22 février 2015

Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận Biển Đông




Ông Nguyễn Tấn Dũng: "Việc Trung Quốc việc cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại một số đảo, đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm điều 5 của DOC mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, và trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đã được ký nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2011).”

Trung Quốc tập trận hải quân quy mô trên Biển Đông nhiều lần hàng năm nhằm đe dọa các nước láng giềng tranh chấp biển đảo. (Hình: Internet)



HÀ NỘI (NV) .- Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh vi phạm các nguyên tắc đã thỏa thuận với các nước ASEAN và với lãnh đạo CSVN về giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

"Việc Trung Quốc việc cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại một số đảo, đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm điều 5 của DOC mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, và trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, đã được ký nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2011).”

Trong văn bản trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, nói như vậy. Dịp này, ông cho hay Việt Nam đã trình bày lập trường nhiều dịp khác nhau những năm qua tại các cuộc họp quốc tế cũng như qua các tuyên bố của Bộ Ngoại Giao.

"Lập trường của chúng ta là kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự”. Trang mạng chinhphu.vn thuật câu trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội.

Cho tới nay, Hà Nội chỉ đưa ra các lời phản đối suông nên Bắc Kinh vẫn ngang nhiên lấn tới bằng những hành động cụ thể. Tin tức trong năm qua và cả trong đầu năm nay cho thấy Bắc Kinh đã hút cá đá lòng biển nới rộng đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa và biến các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo.

Theo ghi nhận của tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense căn cứ trên các không ảnh của Airbus, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang làm ở Trường Sa có diện tích lớn gấp ba đảo Thái Bình là đảo thiên nhiên lớn nhất hiện do Đài Loan chiếm đóng.

Không những vậy, các đảo nhân tạo không những có cầu cảng cho tàu biển mà còn đủ dài đủ lớn cho cả phi trường và phi đạo.

Tuy Trung Quốc ngang nhiên vi phạm thỏa thuận nguyên tắc giải quyết tranh chấp, ngày 13/2/2015, ngoại trưởng CSVN điện đàm với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, vẫn chỉ hô hào "tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước; kiểm soát và giữ vững ổn định trên biển, duy trì quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững".

Trước đó hai ngày, tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc tết sớm lẫn nhau. Báo chí CSVN thuật tin này vẫn thấy ông Trọng kêu gọi "hai bên cần tăng cường hơn nữa hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, củng cố hữu nghị; đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; duy trì hòa bình, ổn định, đàm phán, trao đổi chân thành để giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển Đông theo tinh thần các thỏa thuận đã đạt được và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế; đưa quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định."

Trong một cuộc phỏng vấn của báo Wall Street Journal, ông James Hardy, chủ bút tuần báo Jane's Defense khu vực Á Châu, cho rằng hành động biến các bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc "là một chiến dịch tính toán kỹ lưỡng và có phương pháp để tạo ra một chuỗi pháo đài có khả năng cả về không quân và hải quân nằm ngay giữa quần đảo Trường Sa".

Theo lời ông Hardy, các cơ sở trên các đảo nhân tạo đó nhiều phần sẽ là các căn cứ tiếp vận cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc tuần tiễu ở khu vực. Đây là các bước đi cốt lõi nếu Trung Quốc muốn thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như rất nhiều chuyên gia phân tích từng nhận định.

Họ đều cho rằng Trung Quốc cứ lấn tới, tạo ra các căn cứ lớn trên các đảo nhân tạo như các sự việc đã rồi, trước khi tiến đến những thỏa thuận về quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn rất mơ hồ về các lời tuyên bố “Đường 9 đoạn” chiếm gần hết Biển Đông. (TN)

Nguồn: Theo Người Việt