23 juillet 2020

THƯ CỦA TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM TRẦN HUỲNH DUY THỨC GỬI GIA ĐÌNH


Nghệ An, Thứ Hai, ngày 1 tháng 6 năm 2020
Thưa ba kính thương, (…)

VAI TRÒ CỦA COVID-19

Tình hình thế giới đang có nhiều biến động mà nhiều người cho là bất ngờ. Nhưng sự bất ngờ ghê gớm nhất còn ở phía trước, sắp đến rồi. Mấy năm trước trong nhiều thư con đã viết rằng khi Dòng chảy tiến tới giai đoạn quyết định thì năng lượng khổng lồ của nó sẽ tạo nên những sự kiện mà không ai có thể ngờ tới và hiểu được. Những sự kiện này sẽ thay đổi rất nhiều thói quen cố hữu của con người và làm cho cấu trúc của xã hội nhân loại dịch chuyển cho phù hợp với Dòng chảy. 


Con quan sát thấy các giai đoạn bản lề chuyển đổi thời đại thế giới trước đây đều luôn có những sự kiện bất ngờ như vậy, nhưng không thể biết điều gì là tương tự cho cái chốt quyết định cho Dòng chảy hiện nay. Người ta có thể nhìn thấy được tiến trình phát triển theo Quy luật phát triển xã hội nhưng sẽ còn rất lâu để hiểu được nguyên nhân hay nguồn gốc vì sao Quy luật đó vận hành theo tiến trình như vậy. Ngay trong Vật lý học đã rất phát triển ngày nay, con người đã có thể dự đoán, nhìn thấy được tiến trình (hành trạng) của các hạt vật chất (nhiều hành trạng rất ư là kỳ cục) nhưng vẫn chưa giải thích được vì sao chúng hành động “kỳ quặc” như thế. Cũng như vậy, trong tiến trình phát triển của xã hội nhân loại, có những sự kiện đột ngột xuất hiện làm thay đổi nhanh chóng tận gốc rễ các trạng thái cũ, xác lập nên xu hướng phát triển mới. Xu thế này sẽ biến đổi thế giới theo một tốc độ mà những người có thể sống trong một vài thập kỷ từ thời điểm đó sẽ khó mà nhận ra thế giới của mình. Những sự kiện đột ngột đó thường rất kỳ quặc và cũng đầy tang tốc. Ở điểm này Học thuyết Nhân mãn của Malthus là đúng vì ông cho rằng tất yếu phải xảy ra chiến tranh, tai họa, dịch bệnh thảm khốc để giảm bớt số người sống vốn đã tăng nhanh theo cấp số nhân, vượt quá tốc độ tăng hiệu suất lao động tạo ra nhu yếu phẩm mà theo ông chỉ có thể theo cấp số cộng. Tuy nhiên, thời của Malthus (thế kỷ 18) đã không cho ông nhìn trước được khả năng sáng tạo có thể giúp gia tăng hiệu suất lao động theo cấp số nhân. Nhờ năng lực này mà dân số thế giới đã tăng theo cấp số nhân mà nhân loại đã không phải xảy ra những cuộc hủy diệt đến 1/3 hoặc hơn dân số, như trận đại dịch “Cái chết đen” ở Châu Âu thế kỷ 14. Chính trận đại dịch này đã thay đổi Châu Âu dân chủ hơn: kết thúc chế độ nông nô, lao động cưỡng bức, từ đó tăng hiệu suất lao động kéo theo sự hiệu quả của vận động xã hội.

Những sự kiện giúp tăng tốc chuyển đổi bản lề thời đại sau “Cái chết đen” ít tính hủy diệt kinh hoàng đến 1/3, 1/2 dân số nhờ khả năng cải thiện hiệu suất lao động ngày càng tốt hơn. Tuy vậy, chúng vẫn thảm khốc, tang tốc. Nhân loại đã mất khoảng 70 triệu người trong Thế chiến II để làm cho thế giới dân chủ hơn, loại bỏ sự diệt chủng phát xít và ảo tưởng về dân tộc/chủng tộc thượng đẳng. Ảo tường này đã dẫn đến phong trào thuộc địa hóa rộng khắp và đỉnh cao là chủ nghĩa diệt chủng của phát xít quân phiệt. Thế giới sau Thế chiến II đã phát triển nhanh và tốt đẹp hơn trước nhiều, đưa tới tình thái toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay.






Song nó cũng đã đi tới đoạn cuối – giai đoạn với đủ thứ trục trặc làm cho hiệu quả vận động xã hội không đáp ứng được nhu cầu phát triển, buộc phải thay đổi rất nhiều cấu trúc xã hội để tiếp tục phát triển, vượt qua những bất ổn. Covid-19 xuất hiện để tăng tốc sự thay đổi này. Có nhiều người nghĩ sự phát sinh dịch bệnh chỉ là ngẫu nhiên, là kết quả thuần túy theo khoa học bởi những hành xử nào đó của con người. Cũng nhiều người nghĩa đó là sự thể hiện của sức mạnh siêu nhiên, một sự trừng phạt để điều chỉnh của Thượng đế đối với con người. Người ta dễ chấp nhận những suy nghĩ trực giác/trực quan như vậy hơn so với hiểu được để chấp nhận những sự kiện tưởng như là ngẫu nhiên hoặc được sắp đặt bởi siêu nhiên là những sự xuất hiện tất yếu của các tác nhân đóng vai trò xúc tác để thúc đẩy tiến trình phát triển nhân loại theo những quy luật của vũ trụ. Ý chí của con người không thể thay đổi được chút gì các quy luật này, nên hoàn toàn không thể áp đặt mong muốn chủ quan của mình để tạo ra những xã hội đúc khuôn theo áp đặt đó. Sau cuộc chuyển đổi bản lề thời đại tới đây, mọi người sẽ thấy sự sụp đổ của những ảo tưởng chủ quan đó thông qua các chế độ, nhà nước độc tài không tôn trọng Quyền con người. Vào thời gian của Thế chiến II, VN xuất hiện câu sấm “Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”. Có lẽ vì sự chết chóc của cuộc đại chiến và nhiều sự kiện thảm khốc của những cuộc chuyển mình của thế giới trước đó nên người ta nghĩ rằng cái chết trong câu sấm này là sự tử vong của con người. Nhưng vì loài người đã có thể sáng tạo hơn ở khả năng giải quyết những trục trặc giúp thế giới vận động hiệu quả hơn, nên con tin rằng “cái chết” đó là nói đến sự kết thúc của các chế độ ảo tưởng, độc tài không tôn trọng QUYỀN CON NGƯỜI. Sự sụp đổ của LX và ĐÂ là đã “chết 7 phần”. Tới đây sẽ “chết” tiếp 2 phần, chỉ còn lại 1 phần sau biến chuyển thời đại đang diễn ra.

Niềm tin này được cũng cố thêm khi quan sát những cột mốc bản lề của Dòng chảy thời đại trước đây đều gắn liền với sự loại bỏ các thiết chế kém dân chủ – ít tôn trọng QUYỀN CON NGƯỜI. Hơn nữa, các thiết chế độc tài là nguồn gốc quan trọng của những yếu kém làm cho thế giới vận động trục trặc, kém hiệu quả.

Covid-19 đang thay đổi cấu trúc và trật tự thế giới. Nhưng cái mới sẽ không phải là điều mà Trung Quốc đang ảo tưởng về sự ưu việt của chế độ mình thông qua “năng lực” xử lý dịch bệnh “vượt trội” hơn phần còn lại của thế giới, từ đó mô hình Trung Quốc sẽ ảnh hưởng và thay thế trong trật tự thế giới mới. Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ kể về các tờ báo của Trung Quốc nhận định rằng chính nhờ dịch Covid-19 mà cả thế giới thấy được tầm cỡ của một nhà lãnh đạo vượt trên tất cả để thúc đẩy đến một thế giới tốt hơn. Con đọc mà thấy thật đáng thương cho họ, và cũng đáng ghét nữa. Sự mê muội của họ là mảnh đất tốt cho các chính trị gia độc tài, giả dối, đạo đức giả gieo rắc những thứ xấu xa làm cho thế giới nhiều trục trặc và kém hiệu quả. Con dám nói rằng các chế độ độc tài giả dối của các chính trị gia như vậy sẽ bị loại trừ hầu hết sau cái chốt bản lề thời đại trong khoảng 10 năm tới để thế giới phát triển lành mạnh. Tốc độ thay đổi nhanh chóng của các bản lề thời đại trước đây là vài thập kỷ, nhưng bây giờ sẽ chỉ khoảng 1 thập kỷ thôi.

