FORMOSA
Vụ ô nhiễm và cá chết hàng loạt ven biển miền Trung như làm cho cái nóng đầu mùa hè năm nay thêm dữ dội. Lòng người dân nóng bỏng khi thấy các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương vào cuộc chậm chạp và các thông tin về nguyên nhân sự cố thì cứ úp mở trì hoãn chậm công bố.
Cái gì phải đến đã đến, Chính phủ đã tổ chức họp báo chiều ngày 30/6 công bố nguyên nhân và thủ phạm gây nên thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung vừa qua là công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS).
Để cập nhật thông tin, sáng ngày 2/7, tôi đã đi khảo sát thực tế ở FHS và lắng nghe ý kiến của người dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nhà máy đã cho công nhân nghỉ làm việc 1 tuần, không tiếp khách, ngoài cổng chính rất nhiều công an và cảnh sát cơ động, đề phòng bạo loạn như đã từng xảy ra năm 2014.
Người bạn, cán bộ địa phương đưa tôi đến cổng nhà máy FHS. Nhờ đã hẹn trước, chúng tôi ngồi trên ô tô của đại úy cảnh sát trực tiếp lái đi vòng quanh khu vực nhà máy. Trên đường đi, phải qua nhiều cổng gác, kiểm soát rất nghiêm ngặt. Cơ sở hạ tầng ở đây đang được xây dựng ngoài nhà máy, là bệnh viện, trường học, đường xe lửa, cầu cảng rất bề thế.
Có thể nói chính quyền địa phương đã có bài học kinh nghiệm nên chủ động có các giải pháp ứng phó thích hợp, làm tốt công tác dân vận, và nhờ ý thức của người dân nên tình hình trong và ngoài khu vực của nhà máy vẫn ổn định.
Ngẫm suy, đối với thảm họa khủng khiếp về cá chết ở miền Trung, cái khôn khéo của chính trị là phải ở chỗ nắm được ý nguyện của dân và dương cao ngọn cờ "sự thật". Việc tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết ở miền Trung là FHS giải tỏa nhiều “ẩn khúc” gần 03 tháng qua. Từ chỗ bị động, lúng túng, phát ngôn không nhất quán đến lặng lẽ, chủ động phối hợp với các ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường để truy tìm nguyên nhân và thủ phạm là điều đáng được ghi nhận.
Ảnh chụp tại cổng vào khu vực nhà máy FHS sáng ngày 2/7
Về phía FHS, trong phần trình bầy nguyên nhân lẽ ra phải nêu đủ cả khách quan, chủ quan thì FHS chỉ nêu các nguyên nhân khách quan như do mất điện, rất lãng xẹt và buồn cười, không thuyết phục được các nhà khoa học.
Theo tôi hiểu, khi thiết kế hệ thống điện cho một nhà máy có tầm quan trọng như FHS thì luôn phải dự trù một hệ thống dự phòng khi có sự cố mất điện. Hệ thống này, thường là dàn máy diesel. Có nhiều cách để vận hành tùy theo nhu cầu như theo kiểu "tiết kiệm" bằng cách chờ bị mất điện rồi mới cho chạy hệ thống diesel để sản xuất điện thay cho hệ thống chính cung cấp thường xuyên. Như vậy, khi có sự cố thì sẽ phải chịu bị mất điện trong khoảng thời gian rất ngắn, để mở mạch chính và đóng mạch phụ nối với hệ thống dự phòng. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu, có thể thiết kế hai đường giây sẽ được dẫn đến để cung cấp điện song song cho nhà máy, nếu một đường bị sự cố thì có hệ thống tự động mở mạch này còn mạch kia thì vẫn tiếp tục cung cấp điện cho cả nhà máy.
FHS của Đài Loan còn cho rằng nguyên nhân sự cố do nhà thầu phụ sai lầm khi vận hành thử. Nguyên nhân này có thể đúng. Cần ‘vạch mặt chỉ tên” nhà thầu phụ là Trung Quốc với tác phong làm việc và tâm địa của họ, cũng có thể Formosa bị “qua mặt” thông qua các nhà thầu phụ này, và họ đã gây ra tai họa cho VN. Cần xem xét, đánh giá cụ thể, để nếu cần thiết có biện pháp cấm cửa nhà thầu phụ không cho đến Việt Nam.
Khu vực nhà máy FHS (Ảnh chụp sáng ngày 2/7)
Vấn đề được các nhà khoa học quan tâm là nguồn gốc tạo ra các độc tố trong chất thải của FHS. Ngoài ra, cần nói rõ hơn, mặc dù FHS đã thừa nhận là thủ phạm và những độc tố gây chết cá phenol và xyanua hấp phụ trên hệ keo sắt chứ không phải tạo phức với hydroxyt sắt như giải thích trong buổi họp báo của Chính phủ chiều ngày 30/6. Do tính chất hấp phụ thuận nghịch nên phenol và xyanua được giải phóng dần và gây độc tính làm chết cá trên đường di chuyển vv...
Chính quyền Hà Tĩnh đã tiến hành phát phiếu lấy ý kiến nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng với các câu hỏi cụ thể như kê khai tự đánh giá mức độ bị thiệt hại và nguyện vọng, kiến nghị đối với chính quyền? Tiếp xúc trực tiếp với một số người dân ở các phường Kỳ Long, Kỳ Liên, xã Kỳ Nam vv…người dân cho rằng, xưa kia Kỳ Anh là vùng đất rất nghèo khó, đất cát quanh năm chỉ làm 1 vụ lúa, và đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Nhờ có phát triển công nghiệp, đời sống người dân địa phương thay đổi rõ rệt, đặc biệt là dịch vụ phụ trợ.
Dân chúng mong muốn trước mắt là được hỗ trợ, và đền bù giúp dân có cuộc sống thực sự ổn định, có giải pháp kiểm tra nghiêm ngặt về chất thải ra môi trường của FHS để không tái diễn thảm họa như vừa qua. Người dân hiểu rằng cá tôm không chỉ đành đợi thời gian để “Mẹ thiên nhiên” tự chữa mà chính quyền và những người có trách nhiệm cần khẩn trương có các giải pháp làm sạch môi trường biển, chỉ rõ những vùng an toàn để dân được yên tâm ra khơi.
|