10 février 2015

Độc từ trong ra, độc từ ngoài vào






Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Heo bệnh được giết mổ
để đem đi tiêu thụ bị
Đoàn Kiểm Tra TP
Sài Gòn phát hiện.
Khi bài này đến với bạn đọc, chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền VN chúng ta ở trước mặt. Năm nay là năm nhuận nên có tới 13 tháng và tháng cuối cùng trong năm gọi là tháng Chạp thiếu 1 ngày nên mới 29 đã là 30 Tết rồi. Ngày xưa các cụ gọi là "Hai chín lấy làm ba mươi." Tôi biết bà con tôi ở nước ngoài ăn Tết cũng linh đình lắm, thứ gì cũng có, dưa hành củ kiệu, bánh chưng, bánh tét, kể cả cà pháo mắm tôm. Trên những trang báo ở VN cũng đăng rất nhiều hì
nh ảnh, tin tức về Tết của người VN ở Mỹ. Thế thì Tết ở Mỹ, ở Úc, ở Canada có "thua" gì ở VN đâu.


Nhưng thật ra cái không khí đường phố và công tư sở lại khác rất nhiều. Nhất là những cái chộn rộn xao xuyến của những ngày cuối năm. Nguyên cái việc hàng trăm hàng ngàn người xếp hàng suốt đêm chờ mua vé xe đò về quê ăn Tết cũng đủ thấy cái Tết đối với mọi người quan trọng nhu thế nào. Phố phường thì hoa hòe hoa sói chăng ngang chăng dọc, mấy nhà trung lưu cũng sửa sang sơn phết lại nhà cửa đón xuân. Lo dọn bàn thờ cúng tổ tiên, lo thu xếp nhà cửa đón khách, nhà nào cũng chộn rộn làm tăng cái nhịp độ “Tết nhất.” Các nhân viên công tư sở đều hí hởn với món tiền thưởng Tết, cho dù năm nay chưa chắc đã bằng năm ngoái. Cô cậu nào cũng lo cho mình một bộ đồ vía đi chơi xuân. Đủ thứ dự định được đặt ra cho ngày Tết kể cả “dự án cờ bạc.” Trong khi mấy anh dân đen lo túi bụi vì đủ thứ tiền tiêu tết, tiền mua đồ cúng đêm 30, tiền quà biếu đủ thứ "sếp," tiền lì xì con cháu…
Vẫn còn những con người sống lang thang vất vưởng ngoài lề đường, dưới hầm cầu. Thậm chí có anh mỗi ngày chỉ được ăn một gói mì, mong được ăn một bữa cơm no. Vậy mà
tại xã Trịnh Xá (TP Phủ Lý, Hà Nam) một số người khuyết tật bị cán bộ xã bớt tiền trợ cấp xã hội từ 270 ngàn đồng xuống 180 ngàn đồng. Hàng trăm hàng ngàn cảnh đời như thế, kể làm sao hết!
Trong khi đó ông tỉnh ủy Thái Nguyên còn xây nhà trái phép rất bề thế chẳng kém gì nhà ông Truyền Tổng thanh tra chính phủ cho đời biết mặt. Cái nghịch cảnh ấy diễn ra "hiên ngang" trước bàn dân thiên hạ, dịp Tết càng lộ liễu hơn.
Những đại gia đại quan, các em chân dài cặp kè tỉ phú thì đủ mốt chơi sang, đôi khi cái sự chơi sang ấy trở nên lố bịch. Chơi chó, chơi mèo, chơi chim toàn hàng "khủng." Lắm anh hô khẩu hiệu "quyết tâm không chạy chức chạy quyền" nhưng kiếm được loại hoa kiểng trăm năm hiếm quý giá cả trăm triệu mang đến là
m tí quà Tết cho "thủ trưởng" gọi là món quà tình cảm thôi. Nhưng thực chất đó là cái áo bọc chạy chức, chạy quyền chẳng còn xa lạ gì ở VN.
Riêng cánh già chúng tôi, những ngày cuối năm ở Sài Gòn, thường là có bạn bè ở nước ngoài về ghé thăm hoặc "a lô" hẹn nhau ở quán cà phê nào đó rồi kéo nhau ra “đấu láo” chuyện xa xưa, chuyện bây giờ, kẻ còn người mất. Nhiều chuyện cũng “lâm ly” lắm, những lúc đó mới thật sự biết rằng cuộc đời còn đáng sống. Nếu bạn sống ở Sài Gòn như tôi, suốt một năm chỉ muốn nằm nhà, muốn "nhắm chỉ thấy một chân trời tím ngắt” cho xong chuyện đời mới thấy được niềm vui hội ngộ ấy như thế nà
o.
Tiếc rằng bài báo này còn quá nhiều chuyện để kể nên xin hẹn bạn đọc vào kỳ khác, tôi kể chuyện này. Đến đây xin nói chuyện tiếp về Tết ở VN.


