22 juillet 2020

Mỹ: Sau tuyên bố chính sách mới ở Biển Đông, giờ là lúc hành động?


Hồng Phúc
 
TGVN. Giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng trên tất cả các mặt trận, từ cạnh tranh kinh tế, công nghệ và các vấn đề Hong Kong, Tân Cương cho đến sự đối đầu trên Biển Đông, Washington đã thông báo về chính sách mới của Mỹ về Biển Đông.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ tham gia cuộc tuần tra gần đây ở Biển Đông. (Nguồn: Hải quân Mỹ)


Được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm 13/7, chính sách mới về Biển Đông đã định vị lập trường của Mỹ về Biển Đông sát với phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc năm 2016, theo đó coi yêu sách "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp chiểu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tuyên bố chính sách lên án các hành động cưỡng ép của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á và cam kết ủng hộ bảo vệ các quyền trên biển của những nước này.


Khung chính sách mới rõ ràng hơn

Không phải tất cả tuyên bố này là mới. Washington đã liên tục tố cáo các yêu sách trên biển phi pháp và quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm "Đường 9 đoạn", và lên án việc Trung Quốc bắt nạt các quốc gia khác có yêu sách trên Biển Đông. Tuy nhiên, điều khác biệt là giọng điệu và thông điệp rõ ràng mà tuyên bố gửi tới Bắc Kinh cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực, đó là Mỹ sẽ tăng cường ngăn chặn các hành động cưỡng ép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoài ra, sự ủng hộ đối với các bên yêu sách để thực thi các quyền hợp pháp của họ trong các vùng đặc quyền kinh tế tương ứng đã mang đến màu sắc mới cho các hành động của Washington - cho thấy sự đáng tin cậy hơn là việc chỉ đơn thuần khẳng định bảo vệ tự do đi lại trong khu vực. Hai vấn đề này cần phải đi liền với nhau.

Với tuyên bố chính sách mới về Biển Đông, Mỹ đã tạo cho mình một khung chính sách mới rõ ràng hơn đối với các hoạt động nhằm ngăn chặn cái mà ông Pompeo cáo buộc là các nỗ lực nhằm thiết lập một “đế chế trên biển” của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ các quyền và sự tự do trong các vùng đặc quyền kinh tế tương ứng của các quốc gia ven biển Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đối với Mỹ, thách thức thật sự vẫn ở phía trước. Làm thế nào để Washington tiếp tục thực hiện chính sách có ngôn từ mạnh mẽ này mới là vấn đề quan trọng.

Lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, hai nhóm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz trở lại tuần tra chung ở Biển Đông ngày 17/7. Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ khẳng định cuộc tuần tra nằm trong khuôn khổ chiến dịch “ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Thông cáo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ chỉ rõ, hai đội tàu sân bay Mỹ có lực lượng hùng hậu gồm hơn 12.000 quân nhân và nhân viên, chở 120 máy bay thực hiện các bài tập phòng không chiến lược “để duy trì khả năng chuẩn bị và năng lực chiến đấu”.

Theo tạp chí National Interest, Hải quân Mỹ đang duy trì sự hiện diện hùng hậu trên Biển Đông bằng hành động trên. Mặc dù chiến dịch huấn luyện tích hợp “tay đôi” của 2 tàu sân bay đã được tiến hành trong khu vực trong một thời gian, nhưng việc tiếp tục hoạt động báo hiệu một nỗ lực mang tính quyết định để duy trì phô trương sức mạnh tác chiến giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung kéo dài. 

Cũng trong ngày 17/7, theo báo South China Morning Post, một máy bay trinh sát của quân đội Mỹ đã được phát hiện gần bờ biển phía Nam Trung Quốc lần thứ ba trong tuần này, cùng lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Hải quân Mỹ cho biết mục đích cuộc diễn tập là nâng cao khả năng sẵn sàng ứng chiến. Máy bay trinh sát E-8C của Không quân Mỹ được trang bị hệ thống radar, thông tin liên lạc và các thiết bị điều khiển chuyên dụng, được trông thấy ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, cách bờ biển khoảng 72 hải lý, theo Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách của Trung Quốc đặt trụ sở tại Đại học Bắc Kinh.