Không lâu sau khi Trung Quốc tự ca ngợi năng lực lãnh đạo của mình và tâng bốc nhà lãnh đạo của họ thì Trung Quốc giờ đây đang rơi vào tình trạng bị bất tín nhiệm chưa từng có trên khắp toàn cầu, cũng xuất phát từ chính cái năng lực vượt trội chống dịch bệnh mà họ tự ca ngợi. Ở ngoài hẳn là còn nghe được nhiều câu chuyện hơn con, nhưng chỉ với những gì con nghe đọc được ở đây thôi thì cũng đã là quá khủng khiếp đối với sự tín nhiệm để một thể chế có thể tồn tại. Che giấu dịch bệnh để làm cho thế giới cũng phải suy yếu như mình, chậm công bố thông tin để đầu cơ vật tư y tế nhằm trục lợi và để thể hiện là “người tốt” thông qua viện trợ chống dịch, ngăn chặn WHO công bố đại dịch và cảnh báo đi lại, vận động cả Chính phủ Đức để nói tốt cho Trung Quốc liên quan dịch bệnh, v.v… Nhưng có lẽ tới giờ Trung Quốc vẫn còn ảo tưởng rằng “chế độ ưu việt” của mình sẽ vượt qua được sự bất tín nhiệm này và sẽ trường tồn muôn năm, bất chấp Đại hội đồng y tế thế giới đã thông qua nghị quyết điều tra độc lập và toàn diện về dịch Covid-19 – nghị quyết được bảo trợ bởi EU và 100 nước khác. Có lẽ họ vẫn không nghĩ được rằng từ cuộc điều tra này, cả thế giới sẽ dấy lên phong trào tìm hiểu và xới lên rất nhiều sự thật khác về chế định chính trị ở TQ. Rồi từ đó dẫn đến sự bài Trung đến mức mà người Trung Quốc sẽ phải tỉnh ngộ để có được một chế độ đúng đắn và phù hợp hơn cho mình. Sự phản ứng cực đoan dẫn đến sự kỳ thị hoặc tấn công người Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung vì cho rằng họ gây ra dịch bệnh, chỉ là những thái độ sai trái của những người nóng vội, thiếu tỉnh táo. Những người tỉnh táo sẽ lắng nghe, tìm hiểu kỹ, và khi đã đủ cơ sở thuyết phục thì sự bài bác của họ sẽ dẫn đến những tổn hại ghê gớm hơn nhiều cho Trung Quốc so với phản ứng cực đoan. Nhưng sự cực đoan này cũng là dấu hiệu cảnh báo cho thấy hậu quả bài Trung sẽ ghê gớm đến mức nào, nhất là số người cực đoan nóng vội trên thế giới bây giờ không phải là ít.

PHONG TRÀO BẤT TÍN NHIỆM TRUNG QUỐC, KHÔNG PHẢI TIÊN TRI, 

MÀ LÀ DỰ ĐOÁN DỰA THEO QUY LUẬT

Các thư con viết hồi 2018 nhận định rằng phong trào bất tín nhiệm Trung Quốc sẽ lên tới đỉnh điểm trong vòng 2 năm tới. Giờ điều này đang xảy ra. Nhưng đây không phải lời tiên tri, mà là dự đoán dựa theo quy luật. Lý thuyết dựa trên quy luật của con rất đơn giản: sự giả dối không thể tồn tại lâu dài, các thể chế dựa trên dối trá sẽ dụp đổ ngay khi nào năng lực nắm bắt sự thật của con người vượt qua năng lực bưng bít dối trá. Mà dối trá là cách thức không thể thiếu của các chế độ độc tài tới mức mà họ coi nó là tính cách thanh cao, “vì con người, vì bá tính” của mình. Nhờ vậy mà họ có thể nói dối với một thái độ bình thản và tự hào vì đã vượt lên được những “sự thật gây bất lợi cho dân chúng”. Hai năm trước con không biết sẽ có Covid-19 nhưng con biết được năng lực nắm bắt sự thật của nhân loại đang gia tăng nhanh. Những vấn nạn tin giả mấy năm qua một phần cho thấy sự gia tăng của năng lực này. Người ta phản ứng với tin giả vì đã nhận thấy được cái giá của nó. Nhiều năm trước đây, cái giả cứ ngang nhiên tồn tại và hoành hành, thậm chí là cầm quyền và giảng rao đạo đức tốt đẹp mà vẫn chẳng mấy bị phản ứng. Vấn nạn tin giả hiện nay cũng cho thấy còn rất nhiều người trên thế giới, ở cả những nước tiến bộ, có năng lực nắm bắt sự thật còn thấp. Vì vậy nó cần được giải quyết từ gốc là giáo dục từ nhỏ và khai dân trí. Các biện pháp trước mắt bằng ngăn cản dù là cần thiết nhưng không căn cơ.

Covid-19 đang tấn công vào gót chân Achilles của thể chế chính trị Trung Quốc – sự giả dối. Nhưng có lẽ họ vẫn còn tin vào sức mạnh của cách thức giả dối lâu nay, vẫn tự tin với năng lực bưng bít sự thật với hơn 1 tỷ dân trong mấy chục năm qua. Nếu vậy thì thật là không may cho họ. Cách duy nhất để tồn tại trước sự tấn công của năng lương Dòng chảy thời đại là thuận theo Dòng mà thay đổi cho phù hợp với thời đại. Mọi sự kháng cự đi ngược Dòng đều thất bại, càng hung hăng thì thất bại sẽ càng thảm khốc, như Đức và Nhật vào Thế chiến II vậy. Nhưng đây cũng là nguy cơ đe dọa hòa bình thế giới, còn hơn là Thế chiến II.

Trong thư 115A viết hồi tháng 6 – 2018 về chiến tranh thương mại Mỹ – TQ, con đã nói rằng nhân loại nên ủng hộ cuộc chiến này vì nó thay cho một cuộc đại chiến quân sự thảm khốc để sắp xếp lại trật tự thế giới. Chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến những cuộc đấu phân định về dân chủ, QUYỀN CON NGƯỜI, loại trừ độc tài để thế giới phát triển cân bằng và công bằng hơn. Dường như Trung Quốc đang muốn tránh chiến tranh thương mại và cái cuộc đấu QUYỀN CON NGƯỜI mà họ thấy trước là không thể thắng để chuyển hướng sang một cuộc đối đầu quân sự phân định thắng bại. Vì thế mà ngay vào lúc Mỹ và rất nhiều nước đang chật vật đối phó với dịch Covid-19 thì Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự theo kiểu thực chiến với mức độ chưa từng có trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Một khi Trung Quốc xác lập được lợi thế quân sự vượt trội ở khu vực này thì họ sẽ “tiên hạ thủ vi cường” và chiến tranh sẽ nổ ra. Những ai còn tin vào sự trỗi dậy hòa bình, vào những hứa hẹn đạo đức của chính quyền Trung Quốc lâu nay thì sẽ phải trả giá đắt. Nguy hại hơn, chiến tranh đẫm máu dù được phát nổ bởi ý muốn chủ quan của con người nhưng kỳ thực ý muốn đó chỉ là sự thể hiện cuối cùng của một chuỗi các biến cố theo tiến trình của quy luật dẫn đến chiến tranh. Con người đã biết đến quy luật này từ thời cổ đại qua Học thuyết Thucydides – tên một người Hy Lạp đã chỉ ra quy luật này: khi một thế lực quốc gia nổi lên muốn sắp đặt lại trật tự thế giới thì chiến tranh lớn sẽ nổ ra. Điều này đã đúng trong hầu hết lịch sử của các cuộc chiến khốc liệt trên thế giới. Những gì Trung Quốc đã làm trong mấy chục năm qua với tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” là hoàn toàn bị thúc đẩy bởi động lực của quy luật chiến tranh nói trên. Tư duy lãnh đạo của Trung Quốc chưa bao giờ thoát khỏi những tham vọng của động lực đó. Và chính nó sẽ điều khiển họ đến sự thể hiện cuối cùng là phát nổ chiến tranh, họ không thể làm gì khác được cho dù họ có tập quyền được sức mạnh khổng lồ tới đâu. Sức mạnh đó sẽ chỉ phục vụ cho quy luật chiến tranh thôi. Nói một cách hình tượng thì giống như một nhân vật ký giao kèo bán linh hồn cho Quỷ để có được quyền lực thì ý muốn chủ quan của người này chẳng qua chỉ là ý chí của quỷ dữ mà thôi.