Khoai tây Trung Quốc được “biến hóa” khi nhập về để biến thành đặc sản Đà Lạt.


Cái gì cũng giả, cái gì cũng nhiễm độc, ăn gì cũng chết

Ngoài việc phải đề phòng trộm cướp trong "tháng củ mật" như tôi đã tường thuật trong bài trước, trong thời gian này còn phải đề phòng hàng gian hàng giả cùng các loại thực phẩm nhiễm độc. Trước đây người dân Sài Gòn không bao giờ phải đề phòng các loại thực phẩm này dù hồi đó chưa có nhiều “cơ quan chức năng” và những siêu thị đồ sộ như bây giờ. Dường như cứ mỗi năm vấn đề thực phẩm nhiễm độc càng gia tăng theo số năm. Có thể hiểu nếu năm 2000 có 2,000 vụ thì năm 2015 tăng thêm 15 vụ làm ăn gian lận cùng thực phẩm độc hại. Chứng tỏ mỗi ngày đạo đức càng băng hoại thê thảm. Kinh doanh ngày nay không còn khái niệm đạo đức nữa. Nhất là những năm gần đây, mấy chú Trung Quốc kiếm đủ cách len lỏi hàng giả hàng độc hại vào thị trường VN. Bọn gian thương ngày càng nhiều, càng tinh vi, đôi khi còn được bọn tham quan che chở, nhắm mắt tiếp tay cho bọn giặc làm hại đồng bào mình. Bây giờ chúng coi đó là chuyện bình thường "làm ăn buôn bán thì phải thế." Đó chính là nỗi bi đát của cả dân tộc khi tội ác được đương nhiên coi là "bình thường."
Độc từ trong ra, độc từ ngoài vào, cho nên người dân nói "ăn gì cũng có thể chết" không phải là điều nói ngoa. Từ bó rau muống của bác nông dân trồng trong ruộng nhà cũng được tưới bón bằng hóa chất, quả đu đủ, quả soài, quả chanh cũng có thể bị nhiễm độc
. Thế thì chẳng còn thứ gì có thể tin được là sạch. Lòng lợn thối, thịt heo chết được tẩy trắng, "hóa phép" thành tươi sống tuồn vào khắp các chợ trông ngon lành hơn cả thịt tươi.
Cận Tết, thị trường thực phẩm càng trở nên sôi động, nhất là các loại thực phẩm chế biến; các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, đồ hộp... Đây cũng là lúc các loại hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được dịp trà trộn, tung hoành. Ngay cà cà phê cũng chỉ là đậu nành và hóa chất. Cà phê thơm phức hơn cả cà phê Brasil nhưng là "cà phê đểu." Bột ngọt là thứ phụ gia được mọi gia đì
nh dùng thường xuyên cũng bị làm giả…
Bạn đọc nhìn qua nỗi bất an của người dân ngay tại hai thành phố lớn nhất nước.

Nguyễn Thị Cẩm Hường và Nguyễn Thị Sinh sản xuất hạt nêm, bột ngọt giả.


Tại Hà Nội hàng giả bày bán tràn lan

Tại Hà Nội những ngày giáp Tết, thị trường tràn ngập các loại bánh, mứt, kẹo nhập nhèm xuất xứ, chất lượng. Đặc biệt, tại chợ đầu mối Đồng Xuân và khu vực phố Hàng Buồm, hầu hết bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí... đều không có bao bì, nhãn mác mà chủ yếu bán cho khách mua theo ký. Thậm chí, các loại mứt như hồng khô, bí, sen... còn được bày tênh hênh trên sạp, không hề có bao, vỏ che đậy. Người bán thổ lộ, “Hầu hết người ta đến mua để bán lại nên không câu nệ đóng gói. Giờ dân kỵ hàng Trung Quốc nên chúng tôi lấy hàng của các cơ sở, làng nghề trong nước sản xuất."
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội, Tết năm nay, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. "Sức mua ở mức thấp, hàng hóa không tiêu thụ được, hàng hóa hết "đát,” cận “đát” tồn kho nhiều nên dẫn tới hành vi sửa hạn sử dụng có dấu hiệu tăng. Ngoài ra, tình trạng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa hết. Hàng hóa sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận ATTP không phù hợp; hàng hóa không rõ nguồn gốc được trà trộn vào hàng trong nước, không bảo đảm ATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe và
quyền lợi của người tiêu dùng."
Tại thị trường Hà Nội, tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc hiện vẫn rất phức tạp. Gần đây, nhiều vụ việc được phát hiện nhưng vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Chẳng hạn, đầu tháng 12, 2014, công an TP Hà Nội phối hợp Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thịt trâu thuộc Xí nghiệp Bắc Hà - Công ty MTV Đầu Tư và Phát Triển Nông Nghiệp Hà Nội. Khi kiểm tra đã phát hiện và phạt hành chính 135 triệu đồng về các hành vi sản xuất hàng giả, sửa giấy chứng nhận kiểm dịch, buộc tiêu hủy 1,296 kg thịt trâu. Giữa tháng 12, 2014, tại Hà Nội cũng phát hiện 3,150 kg cá tầm có xuất xứ Trung Quốc, không hóa đơn chứng từ, trị giá gần 700 triệu đồng.


