Kỳ Duyên/VNN: "Ở con số 15 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói, Thanh
Hóa vẫn góp mặt- với 09 huyện và 15.400 hộ dân xin hỗ trợ 650 tấn gạo. Tiếng là tỉnh lớn, Thanh Hóa năm nào
cũng xin. Năm 2015, xin hỗ trợ gần 935 tấn gạo, năm 2014, xin hỗi trợ hơn 500
tấn.
Lạ nhất, vào
lúc còn chưa qua tháng Giêng âm lịch, gạo cứu đói trong bồ của người dân nghèo
Thanh Hóa có lẽ còn chưa hết, dư luận xã hội đã xôn xao vì thông tin Thanh Hóa
định xây công viên văn hóa hơn 2500 tỷ đồng."
Đồ án công viên 2000 tỷ được tỉnh Thanh Hoá trưng bày |
Ai dám bảo đảm dự án công viên “không lắt
nhắt” và “táo bạo”này sẽ thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ, thoát khỏi số phận các dự
án lãng phí tiền tỷ trước đó? Dù tham vọng của Thanh Hóa là không nhỏ- công
trình văn hóa lớn nhất cả nước và mang tầm thế kỷ?
1-Dư luận xã hội mới đây bỗng bất ngờ vì thông tin
trên các báo - 15 tỉnh xin nhà nước hỗ trợ 15000 tấn gạo cứu đói cho dân.
Không bất ngờ sao được. Bởi nếu là những năm
thời bao cấp, đất nước còn rất nghèo, thì việc các tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói,
cứ đến hẹn lại lên, cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng, đất nước đã qua 30 năm
đổi mới, từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, và Việt Nam, dù còn những
vấn đề phải bàn về chất lượng, giá cả, nhưng hạt gạo đã trở thành hàng hóa đứng
thứ nhì thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Thì việc một số tỉnh tuần chay nào
cũng có nước mắt - xin hỗ trợ gạo cứu đói cho dân- có gì đó thật khó… bình. Dù
vậy, cứu đói cho dân là việc không thể chậm trễ.
Ở con số 15 tỉnh đó, Thanh Hóa vẫn góp mặt- với
09 huyện và 15.400 hộ dân xin hỗ trợ 650 tấn gạo. Nói vẫn góp mặt là bởi, đã có
những tỉnh như Quảng Nam, phải hứng chịu hai đợt lũ muộn, Thừa Thiên- Huế, bị
mưa lũ liên tiếp, thậm chí là một trong 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự
cố môi trường biển, nhưng trước Tết Đinh Dậu mới đây đã không xin hỗ trợ gạo
cứu đói. Điều đó thể hiện sự cố gắng của tỉnh không…. ỉ lại vào nhà nước và
cộng đồng. Ngược lại, tiếng là tỉnh lớn, Thanh Hóa năm nào cũng xin. Năm 2015,
xin hỗ trợ gần 935 tấn gạo, năm 2014, xin hỗi trợ hơn 500 tấn.
Trong thực tế, ngân sách hàng năm thu được
khoảng trên dưới 11. 000 tỷ đồng, không biết có phải là bóc ngắn cắn dài không
nhưng mức chi thường xuyên của tỉnh thường trên 20.000 tỷ đồng. Thế nên, việc
tỉnh vẫn góp mặt trong danh sách xin hỗ trợ cứu đói cho dân, cũng không lạ.
Lạ nhất, vào lúc còn chưa qua tháng Giêng âm
lịch, gạo cứu đói trong bồ của người dân nghèo Thanh Hóa có lẽ còn chưa hết, dư
luận xã hội đã xôn xao vì thông tin Thanh Hóa định xây công viên văn hóa hơn
2500 tỷ đồng.
Theo báo GDVN, ngày 22/2, công viên văn hoá này
rộng 500.000 m2, dự kiến sẽ được xây dựng ở trung tâm thành phố với nhiều hạng
mục có quy mô lớn. Có 02 phương án xây dựng: 1) Công viên sẽ có các hạng mục
chính như khu đền thờ trăm họ, tháp vọng cảnh, đại đình làng Việt, khu dịch vụ
tập trung…Tổng mức đầu tư khoảng 2.361 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 713 tỷ
đồng, ngoài ngân sách 1.648 tỷ đồng). 2) Ngoài các hạng mục trên, có thêm quảng
trường và khu nhà điển hình các dân tộc thiểu số. Tổng mức đầu tư khoảng 2.520
tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 780 tỷ đồng, còn lại 1.740 tỷ đồng là ngân
sách xã hội hóa.
Thú thật, người viết bài này, đọc thông tin mà…
hoa cả mắt.
Ai đó có câu nói chí lý: Sự ấm no của người dân
chính là thước đo chuẩn xác nhất về sự thành công của một quốc gia. Chưa cần
một quốc gia, sự ấm no của người dân cũng chính là thước đo chuẩn xác nhất về
sự thành công của một địa phương. Với tiêu chí đó, Thanh Hóa chưa phải địa
phương… thành công lắm. Thậm chí ngược lại!
