Toàn cảnh nhà máy giấy Lee & Man. Ảnh Trung Chánh |
(TBKTSG) - Một chuỗi nhà máy công nghiệp độc hại
đang hình thành dọc theo sông Hậu, trong đó đáng lưu ý hơn hết là Nhà máy
Giấy Lee & Man ở huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang và cụm các nhà máy
nhiệt điện than Duyên Hải ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, còn
có một nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc
Trăng.
Ngoài các khu công nghiệp chế biến, cơ khí dọc
sông từ An Giang ra đến cửa Định An và Tranh Đề, tại Cần Thơ còn manh nha một
dự án sân golf ở Cồn Ấu nằm giữa sông Hậu. Tất cả đều là những nguồn có
nguy cơ cao, gây ô nhiễm cực kỳ tệ hại cho nguồn nước cả vùng Tây Nam bộ,
cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người đang sinh sống, hàng chục ngàn
héc ta ao nuôi thủy sản, gần một triệu héc ta đất canh tác nông nghiệp và cả
một hệ sinh thái đất ngập nước rất mong manh, nhạy cảm với những thay đổi.
Nguy cơ từ cụm công
nghiệp giấy
Cụm công nghiệp giấy Lee & Man bao gồm hai nhà
máy sản xuất giấy bao bì và nhà máy bột giấy tẩy trắng (có công suất lần lượt
là 420.000 tấn giấy/năm và 330.000 tấn/năm), một nhà máy nhiệt điện đốt
than và các phế phẩm của nhà máy giấy có công suất phát điện 125 MW và một
nhà máy nước có công suất thiết kế 181.000 mét khối/ngày.
Tổng diện tích nhà máy là hơn 100 héc ta, công
trình này phải di dời 610 hộ với 2.711 người. Với công suất sản xuất giấy
như vậy, Nhà máy Giấy
Lee & Man sẽ lớn hơn 13,6 lần so với nhà máy
giấy lớn nhất Việt Nam hiện nay là Nhà máy Giấy Bãi Bằng (do Thụy Điển viện
trợ xây dựng) có công suất thiết kế là 55.000 tấn/năm.
Hệ sinh
thái, môi trường sống và nhu cầu xã hội không phải là cái mà bất cứ ai được
lấy ra để “thử nghiệm”!
|
Điều rất ngạc nhiên là một nhà máy lớn như vậy mà
không hề có một báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) nào liên quan
đến phát triển công nghiệp, còn báo cáo đánh giá tác động môi trường được
phê duyệt từ năm 2008, nhưng rất sơ sài ở khâu pháp lý và tham vấn cộng đồng.
Nhà máy giấy này cũng không có nguồn cung cấp
nguyên liệu làm giấy trong khu vực, chủ yếu là nhập dăm gỗ và giấy phế thải
từ nước ngoài. Sản xuất và tái chế giấy được đánh giá là ngành công nghiệp
có nguy cơ ô nhiễm cao. Nước thải từ dây chuyền vận hành chế tạo giấy chứa
rất nhiều độc chất do giấy phế liệu rất đa dạng về chất liệu, thể loại. Quá
trình làm mềm, loại bỏ lignin từ nguyên liệu cây gỗ, sàng rửa, tẩy trắng giấy
đã qua sử dụng sẽ có nhiều hóa chất độc hại khác nhau, gồm các hợp chất hữu
cơ dễ bay hơi (VOCs) như tecpen, rượu, phenol, methanol, acetone,
chloroform, methyl ethyl ketone; chất tẩy rửa và bề mặt; thuốc nhuộm và bột
màu; axít và dung dịch kiềm.
Nước thải từ xử lý giấy rất giàu các chất thiol,
sulfur dioxide (SO2), sulfite và mùi hôi thối hydrosulfuric (H2S). Nước thải
chứa chất tẩy trắng như hydrogen peroxide, chlorine dioxide và xút. Các chất
ô nhiễm khác bao gồm cao lanh, canxi cacbonat, talc và titan dioxide...
Ngoài ra, trong quá trình xử lý giấy tái chế, thường chỉ có khoảng 80% khối
lượng là giấy thu hồi được, còn lại 20% là khối lượng các sợi, nhựa, dây vải,
đinh ghim, kim kẹp... cũng như các chất bẩn từ thức ăn thừa thải ra.
