Văn Quang
Trong bài
trước tôi đã tường thuật với bạn đọc về những cái độc lạ lùng ở Việt Nam. Trước hết là chuyện ung thư, một
thứ bệnh hết thuốc chữa. Không phải do “trời đất” hại ta mà do chính con người
hại nhau.
Đến hôm nay
khi đọc tin về huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình, hằng ngày những người dân sống
gần khu công nghiệp Cầu Nghìn vẫn đang phải chịu đựng những đợt tiếng ồn khủng
khiếp cùng khói bụi và mùi khét độc hại do nhà máy thép Shengli gây ra. Người
dân tổ 12 thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) quanh năm sống thiếu ánh sáng bởi phải
đóng kín cửa nhà, dùng vải che chắn nhiều lớp bên ngoài để tránh khói bụi từ 98
lò vôi.
Tôi rất ngạc
nhiên vì cái tin này, tôi là dân huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình đời sống xưa
kia rất bình yên, kể cả thời Pháp thuộc đến đời Mỹ tràn vào VN rồi Nhật cũng
tràn sang, dân Quỳnh Phụ vẫn sống yên ổn làm ăn. Thật ra Quỳnh Phụ là tên sát
nhập hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực. Dân Quỳnh Côi của tôi vẫn nằm riêng một
góc trời.
Thị trấn An
Bài có dòng sông được tách ra từ sông Luộc tại địa phận xã An Khê, Quỳnh Phụ,
Thái Bình chảy theo hướng Đông Nam, đến địa phận xã Thụy Ninh, Thái Thụy, Thái
Bình sông đổi hướng chảy ngoằn ngoèo theo hướng Tây Đông và hợp lưu với sông
Thái Bình tại địa phận xã Thụy Tân (Thái Thụy) cách cửa Thái Bình khoảng 7 km
về hướng Đông Bắc.
Sông có tổng
chiều dài khoảng 35 km, đi qua các địa phương như huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy và
Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Làm ranh giới tự nhiên giữa Thái Bình và Hải Phòng.
Hai cột khói cao này ngày cũng như đêm, xả là thứ khói màu vàng chứa mạt sắt và vô số chất độc hại mà người dân nơi đây gọi nó là “thứ khí giết người”! |
Ông Phạm Đức
Thuận, Chủ tịch UBND thị xã An Bài cho biết, tổ dân phố 12 có chưa đến 50 gia
đình dân nhưng có tới 98 lò nung vôi vây quanh. Từ 2012 trở lại đây, người dân
đua nhau xây dựng lò sản xuất vôi để bán sang Đài Loan, Nam Hàn. Nhiều lò được
cấp giấy phép nhưng không ít lò xây chui, việc đốt lò bằng than khiến môi
trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Ký ức vể con
phố nhỏ và “bánh dò đất”
Tôi chỉ còn
nhớ hồi còn nhỏ tôi sống ở Phố Bến Hiệp thuộc huyện Quỳnh Côi, nằm ngay cạnh
con sông Luộc. Con sông có bến tàu Thủy, mỗi ngày có vài chuyến tàu từ Hải
Phòng đi qua thường ghé lại hai cái cầu tàu bằng gỗ trả khách và đón khách. Dân
Bến Hiệp của tôi lại nổi danh vì “bánh dò đất” vì nhằm gần đến giờ tàu chạy,
mấy chú thanh niên lêu lổng giả là dân bán bánh dò, nhưng bên trong chỉ có nhân
đất, khách thấy bánh dò to và mới hơn nên mua để ăn hay để dành, nhưng đến lúc
mở gói lá bánh dò ra chỉ thấy toàn đất, mấy chú bán bánh dò đất nhảy tòm xuống
sông bơi vào bờ rồi. Dân Bến Hiệp mang tiếng oan vì bánh dò ở đấy rất nổi tiếng
thơm ngon, nhất là bánh dò nhà bà Khán Cờ, chiều chiều vẫn rao bán trong làng
Hiệp rất nhiều người mua.
