Trung
Quốc là quốc gia nhiều tham vọng; trong đó, tham vọng về mở rộng ảnh hưởng, mở
rộng địa bàn hoạt động, mở rộng cương vực sinh tồn, lãnh thổ, đất đai là một
trong những trục có tính xuyên suốt, nhất quán từ lịch sử tới hiện tại. Áp lực
dân số và “ước mơ Trung Hoa” – “ước mơ” trỗi dậy một cách nhanh chóng, trở
thành siêu cường có khả năng chi phối thế giới càng củng cố, thúc đẩy Trung
Quốc thực hiện chiến lược “lấn dần”, “chèn ép”, tranh đoạt đất đai, sông biển
của láng giềng, nhất là của các nước láng giềng nhỏ và yếu hơn.
1.
Ngược dòng sự kiện
Là
quốc gia thích “gây hấn”, thường xuyên “gây hấn” để đạt mục tiêu và mang lại
lợi ích một cách tối đa nhất; đồng thời, cũng là quốc gia từng lâu đời cọ sát,
đang tham gia giải quyết nhiều vấn đề trên chính trường quốc tế, Trung Quốc có
kinh nghiệm lão luyện chuẩn bị, chọn và thúc đẩy thời điểm quyết định hành
động. Có nhiều cách thức trong lựa chọn thời điểm bắt đầu của Trung Quốc, song
cách phổ biến, cổ truyền và cũng hữu hiệu nhất vẫn là lựa khi quốc gia - đối tượng trong
tình thế có những bất ổn nội bộ, gặp rắc rối hoặc có vị thế yếu trên trường
quốc tế. Đó là lúc “trong không ấm, ngoài không êm” và nếu quốc gia bị Trung
Quốc “nhòm ngó” có những quyết định đương đầu mạnh mẽ, dứt khoát, thì tác dụng,
hiệu quả cũng bị hạn chế đáng kể - trong điều kiện đó, Trung Quốc đã kịp thời
và nhanh chóng chớp lấy thời cơ thực hiện mục tiêu định sẵn.
Xâm
lấn, đánh chiếm lãnh thổ các nước láng giềng, Trung Quốc không chỉ tính toán
thời điểm hành động, mà còn tính toán kỹ càng mục tiêu hành động. Trung Quốc
luôn hướng tới những mục tiêu kép, có nghĩa là bỏ “vốn” ít, song làm sao “lãi”
lớn nhất – một hành động, nhiều mục đích, nhiều thông điệp.
Minh
chứng cho nhận định trên, có thể dẫn dụ những vụ việc điển hình trong lịch sử
Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Trước
tiên là sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974. Bối cảnh lúc
đó nhìn tổng thể như sau: Từ tháng 2-1972, quan hệ Trung – Mỹ được cải thiện
một bước đáng kể sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ R. Nicxon – một
chuyến thăm như R.Nicxon hoan hỉ nhận xét: "Đây là một tuần lễ làm thay
đổi thế giới"[1];
"hai nước chúng ta đã nắm tương lai của thế giới trong lòng bàn tay"[2].
Tháng 1-1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Mỹ rút
quân khỏi Việt Nam, theo đó, Hạm đội 7 rút khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau
khi Mỹ rút, Việt Nam Cộng hòa gặp phải những khó khăn về kinh tế, quân sự và
lúng túng trước những lục đục nội bộ, trước các phong trào phản chiến, trước
các phong trào đấu tranh chính trị; đồng thời, phải căng mình chống đỡ các cuộc
tiến công của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
Hiệp định Paris mở ra cơ hội thống nhất đất nước, miền Bắc Việt Nam dốc toàn
lực chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công “một ngày bằng 20 năm”. Cũng từ năm 1973,
Philippines tăng cường sự hiện diện ở khu vực Trường Sa, chính quyền Sài Gòn có
những động thái tích cực trong xác định chủ quyền và khai thác tài nguyên, nếu
không hành động, sau này việc chiếm đóng Hoàng Sa sẽ khó khăn thêm. Phân tích
tình hình, Trung Quốc nhận thấy đây là cơ hội tốt để thực hiện quyết tâm độc
chiếm quần đảo này. Đúng như Trung Quốc định liệu, khi hải chiến Hoàng Sa xảy
ra, vì đang cần tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với công cuộc giải phóng
miền Nam; đồng thời, bị trói buộc bởi “vòng kim cô” ý thức hệ, Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa không lên tiếng (chỉ có Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam ra tuyên bố). Vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc, không mấy
thiết tha với chính quyền Sài Gòn, hy vọng “sự kiện Hoàng Sa” trở thành “khúc
xương” trong quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản, Mỹ đã im lặng. Cuối cùng, chỉ
còn Việt Nam Cộng hòa lên tiếng phản đối và đề nghị các quốcgia đồng minh đưa
vấn đề Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, song
kết quả nhận được là hạn chế. Tiến hành cuộc đột kích đẫm máu, Trung Quốc không
chỉ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà còn mở rộng cương vực hoạt động,
khẳng định với các nước Đông Nam Á chiến lược hướng ra biển Đông với mục tiêu
bất biến là trở thành một đế chế biển rộng lớn.
