22 juillet 2020

CON ĐƯỜNG TỚI THẾ GIỚI BỀN VỮNG VÀ MÔ HÌNH BẮC ÂU MỚI


Tác giả Lê Trung Kiên và Lê Đình Tình
 
   Trong bối cảnh tình hình thế giới đang ngày càng trở nên bất định , những vấn đề cơ bản về quản trị quốc gia đang được đặt ra và vấn đề ý thức hệ đang được chú ý trở lại . Nhiếu quốc gia đang cân nhắc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với quốc gia mình .

    Tháng 1 năm 2020 , tạp chí Foreign Affairs  xuất bản chuyên san “ Con đường tới thế giới bền vững “  , trong đó đã  giới thiệu  “ Mô hình Bắc Âu mới “.


    Nội dung chuyên san  liên quan đến các chủ đề thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới ( WEF ) Davos 2020 .

   Chuyên san nêu 2 mô hình phát triển đang có ưu thế là “ Mô hình sản xuất tư bản tự do “ ( Liberal meritocratic capitalism ) và “ Mô hình sản xuất tư bản chính trị “ ( Political capitalism ) .

   Mô hình sản xuất tư bản tự do  đang được thực hiện phổ biến tại Bắc Mỹ , Châu Âu , Ấn Độ , Indonesia , Nhật Bản .  Đặc điểm của mô hình này là : có thể chế dân chủ và pháp quyền ; có chế độ an sinh xã hội .  Trong thời gian qua , mô hình này đã đem lại một mức độ công bằng xã hội cao hơn mô hình tư bản truyền thống . Nhưng từ cuối thế kỷ 20 đặc tính “ công bằng xã hội “ của mô hình này đã giảm sút dần .

   Mô hình sản xuất tư bản chính trị   đang được thực hiện phổ biến tại Trung Quốc , Singapore , Myanma , Adecbaigian , Nga , Angieri , Viêt Nam , Ethiopia , Ruanda  .  Mô hình này có đặc trưng là ưu tiên  tăng trưởng kinh tế để giữ tính chính danh của đảng cầm quyền , đồng thời hạn chế quyền chính trị của công dân .  Mô hình này có một số đặc điểm : Nhà nước điều hành thông qua hệ thống hành chính kỹ trị ; áp dụng luật pháp có lựa chọn phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền ; chính quyền mang tính chuyên chế cao .

    Mô hình này đã đưa lại mức tăng trưởng cao ở Trung Quốc . Mặt trái của mô hình là kéo rộng khoảng cách bất bình đẳng thu nhập . Trong 25 năm , từ 1985 đến 2010 , chỉ số Gini phản ánh mức độ bất bình đẳng ở Trung Quốc tăng từ 0,3  lên đến 0,5 , cao hơn chỉ số Gini của Mỹ .

    Hiện nay cốt lõi của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là cạnh tranh giữa 2 mô hình phát triển .

    Tháng 01 năm 2020 , Borge Bronde , cựu bộ trưởng ngoại giao Na Uy , Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đã giới thiệu “ Mô hình Bắc Âu mới “ . Theo Borge Bronde , đây là mô hình phát triển kết hợp được yếu tố tự do thương mại , lòng yêu nước của người dân và tính bao trùm , để xử lý hiệu quả các vấn đề phát triển .

    “ Mô hình Bắc Âu mới “  có 3 thành tố chính là : Một mô hình kinh tế – xã hội ; Thái độ xã hội tích cực ; Tính thiết thực .

   Mô hình này được xây dựng trên 3 trụ cột là : Y tế toàn dân miễn phí ; Giáo dục chất lượng cao ; Nhà ở chi phí hợp lý , để đảm bảo cho mọi người dân có khả năng tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội .

   Với cách tiếp cận “ an sinh linh hoạt “ ( flexicurity ) , mô hình này đề cao thương mại tự do , đồng thời đảm bảo tính linh hoạt của thị trường , cho phép các doanh nghiệp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng giảm nhân công  khi thị trường biến động . Mặt khác , người lao động mất việc làm được bảo đảm an sinh xã hội và cơ hội có việc làm mới , thông qua các hoạt động đào tạo lại ( reskill ) , nâng cấp kỹ năng ( upskill ) .

     Theo bảng xếp hạng của WEF , hiện nay các nền kinh tế Bắc Âu có tính mở và cạnh tranh thuộc hàng đầu thế giới .

     Về thái độ xã hội , mô hình này đề cao “ Chủ nghĩa yêu nước xây dựng “ , thúc đẩy lòng tin lẫn nhau giữa mọi chủ thể xã hội , từ người dân , khu vực kinh tế tư nhân và Chính phủ , từ đó tạo ra động lực mạnh để mọi thành viên xã hội đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội , thông qua đóng góp tài chính , hoạt động xã hội tự nguyện , lựa chọn nghề .

                                


 Về tính thiết thực , mô hình này chú trọng khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường , thông qua quá trình điều chỉnh mô hình kinh tế- xã hội . Các nước Bắc Âu đang dẫn đầu trong việc ứng dụng thành quả của các công nghệ mới .

    Cuối cùng , có lẽ nên nhắc đến khả năng tích cực được tạo ra từ những đặc điểm ưu việt của mô hình .  Trước hết là khả năng thích ứng với các thay đổi môi trường thương mại và công nghệ toàn cầu .  Do mọi người đều có cơ hội công bằng , bình đẳng ; doanh nghiệp được linh hoạt sử dụng lao động , mô hình này có khả năng ứng phó với mặt trái của kinh tế thị trường và thương mại tự do , đồng thời bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội ; từ đó có sức đề kháng với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa cô lập .  Lấy 1 ví dụ  minh chứng : Khi các doanh nghiệp đóng tầu biển của Bắc Âu không thể cạnh tranh về giá cả với ngành đóng tầu biển của Trung Quốc , họ đã chuyển từ việc đóng toàn bộ con tầu sang sản xuất động cơ tầu biển công nghệ cao , vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị .

     Mô hình Bắc Âu mới còn tạo ra một lợi thế to lớn là tính hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Chính phủ , Công đoàn , doanh nghiệp tư nhân và người dân , thay cho các mâu thuẫn xung đột lợi ích .

     Hệ thống an sinh xã hội hoạt động có hiệu quả thúc đẩy các tài năng trẻ yên tâm theo đuổi các trường nghề ; các doanh nghiệp có không gian tự do để tối ưu hóa nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ mới . Từ đó Chính phủ được hưởng lợi từ các Công ty có sức cạnh tranh cao . Người dân có thu nhập để đóng thuế , Chính phủ giảm được nợ công và cam kết quản lý kinh tế và xã hôi theo tiêu chuẩn cao về liêm chính và minh bạch ; từ đó tạo nên những dịch vụ công hiệu quả về y tế và giáo dục .

   Do mô hình tạo ra khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế nên các nước Bắc Âu chấp nhận sự thay đổi , tận dụng mọi cơ hội để ứng phó có kết quả các thách thức từ việc ứng dụng các thành quả của khoa học và công nghệ mới .

Ngun: Tạp chí Nghiên cứu quốc tế của Học viện ngoại giao Việt Nam ngày 25/5/2020

Lưu ý :  Trong bài này , hai đồng tác giả dùng cụm từ “ tư bản chủ nghĩa “ với nội hàm chủ yếu diễn đạt về phương thức sản xuất .

Người giới thiệu :  Diệu – Vũ

SG 19/7/2020