Tại TP Sài Gòn còn ghê gớm hơn

Trong khi đó, tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Sài Gòn đã kiểm soát 37 vụ sản xuất, buôn bán 82,519 sản phẩm và 61,935 kg thực phẩm các loại. Trong đó có 16 vụ buôn bán, vận chuyển hàng không hóa đơn chứng từ, tạm giữ 45 chai rượu ngoại không dán tem nhập khẩu, 1,797 chai sữa nước Ensure loại 237 ml/chai, 2,862 lon nước tăng lực hiệu Redbull do Thái Lan sản xuất, 24,984 gói nước ép trái lê, 200 kg hạt hướng dương sấy khô, 17 kg mứt trái cây không rõ nguồn gốc...
Nhóm hàng "nóng" hiện nay là các loại thực phẩm tươi sống đang được đưa về các TP lớn là
m nguyên liệu phục vụ Tết. Vì vậy, các loại thực phẩm bẩn cũng theo vào rất khó kiểm soát.
Tại cửa ngõ phía Đông và phía Tây TP Sài Gòn gần đây rộ lên tình trạng vận chuyển trái phép sản phẩm động vật. Trưởng Trạm Thú Y huyện Bình Chánh cho biết hầu như ngày nào cũng phát hiện một số người cố tình đưa gà vịt sống, trứng, thịt heo... về TP qua địa bàn huyện. "Có ngày, chúng tôi xử đến 15 trường hợp" các loại gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nếu vận chuyển trót lọt sẽ "chui" vào các lò giết mổ lậu...


Công ty Ve Wong (trụ sở tại phường An Phú Đông, quận 12) thừa nhận đơn vị này có ký hợp đồng bán hơn 68 tấn bột ngọt hết hạn sử dụng cho chủ cửa hàng Lệ Hằng. Giá trị hợp đồng là 517 triệu đồng. Công ty đã giao hàng nhiều lần, số lượng hàng chục tấn. Bột ngọt hết hạn mà người tiêu dùng vẫn sử dụng dễ xảy ra ngộ độc.
Tình trạng thực phẩm đóng gói vi phạm về nhãn cũng rất nhiều, gồm đủ loại mặt hàng như: rượu vang, nước trái cây, bánh mứt, kẹo, trà sâm, nấm linh chi, giò chả... .
Các đoàn kiểm tra cũng đã lấy hơn 14,000 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, kết quả có đến 13.6% không bảo đảm chất lượng, trong đó có những mẫu sai phạm rất nghiêm trọng như: thực phẩm nhiễm E. coli, coliform, nấm mốc... gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Nếu các bạn nhìn thấy những "lò" chuyên sản xuất thực phẩm giả chắc phải phát nôn ọe, kinh tởm đến không ngờ. Các “cơ quan chức năng” thú nhận bắt không xuể, dân đành… phải ăn vậy.


Mỹ phẩm cũng giả
Mỹ phẩm giả cũng làm hại nhiều phụ nữ, làm đẹp vốn là nhu cầu chính đáng của phụ nữ, nhưng càng "làm đẹp" nhiều càng nguy hiểm. Ngày 28/1, Công an TP Móng Cái phối kiểm tra kho chứa hàng của Zhong Dao Pinh đã phát hiện 31,408 chai mỹ phẩm gắn nhãn mác một số thương hiệu nước ngoài, 200kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, 40kg tem chống hàng giả và 200kg giấy giới thiệu sản phẩm, tem nhãn mác sản phẩm có dấu hiệu giả mạo để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Từ tháng 11/2014 đến khi bị bắt giữ, Zhong Dao Pinh đã bán được khoảng 40 triệu đồng tiền hàng.