Năm
1979, sau một thời gian dài chuẩn bị, Trung Quốc đưa 60 vạn quân cùng với gần
800 xe bọc thép, xe tăng, trọng pháo và máy bay các loại đồng loạt tấn
công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Vào thời điểm đó, tình hình kinh tế -
xã hội Việt Nam đang gặp những khó khăn to lớn: Năm 1979, tổng sản phẩm xã hội,
thu nhập quốc dân đều giảm[3];
thiếu lương thực gay gắt[4];
lạm phát diễn ra nghiêm trọng; thu chi ngân sách phải dựa vào vay và viện trợ
nước ngoài, lòng tin của nhân dân đối với chế độ giảm sút, tâm trạng xã hội
căng thẳng, nao núng. Cùng lúc, Việt Nam bị “sa lầy” tại Campuchia, vừa phải
đối đầu với tàn quân Polpot, vừa gánh đỡ đất nước Campuchia sau thảm họa diệt
chủng. “Vấn đề Campuchia” khiến Việt Nam cô đơn, lẻ loi hơn bao giờ hết trong
quan hệ đối ngoại. Các nước lên án Việt Nam “xâm lược”, rút quan hệ, bao vây,
cấm vận; thậm chínhững quốc gia trước đây là đồng minh, bạn bè cũng nhìn Việt
Nam với con mắt nghi ngại, lạnh nhạt. Trong tình hình bất lợi đối với Việt Nam,
Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược mà không cần nguyên do/nguyên cớ
(trong khi năm 1964, Mỹ phải viện sự kiện Vịnh Bắc Bộ mới có thể đưa quân vào
Việt Nam), tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”, viết nên “quyền” hành xử
bất chấp luật lệ. Sau khi rút quân (5-3-1979), tuyên bố không tham vọng dù
"chỉ một tấc đất của Việt Nam”, song trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm giữ
một số điểm cao có ưu thế quân sự, lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Tấn công Việt Nam,
Trung Quốc không chỉ muốn đất đai và răn đe, làm suy yếu Việt Nam, mà còn nhằm
nâng cao uy tín nước lớn, tuyên bốvới các quốc gia láng giềng, nhất là ở khu
vực Đông Nam Á về khả năng, quyết tâm ngăn chặn ảnh hưởng, tham vọng của Việt
Nam và Liên Xô. Trung Quốc còn sử dụng cuộc chiến tranh chống Việt Nam để giải
quyết một số vấn đề nội bộ, phục vụ cho việc Đặng Tiểu Bình củng cố quyền lực sau
khi trở lại “võ đài” chính trị chưa bao lâu.
Tháng
3-1988,
Trung Quốc có hành động quyết liệt hơn, gây ra cuộc hải chiến đẫm máu gần cụm
đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa) –“cuộc đụng độ hải quân trầm trọng nhất ở khu
vực Trường Sa kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai”[5],
khiến 3 tàu vận tải của Việt Nam bị bắn chìm, 20 người hy sinh và 74 người bị
mất tích. Đây là thời điểm được Trung Quốc tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, vì
Việt Nam vẫn chưa giải quyết dứt điểm “vấn đề Campuchia”, chưa thoát khỏi bao
vây, cô lập, chưa gia nhập ASEAN, trong khi đang phải bận tâm với những khó
khăn kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Việt Nam vừa tiến hành đổi mới (1986), các nhà
đầu tư nước ngoài có mặt ở Việt Nam còn ít ỏi; do vậy, khi xảy ra “tình huống
có vấn đề”, sẽ không đánh động đến nhiều quốc gia. Cuối thập niên 80 (XX), nội
bộ Trung Quốc diễn ra tranh chấp quyền lực giữa các phe phái, trong đó phái
quân sự và chủ trương làm mạnh ở biển Đông đang thắng thế; do vậy, ngoài mục
tiêu đặt chân lên quần đảo Trường Sa - điều mà Trung Quốc mơ đã từ lâu, đẩy
mạnh hoạt động xâm lấn trên biển Đông, Trung Quốc còn muốn giải quyết những mâu
thuẫn quyền lực trong nước; đồng thời, tuyên cáo “quyền sở hữu” đối với quần
đảo, chứng minh “thực lực” bảo vệ chủ quyền trên biển, mở rộng khu vực hoạt
động của tàu thuyền Hải quân Trung Quốc phủ khắp các đảo đá ngầm Việt Nam. Trung
Quốc còn đặt mục tiêu "cố tình khiêu khích Việt Nam vào một cuộc chiến để
xua đuổi các nhà đầu tư khỏi Việt Nam và ngăn cản mức tăng trưởng kinh tế cạnh
tranh của Việt Nam"[6].