Vũ trụ có quy luật chiến tranh thì cũng có quy luật hòa bình. Để hóa giải được ngòi nổ chiến tranh thì cần phải hiểu được quy luật hòa bình nhằm giải quyết những trục trặc của thế giới bằng những cuộc đấu không xài đến dao súng để giúp thế giới tiến triển theo Quy luật phát triển xã hội thuận với Dòng chảy của Thời đại. Sẽ là vô vọng và ảo vọng nếu trông đợi vào sự thay đổi tham vọng của những kẻ độc tài tham vọng, tin vào những cam kết đạo đức của họ. Đừng quên những rao giảng đạo đức của Hitler và Thiên hoàng Nhật thời Thế chiến II.

Song song với sự thể hiện làm “người tốt” trong cuộc chống Covid-19 là sự triển khai lực lượng quân sự ghê gớm nhất đến nay ở Châu Á TBD – một mức leo thang quân sự hóa không thể tránh khỏi. Hãy nhớ lại sự kiện quân sự hóa vùng Rhineland ở Châu Âu bởi Đức Quốc xã trước khi nổ ra Thế chiến II. Anh, Pháp và cả Mỹ đã không làm gì đáng kể nên đã làm cho Hitler bạo gan hơn, viển vông hơn. Cuộc quân sự hóa này đã làm lệch cán cân quân lực về phía Đức. Khi đã thấy chắc thắng thì Hitler “tiên hạ thủ vi cường” tấn công và chiếm lĩnh Ba Lan vào 1939, khởi đầu cuộc đại chiến. Người Mỹ cũng đã phải trả một giá đắt khi đã xem thường sự gia tăng quân lực của Nhật ở Tây Thái Bình dương để rồi nhận lấy thất bại Trân châu cảng 1941 – một cái giá vì đã không can dự từ đầu để ngăn cản những ngòi nổ của cuộc đại chiến.

Nhưng người Mỹ cũng như EU giờ đây đã hiểu được quy luật hòa bình. Chúng ta hãy cảm ơn và hoan nghênh những chiến dịch triển khai quân lực để kiềm chế Trung Quốc với mức độ ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Quả thực là chỉ có Mỹ mới thừa sức giữ cho Trung Quốc không thể liều lĩnh trong lúc Anh, Pháp, Ấn Độ, Úc, Nhật, Hàn Quốc dần gia tăng sự hiện diện quân sự vào khu vực này. Nhiều người đang lo ngại cho hòa bình thế giới khi Mỹ gần đây rút ra khỏi nhiều hiệp ước về hạn chế vũ khí. Nhưng con cho rằng người Mỹ đang đúng để bảo vệ hòa bình. Khi tranh cử Tổng thống Mỹ ông Trump đã nói rằng Mỹ sẽ gia tăng sức mạnh quân sự nhiều đến mức không phải xài đến nó. Rất nhiều thiết chế quốc tế đã lỗi thời làm cho thế giới vận hành trục trặc, không chỉ là các định chế khổng lồ như WHO, WTO, thậm chí là LHQ, mà cả những hiệp ước song phương, đa phương về giải trừ quân bị. Hầu hết các hiệp ước này đều không ràng buộc TQ, chẳng hạn như Hiệp ước về tên lửa tầm trung INF. Nó giúp Trung Quốc hiện giờ đã có những loại tên lửa bắn được tới lãnh thổ Mỹ, trong khi Mỹ thì không thể làm thế vì INF. Mỹ rút khỏi INF là muốn để kềm chế Trung Quốc hơn là Nga. Kềm chế Trung Quốc đang là đích nhắm thiết yếu để ngăn chặn chiến tranh trong ngắn hạn (khoảng 10 năm). Con đoán tới đây Mỹ sẽ tung ra nhiều loại vũ khí mới rất ghê gớm và triển khai chúng chủ yếu ở Ấn Độ TBD. Thấy ông Trump nói Trung Quốc đang tìm cách để ông không tái đắc cử tổng thống cuối năm nay. Có người cho rằng ông ấy nói vậy chỉ để gây chú ý và lấy phiếu cử tri. Nhưng nếu Trung Quốc nghĩ như vậy thật thì họ sẽ càng sai lầm. Bài Trung không còn chỉ là “đặc sản” của ông Trump nữa, nó đã trở thành xu thế không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu. Và chính Covid-19 đã nâng nó lên đến mức độ rất sâu rộng. Tổng thổng Mỹ nào thì cũng không thể đi khác xu thế này được.

Ở trên con đã viết rằng phong trào bài Trung sẽ phát triển đến mức mà người Trung Quốc sẽ phải tỉnh ngộ để có được một chế độ đúng đắn và phù hợp hơn cho mình. Đây cũng là cách dùng quy luật hòa bình để hóa giải tận gốc ngòi nổ chiến tranh, là giải pháp dài hạn, căn cơ và bền vững. Thế giới đã hiểu biết và sáng tạo hơn trước nhiều, không cần chờ cho Nhật, Đức thảm bại sau chiến tranh đẫm máu để dân chủ hóa hai nước này, dẫn đến những chế độ thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI. Thực tế đã chứng minh họ không còn là mầm mống gây ra chiến tranh mà còn là nhân tố quan trọng để bảo vệ hòa bình thế giới. Họ cũng thịnh vượng hơn nhiều so với thời ngông cuồng gây chiến, giờ còn góp phần mạnh mẽ giúp thịnh vượng của thế giới.