Tổ chức tư vấn này nói đây là lần thứ 3 trong tuần, máy bay trinh sát của Mỹ được phát hiện đang hoạt động tại đây. Giới phân tích cho biết máy bay trinh sát Mỹ có thể theo dõi hoạt động triển khai và những sự di chuyển của quân đội Trung Quốc dọc theo bờ biển.

Trong một động thái khác, theo tờ Nikkei Asian Review ngày 17/7, Mỹ cũng có kế hoạch triển khai đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông nằm trong một loạt các giải pháp nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Theo đó, hai đơn vị đặc biệt sẽ được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể ngay trong năm 2021, để hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ tác chiến điện tử và tác chiến mạng đến bắn hạ tên lửa. Ít nhất một đơn vị trong đó sẽ đóng quân quanh Biển Đông.


Cần tính toán cẩn thận và đáng tin cậy


Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.000 mét và một cảng quân sự quy mô lớn trên đá Chữ Thập. Có thông tin cho biết đảo Phú Lâm - một phần của quần đảo Hoàng Sa, nơi tập kết máy bay chiến đấu - được trang bị tên lửa đất đối không và đối hạm. Hoạt động tập trận hải quân cũng dần trở nên thường xuyên hơn trong khu vực. Bên cạnh lực lượng tại đảo Phú Lâm, Trung Quốc còn triển khai tên lửa có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên Biển Đông.

Để đối phó, Mỹ muốn tăng khả năng ngăn chặn Trung Quốc tấn công các lực lượng Mỹ trong trường hợp xung đột vũ trang nổ ra ở Biển Đông.

Chiến lược quốc phòng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên khái niệm “chống tiếp cận/chống xâm nhập-A2/AD”, kết hợp tên lửa và hệ thống radar để chống lại sự tự do di chuyển của kẻ thù và ngăn chặn việc tiếp cận lục địa Trung Quốc.

Một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ nói với Nikkei Asian Review: “Mỹ và những nước bạn bè phải hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại các hệ thống vũ khí này. Một trong những cách làm là sử dụng công nghệ để đánh lừa hệ thống tìm kiếm tên lửa hoặc những vũ khí khác được gắn trên vũ khí của Trung Quốc.

Bằng cách này, hệ thống nhận diện mục tiêu của Trung Quốc tưởng rằng đang nhắm tới một tàu sân bay hay tàu chiến Mỹ, nhưng thật ra đó chỉ là một vùng biển cách xa nửa dặm hoặc hơn. Điều này có thể thực hiện được. Đó là hệ thống đánh lừa”.

Nếu việc tiếp cận Biển Đông trở nên bất khả thi, quân đội Mỹ có kế hoạch đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa. Cựu Phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng về hưu Jack Keane, cho rằng chiến lược A2/AD của Trung Quốc mang lại cho Bắc Kinh lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, Washington phải đảm bảo “có sự răn đe hữu hiệu ở đó và tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ”, theo ông Keane.

Tất nhiên, Washington phải đảm bảo rằng các hành động của mình, trong khi được tính toán cẩn thận, cần phải đáng tin cậy, được kiểm soát và hợp pháp và tránh lôi các quốc gia nhỏ hơn vào giữa hai lực lượng hải quân khổng lồ. Lý tưởng nhất là sự hiện diện của Mỹ cần có sự phối hợp thường xuyên với các đồng minh và đối tác.

Cuối cùng, tính hợp pháp là yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với bất kỳ hành động nào của Mỹ ở Biển Đông và cách thức những hành động đó sẽ được các nước trong khu vực đón nhận và cảm nhận như thế nào.


20/07/2020