Lưu ý thêm rằng, năm 1987 – một năm trước khi Trung Quốc gây ra hải chiến Hoàng
Sa, Việt Nam thông qua Luật
đầu tư nước ngoài –bộ luật được các nhà đầu tư
trên thế giới đón nhận và đánh giá là thông thoáng, có sức hấp dẫn. Qua một
thời gian thực hiện, đã thu hút được tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào một
số ngành và vùng kinh tế, đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ- điều
đó cũng đồng thời báo trước khả năng chuyển dòng của dòng vốn đầu tư vào Trung
Quốc chảy đến một đất nước Việt Nam đang đổi mới và cởi mở hơn.
2- Câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981
Ngày
2-5-2004, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-
981) vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt
Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý
(221km) và cách phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam khoảng 18 hải lý. Trung Quốc liều lĩnh tiến thêm một bước trong việc
hiện thực hóa đường lưỡi bò cũng như chiến lược khai thác dầu khí, ngày càng
coi thường dư luận và luật pháp quốc tế, phô trương sức mạnh trên biển Đông.
Hành động ngang ngược này của Trung Quốc diễn ra không lâu sau chuyến công du
đến châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama – chuyến thăm có mục đích tái khẳng
định chính sách xoay trục an ninh và nhấn mạnh bảo đảm cam kết với các đồng
minh trước sự hung hăng, lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực này; tuy nhiên,
trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Việt Nam không phải là điểm đến. Do vậy,
Trung Quốc tính rằng khi Trung Quốc hành động, Mỹ sẽ không có phản ứng quyết
liệt.
Xung
quanh việc đối đầu Nga – Mỹở Ukraine, Nga ra sức tranh thủ sự ủng hộ của Trung
Quốc. Kết quả là suốt tiến trình sự kiện, Bắc Kinh có thái độ khá trung dung và
đã “tặng” V.Putin một tấm phiếu trắng trong cuộc họp của Đại hội đồng Bảo an
Liên Hợp Quốc thông qua Nghị
quyết về Crimea (15-3-2014). Trong điều kiện Mỹ và các nước
phương Tây gia tăng lệnh cấm vận trừng phạt đối với Nga, hợp tác với Trung Quốc
sẽ là một cứu cánh quan trọng, còn Trung Quốc cũng từ đó mà thu hái nhiều quyền
lợi. “Mắc nợ”, đang đặt nhiều hy vọng và rất có thể sẽ xích lại gần Trung Quốc
hơn nữa, liên kết kiềm chế Mỹ, chắc chắn, khi Trung Quốc “hành sự” ở biển Đông,
nước Nga sẽ không lên tiếng hoặc nếu có lên tiếng thì cũng ở mức độ cầm chừng.
Một điều không kém quan trọng là cách thức, mức độ phản ứng của Mỹ trước
"cú đòn phủ đầu hung hăng" của V. Putin ở Crimea càng củng cố ảo vọng
của Trung Quốc tại biển Đông với tính toán tái lập một kịch bản tương tự.
Quan
hệ của Việt Nam với các nước ASEAN – theo như các tuyên bố, thì khá chặt chẽ;
tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại. Những lần Trung Quốc chèn ép Việt
Nam trên biển Đông, thái độ của các nước ASEAN là thờ ơ và thiếu tương trợ. Các
nước ASEAN đã không lên tiếng phản đối trước những sự kiện Trung Quốc giam cầm
ngư dân Việt Nam đánh cá tại khu vực Hoàng Sa, gây áp lực lên tập đoàn dầu khí
Ấn Độ ONGC Videsh để họ rút khỏi Lô 127 và 128, phá hoại thiết bị địa chấn
các tàu khảo sát Việt Nam....Do có những lợi ích khác nhau đối với Trung Quốc
và biển Đông, nên quan điểm, lập trường các nước ASEAN đối với tranh chấp tại
khu vực này là không thống nhất, có phần chia rẽ[7].
Liên kết lỏng lẻo giữa các nước Đông Nam Á khiến Trung Quốc yên tâm và bình
thản với “thẻ bài” HD- 981, biết trước rằng sẽ không có những hành động thực tế
mạnh mẽ từ ASEAN.
Trung
Quốc trái phép đưa giàn khoan HD -981 vào thềm lục địa Việt Nam đúng lúc
Nhà nước Việt Nam đang rầm rộ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng
có phần đóng góp của Trung Quốc. Trong dịp này, các đoàn viếng thăm Trung -
Việt qua lại thường xuyên hơn, trên các báo chí và các diễn đàn chính thống
Việt Nam đăng tải không ít những bài báo, bài phát biểu ca ngợi Trung Quốc, ca
ngợi “tình hữu nghị Việt – Trung”. Những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt,
song trong các giới hạn nhất định, lại có tác dụng hạn chế phản ứng của Việt
Nam. Sau những cái bắt tay hữu hảo, sau những lời ca tụng, xướng vinh nồng
thắm, Việt Nam có thể sẽ khó mở lời hơn khi phản đối, chần chừ khi phản kháng.