TOÀN CẦU HÓA SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Covid-19 đã vén lên rất nhiều mặt nạ, làm lộ ra rất nhiều yếu kém của tất cả mọi quốc gia, của những cách thức thế giới vận hành toàn cầu hóa, của những định chế và tổ chức quốc tế vốn đã lỗi thời kém hiệu quả trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hơn. Những người hoài nghi và cho rằng toàn cầu hóa sắp kết thúc hoặc bị đảo ngược thì nên nhìn vào thực tế mà Sars-Cov-2 đã lan tỏa ra khắp thế giới trong thời gian cực ngắn từ một chấm nhỏ không được xử lý tốt ở Vũ Hán TQ. Trong lịch sử mà con người ghi nhận được trên thế giới, chưa từng có một trận dịch nào hoặc sự lây lan vấn đề nào đó có tốc độ khủng khiếp như dịch Covid-19. Virus không quan tâm đến ý muốn chủ quan của con người, nó chỉ dựa vào thực tế môi trường liên kết của con người đã phẳng và ngày càng phẳng hơn để thúc đẩy sự tiến hóa hiệu quả cho nó. Như con đã viết nhiều lần, Toàn cầu hóa là một xu thế theo Dòng chảy của thời đại được thúc đẩy bởi Quy luật phát triển xã hội, nên nó sẽ không phụ thuộc vào ý muốn của người này người kia, quốc gia này quốc gia nọ. Những bài báo đưa ra lời khuyên nên chuẩn bị cho đất nước sẵn sàng cho kỷ nguyên hậu toàn cầu hóa là một sai lầm, có thể dẫn đến một thất bại chiến lược cho một dân tộc. Những người đưa ra lời khuyên cho rằng chính nước Mỹ – quốc gia đã khởi động toàn cầu hóa – lại đang là nước đảo ngược toàn cầu hóa mạnh mẽ. Nhưng thực ra Tổng thống Trump và nước Mỹ đang đi đầu trong việc thúc đẩy những cách thức để giải quyết các trục trặc của thế giới, làm cho sự vận hành toàn cầu hóa tốt hơn. Những phát biểu của ổng có thể gây nhầm lẫn, cũng có thể chỉ là cách để đánh lạc hướng đối thủ. Rút bớt chuỗi sản xuất khỏi TQ, chuyển đến Mỹ hoặc các nước khác là một cách đúng đắn và lành mạnh để làm cho thế giới toàn cầu hóa bớt lệ thuộc nguy hiểm vào Trung Quốc để chuỗi cung ứng của thế giới cân bằng và công bằng hơn. Trung Quốc đã khai thác nhiều yếu kém của các định chế toàn cầu để tạo ra lợi thế cho mình và sử dụng lợi thế đó một cách nguy hiểm cho hòa bình thế giới, cho sự tôn trọng và bảo vệ QUYỀN CON NGƯỜI. Tinh thần bài Trung đúng đắn là không phải nhằm vào người Trung Quốc mà là bài bác cách hành xử không thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI, đạo đức giả, nói một đàng làm một nẽo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan thúc đẩy tham vọng bá quyền, bắt nạt nước nhỏ, độc tài giả dối, bưng bít sự thật – những thứ mà nhà cầm quyền Trung Quốc không chỉ nuôi dưỡng trong nước mình mà còn nỗ lực ghê gớm để “xuất khẩu” chúng ra khắp thế giới để có được một môi trường toàn cầu hóa theo ý muốn của họ. Đáng lo là họ đã phần nào làm được như vậy nhờ vào tiềm lực kinh tế khổng lồ từ sự lao động miệt mài của hơn 1 tỷ dân Trung Quốc mấy mươi năm qua. Các “giá trị” mà họ cổ súy không chỉ ảnh hưởng đến các nước nghèo tham nhũng mà còn len lỏi đến một số nơi ở Châu Âu và cả ở Mỹ. Con đã rất giật mình khi nghe tin rất nhiều vụ hối lộ chạy trường bị phanh phui ở Mỹ vài năm trước, hoặc 1 số nước trong EU vì lợi ích từ Trung Quốc mà ngăn cản Liên minh này ra tuyên bố lên án Trung Quốc về nhân quyền. Không chỉ vì lợi ích, con người trên thế giới còn ngộ nhận dẫn tới hâm mộ đường lối “ổn định” mà phát triển của TQ, đưa tới sẵn sàng chà đạp QUYỀN CON NGƯỜI ở nước mình như trường hợp Duterte ở Philippines. Nếu không có sự đi đầu dũng cảm của Mỹ thì có lẽ sự lây lan của “dịch độc tài” đã nhanh rộng hơn rất nhiều nhờ vào hệ thống toàn cầu hóa. Giờ thì “dịch” này bị dịch Covid-19 giáng cho một đòn chí tử. Cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19 sẽ còn mất nhiều thời gian. Nhưng con tin rằng những cuộc điều tra riêng rẽ dẫn đến cáo buộc chính thức của nhiều chính phủ sẽ đủ để thế giới “giãn cách thương mại” với TQ, không chỉ cấp quốc gia mà cả ở cấp độ cá nhân. Người ta trên khắp thế giới sẽ giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ TQ. Khi mức độ giảm chỉ cần đến 20% thôi thì người dân Trung Quốc sẽ phải đổi thái độ mạnh mẽ. Đây là cách sử dụng phương tiện hòa bình để tháo ngòi nổ chiến tranh theo quy luật hòa bình.

Thư 125 con đã phân tích kỹ để cho thấy năng lượng của Dòng chảy thời đại đã sử dụng chính năng lượng của nước Mỹ để rung lắc thế giới nhằm vượt qua những rào chắn ngăn cản Dòng chảy. Nhiều người lo lắng vì Mỹ rút ra khỏi nhiều tổ chức quốc tế đa phương, đòi cải tổ các định chế toàn cầu cho hiệu quả hơn, như đối với WTO. Họ cho rằng đây là sự thúc đẩy chủ nghĩa đơn phương của Mỹ làm xói mòn đa phương vốn là nền tảng của toàn cầu hóa. Nhưng thực ra con thấy Mỹ mới đủ sức đơn phương khởi động rung lắc các định chế đa phương để buộc đưa đến những sự cải tổ cần thiết nhằm đưa đến những cấu trúc hiệu quả hơn, giúp thế giới vượt qua được những trục trặc nguy hiểm trong sự vận hành toàn cầu hóa thời gian qua. Thẳng thắn mà nhìn nhận thì sẽ thấy rằng nhiều tổ chức quốc tế của LHQ chẳng làm được gì mấy với tôn chỉ của mình. Hội đồng nhân quyền LHQ chẳng hạn, khoảng 20 năm qua chẳng thúc đẩy được bao nhiêu sự tôn trọng QUYỀN CON NGƯỜI, hầu hết là thất bại ở những nơi có sự xâm phạm rõ rệt QUYỀN CON NGƯỜI. Nhiều năm qua Hội đồng này còn trở thành nơi của nhiều quốc gia xâm phạm QUYỀN CON NGƯỜI nặng nề nhảy vào để chứng minh thành tích “vì nhân quyền” của mình, là nơi để các quốc gia và khu vực chia chác ghế với nhau theo nhiệm kỳ. Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ là một lời cảnh báo cần thiết. Hay như WTO, chưa nói đến những cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc lợi dụng những yếu kém của tổ chức này để tạo lợi thế nguy hại, chỉ cần nhìn vào thực tế của việc thực hiện phương châm của Tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này là mở ra cơ hội gia nhập thương mại toàn cầu cho các quốc gia để các quốc gia này thúc đẩy thịnh vượng, dân chủ, phát triển con người không chỉ cho chính mình mà cho cả thế giới, thì sẽ thấy sự thất bại đến mức thất vọng của WTO. Rất nhiều nước sau khi gia nhập WTO đã dùng đó để gia tăng quyền lực kinh tế cho chính quyền, từ đó củng cố vị thế chính trị của mình để thui chột sự phát triển dân chủ, thậm chí là xâm phạm nặng nề hơn QUYỀN CON NGƯỜI. Điển hình vẫn là Trung Quốc và những quốc gia ủng hộ đường lối chính trị độc đoán của họ. Một định chế quốc tế khổng lồ mà chỉ có hiệu quả trên thực tế là làm gia tăng phát triển nghiêng lệch về phía kinh tế, không hoàn thành vai trò đối với dân chủ và con người thì nó không chỉ là thiếu hiệu quả mà còn nguy hiểm vì vô tình thúc đẩy cho chiến tranh. Mỹ đã rung lắc WTO rất dữ, đòi hỏi những cải tổ mạnh mẽ và cũng nhận được những sự ủng hộ quan trọng từ EU, G7. Nhưng tiến trình cải tổ này vẫn rất chậm chạp. Nhưng con nghĩ tới đây tốc độ này sẽ nhanh hơn nhờ Covid-19. Mỹ đã rút khỏi WHO và ngừng tài trợ cho tổ chức này vì nghi rằng nó đang hỗ trợ sai trái cho TQ. Những bê bối của WHO tới đây sẽ hiển lộ rõ ràng không thể chối cãi. Từ đó thế giới cũng dễ dàng thấy tính cấp thiết của việc cải tổ tận gốc không chỉ WHO mà cả WTO, loại trừ những cách can thiệp sai trái từ những quốc gia như TQ.

Hội đồng nhân quyền LHQ cũng sẽ bị cải tổ để có thể thực sự bảo vệ hiệu quả QUYỀN CON NGƯỜI cho thế giới. Những tổ chức khác có liên quan đến trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy và bảo vệ QUYỀN CON NGƯỜI cũng sẽ phải thay đổi để đảm bảo hiệu quả trách nhiệm này. Chúng ta nên tham gia tích cực vào tiến trình thay đổi những định chế thúc đẩy và bảo vệ hiệu quả QUYỀN CON NGƯỜI vì ý nghĩa to lớn của nó.

