Ngày 07/04/2016, chính phủ do ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng đã được công bố, gồm năm phó thủ tướng, và 22 bộ trưởng. Nhìn chung đây là một chính phủ tầm thường, lỏng lẻo và mờ nhạt.
Khác với không khí có phần hừng hực của chính phủ nhiệm kỳ hai của ông Dũng với phó thủ tướng trẻ tuổi Vũ Đức Đam, với tư lệnh hăng máu như Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ và một nhân vật có lý lịch khá bí ẩn, đến bây giờ vẫ cò gây tò mò là Nguyễn Thiện Nhân. Lầ̀n này, không hề có một khuôn mặt nào. Có vẻ như chính những vị thượng thư mới của chế độ cũng chẳng hào hứng gì lắm. Nhưng cũng chính vẻ thờ ơ này tạo ra sự bí ẩn của chính phủ.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, theo từ điển mở Wikipedia, là út trong gia đình nghèo có 6 con, nên thường gọi là Bảy Phúc, (tiếng Tàu gọi là Thất Phúc, xin lỗi, tức là vô phúc, tiếng Anh thì còn tệ hơn...), lúc bé học trường làng, không nói đến lớp mấy. Bố tập kết ra Bắc từ năm 1954 theo Hiệp nghị Giơnevơ, sống với mẹ và các chị. Năm 1965, chị bị địch giết. Năm 1966, đến lượt Mẹ bị giết. Ông theo một người bạn của bố mẹ bí mật đưa ra Bắc vào khoảng đầu năm 1967. Tại miền Bắc, ông được hưởng chế độ học sinh miền Nam, được học văn hóa.
Năm 1973, ông theo học Đại học kinh tế quốc dân, không nói có tốt nghiệp không và cấp bậc học vị gì, chỉ nói tốt nghiệp năm 1978. Thông thường ở miền Bắc thời ấy, những học sinh quá tuổi (ông ra Bắc lúc 13 tuổi, không biết văn hóa tương đương lớp mấy) thường được học bổ túc công nông, tức là loại học thính, cốt cung cấp kiến thức tóm tắt và không qua thi từng cấp, có thể trong ba năm học hết chương trình phổ thông từ lớp ba đến hết lớp mười. Thời gian này đang có nhu cầu cấp bách cán bộ cho miền Nam sau giải phóng, nên có thể ông được ưu tiên điều động.
Ông được điều trở về Quảng Nam, và với lý lịch là cán bộ tập kết, ông thăng tiến thuận tiện, trôi chảy trong sự khan hiếm cán bộ vừa có đảng (tức là đảng viên cộng sản), vừa được đào tạo tại miền Bắc XHCN.
Từ năm 1997, ông lần lượt làm giám đốc sở du lịch, sở kế hoạch đầu tư, đến 2001, ông được bầu phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh.
Tháng ba năm 2006 được bổ nhiệm Phó tổng thanh tra chính phủ, vào TW đảng khoá X, tháng 6/2006 được điều động làm phó thường trực Văn phòng chính phủ. Tháng 8/2007, chính thức được Quốc hội phê chuẩn Chánh Văn phòng chính phủ, hàm bộ trưởng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Phòng chống Tham nhũng quốc gia.
Ngày 7/04/2016, ông được đảng phân công và tại phiên 11, Quốc hội 13 phê chuẩn chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, ông Phúc có một lý lịch chính trị gần giống với lý lịch chính trị của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Văn hóa chưa qua tiểu học, phần học lực còn lại là học lực được bồi dưỡng theo hệ không chính thống. Mồ côi, và gần như mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé. Đặc điểm này góp phần tạo nên tính cách tự chủ, tự quyết, độc lập trong suy nghĩ, nhưng cũng tạo ra khoảng trống của giáo dục các luân lý căn bản, quan điểm về nhân cách, thiếu một quy chiếu cơ bản về khuôn mẫu đạo đức, nhân sinh. Có thiên hướng tự do, phóng khoáng, không có tính thượng tôn và ràng buộc bởi các quy chuẩn khuôn vàng thước ngọc. Là loại nhân cách chưa được định hình, chưa cố kết và dễ thay đổi, khó khăn trong xác lập chân lý. Và cũng sẽ giống ông Dũng là mặc cảm trình độ, muốn có người tài giúp sức, nhưng lại không chịu được cảm giác phỉ báng khi bị phát hiện sự thấp kém, nông cạn của bản thân. Trong bộ máy của ông, đương nhiên không thể xuất hiện những gương mặt gây sửng sốt dư luận, những gương mặt khả dĩ xuất chúng, những ngôi sao. Chính phủ của ông sẽ chỉ là ánh trăng mờ mờ, sau khoảng sương mù.
