15 juillet 2016

Tại sao ASEAN không ra tuyên bố chung về phán quyết trọng tài?


Ngày 13.7 tại Manila, thẩm phán Tòa án tối cao Francis Jardeleza (trái) và nguyên cố vấn pháp luật Florin Hilbay giới thiệu bản in phán quyết trọng tài - Ảnh: AP
 Báo The Straits Times (Singapore) ngày 14.7 đã tiết lộ lý do vì sao ASEAN không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực công bố ngày 12.7.
 
 


Không đạt được đồng thuận?

Sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết đánh giá yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, ngay trong ngày 12.7, Lào là nước chủ tịch ASEAN năm nay đã gửi thư đến các nước thành viên ASEAN để trao đổi ý kiến ASEAN có ra tuyên bố về phán quyết trọng tài hay không.

Lào đưa ra thời hạn chót là trưa ngày 13.7 để các nước thành viên ASEAN quyết định ASEAN có nên ra tuyên bố chung hay không.

Dù vậy đến nay dự thảo của tuyên bố chưa thấy được gửi đến các nước thành viên ASEAN xem xét. 

Gần như ngay sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết hôm 12.7, Philippines là nước đã khởi kiện Trung Quốc lập tức tổ chức họp báo cũng như công bố tuyên bố về phán quyết trọng tài.

Bảy tiếng sau, đến lượt Malaysia ra tuyên bố kêu gọi các nước có liên quan, bao gồm cả Trung Quốc, phải dùng các phương thức có tính xây dựng để phát triển đàm phán, tham vấn và đối thoại lành mạnh.

Báo The Straits Times dẫn nguồn từ một quan chức ASEAN tiết  lộ hiện nay ASEAN vẫn đang cố gắng để ra được tuyên bố chung.

Chỉ có một cách giải thích cho chuyện này. Đó là các nước thành viên ASEAN đã không đạt được đồng thuận về nội dung của tuyên bố chung nên không có tuyên bố chung nào được công bố cả.

Về việc không đạt được đồng thuận, theo báo The Straits Times, rất có thể là do áp lực từ vài nước thân Trung Quốc trong khi vài nước khác muốn nghiên cứu kỹ phán quyết của tòa trước khi xem xét ra tuyên bố chung.

Campuchua có vẻ không quan tâm lắm đến phán quyết trọng tài cũng như việc ra tuyên bố chung là điều dễ hiểu.

Báo The Straits Times nhận định Lào vốn là một nước có xu hướng thân Trung nên Lào kêu gọi ra tuyên bố chung thật ra chỉ là nỗ lực nửa vời để làm yên lòng các nước ASEAN rằng Lào với tư cách chủ tịch ASEAN đang thực hiện điều gì đó có trách nhiệm trong giải quyết tranh chấp.

Lịch sử lặp lại

So với việc rất nhanh chóng đạt được đồng thuận để ra tuyên bố chung về các vụ tấn công khủng bố ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Dhaka (Bangladesh) thì ASEAN không ra được tuyên bố chung về phán quyết của tòa trọng tài là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên, việc đáng tiếc này không phải chỉ xảy ra một lần mà đã từng xảy ra tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh vào tháng trước.

Khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Wisma Putra của Malaysia đã thay mặt ASEAN đưa ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông nhưng rồi nhanh chóng rút lại.

Vấn đề Biển Đông là vấn đề gây nhức nhối trong ASEAN và gây bất đồng giữa các nước thành viên. Bất đồng này đặc biệt thể hiện rõ mỗi khi ASEAN phải ra một tuyên bố gì đó về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngoài lần tại Côn Minh, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 2012 tại Campuchia cũng đã gặp vấn đề tương tự. Không có tuyên bố chung nào được đưa ra sau hội nghị. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN xảy ra việc này.
 


Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 2012 (Campuchia giữ chức chủ tịch) đã không ra được tuyên bố chung - Ảnh: tinquansu.wordpress.com

Vào tuần tới, các bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN sẽ gặp nhau trong hội nghị thường niên tại Vientiane (Lào) từ ngày 21 đến ngày 25.7. Vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là tâm điểm của hội nghị. Trong hội nghị thường niên này, các bộ trưởng Ngoại giao sẽ trao đối với các đối tác đối thoại, bao gồm Trung Quốc và Mỹ.

Một quan chức ASEAN cho biết “sẽ có nhiều tuyên bố mạnh mẽ được các bên đưa ra trong thời gian tổ chức hội nghị này”.

Hiện tại, ngoài Lào (nước vừa ủng hộ Trung Quốc vừa giữ chức chủ tịch ASEAN) thì Philippines đang được rất nhiều chú ý.

Nhiều người đang quan tâm Philippines sẽ làm gì tiếp theo sau phán quyết trọng tài. Mọi tuyên bố hay nhận xét nào được đưa ra đều sẽ được mổ xẻ kỹ càng.

Về phía Trung Quốc, nước vẫn ngoan cố không chấp nhận phán quyết trọng tài, mọi người đang chờ xem Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo, đặc biệt trong vấn đề cùng các nước ASEAN xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Với phán quyết bất lợi từ phía Tòa Trọng tài thường trực, liệu Trung Quốc có còn tham gia xây dựng COC hay không? Có lẽ phải đợi đến hội nghị sắp tới tại Lào mới biết được.

Cẩm Bình (theo The Straits Times)