14 juillet 2016

Một số phán quyết và lập luận của PCA


Vũ Quang Việt

 
(TBKTSG Online) - Tóm tắt nhanh một số điểm trong phán quyết của tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) công bố chiều nay 12-7-2016 về vụ Philipines kiện Trung Quốc liên quan tới "đường 9 đoạn" trên biển Đông.
 

Người dân Philippines bày tỏ sự vui mừng trước phán quyết của PCA. Ảnh Reuters


1. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) kết luận là chưa bao giờ có quốc gia nào thực thi độc quyền kiểm soát đối với các vùng nước trên Biển Đông. Như vậy "không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi chủ quyền với tài nguyên" trong vùng nước nằm trong đường 9 đoạn. 

2.  Các cấu trúc hiện đang tranh chấp trong toàn vùng “Spratly Islands” (Trường Sa) tự nó trong dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế cho nên chỉ có thể là đá (rocks) hay reefs (đá ngầm), không phải là đảo nên chỉ có 12 dặm chủ quyền, không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm hay thềm lục địa.

3. Các đảo ngầm như Scarborough không có 12 dặm chủ quyền, nó nằm trong EEZ của Philippines, nên thuộc chủ quyền Philippines. Việc Trung Quốc cấm Philippines  đánh cá là trái phép. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines. 

4. Xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

5. Ý nghĩa của phán quyết ở điểm 2 cho thấy là Việt Nam sẽ được toàn quyền hưởng EEZ tính từ bờ biển Việt Nam và không có chồng lấn với ai. Việt Nam hoàn toàn có quyền khai thác dầu hỏa ở khu Tư Chính mà Trung Quốc từng đem tàu ra dọa đuổi còn các nước khác thì sợ phải rút.

Quyết định này cũng có nghĩa là quyền lợi của các nước có đảo tranh chấp, nếu có chủ quyền chỉ được 12 dặm chung quanh, toàn bộ vùng còn lại thuộc biển quốc tế.

6. Phán quyết ở điểm 2 cũng cho thấy là đảo Itu Aba (tiếng Việt là đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa) là đảo có tranh chấp lớn nhất, không chỉ ở Trường Sa và Hoàng Sa. Như thế, qua phán quyết này, dù ai nắm chủ quyền ở Hoàng Sa thì chủ nhân cũng chỉ được 12 dặm chủ quyền vùng biển chung quanh, không có EEZ.

7. Phán quyết ở điểm 2 cho thấy những cấu trúc đang tranh chấp ở Biển Đông chỉ tạo ra 12 dặm chủ quyền biển ở chung quanh. Toàn vùng biển nằm ngoài là thuộc biển quốc tế.
 



Phỏng dịch tóm tắt phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực


1. Quyền lịch sử đối với đường 9 đoạn

Tòa cho rằng nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các vùng nước trong biển thì quyền lịch sử đó sẽ bị xóa nếu không phù hợp với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong Luật Biển Liên hiệp quốc. Tòa cũng nhận xét rằng, mặc dù những nhà du hành hay đánh cá Trung Quốc, hay của những quốc gia khác, đã từng sử dụng các đảo ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), không có bằng chứng gì Trung Quốc đã thực thi độc quyền kiểm soát đối với các vùng nước hoặc tài nguyên trong đó. Tòa kết luận là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đòi chủ quyền tài nguyên biển nằm trong đường 9 đoạn.

2. Tình trạng các cấu trúc

Trước tiên Tòa xem xét về tình trạng các cấu trúc trên biển, xem xét các cấu trúc mà Trung Quốc đòi chủ quyền, xem cái nào nổi trên mặt nước và cái nào chìm khi nước thủy triều lên. Cái nào nổi trên mặt nước khi thủy triều lên sẽ có chủ quyền 12 dặm biển, cái nào không nổi sẽ không có.

Tòa nhận xét rằng các cấu trúc đã bị thay đổi rất nhiều qua bồi đắp và xây dựng. Tòa lưu ý rằng việc đánh giá dựa trên xem xét các cấu trúc trong điều kiện tự nhiên, và dựa trên vật chất lịch sử để đánh giá. 

Sau đó, Tòa xem xét xem có cấu trúc nào mà Trung Quốc đòi chủ quyền có thể đưa đến chủ quyền vượt 12 dặm. Theo Luật Biển, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm và thềm lục địa, nhưng đá tự nó không thể nuôi dưỡng sự sống con người hay đời sống kinh tế không có EEZ hay thềm lục địa.

Tòa nhận xét rằng sự hiện diện hiện nay của quan chức trên các cấu trúc là lệ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài nên không phản ánh thực tế khả năng của các cấu trúc.

Tòa đã tìm ra rằng các bằng chứng lịch sử phù hợp hơn (để xem xét) và nhận thấy là Spratly Islands (tức Trường Sa) đã từng được các nhóm đánh cá nhỏ sử dụng và rằng việc sử dụng nhất thời không tạo nên sự sinh sống của một cộng đồng vững chắc ổn định và rằng tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ nhằm khai thác.

Vì thế, Tòa kết luận là không có một thực thể nào trên Spratly Islands (Trường Sa) có quyền tạo ra hải vực rộng lớn. Thấy rằng không có một cấu trúc nào mà Trung Quốc đòi chủ quyền có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Tòa kết luận rằng có thể - không cần vạch ra biên giới – một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bởi vì nó không chồng lấn với bất cứ sở hữu nào của Trung Quốc.

3. Tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc

Sau khi kết luận một số vùng thuộc EEZ của Philippines, Tòa thấy rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của họ khi (a) ngăn cản việc Philippines đánh cá và khai thác dầu hỏa, (b) xây các đảo nhân tạo, (c) không ngăn cấm người Trung Quốc đánh cá trên các vùng này.

4. Tổn hại đến môi trường biển

Tòa xem xét ảnh hưởng đến môi trường biển của các công trình xây dựng lớn mới đây nhằm bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo trong 7 nơi ở Spratly Islands (Trường Sa) và kết luận rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng đến môi trường đá ngầm san hô và vi phạm nghĩa vụ duy trì và bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh và nơi cư trú của các loài  sinh vật biển đang giảm, và bị đe dọa diệt chủng.