Sau đó là cả LHQ cũng phải được cải tổ. Những đóng góp to lớn của LHQ từ sau Thế chiến II là không thể phủ nhận. Nhưng nhiều thứ của Tổ chức này đã quá lỗi thời, nhất là cơ chế quyết định của Hội đồng bảo an với quyền phủ quyết của 5 nước thành viên thường trực và nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” ghi trong Hiến chương LHQ.

Covid-19 đã chứng minh một cách vững chắc rằng tính chất của toàn cầu hóa là: một vấn đề nảy sinh ở đầu này có thể tác động tức thì đến đầu kia ở nửa bán cầu. Chuyện giấu giếm sự thật về virus và xâm phạm QUYỀN CON NGƯỜI đối với bác sĩ Lý Văn Lượng không thể xem là chuyện nội bộ của Trung Quốc được nữa. Nếu thế giới có những cơ chế để can thiệp nhằm đảm bảo thông tin và bảo vệ hiệu quả QUYỀN CON NGƯỜI thì có lẽ đại dịch Covid-19 đã không xảy ra mà sẽ được cả thế giới chung tay dập tắt nó từ trong trứng nước. Trung Quốc là nước phản đối “can thiệp vào công việc nội bộ” dữ dội nhất nhưng cũng là chính phủ sử dụng can thiệp nội bộ các nước khác dữ dằn nhất. Nhưng họ thực hiện không công khai, tinh vi và ném đá giấu tay. Những gì trốn tránh sự minh bạch đều dẫn đến sai trái, thậm chí là tội ác. Thế giới toàn cầu hóa phải thừa nhận can dự/can thiệp từ nước này vào nước kia là cần thiết và xây dựng luật cùng với các thiết chế quốc tế cần thiết để đảm bảo sự can dự là công khai, minh bạch và đảm bảo tiêu chuẩn và giới hạn can dự trên nền tảng của QUYỀN CON NGƯỜI. Trong đề tài Cơ chế xã hội khoa học con đã nêu ra tiêu chuẩn và giới hạn này, chẳng hạn như không được vượt qua để xâm phạm QUYỀN CON NGƯỜI, nhằm bảo vệ và thúc đẩy QUYỀN CON NGƯỜI, can dự gì cũng phải bảo đảm bình đẳng – thuộc tính quan trọng nhất của QUYỀN CON NGƯỜI, sẵn sàng phá vỡ bất công về QUYỀN.

Hiến chương và Hội đồng bảo an LHQ cần phải thay đổi để đảm bảo cho những quyết định can dự hiệu quả như trên. Chứ như hiện nay thì Trung Quốc sẵn sàng phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào nhằm thúc đẩy, can dự để bảo vệ QUYỀN CON NGƯỜI mà bất lợi cho họ, hoặc Mỹ vẫn thường phủ quyết những quyết định bất lợi cho Israel.

TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI VỚI TRỌNG TÂM LÀ QUYỀN CON NGƯỜI

Trật tự mới của thế giới tới đây sẽ được xác lập dựa trên những cơ chế can dự mạnh mẽ. Cơ chế xã hội khoa học sẽ được áp dụng rộng rãi để can dự, giúp cho thế giới toàn cầu hóa vận động thuận quy luật.

Trong trật tự thế giới mới Mỹ vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng mức độ sẽ giảm hơn trước nhiều, tạo cơ hội cho các quốc gia, Liên minh quốc gia vươn lên đóng góp nhiều hơn và dẫn dắt xu thế phát triển của thế giới. Đây là điều mà người Mỹ muốn, được thể hiện qua chính sách của Tổng thống Trump hơn 3 năm qua. Con nghĩ đây là sự thay đổi lành mạnh và hợp quy luật. Vì vậy mà chẳng nên làm quá lên và cho rằng Mỹ đang muốn làm suy yếu đồng minh vì giảm đi mức độ cam kết cũng như đòi hỏi đóng góp tài chính nhiều hơn. Người Mỹ rõ ràng và thẳng thắn. Nên xem đây là một cơ hội hơn là nguy cơ để vươn lên lãnh đạo thế giới như Trung Quốc đã mơ mộng khi thấy D.Trump đắc cử tổng thống. Mộng mơ đó lại nhen lên khi thấy Mỹ bị Covid-19 hành hạ quá cỡ, nhưng ngay lập tức phải vỡ mộng.

Chừng nào mà Mỹ vẫn còn là thành trì của dân chủ QUYỀN CON NGƯỜI và Trung Quốc vẫn chưa làm được điều này thì chưa có sự thay đổi vai trò dẫn dắt chủ đạo trên thế giới. Con đã phân tích kỹ về điều này trong thư 109A. Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của QUYỀN CON NGƯỜI hơn bao giờ hết. Virus đã bùng phát được vì QUYỀN CON NGƯỜI của một ít người đã bị chà đạp, bịt miệng để phục vụ cho lợi ích nhỏ nhen của một nhóm nhỏ cầm quyền. Chỉ một trục trặc trong bảo vệ QUYỀN CON NGƯỜI như vậy cũng đủ để tấn công đến lợi ích của hàng tỷ người trên thế giới. Sẽ phải có đến hàng chục triệu người nhiễm bệnh và cả triệu người chết vì nó. Lợi ích kinh tế thì tổn hại ghê gớm, không thể đo đếm hết được. Thực ra lâu nay, từ lúc toàn cầu hóa trở nên sâu rộng, những tác hại của sự xâm phạm QUYỀN CON NGƯỜI xảy ra ở nước này lại tác động đến nước khác đã trở nên phổ biến. Nhưng ít người nhìn thấy được, và nó cũng dễ dàng bị lấp liếm bởi các chính phủ độc tài. Covid-19 đã giúp phơi bày vấn đề này không thể rõ ràng hơn. Con tin là thế giới sẽ xới lại nhiều câu chuyện trước đây để cho thấy cần phải can dự vào những trục trặc về QUYỀN CON NGƯỜI ở khắp nơi trên Thế giới để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Sự kiện mới đây ở Mỹ, George Floyd bị một cảnh sát da trắng sử dụng vũ lực quá mức dẫn đến tử vong, cũng cho thấy tính toàn cầu hóa của QUYỀN CON NGƯỜI như thế nào. Biểu tình phản đối đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới. Thử tưởng tượng một sự kiện tương tự lại xảy ra ở một nơi có chính phủ độc tài cảnh sát trị, nó sẽ bị bưng bít và dẫn từ tội ác này đến tội ác khác như thế nào. Nạn nhân sẽ trở thành thủ phạm. Rồi hàng loạt những hành động bao che lấp liếm của chính phủ đó trước cộng đồng thế giới sẽ dẫn đến những tác hại cho nhân loại ra sao. Cố gắng nhìn lại nhiều câu chuyện trong quá khứ với một thái độ không vị kỷ, cùng với thực tế từ Covid-19 mới đây thì ta sẽ thấy tầm quan trọng của bảo vệ QUYỀN CON NGƯỜI đối với lợi ích của chính mình tới mức nào. Hẳn không ít người khi nghe bác sĩ Lý Văn Lượng bị công an Trung Quốc triệu tập đã nghĩ rằng “Sao dại thế”. Ai mà còn tin vào luận điệu cho rằng dự luật mang tên Lý Văn Lương đang được xem xét ở Mỹ là sự can thiệp thô bạo vào nội bộ Trung Quốc thì hãy nên bớt ích kỷ đi mà bảo vệ được quyền lợi của mình và nhiều người.

