
Tập sách này xin được dâng hiến cho linh hồn thân phụ tôi, anh cả tôi, cho bạn bè, những người đồng chí hướng, cho những sinh viên của tôi đã chết trong nhà tù hay trong rừng núi ngay sau năm 1975 vì không thể im lặng chấp nhận những gì tác hại đến tương lai dân tộc. Và cho tất cả những người Việt, đã hy sinh vì lý tưởng tự do và tiến bộ cho quê hương Việt Nam, hy sinh trong thế kỷ vừa qua, trong rừng núi, trên đồng ruộng, trong các thành phố ở Việt Nam, và trên biển cả Thái Bình Dương.
Tập sách này được ra đời trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba nên cũng xin được trao tặng lại cho thế hệ 2000, với kỳ vọng rằng thế hệ này sẽ khai mở con đường phục hưng mới cho dân tộc Việt, một dân tộc xứng đáng được hưởng cùng toàn thể nhân loại một cuộc sống tươi sáng an bình.
Những tâm tư nguyện ước trong tập sách này cũng xin được trao gửi đến tất cả đồng hương trong ngoài nước, trao gửi với niềm cảm thông và chia sẻ những cố gắng bình thường hàng ngày, âm thầm và bền bỉ để tự khai mở đường sống mới cho chính gia đình mình và con cháu mình.
Và cuối cùng xin được trao gửi đến những người yêu dân tộc, yêu dân chủ và tiến bộ, ở hải ngoại hay ngay tại quê nhà, ngoài xã hội hay trong nhà tù, đang công khai hay âm thầm tranh đấu cho một nước Việt của thế kỷ mới, tự do và tiến bộ. Trao gửi với niềm kính trọng, thân thương và chia sẻ. Chia sẻ giữa những người đồng chí hướng, quyết tâm không ngừng nghỉ vì tiền đồ của đất nuớc, vì tương lai của dân tộc. Chia sẻ với niềm tin tưởng rằng, trong thời gian không xa nữa, con dân Việt khắp nơi sẽ trở về hội tụ nơi Đền Thờ Quốc Tổ trong mùa xuân Thái Hòa của dân tộc.
Viết tại xứ người,
1 tháng 1 năm 2005.
*********
(*) Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu, NXB Thăng Long, 2005
Nguồn : Tiếng Dân