15 juillet 2016

Suýt mất mạng vì tàu Trung Quốc tấn công

Tử Trực
13/07/2016 - 23:11 PM

Sau khi đâm tàu cá QNg 90479 TS, người từ canô của tàu Trung Quốc cầm súng, dùi cui nhảy lên tàu cá khống chế toàn bộ ngư dân, lục soát đồ đạc, đập phá tài sản.




16 giờ ngày 13.7, tàu QNg 95001 TS do ngư dân Huỳnh Văn Khanh (31 tuổi; ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã về đến đất liền sau gần 4 ngày lênh đênh trên biển. Đây là con tàu đã “quên mình” trước 2 tàu vỏ thép to lớn của Trung Quốc để cố cứu vớt 5 ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS do ông Võ Văn Lựu (50 tuổi; ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng sau khi bị tàu Trung Quốc tông chìm ở Hoàng Sa.

Bỏ mặc các ngư dân

Vừa cập bờ, thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh cùng 5 ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Vẻ mặt mệt mỏi, ngư dân Võ Văn Lựu cho biết sự việc xảy ra lúc khoảng 8 giờ ngày 9.7. Lúc này, tàu QNg 90479 TS cùng QNg 95001 TS đang neo đậu ở khu vực đảo Đá Lồi (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì xuất hiện 2 canô, tiếp sau là 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 ập tới. Biết có chuyện chẳng lành, 2 tàu cá Việt Nam nhổ neo chạy tránh. Hai tàu Trung Quốc đuổi theo, chèn ép.



Các ngư dân trên tàu QNg 90479 TS kể với cơ quan chức năng việc bị tàu Trung Quốc đâm chìm

 

Sau khi liên tục bị đuổi ép đến 11 giờ, trong lúc cố chạy tránh 2 tàu vỏ thép Trung Quốc, tàu QNg 90479 TS bị tàu Trung Quốc va chạm mạnh làm hư hỏng nặng, nước tràn vào khoang.

“Liền đó, 6 người từ canô của Trung Quốc cầm súng, dùi cui nhảy lên tàu cá khống chế toàn bộ 5 ngư dân về phía mũi tàu. Tôi bị họ đánh hai bạt tai. Sau khi khống chế chúng tôi, họ vào cabin lục soát đồ đạc, đập phá tài sản. Lúc này, tàu chìm dần” - ông Lựu kể.

Cũng theo ông Lựu, sau khi khống chế thuyền viên tàu QNg 90479 TS, tàu Trung Quốc liên tục đuổi ép tàu QNg 95001 TS nhưng không thành. Khoảng 19 giờ cùng ngày, tàu QNg 90479 TS chìm đến mức chỉ còn nhô phần mũi, tàu Trung Quốc mới bỏ đi, bỏ mặc các ngư dân bấu víu vào mũi tàu. May mắn lúc đó tàu QNg 95001 TS kịp quay lại cứu.



 

 

 

 

Chiều 13.7, đại diện Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã trao 50 triệu đồng cho ông Võ Văn Lựu và 2 triệu đồng/người cho các ngư dân trên tàu QNg 90479 TS.

Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh cho biết lúc nhìn thấy tàu của ông Lựu chìm, lính trên tàu Trung Quốc phát tín hiệu yêu cầu tàu của ông vào cứu 5 ngư dân nhưng ông yêu cầu tàu Trung Quốc rút đi mới vào cứu nhưng họ không rút. “Mình cố quay vào cứu anh em nhưng lại bị 2 tàu Trung Quốc bao vây, chèn ép để bắt tàu mình. Phải đến khoảng lúc 19 giờ, tàu Trung Quốc bỏ đi, lúc đó tôi mới vào cứu 5 ngư dân. Lúc đó, họ đã kiệt sức vì đói, vì lạnh, có người tím tái vì ngâm quá lâu trong nước biển. Khi đưa lên tàu, chúng tôi cho họ ăn cháo, uống sữa đến hơn 1 giờ sau, họ mới khỏe lại” - thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh kể.

Phải cứu dù bất cứ giá nào

Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh cũng cho biết khi chứng kiến tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu và còn không cho cứu 5 ngư dân trên tàu ông Lựu, anh chỉ suy nghĩ phải làm sao cứu được dù bất cứ giá nào. “Nghĩ vậy nên dù bị tàu Trung Quốc cố tình đuổi bắt, tôi vẫn quyết tâm cứu cho được 5 ngư dân. Trên biển, ngư dân mình nhỏ bé lắm, không đoàn kết, giúp đỡ nhau thì làm sao đối mặt với tàu Trung Quốc to lớn, hung bạo” - anh Khanh nói.

Ngư dân Nguyễn Trung Hậu, một trong số 5 ngư dân trên tàu QNg 90479 TS, nói không tin là còn sống bởi sự hung hăng của tàu Trung Quốc. Anh Hậu cùng vợ là giáo viên dạy hợp đồng tại huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi. Tranh thủ nghỉ hè, anh Hậu về quê theo cha vợ đi khai thác hải sản. Trên tàu, anh Hậu là người non kinh nghiệm nhất vì đây là lần đầu đi biển. Anh không ngờ ngay chuyến đi đầu đã đụng ngay sự hung hăng của tàu Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Tàu của ông Lựu đã 3 lần bị tàu Trung Quốc đập phá, gây hư hỏng lớn. Ông Lựu là một trong những ngư dân kỳ cựu đã mấy chục năm đi biển, từng cứu rất nhiều người. Nay bị nạn, không biết còn sức gượng dậy, tiếp tục bám biển nữa không”.

Bài và ảnh: Tử Trực - Người Lao Động

Nguồn: Theo Người Đô Thị