Phạm Chi Lan
(TBKTSG) - Điều tôi tiếc nhất là trong 10 năm gia nhập Tổ chức Thương
mại thế giới (WTO) chúng ta đã phần nào khai thác được cơ hội từ hội nhập
vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội cải cách để phát triển
kinh tế theo hướng thị trường hơn, hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn, công bằng
và bền vững hơn.
Hai lĩnh vực nước ta tương đối thành công khi tham gia WTO là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Kho ngoại quan cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: MAI LƯƠNG |
Nhìn lại 10 năm qua, có thể thấy hai lĩnh vực nước ta tương đối thành công khi tham gia WTO là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực khác về kinh tế, chúng ta không đạt được kết quả mong muốn.
Về nhập khẩu, mức độ tăng nhập
khẩu đã vọt lên, cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu, khiến cho một mặt
nhập siêu tăng cao, mặt khác nhiều ngành hàng công nghiệp, nông nghiệp,
dịch vụ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh rất nặng
nề trước sự lấn sân trên thị trường trong nước của hàng ngoại.
Về dòng vốn, trong khi vốn đầu
tư từ bên ngoài tăng mạnh và các dòng vốn từ trong nước cũng tăng lên,
chúng ta lại không trung hòa và lái được những dòng vốn đó vào đầu tư phát
triển những ngành căn cơ cho nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch
vụ, kết cấu hạ tầng... mà lại để chúng đổ dồn quá nhiều vào những hoạt động
mang tính đầu cơ trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán,
góp phần đẩy lạm phát và lãi suất tín dụng lên cao, gây bất ổn kinh tế vĩ
mô và những khó khăn lớn cho đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân và
dân cư.
Về phát triển doanh nghiệp, cạnh
tranh và thị trường rộng mở hơn đã giúp nhiều doanh nghiệp trong nước
trưởng thành lên và phát triển tốt hơn, song môi trường kinh doanh chưa
bằng phẳng lại khiến phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa bị chèn ép quá mức,
đến nỗi không những không lớn lên được mà còn teo tóp đi.
Ngay trong hai lĩnh vực tương
đối thành công là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, cũng có không ít
vấn đề, như cơ cấu xuất khẩu nặng về hàng nguyên liệu thô và gia công, giá
trị gia tăng thấp, phụ thuộc nặng vào một số ít thị trường; đầu tư nước
ngoài chủ yếu khai thác cơ hội thị trường trong nước và xuất khẩu dựa trên
lao động giá rẻ, tài nguyên, ưu đãi thuế, gần như không chuyển giao công
nghệ và rất ít kết nối với doanh nghiệp trong nước...
Những vấn đề nêu trên không phải
do bản thân WTO gây ra, mà đều có nguyên nhân chính là nội lực của ta yếu,
và chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội cải cách theo yêu cầu từ bên trong và việc tham
gia WTO để phát triển kinh tế theo hướng thị trường hơn, hiệu quả hơn, cạnh
tranh hơn, công bằng và bền vững hơn.
Trong 5-6 năm trước khi tham gia
WTO, chúng ta đã có những cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, với
hàng loạt đạo luật mới, quan trọng được ban hành hoặc sửa đổi, dựa trên
những nguyên tắc và quy định cơ bản của WTO. Cuộc cải cách hành chính cũng
được khởi xướng và bước đầu thực hiện, nhằm nâng năng lực quản lý nhà nước
ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Nhờ đó nền kinh tế đã vượt qua những
khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực và những cải cách từ
đầu đổi mới đã tới giới hạn (như các chính sách đối với khu vực tư nhân
trong nước, thuế, thương mại, đất đai, tín dụng, chính sách cạnh tranh...),
khai thác tốt cơ hội từ hiệp định thương mại song phương với Mỹ, tăng
trưởng khá cao và ổn định, tạo nền tảng cho nước ta gia nhập WTO. Chúng ta
đã kỳ vọng tham gia WTO tạo thêm động lực, áp lực và nguồn lực mới để cải
cách mạnh hơn, đạt kết quả cao hơn trong việc hình thành thể chế kinh tế
thị trường đầy đủ ở nước ta.
Tiếc rằng sau khi tham gia WTO,
chúng ta không tiếp tục thực hiện tốt những cải cách thể chế đã có, cũng
không tận dụng được những cam kết với WTO để thúc đẩy cải cách, đặc biệt
trong những lĩnh vực quan trọng như doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đầu tư
công, hình thành các thị trường nhân tố như vốn, đất đai, lao động, công
nghệ... hay phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng nâng cao
năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
Ví dụ như với DNNN, thay vì thực
hiện ba cam kết với WTO, chúng ta lại thúc đẩy hình thành một loạt tập đoàn
kinh tế và DNNN quy mô lớn, dồn các nguồn lực và cơ hội kinh doanh vào đây,
biến một số trong đó thành nơi ẩn náu để né tránh cổ phần hóa và tạo điều
kiện hình thành hàng loạt doanh nghiệp tư nhân “sân sau”. Khi cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, chúng ta lại ứng phó bằng cách
đổ ra một gói kích cầu quá lớn và tăng đầu tư của Nhà nước và DNNN. Mong
muốn đạt tốc độ tăng trưởng cao và quy mô lớn trong một số lĩnh vực đã dẫn
tới những hậu quả mang tên Vinashin, những dự án lớn trong các lĩnh vực
thép, lọc dầu, bất động sản... trong đó vẫn gắn với cơ chế xin - cho, ưu
đãi, bảo hộ... chứ không dựa theo các nguyên tắc cạnh tranh, phân bổ nguồn
lực hiệu quả theo tín hiệu thị trường. Do vậy, cơ chế kinh tế vẫn mang nặng
tính xin - cho, môi trường kinh doanh trong nước dù có cởi mở hơn cũng vẫn
thiếu minh bạch, bình đẳng, tạo cơ sở cho các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu
lớn nhỏ hình thành, gây nên những méo mó trong cơ cấu nhiều mặt.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thực
tế đã tăng lên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra cuối năm
2008. Vài năm gần đây, xu hướng khu vực hóa với các hiệp định thương mại tự
do (FTA) tăng lên để các nước liên quan giải tỏa phần nào những tắc nghẽn
trong các vòng đàm phán của WTO. Giờ đây Tổng thống Mỹ Donald Trump và một
số nước theo xu hướng dân túy đang kích hoạt xu hướng bảo hộ mậu dịch mới.
Thực tế này chắc chắn làm cho hành trình mở cửa, hội nhập của Việt Nam khó
khăn hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất
quyết định khả năng hội nhập và sự phát triển của nước ta về lâu về dài vẫn
là nội lực. Không có nội lực mạnh, thì hội nhập cũng không thể thành công
như mong muốn. Trên thế giới này, chẳng có nước nào phát triển được chỉ
bằng sức mạnh từ bên ngoài, bởi lẽ sức mạnh từ bên ngoài có thể giúp tăng
trưởng, nhưng lại đẩy vào vị thế phụ thuộc, và không thể có phát triển đúng
nghĩa.
Nội lực ở nước ta, như suốt 30
năm đổi mới và 10 năm tham gia WTO cho thấy, chỉ có thể tăng cường một cách
bền vững bằng cách thực hiện cuộc cải cách thể chế tối cần thiết bên trong
nền kinh tế của mình. Vì vậy, sau 30 năm đổi mới và 10 năm tham gia WTO,
chúng ta lại đang khát khao một cuộc đổi mới lần thứ hai để đưa đất nước đi
lên trong những năm tới.
Nguồn: Theo Thời báo Saigon