Ở
thời điểm hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại do tình
hình kinh tế - xã hội sa sút, khủng hoảng, các cuộc khiếu kiện của người dân
mất đất nổ ra ở nhiều nơi, tệ nạn tham nhũng trầm trọng, một bộ phận nhân dân
thờ ơ với Nhà nước… Sự thiếu quyết đoán, nhân nhượng của chính quyền trước các
tham vọng lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc trong nhiều năm qua vô
hình trung trở thành yếu tố củng cố thêm quyết tâm hành động của Trung Quốc.
Tháng
11-2013, Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa
XVIII), nỗ lực cải cách theo chiều sâu, nhằm đưa Trung Quốc bước vào một khởi
đầu mới trong quá trình phát triển – quá trình hoàn thiện và phát triển chủ nghĩa xã hội
mang đặc sắc Trung Quốc, thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”[8]
phục hưng dân tộc. Về xã
hội, để trấn an dư luận, Đảng cộng sản Trung Quốc nới
lỏng chính sách một con, giảm án tử hình, xóa bỏ chế độ “lao cải”[9],
tăng cường giám sát và kỷ luật đối với bộ máy chính trị, năng cao năng lực bộ
máy hành chính công, nghiêm trị tham nhũng… Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính trị, vẫn chưa nhìn thấy
những thay đổi mong đợi,
nhằm hiện đại hóa đời sống
chính trị một cách mạnh mẽ; do vậy, Trung Quốc vẫn đang phải
đối diện với một cuộc “khủng hoảng tín nhiệm xã hội”[10].Theo
thống kê của các nhà xã hội học Trung Quốc, mỗi ngày tại đất nước này “diễn ra
khoảng 500 các vụ bạo loạn, phản kháng tập thể và đình công, tăng
gấp bốn lần so với một thập kỷ trước”[11]. Dù
chính quyền đã buộc phải nhượng bộ một số cuộc biểu tình - tranh chấp đất đai ở
làng Ô Khảm (Quảng Đông), những cuộc đấu tranh liên quan đến môi trường ở Đại
Liên (Liêu Ninh), Thập Phương (Tứ Xuyên) và Khải Đông
(Giang Tô)…, song tình hình vẫn tiếp tục nóng lên từng ngày. Sự kiện Tân Cương,
Tây Tạng, những vụ nổ bom, cuộc đấu đá phe cánh, nội bộ gay gắt từng ngày dù
“con hổ Chu Vĩnh Khang”[12]
đang đứng trước đoạn đầu đài, “vết thương” Thiên An Môn 25 năm chưa trám miệng…
phản ánh mâu thuẫn, bất ổn và bất lực của hệ thống chính trị. Khi bạo lực của
chính quyền không thể chống đỡ được khủng hoảng, “những người lãnh đạo thế hệ
thứ năm của Trung Quốc bắt đầu lo lắng cho tương lai của Đảng cộng sản”[13].
Để giải quyết những lo lắng đó, trong điều kiện thay đổi cán cân quyền lực giữa
Đảng cộng sản và xã hội Trung Quốc diễn ra “theo chiều hướng Đảng mất dần sự
tín nhiệm và quyền kiểm soát, còn xã hội thì đang tích thêm sinh lực và sự tự
tin”[14],
lãnh đạo Trung Quốc hướng sự chú ý trong nước ra bên ngoài, đánh lạc hướng dư
luận, tìm đến “giải pháp biển Đông”, nhằm tạo ra một đợt thủy triều dâng cao
của chủ nghĩa dân tộc được sử dụng như một chất kết dính xã hội.Không phải ngẫu
nhiên mà thời gian gần đây, trên các báo, tạp chí Trung Quốc như Nghiên
cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, tạp chí Quốc phòng, báo
Giải phóng quân, Nhân dân Nhật báo… đăng tải số lượng lớn các bài viết về
chủ đề biển Đông. Các tít cổ xúy tinh thần dân tộc và kích động cực đoan được
giật theo cách châm ngòi lửa: "Các quốc gia xung quanh khai thác các nguồn dầu lửa ở
Nam Sa của chúng ta như thế nào?"; “Kẻ nào đang xâm lược các vùng biển của chúng ta?”;
“Trung Quốc không cho
phép chà đạp lên chủ quyền lãnh thổ của mình!”;
“Trung Quốc không thể
để mất một tấc đất thiêng”.... Nhiều bài báo
chĩa mũi nhọn vào Việt Nam, mô tả Việt Nam như một đối thủ hiếu chiến “đang
thèm khát lãnh hải”, “cố gắng cướp đoạt toàn bộ tài nguyên của Trung Quốc bằng
sức mạnh” (?!).Mới đây, truyền hình Nhà nước Trung Quốc đã phát sóng
một bộ phim tài liệu dài tám tập ca ngợi lực lượng tuần duyên và
ngư chính trong việc bảo vệ “chủ quyền và tài nguyên của Trung Quốc”
trên biển Đông. Cảnh tàu Việt Nam “ngăn cản” tàu thăm dò của Trung Quốc
một cách “điên cuồng” đã gây một ấn tượng mạnh. Bộ phim cũng tung hô lòng
dũng cảm của Hải quân Trung Quốc khi mô tả “sự đối đầu không nao núng” và cuộc
chiến đấu oanh liệt với đội tàu có vũ trang lớn hơn gấp nhiều lần của
Việt Nam. Bằng cớ mới nhất là ngày 6-7-2014, khi sự kiện giàn khoan HD
-981 đang ở vào điểm nóng rẫy, truyền hình Trung ương Trung Quốc đã bước
tới đỉnh cao của sự man trá bằng một màn diễn gay cấn và lâm ly: Việt Nam câu
kết với Mỹ, ASEAN, hung hăng gây hấn, tấn công tàu Trung Quốc, chiếm biển,
trong khi Trung Quốc “nỗ lực” kêu gọi đàm phán song không được đáp từ (?!). Báo
chí Trung Quốc tiếp tục đẩy chiến dịch “hâm nóng” tinh thần Đại Hán tiến thêm
một bước dài bằng những tin, bài, phóng sự lật ngược sự kiện và khét lẹt mùi
khói súng[15].
Màn “ảo thuật” truyền thông quả thực đã phát huy tác dụng – một bộ phận người
dân Trung Quốc (nhất là khu vực dân trí thấp) đã tin vào những gì mà Nhà nước
toàn trị bày ra trước mắt họ, nhồi nhét vào đầu óc họ. Bằng cách đó,Trung Quốc
xoay chủ nghĩa dân tộc về phía biển Đông như là một phương thức để tái khẳng
định vị thế, làm dịu dòng nham thạch phun trào từ “núi lửa phản kháng và hàn
gắn rạn nứt xã hội. Rất có thể, giàn khoan HD- 981 là khởi đầu của cao trào đó.
Ngoài
việc chọn thời điểm để đạt mục tiêu một cách an toàn và thuận lợi nhất, đưa
giàn khoan HD -981 vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc còn muốn một chuyển
tải một vài thông điệp quốc tế quan trọng.
Sau
khi Tổng thống Barack Obama đặt chân đến Manila, ngày 28-4-2014, Mỹ và
Philippines đã ký kết một Thỏa
thuận quân
sự (trong 10 năm) cho phép Mỹ tiếp cận với các căn cứ
của Philippines, thúc đẩy an ninh khu vực. Điểm đặc biệt là sau khi ký kết,Thỏa thuận sẽ được Chính phủ
Philippines ban hành với tư cách là một văn kiện hành pháp, cho phép có hiệu
lực ngay, mà không cần phải thông qua thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội. Trong bối
cảnh tranh chấp lãnh hải ở biển Đông đang hết sức căng thẳng, Thỏa thuận này là bước quan
trọng trong chiến lược “xoay trục” qua châu Á của Washington,
biến Philippines trở thành một trụ cột quan trọng tại Đông Nam Á, tạo điều
kiện cho Mỹ tăng cường sự hiện diện và tham gia vào các vấn đề của an ninh khu
vực. Điều đó cũng nói lên rằng, trong các tranh chấp, đụng độ ở biển Đông,
Trung Quốc sẽ không chỉ phải đối mặt với khả năng bị cô lập lớn hơn, mà còn phải
tính toán đến những phản ứng quyết liệt của các quốc gia tranh chấp khi có Mỹ
đứng đằng sau lưng. Do vậy, “sự kiện giàn khoan HD -981” còn mang đậm động cơ
chính trị, một mặt,
nhắn nhủ, đe dọa các nước có tranh chấp, vướng mắc với Trung Quốc ở biển Đông
(đặc biệt là Philippinesvà Việt Nam) không ngả sang và thắt chặt quan hệ với
Mỹ; mặt khác,
thử phản ứng của Barack Obama, thách thức chiến lược xoay trục của Washington.
Cần nói thêm rằng, sau cuộc lỗi hẹn tháng 10-2013, ngày 23-4-2014, Tổng
thống Barack Obama đến châu Á và liên minh Mỹ - Nhật tiếp tục được củng cố bằng
những cam kết ủng hộ đất nước "Mặt trời mọc" trong tranh chấp
quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Dựa vào những cam
kết đó, Nhật Bản hoàn toàn có thể định ra và thực hiện những đối sách cứng rắn
chống lại các sức ép từ Trung Quốc đối với vấn đề Senkaku/Điếu Ngư trong
khi đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ, nhằm “bảo vệ các vùng chung toàn cầu”, hạn chế
“chiến lược cơ bắp” và ngăn chặn, phá vỡ “chuỗi ngọc trai”[16]
của Bắc Kinh. Từ trong lịch sử cho đến hiện tại, Nhật Bản luôn là “cái gai”
trong mắt Trung Quốc, là nỗi hổ thẹn muốn quên xen lẫn uất hận canh cánh bên
lòng Trung Hoa Thiên triều[17].
Với sức mạnh kinh tế, quân sự và quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật Bản không chỉ
cạnh tranh trực diện với Trung Quốc, mà bắt đầu có chính sách kiềm chế, hạ thấp
ảnh hưởng của Trung Quốc từ xa - trong khu vực Đông Nam Á và ở châu Phi[18].
Với ngần đó “oán thù” Trung – Nhật, “nắn gân”, thách thức “kẻ đứng sau” đất
nước hoa Anh đào là điều cần thiết lúc này. Ngoài ra, Trung Quốc đủ thông minh
để nhận thấy là theo lý thuyết “trung tâm – ngoại vi”, chiến lược trọng tâm của
Mỹ là ở châu Âu – nơi được mệnh danh là “trái táo bất hòa” giữa hai cường quốc
Nga - Mỹ trước đây và cả hiện tại. Đặc biệt, “thùng thuốc súng” Ukraine” và
nguy cơ “lật cánh” trật tự địa – chính trị châu Âu càng khiến Mỹ khó lòng buông
lỏng khu vực này; và như thế, chiến lược “xoay trục” có thể chỉ là một kết nối
mang tính biểu tượng hơn là hiện thực – đó chính là điều mà Trung Quốc mong và
chờ đợi.
Quan
hệ Trung Quốc - Ấn Độ vốn là mối quan hệ rắc rối, phức tạp, “rất mong manh, rất dễ tổn thương và rất khó hàn gắn”, phủ
bóng bởi cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 và tà áo choàng Đức Đạt lai Lạt ma
Tây Tạng. Những thập kỷ gần đây, Trung - Ấn có một số va chạm trên biển và Ấn
Độ có thái độ cũng như phản ứng khá kiên quyết trước những lấn lướt của Trung
Quốc. Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực có biên giới biển,
với một số đối thủ của Trung Quốc (đặc biệt là một số quốc gia Đông Nam Á và
Nhật Bản), gia tăng sức mạnh, kiềm chế Bắc Kinh. Việc công ty dầu khí Ấn Độ OLV
ký kết với Việt Nam dự án thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128- nơi mà Trung
Quốc cho rằng “nằm bên trong hải giới truyền thống” của mình, khiến Trung
Quốc không chỉ thấy bất an, mà còn coi đó như một sự thách thức. Khai thác hai
lô 127, 128 là cách thức Ấn Độ can dự gián tiếp vào cuộc tranh cãi trên biển
Đông và ngầm phản đối thái độ bá quyền của Trung Quốc. Nếu Ấn Độ khai thác dầu
khí thành công có nghĩa là Việt Nam không chỉ có thêm đồng minh trong xung đột,
đối đầu trên biển Đông, mà còn ấn định chủ quyền tại vùng tranh chấp, khi việc
khai thác tài nguyên diễn ra êm thấm là một hình thức xác định cũng như khẳng
định chủ quyền trên vùng biển đó. “Con bài” giàn khoan HD- 981 của Trung Quốc
chính là một động thái gây áp lực và răn đe Ấn Độ. Nếu Việt Nam thất bại trong
việc “đuổi” giàn khoan HD- 981, chắc chắc Trung Quốc sẽ bước tiếp, sẽ có những
hành động hung hăng hơn, những yêu sách quyết liệt hơn, để các quốc gia đối tác
của Việt Nam, nhất là Ấn Độ, phải rút khỏi biển Đông, nhường không gian tài
nguyên mầu mỡ này cho Trung Quốc độc chiếm. Lúc đó, Việt Nam đã khó lại còn khó
khăn hơn, trở nên yếu thế và đơn thương độc mã trước những đòi hỏi chủ quyền
phi lý của một Trung Quốc ngược ngạo vùng vẫy trong “cơn khát” tài nguyên.
3- Thấy gì từ lịch sử và hiện tại?
Qua
khảo cứu, phân tích những vụ việc điển hình xảy ra trong quá trình Trung Quốc
thực hiện chiến lược xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, có thể thấy
ngay rằng, đó là chiến lược nhất quán, ăn sâu vào máu thịt, vào não trạng của
những thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Nó giống như một căn bệnh mãn tính, không thể
chữa trị mang tên “bành trướng”, “bá quyền” âm ỉ trong cơ thể Trung Quốc. Chiến
lược ấy của Trung Quốc được tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng, nhằm nuốt dần đất
đai, sông biển Việt Nam. Chiến lược ấy cũng còn nhằm bào mòn sức mạnh nội ngoại
lực, hút dần dinh dưỡng, làm cho Việt Nam rối loạn, yếu dần và chia rẽ. Một dân
tộc chia rẽ là một dân tộc yếu – đó là nguyên lý. Từ yếu đến đớn hèn chỉ còn
một bước ngắn. Khi đã đớn hèn khó tránh khỏi hòa tan.
