02 mars 2015

Biểu tình: Có thể tổ chức mà không đợi phải có luật


Thảo Vy

 01-03-2015
H1Nhà nước Việt Nam đã cam kết gì?
Ngày 24-9-1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị.
Điều 2 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị, ghi: “Các Quốc gia thành viên ký kết Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được nhìn nhận trong Công ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.


Trong trường hợp những quyền được nhìn nhận trong Công ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp quốc gia, các Quốc gia thành viên ký kết Công ước cam kết sẽ ban hành các đạo luật theo thủ tục luật pháp quốc gia và theo các điều khoản của Công ước để các quyền này có hiệu lực”.
Như vậy, “các quyền tự do dân chủ của công dân” được nêu tại Nghị định quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP, và Thông tư 09/2005/TT-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng do Bộ Công an ban hành, cần được hiểu theo nội dung của Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị mà chính phủ Việt Nam đã ký cam kết thực hiện.
Tuy nhiên lâu nay cả hai văn bản pháp luật nói trên được ghi nhận là nhằm cản trở quyền tự do dân chủ, hơn là bảo vệ trật tự công cộng và bảo đảm việc thực thi dân chủ như mục đích mà nghị định hô hào. Đồng thời hai văn bản này cũng là công cụ mà chính quyền sử dụng để cáo buộc người dân vi phạm pháp luật khi xảy ra những vụ việc biểu tình.
Được quyền tụ tập để đưa kiến nghị
Theo Nghị định 38/2005/NĐ-CP, “tập trung đông người” (văn bản này không dùng từ “biểu tình”) phải được “xin phép” trước bảy ngày kèm theo đó là danh sách thành phần tham gia cũng như địa điểm tập trung, lộ trình đoàn biểu tình đi qua…
Hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo quy định của Nghị định số 38 và hướng dẫn tại Điều 4, Thông tư 09/2005/TT-BC là những trường hợp tổ chức tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị – xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Thời gian tiến hành các hoạt động đó chỉ được phép diễn ra trong khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Công khai trấn áp mà vẫn… đúng luật
Vẫn đang “lấn cấn” cụm từ “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân”.
“Quyền tự do dân chủ của người dân Việt Nam có tồn tại thực hay không, và tồn tại ở mức độ nào để có thể bị lợi dụng?”. Đây là điều mà cho đến nay chưa được cụ thể, ngoài những dòng quy định mang tính nguyên tắc ở Hiến pháp 2013.
Lưu ý rằng, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14, Hiến pháp 2013). Điều đó có nghĩa các quyền này bị giới hạn “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng”, mà không hề định lượng cần thiết ở mức nào, giới hạn ra sao; nghĩa là bỏ mặc cho quan chức hành xử tự đo lường.
Đơn cử, Hiến pháp 2013, Điều 25, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” (Điều 30.2)
Theo nguyên lý “logic học hình thức”, tất cả điều khoản “Mọi người có quyền…”, kèm theo mệnh đề “… theo pháp luật” đều được phép chuyển đổi thành: “Mọi người có quyền… do nhà nước quy định”, vô hình trung phủ nhận luôn chức năng hiến pháp sinh ra để chế tài nhà nước.
Điều này cũng tương tự như Điều 14, Hiến pháp 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Vậy giải thích thế nào về việc hầu hết lãnh đạo trung, cao cấp phải đảng viên? Liệu có chấp nhận bộ trưởng không phải đảng viên? Đó chính là nội hàm của khái niệm “không phân biệt đối xử”.
Phân tích nói trên cho thấy, mặc dù về nguyên tắc là đã có thể thực hiện một cuộc “tụ tập đông người” đúng theo quy định, tuy nhiên “quy định pháp luật” này lại được ban hành theo hướng nhằm để ngăn trở người dân “đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị – xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”.
© Thảo Vy

Nguồn : Đàn Chim Việt