23 juillet 2020

THÁCH THỨC TỪ SỰ HỢP NHẤT CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VỚI CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG THẾ KỶ 21


Giới thiệu

   Đây là một phần trong cuốn sách “ 21 bài học cho thế kỷ 21” của nhà sử học YUVAL NAAH HARARI , người Do Thái , được nhà xuất bản Thế Giới xuất bản vào tháng 3 năm 2020 .

   Xuất phát từ góc nhìn của một nhà tương lai học , tác giả hình dung một số thách thức đối với loài người trong kỷ nguyên số ở thế kỷ 21 này .

   Xin giới thiệu để các bạn đọc cùng luận bàn. Theo lời nhà xuất bản ở trang đầu , các triết gia cứ việc luận bàn , dù thế giới sẽ vận hành theo quy luật riêng của nó .

Người giới thiệu :  Diệu – Vũ

SG 18/7/2020


***



    Từ khi công nghệ thông tin hợp nhất với công nghệ sinh học , nền tự do vốn  thống trị nền chính trị toàn cầu đang bị mất dần lòng tin .

     Trước đây hàng ngàn năm , chủ nghĩa toàn trị cho con người rất ít quyền chính trị , rất ít các cơ hội kinh tế , tự do cá nhân ;  hạn chế sự chuyển dịch của các cá nhân , ý tưởng và hàng hóa .

     Rồi các thể chế dân chủ đã thay thế những nền độc tài ; cho con người nhiều tự do hơn , chẳng hạn : bảo vệ quyền con người, quyền bầu cử , lập thị trường tự do , cho các cá nhân , ý tưởng , hàng hóa dễ dàng di chuyển khắp thế giới .

     Nhưng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 , người dân khắp thế giới đã mất lòng tin vào nền tự do . Ngay cả nhiều người trong giới tinh hoa cũng bị sốc và mất phương hướng .

     Hệ thống chính trị tự do được định hình trong thời đại công nghiệp , để quản lý thế giới các động cơ hơi nước , các nhà máy lọc dầu , các nhà máy sản xuất Tivi … thì nay nó đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với các cuộc cách mạng đang diễn ra trong công nghệ thông tin và công nghệ sinh học .

     Trong quá khứ , con người đã học được cách kiểm soát thế giới bên ngoài ( chẳng hạn xây đập , ngăn sông ) , nhưng lại kiểm soát được rất ít thế giới bên trong con người .

      Ngày nay cuộc cách mạng kép trong công nghệ thông tin và công nghệ sinh học có thể không chỉ tái cơ cấu các nền kinh tế và xã hội mà còn có thể tái cơ cấu chính cơ thể và tâm trí của con người .

      Các nhà khoa học đang nghiên cứu thiết kế các bộ não . Kết quả sẽ là không chỉ cho con người khả năng kiểm soát thế giới bên ngoài mà còn cho khả năng tái định hình và tái thiết kế sự sống .

      Ở thế kỷ 21 , ngoài hiểm họa chiến tranh hạt nhân , loài người còn đang phải đối mặt với 2 nan đề là sự sụp đổ hệ sinh tháisự đứt gãy do công nghệ gây ra

      Chủ nghĩa tự do theo truyền thống giải quyết các mâu thuẫn xã hội và chính trị bằng cách tăng trưởng kinh tế , với lập luận rằng làm cho chiếc bánh phình to ra thì ai cũng sẽ được hưởng miếng bánh lớn hơn .  Nhưng  tăng trưởng kinh tế không cứu được hệ sinh thái toàn cầu , cũng không giải quyết được sự đứt gãy do công nghệ gây ra .

      Con người có 2 loại năng lực : năng lực thể chất và năng lực nhận thức .   

      Trong quá khứ , máy móc cạnh tranh với con người chủ yếu ở năng lực thể chất thuần túy , trong khi đó con người vẫn giữ được lợi thế về nhận thức đối với máy móc . Giờ đây trí khôn nhân tạo ( Artificial IntelligenceAI đang bắt đầu vượt qua con người  ngày càng nhiều các kỹ năng nhận thức mà chỉ con người mới có , chẳng hạn kỹ năng học tập , phân tích , giao tiếp và trên hết là kỹ năng hiểu cảm xúc của con người .

       Chúng ta cần nhận ra một điều quan trọng là cuộc cách mạng trí khôn nhân tạo không chỉ là chuyện máy tính trở nên nhanh hơn , thông minh hơn mà nó còn được tiếp thêm năng lượng bằng những đột phá trong khoa học sự sống và khoa học xã hội .  Khi chúng ta ngày càng hiểu rõ về cơ chế sinh hóa cơ sở cho cảm xúc , đam mê và lựa chọn của con người thì máy móc càng có thể giỏi phân tích hành vi , dự báo quyết định và thay thế con người ( chẳng hạn thay thế tài xế , nhân viên ngân hàng …  )

Trong một số thập kỷ vừa qua , khoa học thần kinh và khoa học hành vi đã cho phép các nhà khoa học hiểu  cách con người đưa ra các quyết định . Sự lựa chọn của con người là kết quả của hàng tỉ nơ-ron thần kinh tính toán các khả năng có thể xảy ra , trong không đầy một giây đồng hồ . Trực quan của con người lại là việc “ nhận dạng mẫu “ . Điều này có nghĩa là AI có thể vượt qua con người ngay cả trong những việc vốn đòi hỏi trực giác .