Có
lịch sử lâu đời 5.000 năm, tự hào là trung tâm văn minh Đông Á không ai sánh
kịp, song điều đáng sợ là ở chỗ, những nhà lãnh đạo Trung Quốc lại đem niềm kiêu
hãnh ấy nuôi giấc mộng khôi phục “địa vị ưu việt” bằng những phương thức cực
đoan, quá khích, nhằm xóa đi cái quá khứ một “thế kỷ nhục nhã” bạc nhược, tổn
thương, u tối và mất tự chủ.
Lịch
sử đã vô tình, trớ trêu, thậm chí khắc nghiệt đặt dải đất hình chữ S bên cạnh
một người láng giềng phương Bắc to lớn, rắc rối và tham vọng. Láng giềng không
thể chọn lựa, Trung Quốc luôn tồn tại ở đó, bất trắc, khó lường, nguy hiểm. “Sự
kiện giàn khoan HD- 981” là câu trả lời đầy đủ nhất, trung thực nhất, rõ ràng
nhất về “phương châm 16 chữ vàng”, “tinh thần bốn tốt” và áp lực “Hán hóa” –
một câu chuyện có thật, thường trực và chưa có hồi kết thúc.
Hiện
diện ở biển Đông bằng vũ lực, trong “cơn mê sảng” quyền lực, trong “cơn thèm
khát” lãnh hải, Trung Quốc đang bước tới sai lầmkhó gỡ, đang hủy hoại lòng tin,
uy tín quốc tế và sự tôn trọng của các quốc gia xung quanh. Hành xử hung hăng
theo kiểu côn đồ trên biển Đông, Trung Quốc không những khiến các đối thủ của
mình sợ hãi, trái lại, hiện ra như một quốc gia đầy hiểm họa, ưa thích ức
hiếp,tôn sùng các nguyên tắc ứng xử thời trung cổ, viết nên luật lệ của riêng
mình trong một thế giới khi mọi quốc gia đang nỗ lực đi về phía văn minh.
Trung
Quốc đang chơi một trò chơi nguy hiểm, đang biến “giấc mơ Trung Hoa” thành “cơn
ác mộng Trung Hoa”. Có thể, nếu các quốc gia liên quan không có những hành động
quyết liệt, không gom tụ lại, Trung Quốc sẽ thắng thế. Nhưng dù có thắng thế,
dù có trỗi dậy, dù “giấc mơ Trung Hoa” có sớm thành hiện thực, song trong mắt
nhân loại, trong mắt những quốc gia tử tế, trong thứ bậc thế giới, Trung Quốc
mãi mãi chỉ là quốc gia dưới ngưỡng văn minh
[1]Marvin
Kalb- Barnard Karbl: Đột
phá khẩu Trung Quốc, Hội nghị cấp cao 1972,
Tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979, tr. 67.
[2]Sđd,
tr. 68.
[3]Trong
kế hoạch 1976 - 1980, bình quân một năm tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng 1,4 %,
thu nhập quốc dân tăng 0,4 % (kế hoạch là 13-14%). Kết thúc kế hoạch 5 năm
(1980), tất cả 15 chỉ tiêu chủ yếu đều không đạt, thậm chí một số sản phẩm công
nghiệp và nông nghiệp quan trọng bình quân đầu người không giữ được mức của năm
1976. Hiệu quả của nền kinh tế rất thấp, tốc độ tăng không tương xứng với mức
đầu tư xây dựng cơ bản; giá trị tài sản cố định tăng chỉ bằng 46,8 % tổng mức
đầu tư xây dựng cơ bản; hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở vật chất thấp,
chỉ huy động được trên dưới 50 % công suất.
[4]Năm
1980, Nhà nước phải nhập 1,576 triệu tấn lương thực. Ngân sách thiếu hụt lớn,
giá cả tăng hàng năm 20%, nhập khẩu nhiều gấp 4-5 lần xuất khẩu.
[5]Quần đảo Trường Sa: Liệu có còn thích hợp khi tranh
cãi về vấn đề chủ quyền, Viện nghiên cứu
khoa học pháp lý quốc tế, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.5.
[6]Valencia.M.J,
Vandyke.J.M, Ludwig.N.A: Chia
sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa, Bản dịch, Lưu tại
Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.70.
[7]Lào,
Thái Lan và Myanmar không có lợi ích trực tiếp ở biển Đông; Campuchia có quan
hệ kinh tế - chính trị gắn bó với Trung Quốc; Malaysia, Brunei tuy có yêu sách,
không bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp trên biển, có quan hệ gần gũi với Trung
Quốc; Singapore và Indonesia đứng trung lập.
[8]Ngày
8-4-213, nội hàm “giấc mơ Trung Hoa”
được Tập Cận Bình giải thích rõ trong phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao
(BFA) như sau: Vào giữa thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội
chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến, hòa hợp
và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa sẽ thành
hiện thực.
