14 juillet 2016

Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bình luận nóng về phán quyết trọng tài Biển Đông


Hồng Thủy

(GDVN) - Khi bạn đặt bút ký gia nhập Công ước, có nghĩa là bạn phải mặc nhiên chấp nhận từ bỏ tất cả các "quyền lịch sử" trái với quy định của Công ước.


Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Chuck Hagel, ảnh: AP / BBC.

Ngày 13/7, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc bình luận nóng trên đài CNBC về phán quyết của Hội đồng Trọng tài do Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 để thụ lý vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Tòa).

 


Bắc Kinh đã mặc nhiên từ bỏ yêu sách "quyền lịch sử" khi đóng dấu phê chuẩn việc gia nhập UNCLOS 1982

Đó là nhận định của ông Chuck Hagel, bất chấp việc Trung Quốc khăng khăng nói rằng cái gọi là "quyền lịch sử" mà nước này yêu sách ở Biển Đông không mâu thuẫn với UNCLOS 1982.

Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng:

"Điều này được quy định rõ ràng trong UNCLOS 1982 và khi bạn đặt bút ký gia nhập Công ước, có nghĩa là bạn phải mặc nhiên chấp nhận từ bỏ tất cả các "quyền lịch sử" trái với quy định của Công ước.

Trung Quốc đã tự đặt mình vào thế phải chấp nhận điều này, một phần nội dung đã được Tòa ra phán quyết.

Tòa Trọng tài này là một trong các định chế pháp lý quan trọng nhất được xây dựng sau Chiến tranh Thế giới II với mục tiêu cố gắng mang lại trật tự dựa trên pháp luật cho nhân loại, vốn dĩ biến mất khi nổ ra 2 cuộc đại chiến thế giới.

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là chúng ta không chỉ cần tiếp tục duy trì, mà còn phải ủng hộ, hỗ trợ các định chế pháp lý quốc tế này (các tòa án quốc tế, tòa trọng tài quốc tế).

Phán quyết của Tòa thực sự mang lại cho tất cả các nước thuộc phần còn lại của thế giới một tư thế thượng phong và cô lập (lập trường, yêu sách vô lý của) Trung Quốc. 

Trung Quốc cần phải chú ý nhiều hơn đến cách nhìn của các quốc gia còn lại trên thế giới đối với mình sẽ như thế nào, điều này cực kỳ quan trọng." 

Phán quyết của Tòa không phải là dấu chấm kết thúc tranh chấp ở Biển Đông

Nguyên Bộ trường Quốc phòng Hoa Kỳ tin rằng, Washington không muốn nhìn thấy căng thẳng leo thang hơn nữa ở Biển Đông bởi bất kỳ bên nào.

Mỹ đang tìm cách duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cho tàu và máy bay của mình, bao gồm cả tàu và máy bay quân sự:

"Tự do hàng hải là tuyệt đối quan trọng. Khi một quốc gia bắt đầu đe dọa nó, dù với bất kỳ hình thức nào đi nữa, cũng là điều rất nghiêm trọng. Chúng tôi không muốn thấy một phản ứng cực đoan này.

Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với các đồng minh, đối tác và bạn bè của Mỹ trong khu vực rằng, tự do hàng hải hàng không (ở Biển Đông) là không thể thương lượng."

Ông đồng ý với ý kiến của luật sư Paul Reichler, người đại diện cho Philippines tranh tụng trong vụ kiện trọng tài rằng, các bên cần nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông sau phán quyết.

"Đây chắc chắn không phải là kết thúc của câu chuyện. Khi những ồn ào sau phán quyết lắng xuống, các bên cần thực sự xem lại những gì thực sự là lợi ích tốt nhất của mình.

Tất cả các bên sẽ đi đến kết luận rằng, những tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao, cho dù là đàm phán song phương hay đa phương."

Về phán quyết, luật sư Paul Reichler nhận định: "Philippines đã thành công trong thiết lập nguồn lực có thể tận dụng để được hưởng các quyền mà Liên Hợp Quốc đảm bảo".

Hồng Thủy
Nguồn: Theo GDVN