Sẽ không chỉ là thiếu sót mà còn là sai lầm chiến lược khi chỉ nhìn đại dịch Covid-19 như một vấn đề y tế và tập trung mọi giá vào đó để chứng minh năng lực cầm quyền bất chấp cái giá xâm phạm nghiêm trọng QUYỀN CON NGƯỜI. Virus tấn công vào tất cả các nước, các thể chế khác nhau và cũng chẳng vì bất cứ ý thức hệ nào. Điều tốt nhất nên làm là nhìn nhận những yếu kém thực tế đã bộc lộ để điều chỉnh hệ thống pháp lý và đạo lý để bảo vệ QUYỀN CON NGƯỜI hiệu quả hơn. Chẳng hạn những nơi nào con người tự do quá trớn thì cần có cách hạn chế bớt lại, cần có luật cho phép chính phủ thực hiện những giới hạn cần thiết trong tình trạng khẩn cấp đối phó dịch bệnh. Cần nỗ lực tìm ra cách thức chống dịch đối với những loại lây từ người sang người mà không phải giãn cách xã hội để trong tương lai nếu lại phải gặp mặt “đồng chí” corona nào tương tự thì thế giới không bị hỗn loạn và tổn hại quá lớn như thế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa dịch bệnh, không chỉ là không ăn động vật hoang dã mà còn là đảm bảo những cơ chế minh bạch thông tin toàn cầu và đặc biệt là làm sao bảo vệ được quyền ngôn luận cho từng cá nhân trên khắp thế giới không bị đe dọa, bịt miệng và trù dập khi nói ra sự thật. Covid-19 đã cho thấy tính cấp thiết của biện pháp phòng ngừa hiệu quả này. Lấy cớ “giữ ổn định, tránh gây hoang mang xã hội” mà lại tạo ra sự rối loạn và tang tốc như Covid-19 đang diễn ra thì nghe chẳng còn lọt tai chút nào. Xâm phạm nghiêm trọng QUYỀN CON NGƯỜI hoặc cấm đoán tùy tiện không theo luật thì sẽ làm xói mòn niềm tin của con người vào luật pháp và sẽ nhận những hậu quả trái ngược với mong muốn. Chính quyền Trung Quốc đã phải nhận ngay gáo nước lạnh từ những cáo buộc về giả dối ngay trong lúc họ ra sức tự ca ngợi năng lực y tế và lãnh đạo vượt trội của mình. Nhưng nguy hại hơn, nếu không tìm ra kịp vaccine thì những xã hội bị cách ly độc đoán như ở Trung Quốc có thể sẽ lãnh những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu xảy ra làn sóng Sars-Cov-2 thứ hai, thứ ba, hoặc là 1 biến thể mới nào đó của corona. Tốc độ ứng biến để tiến hóa của virus bây giờ là nhanh khủng khiếp so với trước đây. Tốc độ nghiên cứu vaccine không thể chạy kịp chúng. Những xã hội bị cách ly độc đoán sẽ không có khả năng miễn nhiễm cộng đồng – một cách tiêm ngừa tự nhiên rất hiệu quả. Có khi vaccine cho Sars-Cov-2 vừa tìm ra thì nó đã biến thể, tiến hóa sang chủng mới rồi. Cũng có thể bây giờ mà cảnh báo nguy cơ này ở Trung Quốc thì sẽ tiếp tục bị khép vào “gây hoang mang dư luận”. Thực chất, những lời cảnh báo như vậy là xoáy vào sự hoang mang của những người nắm quyền lực ở đó mà thôi.

Vào thời gian này của Covid-19 – giai đoạn chuyển đổi bản lề thời đại, cơ hội sẽ dành cho những ai hướng theo Dòng chảy để tiến tới thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI. Trong đề tài “Cuộc chuyển mình vĩ đại” con đã phân tích rằng lịch sử nhân loại đã chảy từ Thời đại quyền của dòng tộc (kinh tế nông nghiệp) đến Thời đại quyền của dân tộc (kinh tế công nghiệp) và đến Thời đại sắp tới là Thời đại QUYỀN CON NGƯỜI. Đặc trưng “QUYỀN CON NGƯỜI” của Thời đại mới này ngày càng rõ. Sự kiện chấn động nhất thế giới ngay đầu năm CANH TÝ chính là Covid-19 – tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy thế giới dân chủ hơn dựa trên nền tảng thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI. Còn nguy cơ thì sẽ dành cho những người nào ráng ngược lại Dòng chảy này – chống lại QUYỀN CON NGƯỜI. Hậu quả đến mức có thể sụp đổ hoặc ở lại nơi hoang đảo.

Năng lượng của Dòng chảy thúc đẩy đến thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI không chỉ thông qua Covid-19 đâu. Mọi người sẽ thấy trong năm nay thôi, năng lượng đó sẽ dồn vào Biển Đông và Eo biển Đài Loan ghê gớm như thế nào. Trong một thư 2 năm rưỡi trước con đã viết rằng rồi chúng ta sẽ chứng kiến việc bồi đắp đảo nhân tạo bởi Trung Quốc trên Biển Đông sẽ như dã tràng xe cát. Hôm qua con mới đọc một bài báo của Thanh Niên 11-5-2020 (ở đây báo bị chậm vậy đó): “Thế trận quân sự Mỹ thách thức Trung Quốc ở Biển Đông và xung quanh”. Sau khi giới thiệu những khí tài khủng mà Mỹ vừa triển khai vào Biển Đông, bài báo nhận định rằng Mỹ đang nhấn mạnh 3 điều mà điều thứ ba là: “cần chứng minh các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc liên tục quân sự hóa là vô dụng đối với chiến lược thôn tính Biển Đông mà Bắc Kinh theo đuổi”. Bài báo của Ngô Minh Trí rất hay. Con đã nhiều lần viết rằng Trung Quốc càng hung hăng thì sẽ càng tạo chính nghĩa cho Mỹ và thế giới hòa bình triển khai quân lực kềm chế TQ. Lợi dụng Covid-19 Trung Quốc rầm rộ triển khai quân lực ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, nhất là thấy cơ hội tàu sân bay USS Theodore Rosevelt phải neo tại Guam để xử lý dịch Covid-19. Nhưng họ không ngờ Mỹ lại có thể linh hoạt và nhanh chóng triển khai hàng loạt máy bay, tàu chiến, tàu ngầm khác hoàn toàn lấn lướt tiềm lực của TQ. Từ nay đến cuối năm Tổng thống Trump còn sẽ triển khai ghê gớm hơn nữa, theo kiểu “không cần xài tới”, để làm lệch hẳn cán cân quân sự về phía Mỹ và đồng minh. Nhật, Úc, Ấn (Tứ giác an ninh cùng với Mỹ); Anh; Pháp; Hàn; Indonesia đều sẽ phối hợp với Mỹ gia tăng quân lực. Đây là thời cơ rồi. Chính quyền độc đoán của Trung Quốc lâu nay đổ rất nhiều tiền của của dân chúng vào việc quân sự hóa Biển Đông cùng với những hứa hẹn để nuôi cơn khát dân tộc cực đoan để làm sức mạnh cho mình. Từ năm, sáu năm trước ở Xuyên Mộc con đã viết rằng một khi giới chóp bu Trung Quốc không thể thỏa mãn cơn khát cực đoan do chính họ tạo ra thì chính nó sẽ phun trào cơn giận dữ của mình vào chính họ. Đây cũng là cách dùng quy luật hòa bình để hóa giải chiến tranh. Việc tỉnh Tứ Xuyên thách thức quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn và thất vọng đã phát triển dần mạnh lên. Thêm một thất bại trước thách thức của Mỹ ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan nữa thì biến động chính trị ghê gớm có thể xảy ra ở TQ. Cuối những năm 1980s ít ai ngờ được biến động chính trị long trời lở đất lại xảy ra ở LX vào đầu thập niên 1990s. Thúc đẩy chạy đua vũ trang để gia tăng sức mạnh cho mình đồng thời làm suy yếu và sụp đổ đối thủ là một chuyên môn mà chỉ có Mỹ làm được. Cách này vừa giúp duy trì hòa bình thế giới vừa làm lợi cho tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Mỹ. Nghề của chàng. Vì vậy mà hy vọng Tổng thống Mỹ năm sau không phải D.Trump thì thật là ngây thơ. Dù ai đắc cử, Mỹ cũng sẽ tiếp tục đường lối như vậy với TQ.

