16 février 2017

Nhớ cá



Đỗ Lai Thúy: "Nhưng tư thế làm chủ biển đã bị đe dọa, từ bám biển thời chống Mỹ được dùng trở lại như một vô thức ngôn ngữ. Rồi biển bị nhiễm độc. Ngư dân không ra khơi, vì cá đánh được không ai dám ăn. Biển không ai dám tắm. Suốt dải miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Nam Ngãi, người đánh cá đang mất dần nguồn sống. Dãy nhà hàng ven biển, khu nghỉ dưỡng, cơ sở nước mắm... vắng lặng."



Xưa Trung thu rước đèn cá, Tết đến dùng nước vôi vẽ cá ở sân nhà, cỗ Tết có món cá nướng phên, tranh cá chép ngóng trăng trên tường, trò chơi bắt chạch trong chum ở sân đình... Cá đi vào lời ăn tiếng nói. Nay, cá thành nỗi sợ?



Đồng


Tôi sinh ra ở một làng nửa chiêm nửa mùa ở châu thổ sông Hồng. Cánh đồng làng tôi như một con cá, đầu ghếch cạn, phần thân và đuôi vẫn còn dầm trong nước. Gặt hái xong vụ chiêm, mùa mưa tới, nửa cánh đồng biến thành một đầm nước mênh mông. Đây là nơi tôm cá sinh sôi nảy nở. Dân làng tôi từ đời này qua đời khác sống bằng và sống với con cá.

Khi tôi còn chưa nhận biết con cá, thì cá đã nuôi sống tôi qua từng bữa ăn với thành phần cơm - rau - cá. Đến khi biết đến cá, cá cho tôi không ít niềm vui. Những buổi lẽo đẽo theo các anh lớn đi câu, kéo vó, đặc biệt đi xem tát ao, tát chuôm, người người đứng trên bờ xem chờ đợi, bàn tán trêu chọc nhau, tiếng cười không ngớt. Rồi khi ao cạn nước, bắt xong cá, người chủ ao hô tháo khoán, mọi người, nhất là trẻ con, ùa xuống hôi cá. Cảnh tượng thật hội hè, với tiếng reo bắt được cá, bắt nhầm chân, tay nhau, niềm vui tiếp xúc với bùn, trát bùn vào người nhau. Tuy người chủ ao cố tình để sót ít cá cho người đi hôi để lấy may, nhưng dần dần hành động hôi cá trở thành niềm vui tự thân, không vì được cá hay không.

Cái mõ cá ở làng Đường Lâm. Ảnh: CTV




Năm 1955, một “tai nạn xã hội” đến với gia đình tôi, một chú bé 6 tuổi. Thế là từ kẻ chỉ đứng trên xem, tôi trở thành đứa trẻ lội xuống nước mò cua bắt cá để kiếm sống. Năm ấy đồng làng tôi nhiều tôm cá thế! Hoặc là trời thương đám con cái địa chủ đói cơm rách áo. Hoặc đơn giản chỉ vì những người chuyên đi bắt cá năm ấy ở nhà để hưởng “của đấu tranh”.

Nhớ những lần nước ngập đi câu cua. Lấy hơn chục cành tre làm cần, lạt giang làm dây, buộc xác nhái làm mồi, rồi thả xuống nước. Lúc sau lần lượt nhấc cần lên, cua xúm xít bấu quanh con nhái, chỉ việc gỡ ra cho vào giỏ. Rồi khi mùa Đông đến, cá chuối trốn rét vùi mình vào bùn ngủ. Chị em tôi ra đồng thật sớm, chân mò mẫm trong nước giá buốt, mắt tìm những xoáy nước do cá thở, rồi nhẹ nhàng đưa hai tay chộp bắt. Gặp chỗ nước sâu, phải vục mặt xuống nước để nhìn cho rõ. Trời lạnh làm cá tôm bị cóng. Lúc này đánh giậm hoặc đánh dủi cá không lồng chạy mất. Bởi thế, rét đến tím tái người nhưng tôi vẫn mong trời rét hơn nữa. Sau này nghĩ lại thấy mình, giống như hai em bé “nhặt lá bàng” của Nhất Linh. Nhưng bấy giờ chỉ thấy vui mà không thấy cực. Những chân ruộng mùa cũng là nơi cá sinh sống. Đặc biệt khi bông lúa uốn câu, đi trên bờ có thể nghe thấy những con rô nhảy lên đớp hạt. Đến khi gặt, cá dồn lại, chen chúc ở những vùng nước sót. Những người đàn bà gặt lúa, hay bọn trẻ chúng tôi, tranh nhau bắt cá, bị đuổi chạy đi rồi lại tụ lại.

Con cá cũng đã đi vào tâm thức của tôi. Trung thu được rước đèn cá. Tết đến dùng nước vôi vẽ cá ở sân nhà. Treo tranh cá chép ngóng trăng trên tường. Mâm cỗ Tết bao giờ cũng phải có cá nướng phên. Trò chơi bắt chạch trong chum ở sân đình, chơi xóc đĩa cua-cá. Rồi cá đi vào lời ăn tiếng nói. Dạy trẻ con phải biết trên biết dưới, người lớn nói: không được cá mè một lứa hoặc cá đối bằng đầu. Mô tả tình trạng hậu-mồ-côi: chết cha ăn cơm với cá/chết mẹ liếm lá ngoài chợ, rồi người được nhìn từ hệ quy chiếu cá: mắt đỏ hoe cá chày, mồm cá ngão, lưng tôm, ti hí mắt lươn, thân tôm phận tép..., hoặc im như cá, thế mà đình làng tôi lại có cái mõ cá kêu to (như mõ làng) mỗi ngày.