Vị trí Nhà máy Giấy Lee & Man ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. |
Từ
hàng loạt nhà máy nhiệt điện
Dọc theo sông Hậu đã và
đang hình thành một loạt các nhà máy nhiệt điện: từ nhà máy nhiệt điện chạy
dầu ở Trà Nóc, thành phố Cần Thơ, đến nhà máy nhiệt điện chạy than của Lee
& Man; bốn nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải 1, 3, 3 mở rộng và 2 ở Trà
Vinh; nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng ở Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Tất cả các cụm nhà máy
nhiệt điện này sẽ thải ra một lượng khí thải khổng lồ như CO2, các nitơ
oxit (NOx), các vi hạt rắn lơ lửng (PM 10, PM 2.5) và khí sulfur dioxide
(SO2) cộng thêm khói bụi, tiếng ồn và các kim loại nặng bay hơi... đe dọa sức
khỏe của cộng đồng dân cư và góp phần đáng kể vào nguy cơ nóng lên toàn cầu,
gây hiện tượng biến đổi khí hậu.
Giám đốc Ngân hàng Thế
giới đã cảnh báo việc phát triển điện than sẽ là một thảm họa đối với hành
tinh của chúng ta, trong đó lưu ý bốn quốc gia là Ấn Độ, Trung Quốc,
Indonesia và Việt Nam, chiếm ba phần tư tổng các nhà máy điện than toàn thế
giới, sẽ phá hỏng thỏa ước Khí hậu Paris (COP21) nếu các nước này tiếp tục
xây dựng các nhà máy điện than. Việc phát triển các nhà máy điện than ở đồng
bằng sông Cửu Long sẽ bị đánh dấu như là các điểm đen cho các tại họa tàn
phá sức khỏe và môi trường khu vực.
Và
sân golf
Theo Trung tâm Phát triển
quỹ đất thành phố Cần Thơ, tập đoàn Vingroup sẽ thực hiện dự án xây dựng
sân Golf ở Cồn Ấu có diện tích 80 héc ta. Cồn Ấu là một cù lao nằm giữa
dòng sông Hậu, nằm ngay dưới chân cầu Cần Thơ. Vị trí dự án sân golf Cồn Ấu
chỉ cách Nhà máy Giấy Lee & Man khoảng 15 ki lô mét đường sông, gần
ngay đầu họng lấy nước của Nhà máy Cấp nước Cần Thơ.
Ở sân golf, sẽ có rất
nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm, thuốc trừ cây cỏ dại và phải rải rất
nhiều phân bón hóa học. Theo khảo sát trên nhiều sân golf khác nhau, các
nhà khoa học đã xác định để duy trì cỏ sân golf, khối lượng hóa chất sử dụng
sẽ vào khoảng 3-5 lần so với canh tác nông nghiệp. Các độc chất này sẽ theo
lượng nước tưới tiêu đi vào lòng đất và tràn xuống sông Hậu hòa lẫn với các
chất ô nhiễm khác. Nguy cơ hủy diệt hệ thủy sinh tự nhiên sẽ rất cao. Sân
golf Cồn Ấu cũng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và cũng chưa
được tham vấn ý kiến của các nhà khoa học và dân cư trong vùng nhưng đã được
chấp nhận đầu tư.
Ngoài các dự án kể trên,
dọc theo hai bờ dòng chính sông Hậu và các dòng nhánh kết nối với sông Hậu,
còn có nhiều nhà máy và khu công nghiệp nhỏ khác. Hiện nay chất lượng nước ở
các dòng nhỏ và một số thời điểm ở dòng chính đang bị suy giảm rõ nét, các
nhà máy và sân golf kể trên sẽ hủy diệt tiếp dòng chính.
Cần
biện pháp pháp lý và khoa học
Thảm họa môi trường có
thể ảnh hưởng kinh tế và xã hội cho cả vùng Tây Nam bộ. Các báo cáo đánh
giá tác động môi trường đều thiếu phần xem xét tổng hợp khả năng chịu tải của
dòng sông. Việc thanh tra các vấn đề bức xúc của dư luận là cần thiết. Tuy
nhiên tất cả các bước thực hiện thanh tra cần phải minh bạch trên các
phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả trang web của ngành chức năng.
Các thông tin cần làm rõ bao gồm công bố danh sách các nhà khoa học và quản
lý, phương pháp và quy trình khảo sát, đánh giá và đề xuất.
Ở đây, vấn đề không phải
là một hoạt động nhằm trấn an dư luận mà là một biện pháp pháp lý và khoa học
nhằm ngăn chặn một hiểm họa môi trường mà khó có bồi thường nào gọi là thỏa
đáng cả. Một số nhà quản lý có trả lời là cần phải cho nhà máy giấy chạy thử
nghiệm để đánh giá mức độ gây ô nhiễm để có biện pháp kiểm soát. Xin thưa
là hệ sinh thái, môi trường sống và nhu cầu xã hội không phải là cái mà bất
cứ ai được lấy ra để “thử nghiệm”!
(*)
Đại học Cần Thơ
Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon