Bà Bùi Thị Minh Hằng. Nguồn: FB Lê Văn Sơn |
Ngày 11.02.2017, bà Bùi Thị Minh Hằng, một người đấu tranh kiên cường cho tự do, dân chủ và quyền con người đã được tự do sau 3 năm tù giam. Ngày trở về của bà Hằng là một sự chiến thắng hết sức lớn lao không chỉ cho riêng cá nhân của bà mà cho cả công cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam. Sự chiến thắng của lý tưởng, niềm tin và lòng yêu nước đối với sự bắt bớ, giam cầm, nhu nhược khiếp sợ của nhà cầm quyền Hà Nội.
Theo dõi cuộc tiếp đón long trọng của người dân khi bà Hằng bước ra khỏi cổng trại giam cho ta thấy một bức tranh sáng láng, đầy hi vọng của dân chủ và tự do. Hàng trăm người từ khắp mọi nơi đến tận cổng trại giam Gia Trung, Gia Lai và tại Sài Gòn dang rộng vòng tay đón chào bà Hằng. Các hội đoàn, tổ chức xã hội dân sự hiện diện để chúc mừng và nghênh tiếp một người tù trở về.
Những giọt nước mắt của hạnh phúc, niềm vui, sự hi vọng được tỏ lộ một cách sinh động trên từng khuôn mặt của người tù trở về lẫn những người đón chào. Bắt bớ và giam cầm những người yêu nước, nhà cầm quyền Hà Nội được gì và mất gì? Có ngăn cản, trù dập, giam hãm được tinh thần yêu nước và lý tưởng cho một nền hòa bình, dân chủ, tự do thực sự của họ? Có lẽ là không, chắc chắn không.
Bà Bùi Thị Minh Hằng nói gì khi bước ra khỏi cổng trại giam sau ba năm tù? “Tôi vừa tốt nghiệp loại ưu trường đào tạo những người đấu tranh do nhà cầm quyền cộng sản tổ chức”. Ồ, hóa ra, với người đấu tranh coi chính nơi tù đày, đau khổ đó là nơi rèn rủa ý chí chiến đấu mãnh liệt hơn cho họ mà thôi.
Bắt giam và bỏ tù người yêu nước có ngăn chặn được hàng hàng lớp lớp những người khác tiếp bước trên con đường đấu tranh không vậy? Mục tiêu này của nhà cầm quyền Hà Nội lại thất bại. Mỗi khi có một ai đó bị bắt giam, hàng trăm ngàn người lên tiếng phản đối và tố cáo sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Hàng chục, hàng trăm người lên tiếng yêu cầu đi tù thay hoặc bắt giam họ.
Những năm gần đây, các tù nhân lương tâm trở về sau những năm tháng bị giam cầm được hân hoan đón chào như những người hùng dân tộc, người dân đã có cái nhìn rộng mở hơn, những câu hỏi được đặt ra sắc bén hơn: “Tại sao những người tù này lại được đón chào như một vị anh hùng vậy? Họ bị nhà nước nói là phản động cơ mà, tại sao họ lại hãnh diện, mạnh mẽ, kiên cường, can đảm hơn sau những năm tháng tù tội vậy?”.
Có người lại nói: “Đi tù về mà được đón chào long trọng thế này tôi cũng muốn làm ‘phản động’, cũng muốn đấu tranh, cũng muốn hòa cùng nhịp bước với họ”.
Rõ ràng, người dân nhận chân được thực tại xã hội ngày càng nhiều hơn, người dân biết và hiểu nhiều hơn về quyền con người, về tự do dân chủ. Từ biết, hiểu dẫn đến yêu và dấn thân đấu tranh thật là dễ dàng, nhẹ nhàng.
Nhận thức xã hội theo quá trình thời gian, từ những sự kiện, bối cảnh hiện tại cuộc sống nó tác động mạnh mẽ vào trí não con người. Qua đó từ thờ ơ, vô cảm họ dần được cảm thụ và hình thành nên lý tưởng, từ lý tưởng chuyển bước sang hành động sẽ nhanh chóng hơn qua những cú hích.
Những cuộc bắt bớ giam cầm người yêu nước, những trải nghiệm đau thương và sự can đảm, kiên cường trong lý tưởng, những cuộc trả tự do và được đón tiếp nồng hậu, long trọng và đầy tình yêu thương của xã hội đối với các tù nhân lương tâm nó cũng giống như những cú hích thúc đẩy con người và xã hội vậy.
Chúng ta tin rằng, những tù nhân lương tâm là một nét vẽ đẹp, điểm nhấn quan trọng trong bức tranh tổng thể của công cuộc đấu tranh cho một nền hòa bình, tự do, dân chủ, công chính, bác ái của đất nước Việt Nam