Không chỉ với TQ, cả ASEAN và những quốc gia thuộc khối này cũng sẽ phải thay đổi kinh khủng lắm luôn. Không chỉ bởi năng lượng quân sự, kinh tế, chính trị của Mỹ đổ vào khu vực này mà sẽ còn những nguồn năng lượng khác của Dòng chảy bất ngờ ập đến. Châu Á TBD là hướng chảy chính của Dòng chảy và ASEASN lại là trung tâm chính mà Dòng chảy đổ vào. Con đã phân tích như vậy nhiều lần trước đây. Con cũng từng viết rằng sẽ có một chuyện kỳ quặc là năng lượng Dòng chảy sẽ đổ vào trung tâm không qua chỗ tự do mà nhắm thẳng vào chỗ thiếu tự do. Đây sẽ là chuyện “bất ngờ ghê gớm nhất còn ở phía trước” mà con viết ở đầu thư này (trang 2). Đợi xảy ra cho mọi người thật bất ngờ rồi con sẽ phân tích tiếp.

Nhưng có lẽ nhìn vào thực tế, những gì đang được che đậy bên ngoài chắc mọi người không khỏi lo lắng. Con đã vượt qua được nhiều chặng đường tăm tối vì con nhìn được thực chất đằng sau những vỏ bọc. Sau bức màn đen tối là ánh sáng. Cuộc chuyển mình vĩ đại bứt phá từ trong bóng tối, vào những giờ phút đen tối nhất. Con không chỉ thấy ánh sáng trong tâm tưởng của mình mà đã thấy được ánh sáng vượt qua bức màn vì con đã đến rất gần rồi. Năng lực nắm bắt sự thật của người Việt cũng đã mạnh lên rồi.

Ánh sáng trong tâm tưởng giúp con thấy được thực chất của lòng người nên con biết sắp tới điều này sẽ vụt sáng lên như thế nào. Cuộc khai dân trí miệt mài của dân tộc sắp đến lúc bừng sáng, sắp gặt được những quả ngọt và thật đẹp, và cũng thật bất ngờ nữa. Dân trí đổi thì thượng tầng ắt đổi, không thì sẽ lật nhào.

KHAI DÂN TRÍ VÀ XU HƯỚNG THƯƠNG MẠI MỚI

Đứng trước giai đoạn chuyển đổi bản lề thời đại hiện nay, cả thế giới cũng cần được khai dân trí. Con người cần được hiểu về bản chất và sự vận hành dưới Thời đại QUYỀN CON NGƯỜI như thế nào, hành xử của mình ảnh hưởng đến chính mình và người khác ra sao, đạo lý gì, pháp lý gì là cần thiết để tự do và quyền của mình không tác động xấu đến mình và người khác, Cơ chế xã hội khoa học vận hành như thế nào, … Ngay cả Mỹ cũng cần dấy lên những phong trào khai dân trí như vậy. Sự kiện George Floyd dẫn đến biểu tình là tốt, nhưng còn lợi dụng để đập phá cướp bóc thì thật đáng xấu hổ. Nước Mỹ lâu nay mất quá nhiều thời gian công sức cho những tranh cãi ý thức hệ giữa Thuyết tiến hóa (đảng Dân chủ đại diện) và Thuyết kiến trúc (đảng Cộng hòa đại diện). Con thấy nó không có ích lắm. Nhưng trong thư số 3 của Mai Anh viết cho con giữa tháng 7 năm ngoái cho biết rằng: “đang có một xu hướng thứ ba hình thành sẽ thống nhất được cả hai xu hướng (hai Thuyết nói trên) để tạo ra một tầm nhìn chung cho một giai đoạn mới sắp đến. Đó là khi con người được khai mở để nhận thức được những bí ẩn của vũ trụ và của loài người”. Nước Mỹ là vậy, dù có bị rối bị sai thì nền dân chủ dựa trên thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI của họ vẫn sẽ đưa họ trở lại đúng con đường của quy luật. Các tổng thống Mỹ cũng cần được khai dân trí. Tổng thống Trump đã làm được rất nhiều việc hay nhưng cũng có những việc con thấy không đúng. Chẳng hạn như cách xử lý có phần quá mức đối với người nhập cư. Điều này có thể làm cho người khác ngộ nhận, dẫn đến hành xử phân biệt chủng tộc, hoặc như thái độ không ủng hộ chống nhiên liệu hóa thạch của ông ấy.

Cho VN mình, con đã có một “đại dự án” THƯƠNG ƠI LÀ THƯƠNG. Hơn 1 năm qua không viết thư, con dành thời gian cho nó. Mọi người sẽ mắt tròn mắt dẹt về nó cho mà coi. Nó sẽ khai dân trí cho cả trẻ con đến người lớn. Quốc gia nào không chú trọng giáo dục khai dân trí về QUYỀN CON NGƯỜI phù hợp với Dòng chảy thời đại thì sẽ đánh mất cơ hội, không có được lợi thế trong cuộc đua toàn cầu sắp tới.

Xu hướng thương mại toàn cầu cũng sẽ thay đổi căn bản. Trong vòng 10 năm tới nó sẽ thay đổi rất nhiều. Chuỗi cung ứng, lợi thế cạnh tranh sản xuất sẽ không còn đột phá, chiến lược, không giúp cho một quốc gia bứt phá lên cường quốc. Bây giờ thì nghe chúng vẫn còn khá “thời thượng” và nhiều nước đang làm mọi giá để tranh thủ hút việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi TQ. Đây chỉ là việc nên làm nhưng không phải ở mức tập trung vào đích nhắm chiến lược như thu hút FDI lâu nay, khiến suy giảm nội lực và năng lực sáng tạo. Chỉ vài năm sau thôi, khi mà chuỗi sản xuất toàn cầu bắt đầu cân bằng hơn thì nó chẳng mấy quan trọng nữa, sẽ thành sự ổn định nhàm chán như phân khúc thị trường con chó, không sinh lợi là mấy. Cần nhanh nhạy đi trước để tìm ra kiểu thị trường mới béo bở hơn: Phân khúc ngôi sao, phân khúc bò đẻ tiền (cash cow). Một doanh nghiệp trở nên khổng lồ hay một quốc gia vươn mình thành cường quốc đều phải kiến tạo được các phân khúc thị trường sao, bò như thế cả. Nếu chỉ chạy theo đóm ăn tàn thì mèo còn chưa xong chứ đừng nói chi là hổ.

Hơn 3 năm qua thương mại toàn cầu bị rung lắc dữ dội. Hầu hết đều nghĩ rằng do ông Trump. Nhưng thực ra Tổng thống Trump chỉ là người thực hiện, sử dụng sức mạnh khổng lồ của Dòng chảy thời đại thông qua các thiết chế dựa trên QUYỀN CON NGƯỜI của nhà nước Mỹ để thúc đẩy thương mại quốc tế đi đến một trạng thái mới phù hợp với Thời đại mới. Sau những bở ngỡ, sốc và phản ứng, nhân loại sẽ nhận ra và tuôn theo dòng thương mại mới. Nó sẽ rất mới mà bây giờ hầu hết đều chưa nhìn thấy sự định hình của nó. Hiểu được quy luật để nắm bắt được nó trước nhiều nước, rồi đi trước để mở đường đón dòng thương mại mới này thì nó sẽ đẩy quốc gia vượt lên trước kinh hoàng. Con đã viết về chiến lược ĐIỂM CÂN BẰNG để thu hút năng lượng Dòng chảy và dung hợp năng lượng đó, từ đó đẩy VN vươn lên đồng thời giúp cho thế giới hòa hợp. Về mặt thương mại, Điểm cân bằng con gọi tên là CÁI CHỢ QUỐC TẾ – chính là cách để đón dòng thương mại mới và hỗ trợ cho nó hòa hợp. Sự biến động của thương mại quốc tế vừa qua (tới đây sẽ còn dữ dội hơn nữa) cho thấy sự hấp dẫn của một cái chợ quốc tế như vậy. Muốn làm được như vậy thì VN phải có những thể chế dung hợp tuyệt vời. Cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” nhấn và nhắc đi nhắc lại: “thể chế, thể chế, thể chế”. Nhưng đó là sự hài hòa của các thể chế chính trị và thể chế kinh tế mà chính trị là quyết định. Chỉ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thì chắc chắn là thất bại. Ngay từ đầu quyển sách trên, tác giả đã nói rõ nó là công trình nghiên cứu về chính trị và các quá trình chính trị; và lập luận rằng: “Sự thịnh vượng phụ thuộc vào việc giải quyết một số vấn đề chính trị cơ bản (trang 101). Các thể chế dung hợp chỉ có thể xây trên nền tảng thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI mà thôi. Dân tộc ta sẽ vươn lên hóa rồng chỉ nhờ vào nền tảng đó. Định hướng này kia chẳng ích gì. Trung Quốc tốn rất nhiều công sức để đảm bảo kinh tế, xã hội không đi chệch hướng khỏi ý muốn của lãnh đạo. Nhưng tới đây sẽ thấy nỗ lực của họ vô vọng thế nào. Dòng thương mại mới sẽ đẩy nền kinh tế của họ xa khỏi định hướng chủ quan của họ, không chỉ là việc các chuỗi sản xuất bị rút khỏi mà còn là sự đòi hỏi của Dòng chảy thời đại buộc thương mại phải dung hợp, công bằng hơn. Vì vậy mà những can thiệp định hướng bằng các quyết định chính trị độc đoán sẽ giảm dần sức mạnh, tiến tới bị loại bỏ. Sức kềm chế xã hội theo một định hướng nào đó vì vậy mà sẽ bị phản tác dụng. Rồi người ta sẻ thấy những nỗ lực giáo dục, định hướng tư tưởng của Trung Quốc là quá tốn kém và vô ích, thậm chí là gây hại.