'Phù phép' hàng Trung Quốc thành đặc sản Đà Lạt

Những mặt hàng được "rửa nguồn gốc" là dâu tây, khoai tây, các loại mứt khoai sâm, khoai lang dẻo, mơ cay, đào sữa, dâu tây, bắp cải, mơ, hồng...
Chỉ trong 15 ngày, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã liên tiếp phát hiện nhiều lô hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc được bán tại thị trường Đà
Lạt dưới nhãn mác "Made in Dalat," đây là sự đánh tráo nhãn hiệu hàng hóa một cách trắng trợn.
Tại các cơ sở chế biến, những lô hàng "đặc sản" này có bao bì chữ Trung Quốc được các chủ cơ sở nhập về rồi sau đó “phù phép" thành hàng đặc sản Đà Lạt để tung ra thị trường. Mứt Trung Quốc được nhập về Đà
Lạt thường là các loại khoai sâm, khoai lang dẻo, mơ cay, đào sữa, dâu tây...
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật (Sở NNPTNT Lâm Đồng) cho biết, “Một số mặt hàng rau quả của Trung Quốc không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng chủng loại của Đà Lạt là bắp sú, cải thảo, khoai tây… Tuy nhiên, không ít tư thương ở Đà Lạt lấy hàng Trung Quốc về đánh bóng rồi gắn nhãn mác đặc sản Đà Lạt để tiêu thụ ở thị trường…” Bạn đã thấy tình hình thực phẩm Tết ở VN này như thế nào. Các cơ quan được gọi là "cơ quan chức năng" cũng không thể kiểm soát hết, tôi cũng không thể liệt kê hết các loại thực phẩm độc hại đang tràn lan khắp nơi, từ người nghèo cho tới người giàu đều có thể bị nhiễm độc vì bất cứ thứ thực phẩm nào. Tôi cũng không dám kể thêm sợ tai mắt độc giả cũng bị… ngộ độc. Xin chuyển sang chuyện khác


Thợ may ăn vải, thợ mã ăn hồ

Cũng vào dịp cuối năm các anh chị có tí quyền hành chức tước cũng muốn kiếm ăn thêm nên tội phạm ngày càng "phát triển." Ngành nào ăn theo ngành nấy như các cụ nói "thợ may ăn vải, thợ mã ăn hồ.” Hải quan bao che cho buôn lậu, bệnh viện ăn theo bệnh nhân và thuốc chữa bệnh, nhân viên chống buôn lậu đi buôn lậu… Môt vài thí dụ nhỏ như nữ cán bộ hải quan Tân Sơn Nhất bị điều tra tiếp tay buôn lậu Ngày 30/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Sài Gòn đã khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của Lê Nguyễn Thị Ái Trâm (37 tuổi, nguyên nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất) để điều tra về hành vi Buôn lậu. Cơ quan chức năng phát hiện trên xe có 13 kiện hàng còn nguyên số vận đơn, không bị bong tróc, cắt rách bên ngoài, chưa có dấu hiệu đã được hải quan kiểm hóa. Có tất cả 844 sản phẩm gồm điện thoại iPhone, iPad… trị giá hơn 10 tỷ đồng trong những kiện hàng này.
Nhà chức trách xác định đây là
hàng lậu, được Vinh và Hương vận chuyển từ Hong Kong về Việt Nam bằng đường hàng không, qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Để nhập trót lọt lô hàng này, họ móc nối với Trâm để không thực hiện việc kiểm hóa hàng theo quy định nhưng vẫn ký tên, xác nhận cho thông quan.


Ăn cắp xăng dầu máy bay

Vụ bắt quả tang diễn ra vào lúc 11h45 đêm 29/1 ngay trong khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (đường Trường Sơn, P.2, Tân Bình, TP Sài Gòn).
Khi các đối tượng dùng ống hút trộm xăng dầu từ xe tải này qua xe tải bên kia hàng rào thì An ninh hàng không và Cục Hàng không đã phục kích bắt giữ, lập biên bản hành vi phạm tội quả tang.
Trong một diễn biến khác, mới đây Công an đã bắt giữ một băng nhóm gồm bảy tên trộm cắp xăng dầu trong khi kiểm tra chất lượng xăng dầu máy bay thuộc hãng Jetstar neo đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong số 7 người bị bắt giữ có ba người là
tài xế của phòng kỹ thuật thuộc hãng Jetstar.
Nhóm này khai báo đã hoạt động trong thời gian dài. Mỗi ngày chúng hút trộm và bán ra thị trường khoảng 600 - 900 lít xăng dầu chỉ dành cho máy bay.



Ba cán bộ bệnh viện chiếm dụng tiền tỉ

Liên quan đến vụ chiếm dụng hơn 8 tỉ đồng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, Công an tỉnh này vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Trưởng phòng Tài chính – kế toán của bệnh viện chiếm dụng hơn 1,9 tỉ đồng, quyết toán khống hơn 747 triệu đồng, chứng từ đưa vào quyết toán nhưng chưa chi tiền gần 3 tỉ đồng. Trong khi đó, bà Trần Hen chiếm dụng tiền thu viện phí gần 2,1 tỉ đồng. Riêng bà Tô Thị Kỳ Trân liên quan trực tiếp đến việc các cá nhân ở Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Thuận chiếm dụng hơn 8 tỉ đồng tiền quỹ của đơn vị.

Tội phạm tăng nhanh hơn dân số, thiếu hàng ngàn chỗ giam

Chỉ nói sơ qua các quan nhỏ ăn vặt kiếm tiều tiêu Tết thôi, còn nói đến tội phạm ở VN thì quá nhiều, nhiều đến nỗi không đủ chỗ giam. Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tại phiên họp thẩm tra mới đây của Ủy ban Tư pháp về dự án luật này: So với quy mô đã được phê duyệt, các trại tạm giam thiếu hơn 14,000 chỗ (tiêu chuẩn mỗi chỗ 2m2), tạm giữ thiếu hơn 12,000 chỗ.
Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP Sài Gòn) nhận định, tốc độ gia tăng tội phạm nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số. Cơ quan pháp luật cũng đã có số liệu cụ thể hàng năm tăng cả số vi phạm, số vụ và số bị can. Theo ông, số vụ tội phạm được phát hiện như trong báo cáo chưa tương xứng với tình hình thực tế. Nhiều địa phương tội phạm gia tăng và
càng ngày càng lộng hành, tích chất phạm tội ngày càng man rợ khiến người dân rất bất an.
ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) lấy dẫn chứng tội phạm cướp giật, lừa đảo diễn ra công khai, man rợ và xảo quyệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Ông dẫn ra một thực trạng, tội phạm diễn ra hoành hoành, dân không dám báo công an. Một thực trạng nữa nguy hiểm hơn là tình trạng tội phạm sẵn sàng giết người thân trong gia đình đang diễn ra ngày một nhiều, cho thấy sự suy đồi trầm trọng về đạo đức.



Giá điện tăng, mọi người đều được lợi?

Bài ca "dạo đầu cho việc tăng giá điện” ở VN lần nào cũng thế, nói không tăng hay chưa tăng chính là “phân khúc dạo đầu” cho việc tăng giá điện. Lần này cũng y chang, Bộ Công Thương trấn an người dân bằng cam kết chưa tăng giá điện trước Tết, nói thế là người dân hiểu liền, sau Tết sẽ tăng và có lẽ còn tăng mạnh hơn các kỳ trước. Tuy nhiên "bài ca dạo đầu" lần này có vẻ hơi kỳ cục.
Chủ tọa cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/2 vừa qua, hầu hết câu hỏi mà Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận được đều xung quanh kế hoạch tăng giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, “Giá điện theo thị trường thì Chính phủ không phải bù lỗ. Bởi khi đó, giá điện sẽ có cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia thị trường sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ,… để tạo ra giá thành điện rẻ nhất, từ đó người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi.” Doanh nghiệp và người dân nào cũng lo sốt vó khi giá điện tăng. Nhiều doanh nghiệp trong lãnh vực xi măng, nước sạch, dệt may, phân bón, kinh doanh khách sạn… sẽ phải trả thêm hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả hàng tỉ đồng. Người dân có thể chỉ phải trả thêm vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng một tháng… Như thế thì
gọi là "có lợi" ở đâu?
Phát ngôn của ngài thứ trưởng đã làm nổi sóng bất bình trong dư luận, tôi chỉ nêu một lời bình luận rất ngắn gọn của một độc giả trên báo chí VN:
- Bạn Le Tuan Hoang viết, "Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn vì vặt răng ra trả tiền điện à”! Các cụ đã dạy "miệng nhà quan có gang có thép" mà. Nói kiểu gì chẳng được. Văn Quang (5 tháng Hai, 2015)


Nguồn: Theo Viễn Đông