[9]Hệ
thống trại cải tạo lao động ra đời từ năm 1957 để giam giữ những người phạm các
tội danh không nghiêm trọng như trộm cắp, gây rối trật tự, mại dâm, sử dụng ma
túy, giam giữ những người bất đồng chính kiến. Hệ thống này này tồn tại nhiều
điều bất hợp lý nguy hiểm như chính quyền địa phương và công an có quyền ra
lệnh giam giữ mà không cần ra tòa xét xử. Tuy nhiên, người ta cũng cho
rằng,giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục sử dụng hệ thống lao cải với
tên gọi khác, hoặc thậm chí không cần đặt tên cho hệ thống này.
[10]“Khủng
hoảng tín nhiệm xã hội” có nghĩa là “chính quyền của dân” không nhận được sự
tín nhiệm của người dân, trên thực tế người dân không còn coi chính quyền là
người đại diện cho mình. Nói cách khác, đối với một bộ phận quần chúng nhân
dân, chính quyền không còn đồng hành với họ, không thể hiện được ý chí của họ.
Một cuộc khủng hoảng tín nhiệm xã hội sẽ gây ra sự nhiễu loạn về tư tưởng, gây
mất niềm tin của dân chúng vào hệ tư tưởng hiện hành của xã hội.
[11]Minxin
Pei: China’s Troubled
Bourbons, Project Syndicate, 31-10-2012.
[12]Ngày
22-1-2013, trong buổi nói chuyện tại Ủy ban kỷ luật Trung ương Đảng, Tập Cận
Bình đã nói đến chuyện “bắt hổ, diệt ruồi” và theo một logic có tính truyền
thống, người ta liên tưởng tới chống tham nhũng tại Trung Quốc chủ yếu là “diệt
ruồi”, còn “đánh hổ” thường mang dáng dấp của cuộc xâu xé quyền lực thượng
tầng. Vụ Bạc Lai Hy và Chu Vĩnh Khang là những điển hình của các cuộc tranh
giành quyền lực cấp cao.
[13]Minxin
Pei: China’s Troubled
Bourbons.
[14]Ibid.
[15]Các
báo đài Trung Quốc đưa tin Việt Nam phái 6 tàu đâm vào tàu Trung Quốc khi giàn
khoan HD-981 neo tại “lãnh hải Trung Quốc”, thông báo rằng, từ ngày 2 đến ngày
8-5-2014, 36 tàu thuyền võ trang Việt Nam đã liên tục tấn công và đâm vào tàu
Trung Quốc 171 lần; ngoài ra, Việt Nam còn thả chướng ngại vật, lưới... nhằm
gây cản trở hành hải.
[16]Thuật
ngữ “chuỗi ngọc trai” là tên một kế hoạch triển khai an ninh hàng hải - quân sự
của Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên trong báo cáo mật mang tên “Tương lai của năng lượng châu Á”
được Mỹ đưa ra vào năm 2005. “Chuỗi ngọc trai” chỉ các căn cứ quân sự, cảng
biển của Trung Quốc nằm rải rác như những hạt ngọc trai, chạy theo tuyến đường
hàng hải trên biển bắt đầu từ đảo Hải Nam qua biển Đông, qua eo biển Malacca,
sang Ấn Độ Dương… đến tận châu Phi (Somali) và vùng vịnh Persian, đặc biệt là
các nước dọc vùng biển Ấn Độ Dương như Pakistan, Sri Lanka, Sudan…. giúp Trung
Quốc bành trướng trên mọi hướng biển.
[17]Trong
cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần thức nhất (1894-1895), Nhật đánh bại Trung
Hoa. Hiệp ước Shimonoseki đã buộc Trung Hoa nhường nhiều phần của Mãn
Châu và đảo Đài Loan cho Nhật Bản, Hiệp ước cũng thiết lập quyền
tối cao của Nhật Bản tại Trung Hoa trong 50 năm sau. Trong chiến tranh Trung –
Nhật (1937-1945), Trung Quốc đã không thể thắng Nhật Bản trên lục địa châu Á.
Người Nhật đã có mặt tại Trung Quốc , cướp đoạt và góp phần chia xẻ Trung Quốc
thành tô nhượng, nhượng địa.
[18]Nhật
tích cực xuất khẩu, viện trợ và giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á, xây dựng quan
hệ chính trị tốt đẹp với Myanmar (thông qua chiến lược dịch chuyển đầu tư từ
Trung Quốc sang và xóa nợ cho nước này, “đánh tập hậu” sân sau của Trung Quốc),
nhằm bao vây, cô lập Trung Quốc. Nhật viện trợ nhiều tỷ USD cho các nước châu
Phi dưới danh nghĩa “bảo đảm an ninh và chống khủng bố tại các nước châu Phi”,
nhưng thực chất phục vụ mục tiêu xây dựng quan hệ chính trị, đẩy bật Trung Quốc
ra khỏi nơi cung cấp dầu mỏ rất quan trọng cho nền kinh tế phát triển quá nóng
của Trung Quốc.
Nguồn: Theo Văn Hóa Nghệ An