THẾ GIỚI MỚI – MỘT THẾ GIỚI ĐA CỰC

Thế giới đã khác nhiều rồi và tới đây sẽ còn khác đến chóng mặt. Ôm mãi những khuôn mẫu cũ rích và cố trang điểm cho chúng bằng tiền, bằng công nghệ thì không những là kệch cỡm mà còn làm cho chúng sụp đổ vì không tương hợp. Chúng không đủ sức để khoác lên mình những thứ mới mẻ hiện đại như vậy. Đó là sự tương thích giữa Trào lưu mềm và Trào lưu cứng. Trào lưu mềm – Dòng chảy của các dòng tư tưởng, ý thức hệ, chuẩn đạo đức – chỉ có thể tốt đẹp khi là kết quả vận động tự do của con người dựa trên sự tôn trọng QUYỀN CON NGƯỜI. Tiềm lực to mạnh như của Mỹ mà còn không dám nghĩ tới việc áp đặt, định hướng – tức không thể đi ngược lại Dòng chảy. Họ chỉ luôn thuận dòng để tận dụng năng lượng của nó và lan tỏa các giá trị xã hội của mình – các giá trị vốn dựa trên thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI để đảm bảo dân chủ.

Dùng nguồn lực nhà nước để đảm bảo định hướng thì không chỉ thất bại mà còn đẩy quốc gia vào sụp đổ. Các nguồn lực đó chỉ nên dùng cho giáo dục khai dân trí để người dân hiểu được toàn cầu hóa, Dòng chảy thời đại dẫn đến Thời đại QUYỀN CON NGƯỜI, Cơ chế xã hội khoa học vận hành bởi QUYỀN CON NGƯỜI ra sao, QUYỀN của mình là gì và phải tôn trọng QUYỀN của người khác như thế nào, thế giới đang ở đâu và sẽ đi về đâu, các giá trị nào là cần thiết để cá nhân và dân tộc vươn lên trên thế giới, các giá trị nào là cần giữ để khẳng định bản sắc dân tộc và giao hòa với thế giới. Từ trên nền tảng QUYỀN CON NGƯỜI như vậy, sự vận động tự do của người dân sẽ xác lập xu hướng phát triển. Xu hướng đó không chỉ hợp lòng dân mà còn thuận quy luật – thuận Dòng chảy. Vì vậy mà dân tộc phát triển bền vững, rồi dần vươn lên góp phần dẫn dắt thế giới.

Trật tự thế giới mới tới đây sẽ nhiều cực hơn. Nếu thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI, thuận Dòng chảy thì sẽ nhanh chóng vươn lên và trở thành một trục của cực Đông Nam Á. Dòng chảy thời đại đang chảy từ Tây sang Đông. Rất nhiều các giá trị giao thoa văn hóa Đông – Tây sẽ xác lập. Nếu là một trục, VN sẽ có nhiều cơ hội để lan tỏa, giao thoa giá trị tốt đẹp của mình ra thế giới cũng như để đào thải những giá trị đã lỗi thời. Qua Covid-19 vừa rồi, thế giới cũng thấy được rõ hơn những giá trị văn hóa phương Đông thể hiện ở Hàn Quốc; Nhật giúp ứng phó tốt hơn với dịch bệnh so với văn hóa phương Tây. Sẽ có nhiều văn hóa khác từ Đông sẽ nổi bật lên trong Thời đại mới, bao gồm nhiều văn hóa của TQ. Nhưng chắc chắn những cái đó không bao gồm độc tài, giả dối hay cái hệ thống giám sát và chấm điểm tín nhiệm người dân. Nó sẽ trở thành một con quái vật tạo nên định chuẩn đạo đức quốc gia, khống chế cả một dân tộc trong những khuôn mẫu chẳng khác gì các nhà tù khổng lồ.

Nước Anh sẽ trở thành một cực quan trọng trong trật tự thế giới mới. Nhiều người cho rằng Bretxit là một minh chứng cho sự thất bại của toàn cầu hóa. Con thì thấy việc sáp nhập hay ra đi của một nước vào một liên minh hoặc tổ chức nào đó chẳng liên quan gì đến toàn cầu hóa cả. Nó chỉ cho thấy những trục trặc trong vận hành toàn cầu hóa mà người ta phải giải quyết. Người Anh chọn cách giải quyết bằng ra đi. Đó là một quyết định dựa trên QUYỀN CON NGƯỜI nên con tin nó đúng và sẽ đưa nước Anh lên một tầm mức mới. Đây cũng là một minh chứng cho quy luật hòa bình và giá trị của thượng tôn QUYỀN CON NGƯỜI đối với hòa bình. Nếu còn ở vào nửa đầu của thế kỷ XX, những mâu thuẫn giữa Anh và các nước Châu Âu mà đã dẫn đến Bretxit thì chúng sẽ dẫn đến chiến tranh đẫm máu như cách mà Châu Âu vẫn dùng trước khi Thế chiến II kết thúc. Hiện giờ người Anh đang thúc đẩy toàn cầu hóa còn mạnh hơn khi vẫn trong EU. Họ đang muốn tham gia vào kinh tế sâu rộng hơn với Đông Á, và cũng đang can dự quân sự cùng Mỹ vào Biển Đông. Mọi người sẽ thấy tới đây Anh sẽ tăng cường vai trò chính trị như thế nào ở khu vực này. Châu Âu có 2 cực: EU và Anh, đều là những sức mạnh thúc đẩy QUYỀN CON NGƯỜI.

Thế giới sẽ dân chủ thêm một mức nữa, mạnh hơn nhiều sau chuyển đổi bản lề thời đại mấy năm tới. Chắc chắn như vậy, nhưng mức độ tới đâu là tùy thuộc vào mức độ hành động của chúng ta – những công dân của thế giới toàn cầu hóa. Đừng để cả triệu người nhiễm, hàng trăm ngàn người đã chết vì Covid-19 uổng phí sức khỏe và tính mạng của mình. Con người nên bớt một ít sự quan tâm của mình dành cho giải trí thể thao, nghệ thuật để quan tâm hơn đến y bác sĩ, những người làm y tế, giáo dục, nhân quyền; bớt những hành động thường ngày của mình tác hại đến môi trường sống, làm biến đổi khí hậu và gây dịch bệnh; quan tâm bảo vệ sự thật. (…)

(https://tranfami.wordpress.com/…/thu-127a-phong-trao-bat-…/…)