Đã vậy, để quảng bá cho dự án, ông Ngô Văn Tuấn,
Phó Chủ tịch tỉnh còn khẳng định một cách tự tin: Nếu công trình này được triển
khai và hoàn thành, nó sẽ là công viên văn hóa lớn nhất cả nước và mang tầm thế
kỷ. Vấn đề là mình phải táo bạo mới có công trình lớn, hoành tráng. Còn cứ làm
lắt nha lắt nhắt thì làm sao mà phát triển được? Và: Không phải vì dân nhận gạo
cứu trợ mà không đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Cái nào nó ra cái
đó, cái làm thì vẫn phải làm! (GDVN, ngày 23/2)
2-Công bằng mà nói, công viên văn hóa, với bất cứ
một quốc gia, đô thị, hay địa phương nào cũng là ý tưởng tốt. Bởi đó là không
gian thiên nhiên hòa trộn với văn hóa, mang bản sắc văn hóa địa danh đó, là nơi
để người dân thưởng ngoạn, sau những giờ lao động mệt nhọc. Và có thể còn có
sức quyến rũ du khách du lịch trong nước, nước ngoài.
Thế nhưng vừa xin hỗ trợ cứu đói cho dân, Thanh
Hóa đã đưa ra dự án công viên tới 2500 tỷ, khiến dư luận xã hội phản ứng. Vì
sao?
Vì con số 2500 tỷ đưa ra cho việc xây dựng
một công viên vui chơi, vào lúc vừa xin cứu đói, nó có phần… không phải “đạo”,
không phù hợp phép ứng xử, nhất là của một chính quyền ở một tỉnh dân đông, còn
gặp không ít khó khăn trong đời sống và phát triển kinh tế.
Vì đặt trong bối cảnh vấn nạn tham nhũng vẫn
ngang nhiên trông trời trông đất trông mây, mà một dự án hàng nghìn tỷ đồng,
thì chắc chắn, hoa hồng đến kỳ hoa hồng nở. Có ai dám khẳng định với dư luận xã
hội, là loại hoa hồng này không nở trên dự án, trên sắt thép, trong công viên
thì sắp tới?
Vì tư duy nhiệm kỳ- một kiểu “vấn nạn” khác,
khiến cho xã hội từ lâu hoài nghi sự “chính danh” của các dự án, theo kiểu muốn
ăn thì làm dự án mà ăn.
Và ở một góc độ khác, phải nói rằng, sự lãng phí
tài lực, vật lực tại các công trình của Thanh Hóa trong thì quá khứ, thì hiện
tại là cũng không “lắt nhắt” chút nào. Nó muôn mặt đời thường, ở đủ các lĩnh
vực.
Ví như mới đây, theo VnExpress, ngày 23/2, dự án
tái định cư hơn 300 tỷ đồng thi công ì ạch, do UBND tỉnh làm chủ đầu tư, sau 06
năm (phê duyệt năm 2010) vẫn dở dang. Nhiều hạng mục xuống cấp, cỏ dại mọc um
tùm biến thành bãi thả trâu bò, thậm chí còn là điểm tụ tập chích hút của dân
nghiện ma túy.
Ví như, các dự án công nghiệp như Dự án Cụm các
nhà máy máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc – Thanh Hóa
do thiếu vốn đầu tư, chất lượng công trình hoen rỉ, xuống cấp, kéo theo gần 26
ha đất nông nghiệp màu mỡ thu hồi đã bị bỏ hoang. Rồi 27 ha đất giải phóng mặt
bằng với chi phí đền bù lên hàng tỉ đồng, phục vụ dự án Khu biệt thự Hùng Sơn -
Nam Sầm Sơn do Công ty Cổ phần Văn Phú Invest thực hiện nay cũng thành đất
hoang (truyenhinhthanhhoa.vn, ngày 09/12/2016)
Trước đó, tháng 3/2016, báo Tài Nguyên Và Môi
trường đưa tin, hàng loạt chợ của toàn tỉnh Thanh Hóa như chợ Già (xã Hoằng
Kim), chợ Đức Sơn, xã Hoằng Đức (đều thuộc huyện Hoằng Hóa)…, đầu tư hơn 18 tỷ
đồng, nhưng đến nay vẫn đắp chiếu “ngủ… hoang”, gây lãng phí ngân sách nhà nước
và doanh nghiệp.
Cũng chẳng phải chỉ có các dự án chợ kinh doanh,
buôn bán, dự án sản xuất công nghiệp, hay tái định cư, mà ngay cả các công
trình thuộc Chương trình 135 của nhà nước cho các xã miền núi đặc biệt khó
khăn, cũng rơi vào tình trạng lãng phí. Theo Thanh niên, ngày 22/12/2015, từ
năm 2012 đến 2015, Thanh Hóa có 114 xã được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các
công trình hạ tầng theo CT 135, tổng số vốn lên tới hơn 550 tỉ đồng. Nhưng
không ít công trình khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng bị hư hỏng, hoặc không
sử dụng được, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Mà đó toàn là tiền tỷ, xét cho cùng, là tiền
thuế của dân.
Ai dám bảo đảm dự án công viên “không lắt nhắt”
và “táo bạo”này sẽ thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ, thoát khỏi số phận các dự án
lãng phí tiền tỷ trước đó ? Dù tham vọng của Thanh Hóa là không nhỏ- công trình
văn hóa lớn nhất cả nước và mang tầm thế kỷ?
Thanh Hóa có nên nhớ câu thành ngữ liệu cơm gắp
mắm?
Nếu không có “thực” (tài lực, vật lực, năng
lực), sao … vực được công viên?
Kỳ Duyên/VNN