         Điều làm nên sự khác biệt cốt lõi giữa AI và một người lao động ở chỗ AI sở hữu 2 khả năng là kết nối và nâng cấp . Con người là các cá thể khó kết nối và khó bảo đảm rằng tất cả đều được cập nhật . Trái lại , máy tính không phải là các cá thể và rất dễ  kết nối chúng thành 1 mạng lưới linh hoạt và đơn nhất . Những lợi ích của AI có thể tạo ra đối với xã hội loài người là cực lớn . Chẳng hạn các bác sĩ trí khôn nhân tạo có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt và rẻ cho hàng tỉ người .  Nhờ các thuật toán và các cảm biến sinh trắc học mà một người dân làng nghèo ở một quốc gia kém phát triển cũng có thể hưởng chăm sóc y tế qua điện thoại thông minh .  Các phương tiện tự hành có thể cung cấp dịch vụ giao thông tốt và giảm tỉ lệ người chết do tai nạn giao thông . Đó là những cái đáng làm nhằm bảo vệ con người , dù rằng một số người có thể bị mất việc , phải tìm việc khác .

   Những ngành nghề có những công việc đòi hỏi chuyên môn hóa trong một phạm vi hẹp , gồm các hoạt động lặp lại sẽ bị loại bằng tự động hóa . Nhưng trí khôn nhân tạo và Rô-bốt khó có thề loại bỏ hoàn toàn một số ngành nghề . Chẳng hạn ngành y tế . Những hoạt động xử lý thông tin , tiếp nhận dữ liệu y tế , phân tích , đưa ra chẩn đoán ; gồm các công việc ít lặp lại và phải sử dụng đồng thời một loạt các kỹ năng rộng , đối phó với các tình huống chưa lường trước . Đây có lẽ vẫn là địa hạt của con người trong một thời gian dài nữa .

     Cảm xúc của con người là kết quả của một quá trình sinh hóa chứ không phải là hiện tượng kỳ bí . Trong tương lai không xa , 1 thuật toán học – máy có thể phân tích các dữ liệu sinh trắc từ các máy cảm ứng lắp trên và trong cơ thể con người , phát hiện được kiểu tính cách và những trạng thái tâm lý thay đổi của con người .

      AI có thể cung cấp việc làm mới cho con người không ? Con người có thể tập trung vào việc phục vụ và nâng cấp AI , tạo ra những việc làm mới . Chẳng hạn máy bay không người lái loại bỏ phi công nhưng lại tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới , như bảo trì , điều khiển từ xa , phân tích dữ liệu và an ninh mạng  ( ví dụ 1 máy bay không người lái Predator của Mỹ cần 30 người vận hành ) .  Tuy nhiên những công việc mới đó đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao , dẫn đến lao động không có chuyên môn sẽ thất nghiệp . Vì vậy , sẽ xuất hiện một tầng lớp vô dụng đông đảo . Loài người sẽ phải gánh chịu hậu quả trong 2 vấn đề : Tỉ lệ thất nghiệp cao và thiếu lao động có chuyên môn cao .

      Như thế , cuộc cách mạng trí khôn nhân tạo sẽ tạo ra 1 dòng thác đứt gãy . Ngày nay càng ít người xác định làm một việc cả đời . Ý tưởng làm một ngành nghề trọn đời cũng đang trở thành cổ lỗ .

Thay đổi lúc nào cũng gây ra căng thẳng thần kinh . Tính bấp bênh của thị trường lao động ở thế kỷ 21 và tính bấp bênh của sự nghiệp cá nhân sẽ gia tăng . Một tầng lớp người trở thành vô dụng không chỉ vì thiếu việc làm hay thiếu sự giáo dục , mà còn vì thần kinh không đủ sức bền để vượt qua .

       Việc đoán trước lộ trình các tiến bộ có liên quan là rất khó . Chúng tùy thuộc vào các quyết định chính trị của các nhà chính trị , vào người tiêu dùng , vào truyền thống văn hóa và các đột phá thuần túy kỹ thuật . Thời gian chờ đợi đang cạn dần . Không thể chờ cuộc khủng hoảng bùng nổ hết mức mới tìm kiếm giải pháp .

