Xuân Dương
(GDVN) - Chỉ một dự án đầu tư sang Venezuela đã ngốn 14,2% tổng dự trữ
ngoại hối quốc gia thời điểm năm 2010, phải chăng đây là cuộc chơi liều lĩnh
của một nhóm người?
Ngày 21/2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết
định số 213/QĐ-TTg (QĐ213) “Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019”.
Quyết định nêu rõ:
“Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém
của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi
phạm pháp luật, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu
tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà
nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy
định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong
việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh
nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.
Vì sao nhà nước đã có “Luật Đầu tư công” mà Thủ tướng còn phải ban hành quyết định
trong đó đặc biệt nhấn mạnh chuyện “Kiểm điểm và xử lý
trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu trong việc để
xảy ra các vi phạm…”?
Nhiều năm gần đây, đầu tư công luôn là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận không
nhỏ quan chức lợi dụng đục khoét ngân sách, vơ vét chia nhau những đồng tiền
thuế người dân chắt chiu đóng góp.
Có thể nêu một số dẫn chứng, chẳng hạn vụ mua bán ụ nổi 83M tại Vinalines, vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, vụ nhà máy gang thép Thái Nguyên đầu tư tới hơn 8.000 tỉ
đồng nhưng nay đang dần biến thành đống sắt gỉ,...
|
Một trong những vụ việc được dư luận quan tâm là việc Tổng công ty khai
thác thăm dò dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực
hiện liên doanh với đối tác là Tổng công ty dầu khí Venezuela (thành viên của
Công ty dầu khí quốc gia Venezuela) tại mỏ dầu Junin 2 và các dự án tại một số
quốc gia khác.
Xin tóm lược một số thông tin mà báo chí đề cập về vụ việc tại mỏ dầu Junin
2.
Thứ nhất là ý kiến cho rằng
các cơ quan thuộc Chính phủ đã vượt quá thẩm quyền, không trình Quốc hội phê
duyệt trong việc thực hiện hợp đồng, cụ thể là bài báo:
“PVN 'ném' nghìn tỉ tại Venezuela: Ép bộ trưởng ký, 'phớt lờ' báo cáo Quốc
hội” đăng trên Thanhnien.vn ngày 15/3/2019.
Thứ hai là thông tin từ tháng
11/2008, “Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có cuộc họp
thẩm định báo cáo việc đầu tư này với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và
có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỷ USD”. [1]
Sau đó “Với tư cách cơ quan thẩm tra hồ sơ xin cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch
& Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem
xét đặc cách với dự án để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên trả lời bằng văn bản sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã
"bác" đề xuất này và “Yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Uỷ ban làm rõ phần vốn
nhà nước góp vào dự án.
Trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà
nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư”. [1]
Vậy điều gì đã xảy ra sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?
“Báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ gửi
cơ quan thường trực Quốc hội dự án Junin 2, cơ cấu phần vốn góp Nhà nước tại dự
án được thay đổi.
Phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN
giảm từ 956 triệu USD dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn
29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa dự án đầu tư không
còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư
(dự án có mức góp vốn 30% trở lên)”. [1]
Đến tháng 6/2010 dự án chính thức động thổ, tổng nhu cầu vốn phía Việt Nam
phải đóng góp trong dự án tăng thành 1,825 tỉ USD trong đó có một khoản hết sức
phi lý mà phía Việt Nam phải thực hiện, đó là "phí tham gia" (bonus)
hay còn gọi là “phí hoa hồng”.
Theo đó Việt Nam phải trả cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt chia
làm ba đợt, đợt đầu 300 triệu, hai đợt còn lại mỗi đợt 142 triệu USD. [1]
Đến năm 2013 sau khi đã nộp 442 triệu USD tiền "phí tham gia", 90
triệu USD tiền góp vốn, tổng cộng là 532 triệu USD, ban lãnh đạo mới của PVN đã
phải quyết định đơn phương không thực hiện cam kết nộp số tiền “phí tham gia”
còn lại (142 triệu USD).
Một tờ báo viết: “PVN mất trắng hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela”. [2]
Cũng trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN và PVEP tạm dừng việc
khai thác thử tại mỏ Junin 2 để tiến hành công tác nghiên cứu đánh giá lại toàn
bộ dự án, đàm phán với nước chủ nhà về các điều khoản của hợp đồng.
PVEP cho biết sẽ tiếp tục dự án khi các vấn đề liên quan được làm rõ, đặc
biệt phải đảm bảo tránh được các rủi ro về tỉ giá, lạm phát của nước sở tại.
