(GDVN) - Một khi dấn thân vào con đường xung
đột đối đầu, Trung Quốc sẽ không thể chắc chắn sẽ đi đâu và về đâu.
Gwynne Dyer, một nhà
báo độc lập ngày 7/7 bình luận trên tờ Bangkok Post: Một cuộc đối đầu có kiểm
soát nhằm thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc có thể nổ ra trên Biển Đông
với các nước đồng minh, đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á, có thể là lựa chọn của các
nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhằm đốt cháy niềm đam mê chủ nghĩa dân tộc cực đoan
trong nước và tạo ra sự ủng hộ cho bộ máy cầm quyền.
Cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan đang hiện diện tại Biển Đông trước ngày PCA ra phán quyết, hình minh họa: Wikipédia. |
Nhưng khơi mào xung
đột thì dễ, kiểm soát nó một cách cẩn trọng là vô cùng khó. Một khi dấn thân
vào con đường xung đột đối đầu, Trung Quốc sẽ không thể chắc chắn sẽ đi đâu và
về đâu.
Đằng sau những lời nói
đôi khi hiếu chiến từ Bắc Kinh, về cơ bản chính sách của Trung Quốc trong dài
hạn vẫn nên tránh đối đầu quân sự với các cường quốc khác.
Tuy nhiên hiện tại
tình hình đang thay đổi theo chiều hướng xấu. Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì
quyền lãnh đạo xã hội là dựa trên việc tăng trưởng kinh tế đều đặn trong gần 30
năm qua, với tốc độ bình quân từ 8% đến 10% mỗi năm.
Nhưng hiện tại Trung
Quốc thừa nhận rằng, tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm xuống còn 6%, thậm
chí trong tương lai chỉ còn 4%, một tỉ lệ khó tin. Một số nhà quan sát cho
rằng, nền kinh tế có thể không tăng trưởng trong suốt năm.
Nếu điều này xảy ra,
vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bị thách thức. Họ cần một
điểm nóng bên ngoài lãnh thổ để chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi sự thất
bại trong điều hành kinh tế. Biển Đông là lựa chọn làm nơi "chuyển
lửa" của Bắc Kinh.
Mỹ sẽ
không để Trung Quốc tự tung tự tác trước, trong và sau khi PCA ra phán quyết
Thứ Ba tuần tới, ngày
12/7 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết trong vụ Philippines kiện
Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS 1982) ở Biển Đông. Bắc
Kinh đang đổ thêm quân xuống Biển Đông trước ngày phán quyết.
Hải quân Trung Quốc đã
bắt đầu cuộc tập trận từ ngày 5/7 và dự kiến kéo dài đến 11/7 từ phía Đông đảo
Hải Nam đến khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Gwynne Dyer cho hay,
hiện tại một số chiến hạm Hoa Kỳ bao gồm cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan đang
hiện diện tại Biển Đông, vì vậy khi PCA ra phán quyết hủy đường lưỡi bò, có thể
có một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng.
Mỹ thì đang lo ngại
Trung Quốc có thể leo thang liều lĩnh ở Biển Đông bằng cách đơn phương tuyên bố
áp đặt vùng nhận diện phòng không như đã làm ở Hoa Đông năm 2013.
Còn theo Navy Times
ngày 6/7, các chiến hạm Hoa Kỳ đã lặng lẽ di chuyển sát bãi cạn Scarborough và
quần đảo Trường Sa trong những ngày gần đây.
2 tàu khu trục Stethem
Spruance và Momsen hai tuần qua đã tuần tra ở Scarborough và một số đảo nhân
tạo Trung Quốc bồi đắp bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Một quan chức giấu tên
nói rằng: "Chúng tôi
thường xuyên tuần tra trong vùng biển quốc tế phạm vi từ 14 đến 20 hải lý xung
quanh các thực thể này".
Khoảng cách là rất
quan trọng, vì nếu tuần tra trong 12 hải lý thì hải quân Mỹ bị bó hẹp trong
hoạt động tự do đi lại, thay vì tự do hoạt động như trong vùng biển quốc tế.
Tính đến Thứ Tư tuần
này, Mỹ đã điều 7 chiến hạm hiện diện ở Biển Đông, bao gồm tàu sân bay Ronald
Reagan, 2 tàu tuần dương, 4 tàu khu trục. Ngoài ra các tàu ngầm lớp Virginia
Mississipi cũng đang tuần tra ở phía Tây Thái Bình Dương.
