TS Lê Đăng Doanh: “Đó là việc chẳng khác nào “giao trứng cho ác”. Tại sao cơ quan quản lý nhà nước mà lại ký hợp đồng để tự họ báo cáo về việc gây ô nhiễm tới đâu? Đó là việc hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những ai phải chịu trách nhiệm trong tất cả những việc vừa qua phải được làm cho rõ ràng và nếu có sai phạm tới mức hình sự thì phải khởi tố ngay để làm gương cho những trường hợp khác”
Trao đổi với PV Dân trí sáng nay 7/7, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đang hoàn tất việc kiểm tra, xử lý sau thanh tra đối với Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm trái quy định.
Formosa Hà Tĩnh được "ưu ái" cấp phép đầu tư tới 70 năm đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ là trái quy định của Luật Đầu tư.
Ông Ngô Văn Khánh khẳng định, sau khi kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng việc thực hiện các kết luận, kiến nghị đã được Thanh tra Chính phủ đưa ra trước đây, cơ quan này sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó sẽ có phần nội dung liên quan đến trách nhiệm trong việc cho Formosa thuê đất tới 70 năm, trái quy định của Luật Đầu tư.
“Tới đây chúng tôi sẽ nói rõ việc đó”- ông Khánh chia sẻ.
Hoan nghênh chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong việc làm rõ có hay không tiêu cực khi thẩm định, phê duyệt, quy hoạch dự án Formosa, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm của bất kỳ ai trong việc này”.
TS Doanh khẳng định, việc cấp phép đầu tư cho Formosa lên tới 70 năm trên một diện tích rất rộng lớn và nhạy cảm về an ninh - quốc phòng đã vượt ra khỏi khung quy định của Luật Đầu tư và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh không có quyền làm việc đó nhưng cuối cùng vẫn cứ làm.
Bên cạnh đó, TS Lê Đăng Doanh đánh giá việc cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng với Formosa và yêu cầu doanh nghiệp này hàng tháng gửi báo cáo về các chỉ số nước thải trong khu công nghiệp là việc không thể chấp nhận được.
“Đó là việc chẳng khác nào “giao trứng cho ác”. Tại sao cơ quan quản lý nhà nước mà lại ký hợp đồng để tự họ báo cáo về việc gây ô nhiễm tới đâu? Đó là việc hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những ai phải chịu trách nhiệm trong tất cả những việc vừa qua phải được làm cho rõ ràng và nếu có sai phạm tới mức hình sự thì phải khởi tố ngay để làm gương cho những trường hợp khác”- ông Doanh nêu quan điểm.
Cũng ủng hộ chỉ đạo cứng rắn của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng) bức xúc: “Luật Đầu tư chỉ quy định cho phép cấp 50 năm mà họ “nhắm mắt” cấp thêm 20 năm nữa thành 70 năm thì không thể chấp nhận được. Đất là của Tổ quốc, của Nhân dân chứ không phải của cơ quan, cá nhân nào cả. Chính vì thế phải xử lý nghiêm và công khai kết quả cho nhân dân được biết”.
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ ngày 1/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thanh tra, kiểm tra quá trình cấp phép cho Formosa sau khi doanh nghiệp này cúi đầu nhận trách nhiệm gây ô nhiễm nặng nề và hứa bồi thường 500 triệu USD cũng như thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả và không tái phạm.
“Phải xem trong quá trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch có tiêu cực hay không để xử lý nghiêm trước pháp luật” - Phó Thủ tướng nói.
Phản ánh với PV Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đề nghị phải làm cho ra nhẽ việc cho phép Formosa thuê đất đầu tư tới 70 năm thay vì 50 năm như quy định của Luật Đầu tư.
“Nếu không làm rõ trách nhiệm và xử lý tập thể, cá nhân có liên quan thì không tránh khỏi việc mọc ra những Formosa mới trong tương lai” - ông Thuyết nói.
Theo Kết luận thanh tra, việc chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ đã dẫn ra quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005 cho thấy thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm. Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ chưa thấy ý kiến của Chính phủ cho phép thời hạn hoạt động của dự án Formosa trên 50 năm.
“Đây là nội dung quan trọng, tác động tích cực đến hoạt động của dự án FDI, nhưng cũng là nội dung khá nhạy cảm đối với nhà đầu tư, địa điểm đầu tư (cảng biển khu vực liên quan đến quốc phòng và an ninh), cần phải được xác định rõ hơn để tạo sự đồng thuận, phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai dự án và quản lý hoạt động động dự án sau đầu tư”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh trong kết luận thanh tra được công bố vào đầu năm 2015.
Thế Kha
Nguồn : Theo Dân Trí