[3]
Với tình hình chính trị không ổn định kéo dài nhiều năm cho đến nay tại
Venezuela, liệu bao giờ PVEP sẽ tiếp tục dự án và giả sử tiếp tục thì lãi thu
được có đủ hoàn lại các khoản đã “mất trắng”?
Nếu thông tin đăng tải trong bài “Dự án tỷ đô sa lầy của PVN ở Venezuela”
[1] là chính xác, có thể thấy đã có vượt qua rào chắn pháp lý trong Nghị quyết
số 66/2006/NQ-QH11 (NQ66) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ban hành ngày
29/6/2006) và Nghị quyết 49/2010/QH12 (NQ49) (ban hành năm 2010).
Theo NQ66 “Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết
định chủ trương đầu tư với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỷ
đồng Việt Nam trở lên, đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần
trăm vốn nhà nước trở lên”.
Và như vậy, ý kiến cho rằng cơ quan chức năng “phớt lờ báo cáo Quốc hội” là hoàn toàn có cơ sở, và phải xem
xét trách nhiệm của PVN, của PVEP hay cấp nào khác? .
Có hai lý do để dẫn tới kết luận này:
Thứ nhất, ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đã bị bác và Ủy ban đã yêu cầu “Chính phủ có tờ trình
chính thức gửi Uỷ ban”.
Thứ hai, theo NQ66 “Chính phủ trình Quốc
hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư” chứ không phải
cấp thấp hơn là các bộ, ngành, tập đoàn hay tổng công ty nhà nước.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật do
Quốc hội ban hành và có hiệu lực tương đương như luật.
Vi phạm các quy định trong Nghị quyết này là hành vi vi phạm pháp luật.
Những gì báo chí phát hiện liệu có cho thấy sự bất cập trong điều hành kinh
tế vĩ mô, sự chưa hoàn thiện cơ cấu kiểm soát quyền lực và những hạn chế của
thể chế kinh tế, chính trị?
Chính phủ là cơ quan hành pháp nghĩa là phải tuân thủ các quy định của pháp
luật.
Nói theo ngôn ngữ của ngành luật, Chính phủ chỉ được phép làm những gì mà
luật pháp cho phép, còn người dân thì được phép làm những gì mà pháp luật không
cấm.
Tại thời điểm năm 2010, khi PVN ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela,
một đô la Mỹ tương đương 19.500 đồng.
Số liệu mà báo Thanhnien.vn nêu trong bài báo “Điều tra vụ PVN 'mất trắng'
hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela” đăng ngày 14/3/2019 cho thấy dự án mà PVN thực
hiện có tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1,825 tỉ USD.
Số tiền này tương đương khoảng 36.000 tỷ đồng, gấp khoảng 1,8 lần so với
quy định của Quốc hội (20.000 tỷ).
Số liệu trong Thống kê tài chính
quốc tế của IMF, WB và Báo cáo nợ nước ngoài số 7 - Bộ Tài chính cho thấy dự trữ ngoại
hối quốc gia cuối năm 2010 khoảng 12,86 tỷ USD và nợ nước ngoài ngắn hạn là
6,95 tỷ USD. [4]
Chỉ một dự án đầu tư của PVN (1,825 tỷ USD) sang Venezuela đã ngốn 14,2%
tổng dự trữ ngoại hối quốc gia tại thời điểm năm 2010, phải chăng đây là cuộc
chơi liều lĩnh của một nhóm người chứ không phải là cách thức đầu tư có tính
toán của Chính phủ?
Và phải chăng đây cũng là một cách thể hiện quyền lực vượt trên pháp luật?
Chỉ đến khi khả năng mất trắng số tiền nghìn tỷ bị phát hiện thì vụ việc
mới được các cơ quan bảo vệ pháp luật và truyền thông đề cập, vậy phải chăng đã
có “tác động” thế nào đó để các cơ quan hữu quan trong đó có Thanh tra Chính
phủ, Kiểm toán Nhà nước,… án binh bất động?
Năm 2010 cả nước xuất khẩu 6,88 triệu tấn gạo thu được 3,23 tỉ đô la Mỹ.
Số tiền 532 triệu USD đã giao cho phía Venezuela (mà báo chí nói là mất
trắng) gần bằng 1/6 tống số tiền bán gạo.
Để có chừng ấy tiền bao nhiêu triệu nông dân trồng lúa phải lao động cật
lực cả năm?
(Còn nữa)
Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/GDVN/Chi-sau-chua-moi-dam-va-vuot-mat-Quoc-hoi-nem-chuc-ngan-ti-ra-ngoai-nhu-the-post196611.gd