Jerry Hendrix, một nhà
phân tích từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho hay, sự hiện diện này của các tàu
chiến Mỹ là nhằm bảo vệ Biển Đông trong thời điểm nhạy cảm, đồng thời cũng nằm
trong kế hoạch hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ ở Biển Đông.
"Tôi
dự đoán rằng, Trung Quốc có thể sẽ có những hành động mới sau khi PCA ra phán
quyết", Hendrix cho hay. Tuy nhiên, Mỹ không để
hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông bị ngắt quãng vì những động
thái này.
Quốc hội Mỹ đang rất
ủng hộ các hoạt động này của hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông. Hải quân Mỹ cũng
đang dẫn đầu trong các cuộc thảo luận chính sách về cách tiếp cận các yêu sách
của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ không
bao giờ chấp nhận đường lưỡi bò, cũng không có chuyện chia đôi Thái Bình Dương
với Trung Quốc
Đó là khẳng định của
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Daniel
Russel được The New York Times ngày 7/7 dẫn lời cho biết. Ông đã được phái tới
Đức để trao đổi với các nhà lãnh đạo nước này.
"Người
Trung Quốc thích nói rằng, Thái Bình Dương đủ lớn cho cả hai chúng ta. Điều đó
không có nghĩa là họ có thể vạch một đường ở giữa Thái Bình Dương và nói: Bạn ở
phía Đông, còn chúng tôi se kiểm soát tất cả mọi thứ về phía Tây, bao gồm đường
9 đoạn", ông Daniel Russel nói.
Trong khi Tổng thống
Barack Obama đã nhắn nhủ người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye tháng 10 năm
ngoái khi bà thăm nước Mỹ, rằng Seoul cần lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ
pháp luật và quy định quốc tế, thì một quan chức Bộ Ngoại giao, Robert Harris
đã được phái sang Lào để trao đổi về vụ kiện của Philippines. Lào là Chủ tịch
luân phiên ASEAN.
The New York Times lưu
ý, Trung Quốc tìm mọi cách biện minh cho đường 9 đoạn bằng cái gọi là
"bằng chứng lịch sử", bao gồm bản đổ có đường đứt đoạn xuất bản năm
1947, nhưng không có bất kỳ tọa độ hay căn cứ nào.
Nhưng nội dung
Philippines khởi kiện không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ hay phân định
biển, mà thuần túy là việc áp dụng và giải thích, vi phạm UNCLOS 1982 nhằm bác
bỏ đường lưỡi bò phi lý này.
Bilahari Kausikan, một
vị Đại sứ của Singapore được The New York Times dẫn lời nhận xét: Trung Quốc đã
phê chuẩn UNCLOS 1982, đây là cơ sở pháp lý cho Philippines kiện nước này áp
dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982.
"Vấn
đề quan trọng là các quy định của luật pháp quốc tế cần được tuân thủ đầy đủ.
Anh không thể chọn ra điều nào có lợi để tuân thủ, hoặc chỉ thực hiện nó khi
thuận tiện", Bilahari Kausikan
nói.
Còn theo nhà báo
Gwynne Dyer viết trên Bangkok Post: Đường 9 đoạn Trung Quốc đòi "chủ
quyền" với 90% diện tích Biển Đông trông rất lố bịch, liếm vào sát bờ biển
các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và
Philippines, có chỗ chỉ còn cách bờ chưa đầy 100 km.
Lập luận của Trung
Quốc để bảo vệ đường lưỡi bò là rất mong manh. Trong khi 3 năm qua nước này đã
leo thang quân sự hóa, xây đảo nhân tạo khổng lồ bất hợp pháp đang làm tăng
nguy cơ đối đầu trong khu vực.
Paul S. Reichler, luật
sư Philippines thuê tư vấn và đại diện tranh tụng cho mình trước Hội đồng Thẩm
phán 5 thành viên PCA thành lập thụ lý vụ kiện đã nhận xét, nếu Trung Quốc
không tuân thủ phán quyết, các nước sẽ xếp hàng chống lại họ.
Hồng
Thủy
Nguồn : Theo GDVN