Biển


Cá đồng làng tôi hình như đủ cung cấp thức ăn cho làng. Hay vì quê tôi ở tận đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, nên trước tuổi thành niên tôi chưa hề biết đến cá biển. Hè 1967, hết đại học năm thứ nhất, tôi theo bạn từ nơi sơ tán Thanh Miện - Hải Dương đi bộ qua Quỳnh Côi - Thái Bình, nghỉ một đêm ở Đồng Quan, hôm sau mượn xe đạp xuống Thái Ninh xem biển. Lần đầu tiên biết mặt con mực, ăn được con cá biển, đêm mất ngủ vì sóng vỗ.

Khởi nguyên, sơn mài, kích thước 100x120cm, năm 2011. Tranh: Trần Trung Chính



Năm sau tôi lại theo một anh bạn khác, anh Hoành cán bộ đi học, về Quảng Bình quê anh. Bây giờ đi Đồng Hới quá đơn giản: lên xe giường nằm, ngủ một đêm là tới. Nhưng bấy giờ, mới ngừng chiến tranh phá hoại, đường xá, phương tiện giao thông không có, phải đi thành nhiều chặng. Từ Hà Nội vào Vinh đi tàu hỏa. Ở bến xe Vinh hai ngày chờ vé ô tô. Quốc lộ 1A không còn một cây cầu nào. Gặp mưa, nước sông dâng cao, ô tô không thể qua ngầm được. Đồng Hới ngày ấy là một đống đổ nát. Nhà thờ Tam Tòa chỉ còn một mảnh tường. Dân thị xã này đang lục tục kéo về từ nơi sơ tán. Không giống biển Thái Ninh đỏ phù sa sông Trà Lý, biển Quảng Bình nước xanh cát trắng, cá tôm nhiều vô kể. Tắm biển chán chê, anh Hoành bèn dẫn tôi đi thuyền qua Bảo Ninh thăm mẹ Suốt anh hùng chèo đò ở cửa sông Nhật Lệ. Rồi anh lại xin với cha anh, một ngư dân, cho tôi và anh theo đoàn thuyền đánh cá của anh hùng Hà Thị Khứu ra khơi. Về sau, trong cuộc đời làm lính và làm báo của mình, tôi đã được tắm biển, được ăn (đồ) biển ở nhiều nơi, kể cả Lý Sơn và Côn Đảo, nhưng không quên được những đầu tiên gặp biển.


Sợ


Những thập niên gần đây, trong bữa ăn cá biển dần thay thế cá đồng, đúng hơn cá đồng tự nhiên. Đồng làng tôi từ một vụ trở thành ba vụ. Cánh đồng ngập nước, đầm ao hồ biến mất. Cá hết nước để sống. Phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... làm cá dẫu có nước cũng không thể sống. Trẻ con người lớn làng tôi bây giờ không còn niềm vui đi câu, tát cá, kéo vó, đánh giậm, đánh dủi, cuốc chạch... Những câu đố liên quan đến cua cá và các hành động đánh bắt, dụng cụ đánh bắt không còn ai giải nổi. Con cá rô đồng thành món ăn đặc sản, mà đôi khi cũng chỉ là cá rô nuôi nhốt. Mỗi lần đi miền núi, tôi đều tranh thủ để ăn được-được ăn cá suối, hay ít ra cũng là nuôi một cách tự nhiên ở suối.

Trong hoàn cảnh khan hiếm cá nước ngọt sống tự nhiên, sự chuyển (khẩu) vị sang cá nước mặn là hợp lý với dân một nước có hơn ba nghìn cây số bờ biển với nhiều đảo, quần đảo và một thềm lục địa rộng lớn. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, mà tôi thuộc lòng từ thuở học sinh, cho thấy sự kết hợp lộng lẫy giữa thiên nhiên (trời, trăng sao, gió), con cá (nhụ, đé...) và con người, đặc biệt tư thế làm chủ biển của con người.

Nhưng tư thế làm chủ biển đã bị đe dọa, từ bám biển thời chống Mỹ được dùng trở lại như một vô thức ngôn ngữ. Rồi biển bị nhiễm độc. Ngư dân không ra khơi, vì cá đánh được không ai dám ăn. Biển không ai dám tắm. Suốt dải miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Nam Ngãi, người đánh cá đang mất dần nguồn sống. Dãy nhà hàng ven biển, khu nghỉ dưỡng, cơ sở nước mắm... vắng lặng.

Hè rồi tôi cùng vài nhà văn Huế vào “giao lưu” với Đại học Duy Tân - Đà Nẵng. Việc xong, nhà trường chiêu đãi ở một khách sạn loại sang. Mỗi mâm có một con cá diêu hồng cỡ bự. Nhưng không ai động đũa, dù anh Cơ hiệu trưởng cố công thuyết phục. Sợ nhiễm độc, đã trở thành một nếp hằn tâm lý. Vài tháng sau, tôi vào Hà Tĩnh ăn giỗ bên ngoại. Mọi năm đây là dịp để chúng tôi thưởng thức cá và các loại hải sản khác. Vậy mà năm nay xuống biển để ăn gà trang trại. Gắp miếng thịt gà, trong tôi bỗng nhiên nghẹn nỗi nhớ cá. Một nỗi nhớ từ xưa đến nay hẳn chưa từng có ở người Việt. Nhớ như nhớ một phần của mình nay bị mất. 


Đỗ Lai Thúy