Nhưng chuyện
tôi nhớ nhất là chuyện tôi cùng mấy thằng bạn sống ven sông, chiều chiều vẫn rủ
nhau ra sông Luộc thi nhau bơi qua dòng sông lớn nước chảy cuồn cuộn. Đến mùa
nước lớn có xác chết trôi nổi lờ đờ theo dòng sông, thường là các lính Mỹ, lính
Nhật từ xa trôi về, có vài cái xác còn trắng hếu, có cái xác trương phình đen
xì vì phơi nắng nhiều ngày giữa sông. Chúng tôi sợ nhưng vẫn cố nghiến răng
nhắm mắt bơi qua. Sang đến bờ bên kia thuộc tỉnh Hải Dương rồi. Bên đó ven sông
là cát bồi, dân trồng bắp (hay còn gọi là ngô), chỉ vài tháng là bắp cao ngập
đầu người.
Lấy cớ rằng
bắp Hải Dương ngon hơn bắp Thái Bình, chúng tôi bơi sang ăn trộm bắp bằng cách
buộc túm hai cái ống quần lại quàng vào cổ, lấy trộm bắp cho vào ống quần. Đi
một đoạn xa lên đầu dòng nước chảy xuôi thả cho nó trôi về bờ nhà khỏi mất công
bơi. Nhưng còn nghịch láo hơn là đứng chửi thằng gác ruộng bắp cho đến khi nó
vác gậy đuổi mới chịu nhảy xuống sông bơi về bờ bên nhà.
Đám gác
ruộng chẳng bao giờ nhảy sông đuổi theo chúng tôi có lẽ vì họ sợ bên bờ Thái
Bình có nhiều thanh niên giỏi võ hơn nhất là thanh niên xóm “nhảy tàu” họ đã
từng thấy nhiều lần đứng bên bờ Hải Dương nhìn sang. Đến bây giờ tôi còn nhớ
mặt mấy thằng bạn ở bến tàu, thằng nào cũng cao to nhưng bỏ học sớm theo bố làm
việc ở bến tàu. Sau bao năm chiến tranh tôi chẳng còn gặp mặt thằng nào. Chúng
nó ở lại miền Bắc chắc lại vào “bộ đội sinh bắc tử nam” hết rồi.
Cầu Hiệp bắc qua sông Luộc sang tỉnh Hải Dương. |
Nhớ thời đạp
xe đi học
Hai lần từ
Saigon về thăm quê với anh em trong toà soạn báo Văn Nghệ Úc, tôi đi qua phố
Bến Hiệp xưa chỉ còn lại một dãy nhà tranh, những đống gạch của dãy phố được
lệnh “tiêu thổ kháng chiến” vẫn còn ngổn ngang trong đó có cả ngôi nhà hai tầng
của nhà tôi gạch vữa đã xám đen xám đỏ rất tang thương.
Chỉ có một
cây cầu rất “hoành tráng” bắc ngang qua sông luộc, nghe nói do ông Hòang Trung
Hải vận động với tỉnh Hải Dương góp vốn xây dựng. Ông Hoàng Trung Hải hồi xưa ở
gần nhà tôi và cũng ở sát bờ sông Luộc gần trại lính Tây. Tôi chỉ biết bố mẹ
ông chứ khi đó ông chưa ra đời. Bây giờ đứng trên cây cầu tôi bồi hồi nhớ lại
thuở ấu thơ của mình hồi chưa có cây cầu.
Mỗi sáng tôi
ở Phố Bến Hiệp đạp xe đạp đi lên trường huyện học, trời gió rét căm căm, tôi
quấn khăn phô la, mặc áo “va rơi dạ” đạp xe ra đường chưa một bóng người. Qua
hành bánh rán của bà Việt vợ ông Tàu ngồi núp ở giữa hai hiên nhà đang rán bánh
trong chiếc chảo nóng, tôi chui vào ăn vài cái cho đủ sức đạp xe. Chưa có cái
bánh nào ngon hơn bánh rán buổi sáng như thế.
Mẹ tôi biết
tôi hay ăn bánh rán của bà này nên bảo cứ bán chịu cho tôi cũng được, bà này
lại là người mướn tiền của mẹ tôi trả lãi hàng tháng. Có tháng tôi ăn chịu hết
luôn nửa tháng lời, mẹ tôi chỉ cười mắng yêu “có sức thì ăn nữa đi, ăn nhiều
vào, cuối năm mẹ cưới vợ cho.” Quả thực hồi mới lớn tôi để ý đến một cô hàng
xóm ở trước nhà. Cô bằng tuổi tôi nhưng là dân Hà Đông lập nghiệp ở phố tôi lâu
rồi, dân Hà Đông có tiếng là dân buôn bán nên cô có gánh hàng xén mỗi sáng quẩy
hai cái bồ nhỏ đến chợ bày đủ thứ ra bán. Cô bé rất xinh, hàm răng đều trắng
bóng, thỉnh thoảng cũng liếc nhìn tôi rất nhanh rồi đỏ mặt quay đi.
Hồi đó phố
tôi lập ra Đoàn Thiếu Niên Xung Phong và Thiếu Nữ Xung Phong. Mà thật ra có
xung phong quái gì đâu, chỉ xung phong ăn là nhanh nhất. Tôi là trưởng đoàn
Thiếu Niên Xung Phong, nàng là trưởng đoàn thiếu nữ xung phong. Thỉnh thoảng
được các đàn anh cho đi diễn kịch lại lôi nhau ra cái trụ sở bé tẹo để tập
kịch. Tập kịch thì ít tập buôn chuyện thì nhiều, chuyện gì cũng biết từ chuyện
nhà ông này mất gà đến chuyện bà kia thua bạc bị chồng đánh…
Cầu Nghìn ở Quỳnh Phụ. |
Rồi chiến
tranh xảy ra, dân Bến Hiệp cũng như dân Thái Bình nháo nhào chạy loạn. Nhìn lại
trên bờ đê vẫn còn thấy mấy anh lính Tây cặp súng kè kè nhìn dân chạy loạn. Rồi
họ lập một cái đồn lính trên phố tôi dân gọi là “bóp lính Tây,” chỉ có chừng
một trung đội bảo an ở đồn này thôi, thỉnh thoảng họ chui vào làng tôi (lúc đó
gọi là làng Tề) lùng sục gái. Có một anh du kích đặt mìn ở ngã ba đình, núp sau
bui tre nhà bà cả Song lối đi sang nhà tôi, đợi lính Tây đi qua kéo sợi dây
giấu dưới mặt nước, giật quả mìn nổ tung làm mấy anh lính lăn quay ra chết.
Nhưng rồi không hiểu bọn Tây có chỉ điểm thế nào mà anh du kích giật mìn bị
chúng nó vây bắt ngay tại nhà, đó là anh Dự trước làm cho nhà tôi từ hồi còn bé
sau làm tá điền, được nhà tôi cho manh đất làm nhà và cưới vợ. Anh tham gia du
kích bao giờ tôi không biết, bỏ lại ngôi nhà tranh và cô vợ mới cưới.
Chiến tranh
qua đi, tôi ra thành phố đi dạy học rồi khi chia đôi đất nước, tôi chạy vào
miền Nam. Nửa thế kỷ trôi qua cứ đinh ninh mình là người Sài Gòn, hầu như quên
mất quê mình ở đâu.
Đến hôm nay
chỉ đọc tin trên vài tờ báo, quê hương lại hằn lên rõ từng nét một. Nửa thế kỷ
trôi qua, tôi tưởng dân Quỳnh Phụ của tôi đã “tiến bộ” hơn rất nhiều, đời sống
phong phú hơn nhưng mọi thứ lại khác.
Người dân thường xuyên đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà. |
Sau nửa thế
kỷ dân Quỳnh Phụ được hưởng những gì?
Mới đây, một
lá đơn dài hai trang được cho là của một người dân sống tại Thị trấn An Bài,
huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được đăng tải trên các diễn đàn của tỉnh Thái
Bình đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, đồng tình của rất nhiều bạn đọc.
Lá đơn được
viết với nội dung kêu cứu vì ô nhiễm của Công ty thép đặc biệt Shengli Việt Nam
gây ra cho khu vực này.
Nội dung lá
đơn này cũng nêu rõ: Ngày ngày trên dòng sông Hóa xuất hiện rất nhiều những con
tàu chở phế liệu; Trên đường đầu Cầu Nghìn hàng mấy trăm chuyến xe tải trọng
tải nặng gầm rú, bụi mù. Trong nhà máy lò nấu phế liệu lửa bốc hùn hụt, bụi,
nhiệt độ tỏa ra như muốn thiêu chết mọi người. Khí thải xả ra vô tội vạ, lúc xả
sáng, lúc xả trưa, lúc xả chiều. Khí lúc vàng nhạt, lúc đen xì bốc ra cuồn
cuộn, bay như mây ở trận cuồng phong, hạt rụng xuống, hạt bay xa cách 3-4 cây
số. Ngồi trong nhà cũng phải bịt khăn chống bụi.
Người dân
chúng tôi bị ảnh hưởng từ lâu về không khí, nguồn nước sinh hoạt do mạt sắt .
Nguy hiểm hơn, gần nhà máy là bệnh viện và gần 4 ngàn học sinh các cấp bị ảnh
hưởng trực tiếp, sự nguy hiểm tiềm ẩn với môi trường và con người của nhà máy
thép Shengli được nêu rõ trong lá đơn kêu cứu.
Cũng theo lá
đơn này, mặc dù đã nhiều năm người dân phải sống trong cảnh khói bụi, ô nhiễm,
tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm nhưng không có một cơ quan chức năng nào vào
cuộc?
Công ty TNHH thép đặc biệt Shengli Việt Nam.
|
Ông Phạm Đức
Thuận - chủ tịch thị trấn An Bài cho biết, một năm có ít nhất 4 lần tổ chức
tiếp xúc cử tri, tại những buổi này người dân có nêu lên ý kiến, đề ghị UBND
thị trấn phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động của
nhà máy thép Shengli để đảm bảo được môi trường sống cho người dân.
Theo ông
Thuận, nhà Máy thép Shengli được chính phủ, UBND tỉnh cấp phép đầu tư vào khu
công nghiệp Cầu Nghìn, cấp phép từ năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động từ
năm 2008. Từ khi công ty này hoạt động đều được các cấp thẩm định, đủ điều kiện
để đầu tư.
“Người dân
nơi đây từ lâu đã quen với khí hậu trong lành, yên ả, nên việc nhà máy thép
hoạt động gây ô nhiễm khiến người dân vô cùng bức xúc. Nhất là trong những lần
nhà máy bị vỡ lò hơi, khói và mùi thải ra ngoài rất khó chịu.”
Rõ ràng quan
bỏ mặc dân, càng văn minh, quan càng lì lợm, ông Phạm Đức Thuận đã chỉ rõ tội
phạm chính là Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh cấp giấy phép đầu tư vào khu công nghiệp Cầu
Nghìn, cấp phép từ năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008. Từ khi
công ty này hoạt động đều được các cấp thẩm định, đủ điều kiện để đầu tư. Công
ty thép đặc biệt Shengli Việt Nam là doanh nghiệp thép quy mô lớn 100% vốn đầu
tư Trung Quốc do Công ty đầu tư phát triển Shengli (Phúc Kiến) cùng với tập
đoàn xuất nhập khẩu khoáng sản ngũ kim tỉnh Quảng Đông cùng nhau đầu tư thành
lập.
Thì ra huyện
Quỳnh Phụ của tôi nửa thế kỷ nay, ngày càng văn minh vì các quan học tập được
thói quên thằng dân, bắt tay với mấy chú Tàu cho xây dựng triền miên toàn những
nhà máy nguy hiểm chết người. Đây không phải chuyện lạ, mấy ông quan bán mọi
thứ cho Tàu từ nông sản, thực phẩm đến bán nhà bán đất của dân cho Tàu.
Tôi tưởng
chuyện này quá dễ để tìm ra thủ phạm, cứ lôi mấy ông trong Hội Đồng Nhân Dân
tỉnh ra “hỏi thăm sức khỏe” đồng thời điều tra tài sản có ý kiến của nhân dân
là lòi ra ngay. Đến bao giờ Ủy Ban Điều Tra mới làm đây? Không làm thì mất nước
là chuyện tất phải xảy ra.
Văn Quang
(Sài Gòn 13.02.2017)
Nguồn: Theo Khai Dân Trí