        Để tạo việc làm mới , tinh thần khởi nghiệp phải kèm theo một cuộc cách mạng trong giáo dục và tâm lý . Công việc mới đòi hỏi trình độ chuyên môn cao . Con người sẽ phải liên tục học các kỹ năng mới và thay đổi nghề nghiệp . Các Chính phủ cần bao cấp cho lĩnh vực giáo dục suốt đời và trợ giúp cho các cá nhân và gia đình họ vượt qua được các giai đoạn chuyển tiếp nghề nghiệp.  Các Chính phủ ở Bắc Âu đã đi tiên phong những việc này , với phương châm “ Bảo vệ người lao động chứ không phải việc làm “ . Phần Lan , Canada , Hà Lan , Italia đã thử nghiệm mô hình trợ giúp

 “ Thu nhập cơ bản phổ quát “ ( Universal Basic Income – UBI ) .

Giáo dục ứng phó với thay đổi

    Ta nên dạy đứa trẻ điều gì để giúp chúng tồn tại và phát triển trong thế giới ở thế kỷ 21 ?

Chúng cần loại kỹ năng nào để kiếm được việc làm và tìm hướng đi trong mê cung của cuộc đời này ?


Con người chưa bao giờ đoán trước được tương lai một cách chính xác . Ngày nay lại càng khó . đoán . Khi công nghệ cho phép chúng ta điều chỉnh cơ thể , não bộ và tâm trí thì một số người có thể sống lâu hơn so với ngày nay ,  nhưng nhiều thứ học được hồi trẻ có thể trở thành vô dụng vào giữa thế kỷ 21 này .

    Khác với thế kỷ 20 , ở thế kỷ 21 chúng ta đang bị ngập trong một lượng thông tin khổng lồ, trong đó có cả thông tin sai sự thật . Người ta đang cần khả năng hiểu thông tin , khả năng biết được sự khác biệt giữa cái quan trọng và cái không quan trọng . Trên tất cả là cần khả năng tổng hợp nhiều mẩu thông tin thành một bức tranh lớn về thế giới . Trong nhiều thế kỷ đã qua , đây vẫn là lý tưởng của nền giáo dục tự do phương Tây .

      Các quyết định đưa ra trong vài thập kỷ tới sẽ định hình tương lai của sự sống và chúng ta chỉ có thể đưa ra các quyết định này dựa vào thế giới quan hiện tại của chúng ta . Nếu thế hệ này thiếu một quan điểm toàn diện về vũ trụ thì tương lai sự sống sẽ bị tùy tiện quyết định .

      Chúng ta còn không biết về thế giới và thị trường lao động vào năm 2050 sẽ ra sao nên chúng ta không thật sự biết cần những kỹ năng cụ thể nào . Vậy nên dạy trẻ những gì ?

      Nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng nên dạy 4 chữ C . Đó là : Critical thinking, Communication , Collaboration , Creativity , nghĩa là Tư duy phản biện , Giao tiếp , Hợp tác , Sáng tạo . Nên giảm bớt dạy các kỹ năng kỹ thuật và nhấn mạnh vào các kỹ năng sống đa mục đích . Quan trọng hơn cả là giáo dục khả năng ứng phó với thay đổi , khả năng học điều mới và cân bằng tâm lý trong các tình huống khác lạ . Để theo kịp thế giới vào giữa thế kỷ 21 , chúng ta không chỉ cần sáng tạo các ý tưởng mới , các sản phẩm mới mà trên hết ta cần tự đổi mới chính mình . Bởi khi tốc độ thay đổi tăng lên thì không chỉ nền kinh tế biến đổi  mà bản thân ý nghĩa của việc “ làm người “ cũng sẽ biến đổi .

     Từ rất lâu , cuộc đời của ta đã được phân chia thành 2 giai đoạn bổ sung cho nhau :  một giai đoạn học tập , tiếp theo là một giai đoạn làm việc . Trong giai đoạn đầu , ta tích lũy thông tin , phát triển kỹ năng , hình thành thế giới quan và xây dựng bản sắc . Trong giai đoạn sau , ta dựa vào các kỹ năng đã tích lũy để kiếm sống và đóng góp cho xã hội. Đến giữa thế kỷ 21 các thay đổi sẽ ngày càng nhanh , cách phân chia 2 giai đoạn của cuộc đời như vậy sẽ trở thành lổi thời . Cuộc sống có thể rời ra ở những mối nối . Lúc này “ Tôi là ai ?” sẽ là một câu hỏi bức thiết và cực kỳ phức tạp .

      Từ năm 50 tuổi trở đi , hầu hết mọi người thích sự ổn định và không muốn làm lại từ đầu . Nhưng ở giữa thế kỷ 21 , ta sẽ không trả nổi cái giá để giữ sự ổn định vì điều đó đem lai cho ta nguy cơ bị bỏ lại phía sau , trở thành cuộc đời vô dụng . Để tiếp tục là cuộc sống có giá trị , không chỉ vì mặt kinh tế mà hơn hết về mặt xã hội , ta cần khả năng liên tục học tập và làm mới mình , cần hết sức linh hoạt về tinh thần , cần từ bỏ một số điều đã biết , học làm quen với những điều chưa biết .

   Ghi chú :  Wikipedia giải thích  trí khôn nhân tạo ( AI ) như một ngành của khoa học máy tính , liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh . Đó là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc , không phải là trí thông minh tự nhiên do con người thể hiện.