Trong năm ông phó thủ tướng, ông Vũ Đức Đam, một thời được dư luận ấp ủ hy vọng, bây giờ vẫn giữ nguyên khu vực giáo dục, văn hoá thể thao, y tế và sự nghiệp xã hội, là khu vực được xếp thứ ba, không được vào bộ chính trị, có nghĩa là triển vọng mờ nhạt. Nếu chỉ sống theo nguyên tắc "im lặng ăn tiền", thì sự nghiệp chính trị cuả ông này coi như đã kết thúc, dù rằng, ông thừa năng lực để đảm nhiệm chức vụ, thay ônh Phúc.
Khu vực quan trọng thứ nhất, khu sản xuất và công nghiệp, được uỷ thác cho Trịnh Đình Dũng, kỹ sư xây dựng, thay chân ông Hoàng Trung Hải. Ông này không có gì đặc biệt, là người có tiếng thiếu quyết đoán, tín đồ của "chiến sách ném đá dò đường", việc gì cũng tung ra, cho đến khi dư luận bàn cãi chán, lắng xuống, ông mới quyết định. Như vậy, không sai, nhưng vai trò của ông chỉ là chữ ký. Khó mà có gì bộc phát hay bứt phá cho nền công nghiệp những năm tới. Nếu ông Hải một thời âm thầm như hoạt động bí mật, chắc ông này sẽ còn im ắng hơn.
Khu vực quan trọng thứ hai, khu kinh tế tài chính, được giao cho ông Vương Đình Huệ, nguyên trưởng ban kinh tế TW. Ông này được đánh giá là túi khôn, có kiến thức kinh tế, nhưng thiên về lý thuyết cơ bản, chưa có kinh nghiệm gì về quản trị và thực nghiệm. Không chắc có gì mới, hoặc nếu có sáng kiến thì cũng chưa chắc dám mạo hiểm. Phát kiến và mạo hiểm không phải con người của ông, ông có thể nhận ra cái sai, cái yếu của người khác, khi ông đứng ngoài. Nhưng đứng trong trận thì ông giống người bị tê liệt, liệt cả tay lẫn chân. Nền kinh tế tới đây sẽ tự nó vận động mà tiến tới, hay đứng đó, ông sẽ nhìn theo nó mà phụ họa, như người thuyết minh phim. Vậy thôi.
Khu Ngoại giao có thể là đất riêng của Phạm Bình Minh, nhưng vào bộ chính trị, uy tín của ông này sẽ chịu thử thách lớn. Không phải được đưa vào bộ chính trị là biểu hiện sự thành công, hay sự tin cậy, mà thực chất là con người ông sẽ bị buộc phải biến thành bản sao, mỗi ngày một giống, một đầy đủ hơn của bộ chính trị. Bộ chính trị sau sân khấu nhắc gì, ông sẽ nói đúng như vậy, chung chung, quyết tâm, dứt khoát, nhất định, làm bạn với tất cả, người tốt, xấu đều là bạn, kẻ thù và người giúp chống kẻ thù đều là bạn, bởi vì kẻ tù là bạn, thì kẻ thù của kẻ thù cũng là bạn... ai hiểu thế nào cũng được. Ông sẽ mất dần tiếng nói, và cũng sẽ trở nên mờ nhạt. Nếu ông từng có mối quan hệ nào đó, mang màu thiện cảm với ngài John Jerry, bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, thì chắc chắn nó sẽ mờ dần, và cũng sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa. Cái nhìn nảy lửa nổi tiếng của ông với Vương Nghị, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc sẽ trở thành một sai phạm phải được quên đi, màu mắt của ông với người anh lớn ấy sẽ xanh dần, xanh dần tới van lơn, thần phục.
Ngoại giao chủ đạo vẫn là thứ nhất chế độ, thứ nhì tăng trưởng, thứ ba mới là chủ quyền. Ông ở đâu, lúc nào rồi cũng chỉ nói như thế, nhạt và rỗng. Không còn cái khí phách cha ông nữa.
