"Để tránh những sự nghi ngờ không đáng có, ảnh
hưởng tới thanh danh, người xưa thường nhắc nhau chuyện rằng người quân tử khi
đi qua ruộng dưa thì chớ cúi xuống sửa giày. Ranh giới mong manh lắm, giữa
người quân tử và kẻ đạo chích trộm dưa. Cứ cho là mình trong sạch đi, nhưng để
chứng minh được rằng mình không ăn trộm với hành động cúi xuống rất đáng ngờ ấy
cũng chẳng đơn giản chút nào. Quả dưa vô hình còn làm phiền vậy, chính vì thế,
mọi sự giãi bày liên quan đến ô tô hữu hình biếu tặng đều khó được chấp nhận."
Vẫn biết,
nghi ngờ lòng tốt của con người là một cái tội. Phật dạy chúng sinh phải tin
vào thiện tâm. Chỉ có điều...
Xin nhớ, không ai cho không nhau cái gì. “Biếu”
từ cân đường hộp sữa đến chiếc xe sang, siêu sang, thì thứ thu lại, nhẹ nhất
cũng là lòng biết ơn của người nhận.
Người dân đóng thuế nộp vào ngân sách, nhà nước
dùng tiền ấy để mua sắm phương tiện sử dụng trong bộ máy nhà nước. Đồng tiền có
từ mồ hôi nước mắt đó chi cho hoạt động phục vụ nhân dân là quá hợp lý; đừng có
xa hoa lãng phí, thò thụt bỏ túi riêng là được.
Lâu nay, có một khoản chi khác được lấy từ nguồn
“xã hội hóa”. Nếu xã hội hóa đúng nghĩa, cả nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp
(hoặc cá nhân) đều có lợi. Tuy nhiên, phương châm xã hội hóa ít nhiều đã bị lợi
dụng. Đặc biệt dư luận cực lực phản đối việc mượn danh nghĩa xã hội hóa để hợp
pháp tình trạng biếu xén, mua chuộc, hối lộ. Khi doanh nghiệp bỏ tiền mua cái ô
tô biếu cơ quan nhà nước, nó cũng xót lắm, nhưng nó đã sẵn trong đầu ý thức
"thả con săn sắt, bắt con cá rô", nhằm đạt mục đích này nọ rồi. Nếu ừ
hữ chấp nhận sự "biếu xén" có nghĩa là công khai cho phép hối
lộ, làm chuyện xì xằng, không đàng hoàng.
Bàn về điều này cũng nên rành mạch những trường
hợp xã hội hóa đàng hoàng, chẳng hạn khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp, có
những doanh nghiệp A, B, C này nọ đứng ra, hoặc liên kết với nhau chi tiền tổ
chức sự kiện, chương trình… thay cho nhà nước, lấy sự phục vụ cộng đồng, phục
vụ nhân dân là chính. Ta vẫn gặp những sự xã hội hóa, đóng góp kiểu vậy, như
bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán, thi bắn pháo hoa ở Đà Nẵng hằng năm,
trang trí đường phố mỗi khi có lễ hội… Nhà nước tiết kiệm được ngân sách, nhân
dân được thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần, cuộc sống sinh sắc đẹp đẽ
hơn, bản thân doanh nghiệp cũng được phần lợi (quảng cáo tên tuổi, khuếch
trương danh tiếng, sản phẩm…). Đó là cách xã hội hóa đích thực, tất cả cùng có
lợi.
Tình trạng biếu xén núp dưới danh nghĩa giúp đỡ,
tài trợ, xã hội hóa thì khác. Cơ quan nhà nước hoặc ông này bà nọ có chức quyền
khi nhận “quà”, đương nhiên là mắc nợ, tự đặt mình vào tình trạng chịu ơn, há
miệng mắc quai. Ngậm càng đầy miệng càng lúng búng hột thị. Người xưa từng cảnh
báo "của biếu là của lo, của cho là của nợ", vậy mà hậu sinh quan
chức thời nay nhiều vị dường như chả lăn tăn gì, coi đó là thứ giáo điều cổ hủ.
Họ cho rằng mình có chức có quyền thì mình chẳng ngại gì sợ gì, nó không quỵ
lụy mình thì thôi, tại sao mình phải dè dặt với nó. Nên nó cho, cứ nhận.
Hồi vụ PMU-18 cũng um xùm quanh chiếc xe Toyota
Land Cruise trị giá gần 3 tỉ đồng được Tổng giám đốc PMU-18 Bùi Tiến Dũng cho
nhà cai trị quyền lực “mượn”, cuối cùng chả mấy ai biết kết quả xử lý thế nào.
Vừa rồi, ở vài tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình cũng
xôn xao vụ ủy này ủy nọ được doanh nghiệp “tự nguyện” tặng xe sang, siêu sang,
cũng ồn một dạo rồi đâu vào đấy. Dư luận xã hội nhìn vào, thừa hiểu những chiếc
xe đó là một dạng hối lộ cho cơ quan công quyền, nhưng cơ quan pháp luật và cấp
trên lại chỉ muốn trong nhà đóng cửa bảo nhau, kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Thế
nên, biếu xén này nọ vẫn xảy ra.
Để tránh những sự nghi ngờ không đáng có, ảnh
hưởng tới thanh danh, người xưa thường nhắc nhau chuyện rằng người quân tử khi
đi qua ruộng dưa thì chớ cúi xuống sửa giày. Ranh giới mong manh lắm, giữa
người quân tử và kẻ đạo chích trộm dưa. Cứ cho là mình trong sạch đi, nhưng để
chứng minh được rằng mình không ăn trộm với hành động cúi xuống rất đáng ngờ ấy
cũng chẳng đơn giản chút nào. Quả dưa vô hình còn làm phiền vậy, chính vì thế,
mọi sự giãi bày liên quan đến ô tô hữu hình biếu tặng đều khó được chấp nhận.
Ai đó giả dụ, nếu Nhà nước cho phép đơn vị, cá
nhân được "vô tư" biếu tặng các tổ chức, đoàn thể, cán bộ lãnh đạo
công quyền những của ngon vật lạ, đồ dùng này nọ thì nên ra hẳn thành luật. Và
như vậy, đương nhiên phải tạm thời dẹp bỏ công cuộc chống tham nhũng. Cả mục
đích xây dựng chính phủ liêm chính nữa, cũng nên dừng lại để khỏi "lãng
phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".
Chiếc ghế công quyền, dù cấp lớn cấp nhỏ đều chỉ
hợp với những người biết giữ mình liêm chính, trong sạch. Nhận cân đường hộp
sữa hoặc chiếc ô tô vài tỉ đồng cũng đều là tự gây khó cho hành sự công quyền.
Có nói mấy, thề mấy cũng chả ai tin là mình trong sạch.
Nguyễn Thông
Nguồn: Theo Một Thế Giới