*
Nhưng dù hoàn toàn tẻ nhạt, chính phủ lần này cũng có điều khác biệt. Đó là việc vị trí phó thứ nhất, phó thường trực lại giành cho ông Trương Hoà Bình, nguyên trung tướng công an, nguyên Chánh án tòa án tối cao. Tốt nghiệp kỹ sư thuỷ lợi năm 1982, nhưng không một ngày hành nghề thuỷ lợi. Bắt đầu thăng tiến từ chức phó phòng PA17 cảnh sát điều tra, công an TP HCM năm 1985, học chuyên tu đại học công an 1990, lên cục phó cục an ninh 1991, năm 1997 giữ chức phó giám đốc công an thành phố HCM, rồi lên dần tới thiếu tướng, thứ trưởng bộ công an, năm 2006, sau đó được phong lên trung tướng 2007, và được bầu Chánh án Tòa án tối cao năm 2007.
Để một con người có lý lịch như vậy vào vị trí phó thủ tướng thứ nhất, người ta không hiểu được ý đồ của ông Nguyễn Xuân Phúc là gì. Không thể tin ông này phù hợp với nhu cầu bức thiết về cải cách thể chế, thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo phương châm tăng trưởng ổn định và bền vững, giải thoát khủng hoảng nợ xấu và thâm hụt ngân sách.
Nếu nhìn lên, khi ông Phan Đình Trạc được giao trưởng Ban nội chính TW nhưng không được bầu vào bộ chính trị, mặc dù không còn chịu áp lực như dưới thời ông Dũng, có thể cho thấy vai trò của Ban này đã giảm và không còn quan trọng nữa. Có vẻ ông Trọng đã bằng lòng với việc cùng lúc tiêu diệt cả ba trung tâm tham nhũng ghê gớm nhất là Thủ tướng Dũng, là Bí thư Lê Thanh Hải và cha con ông Đại tướng Phùng Quang Thanh, muốn giảm áp lực đang như một thanh gươm Damocles, treo lơ lửng trên đầu TW, gây chia rẽ và phân rã.
Có thể suy đoán rằng, Uỷ ban quốc gia về Phòng chống tham nhũng, kỳ này có thể sẽ được chuyển trọng tâm, trả về cho Chính phủ, và ông Trương Hoà Bình sẽ là người nắm thường trực Uỷ ban này, giống vai trò ông Phúc dưới thời ông Dũng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn là phó thủ tướng thường trực, đã đồng thời là thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, là người trực tiếp tổ chức thanh tra, chỉ đạo và nhận các báo cáo thanh tra tham nhũng. Ông lên Thủ tướng có thể nhờ những thành tích đạt được từ các hồ sơ chống tham nhũng của chính phủ, đáp ứng được quyết tâm của ông Trọng và bộ chính trị, đặc biệt là đóng góp của ông trong việc thuyết phục các thành viên còn lại trong bộ chính trị, sau đó là thuyết phục TW gạt bỏ Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, tất nhiên bằng những chứng cứ có độ đảm bảo không thể bác bỏ. Có thể, từ chính những hành vi này, mà dư luận đánh giá, chủ yếu được khuấy động bởi "chân dung quyền lực", rằng ông là "tên phản thày, bán chúa". Ông Trương Hoà Bình với thâm niên Chánh án sẽ nhân danh Pháp luật, trong sự hoàn thiện danh nghĩa về một chế độ Pháp quyền XHCN, giấu đi phần nào cái vi hiến lộ mặt của chế độ đảng trị.
*
Có một nhân vật đầy bí ẩn là tân uỷ viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình. Nhân vật này, trước đại hội 12 vẫn được cho là trùm mafia. Từ việc được xã hội đen phong soái tại Nga, từ những năm 1985-1986, khi còn là sinh viên Đại học tổng hợp Lômônôxốp, sau đó lại quay lại Nga với chức vụ giám đốc ngân hàng đầu tư quốc tế MIB, rất nổi tiếng trong giới soái người Việt tại khu vực Đông Âu thuộc phe XHCN cũ. Ít ai có thể ngờ rằng ông này sau khi về nước, lại nhanh chóng vào TW tháng 1/2011, rồi leo lên chức Thống đốc ngân hàng nhà nước, tháng 8/2011. Người ta đồn thổi những móc ngoặc ngầm giữa Nguyễn Văn Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong lúc tồn tại mâu thuẫn công khai giữa ông Dũng và cựu Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, dẫn tới việc Nguyễn Văn Giàu bị ông Dũng đẩy sang Quốc hội, nhường ghế thống đốc cho Nguyễn Văn Bình ngày 3/08/2011.
Sáu tháng sau, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nghị định này là cuộc tuyên chiến với những tay đầu sỏ kinh doanh vàng thuộc giới tài phiệt gốc Hoa tại Sài Gòn, vốn vẫn độc quyền thao túng giá cả vàng và dollar tại thị trường Việt Nam từ suốt 30 năm cho tới thời điểm đó. Bởi vì không được đúc theo mẫu quốc gia, hoặc không được chuyển đổi ra vàng do Ngân hàng nhà nước phát hành, vàng sẽ bị coi là hàng giả, hàng phi pháp. Náo loạn này giống như vụ đổi tiền năm 1978 vậy. Chạy và hối lộ bằng mọi giá các quan chức có quyền, dù vẫn là sở trường của giới tài phiệt gốc Hoa, nhưng do tính quyết liệt của chính sách, đã tạo ra một cuộc chiến giành giật quyền đút lót để thoát hiểm, khiến người ta biết rằng mọi ngả đường, mọi nguồn vàng ngoài lề đều đổ dồn vào chỗ ông Bình và phía sau ông Bình là Nguyễn Tấn Dũng.
Sau đó là vụ thu gom các ngân hàng thương mại và ngân hàng tư nhân. Mọi sự mua đi, bán lại, sáp nhập, hay giải thể, đều được trả bằng giá thoả thuận, thông qua những vụ thương lượng ngầm. Một loạt các ngân hàng biến mất, nhưng vượt lên tất cả, hệ thống ngân hàng Phương Nam của Trầm Bê, một ông trùm gốc Hoa, có nguồn gốc là tổ sòng bạc tại Campuchia, vẫn tồn tại như có phép thần. Theo một thư tố cáo cuả ông Trịnh Văn Lâu, nguyên uỷ viên TW, nguyên phó Ban kiểm Tra TW, viết rằng: "Trầm Bê từng nói, anh Ba Dũng sống là tôi sống, anh ba Dũng sổ mũi nhức đầu là tôi bệnh, tôi ho. Anh Ba còn thì tôi còn... anh Tư lo cho anh Ba làm tổng bí thư kỳ này, tôi xin đáp tạ xứng đáng...".
"Vào khoảng thời gian này, xuất hiện khá nhiều tin ngoài lề về việc Thống đốc Bình bị điều tra liên quan đến vài ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Phương Nam và một đại gia là ông Trầm Bê.
Gần hết năm 2015, gần như không thấy Nguyễn Văn Bình xuất hiện trên mặt công luận như ầm ĩ thường thấy. Chính vào lúc này, hai Hội nghị Trung ương 13 và 14 đã diễn ra với phần bất lợi nghiêng dần và rồi nghiêng hẳn về Thủ tướng Dũng.
Tiếp sau Hội nghị 14 và gần Đại hội XII, Thống đốc Bình bất chợt tái xuất hiện. Cùng lúc, nghe nói về một danh sách đề cử ủy viên mới cho Bộ Chính trị, trong đó có tên ông Bình".( nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng).
Và đúng như điều "nghe nói" ấy, tại Đại hội XII, cùng với sự kiện Thủ tướng Dũng chịu thất bại cay đắng là việc Nguyễn Văn Bình bất ngờ trở thành tân ủy viên Bộ Chính trị.
Trước đó có dự đoán rằng, sau khi ông Dũng bị loại, người thứ hai bị cho đi "tàu suốt" sẽ là ông Tư Liêm, Trần Quốc Liêm, em vợ ông Dũng, tổng cục phó tổng cục an ninh, sau đó sẽ là Nguyễn Văn Bình và Trầm Bê, rồi đến Tư Thắng, tức là Nguyễn Tất Thắng, em ruột ông Dũng.
Mọi cái đều xảy ra đúng như vậy, trừ trường hợp ông Nguyễn Văn Bình, không những không bị điều tra, mà lại leo ngược lên bộ chính trị.
Ông Bình có thể đã cung cấp cho ông Trọng hay bộ chính trị một bằng chứng tố cáo ông Dũng không? Và ngoài ông Dũng, chắc chắn sẽ sẽ có nhiều vị khác nữa? Rất nhiều phỏng đoán như vậy. Bởi vì thông thường, các trung tâm quyền lực, hay các tâm hút tham nhũng, đồng thời là nơi quy tụ các bằng chứng tham nhũng không thể chối cãi.
Nếu đúng thế, thì Bộ chính trị kỳ này, có ít nhất có 5 vị trí được đưa vào nhờ có công. Ông Trần Đại Quang, ông Tô Lâm, ông Ngô Xuân Lịch có công phát giác và dẹp yên vụ nhốn nháo Phùng Quang Thanh, ngay từ trứng nước. Ông Quang, ông Phúc, và ông Nguyễn Văn Bình có công tố cáo ông tội tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng, tạo ra sự trở cờ ngoạn mục của gần như 100% những cá nhân từng bỏ phiếu tín nhiệm ông Dũng tại Hội nghị TW 6, khiến ông Trọng ức phát khóc. Cả hai ông Dũng và Thanh đều bị gạt ra ngoài. Tránh cho chế độ một nguy cơ sụp đổ.
Như vậy, nếu vẫn như trước, rằng, chính phủ vẫn chỉ là công cụ của đảng, với một cựu Chánh án làm phó thường trực, bộ máy không có mũi nhọn, thì sẽ thấy, trọng tâm kỳ này, nhiệm kỳ này, chống tham nhũng, nhằm giữ vững chế độ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Những cái khác sẽ không có gì chậm đi, cũng sẽ không nhanh hơn. Một không khí ảm đạm.
Nhưng điều bí ẩn chưa được giải. Liệu cái chính phủ này có tồn tại được không?. Sự lỏng lẻo, không có diện mạo của cả équipe, trong bầu không khí sôi sục đòi thay đổi, người ta phải suy diễn rằng, nó sẽ sụp đổ, có khi rất nhanh chóng. Trước hết từ một ông thủ tướng tài năng mờ nhạt. Và nếu chỉ leo lên bằng việc "phản thày bán chúa" thì rồi khi mọi chuyện qua đi, nguội đi, nguy cơ không còn nữa, người ta rồi sẽ xử cái tội ấy, hoặc ít nhất thì khi chim và thỏ không còn, cung tên dùng được vào việc gì? Có dư luận ông Trọng sẽ ra đi trong khoảng 5 tháng nữa, như lời hứa trước Đại hội. Cùng với ông này là ông Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc. Các ông Tô Lâm, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Văn Bình rồi sẽ phải chung số phận, vì công với người này, là tội với người khác, nhất là chỉ có công với một chế độ đang không tránh khỏi sụp đổ, một chế độ đang cố vùng vẫy những năm tháng cuối cùng. Hãy để mắt tới Đinh Thế Huynh. Nếu lại sắp sửa khai mạc kỳ họp thứ XII Hội thảo Lý luận Trung Việt, trong khi dù đã ngồi trên ghế Thường vụ Ban bí thư, ông này vẫn chưa bàn giao cho ai chức chủ tịch Hội đồng lý luận TW. Kế độc từ trung tâm tội ác toàn cầu sẽ được truyền qua Hội thảo này. Kế có thể rất độc, rất phi nhân tính, như những kế mà Trần Bình từng giúp Lưu Bang đoạt Thiên hạ, nhưng mãi mãi bí ẩn. Nhưng dù thế nào, trước thực tế một cơ thể đã chết, không tội ác nào có thể đảo ngược.
Chim khôn chọn cành mà đậu, người khôn chọn xu thế mà thờ. Ông Trọng, có thể chỉ còn là cái xác không hồn. Bộ chính trị, không phải là một mình ông Trọng. Liệu các ông có cách gì ngăn cản dòng thác dân chủ đang tuôn chảy ào ào ngoài kia không? Hãy xuống đường mà nghe dân nói. Đừng nghe cái đám cử tri được tuyển chọn trước. Họ cũng chỉ là các ông, giống các ông. Phỉnh phờ các ông chỉ cốt để giữ sổ lương. Họ sẽ là những người bị mắt các ông cho đến chết. Triệu Cao đã làm như vậy, để diệt nhà Tần.
Thờ một xác chết, thì dẫu có tài, cũng
gọi là bất minh. Nên tìm đến với một kết hợp dân tộc mới có sự hoà giải,
có sự chia sẻ, không có hận thù. Và ở đấy tôn vinh con người tự do.
Paris
09/04/3016
Paris
09/04/3016
______
Đây là bẩn thảo mới nhất - Tác giả có sửa lại đoạn cuối cùng : "Thờ một xác chết....)
"